Nhạc sỹ Phạm Duy: "Trái tim tôi không có tuổi"

24/01/2009 20:05 GMT+7 | Văn hoá

Ở gần tuổi 90, nhạc sỹ Phạm Duy vẫn giữ được nét hào hoa của người Hà Nội xưa. Mái tóc trắng như cước, giọng nói đầy truyền cảm, ông mang đến cho người đối diện cảm giác ấm áp, chân tình…

* Thưa nhạc sỹ Phạm Duy, khi có tuổi, con người thường mong muốn quây quần bên con cháu, còn nhạc sỹ, ở độ tuổi này lại về Việt Nam khi con cháu vẫn đang sống ở Mỹ, ông không sợ mình cô đơn sao?

Về Việt Nam tôi sống với con trai Duy Cường tại Sài Gòn, tôi cũng cô đơn chứ, nhưng trở về quê hương là mục đích cuối cùng; cuộc sống, khi anh có được cái này, thì phải mất cái kia. Trước kia, tôi nghĩ có gia đình còn quan trọng hơn có quê hương, còn giờ đây, có quê hương còn quan trọng hơn có gia đình. Tôi lấp những khoảng trống hàng ngày và liên lạc với mọi người qua email, mỗi ngày tôi nhận được cả trăm tin nhắn, tôi thấy hạnh phúc vì được chia sẻ. Còn sự cô đơn, có bao giờ tôi thấy hết cô đơn bởi tôi không bao giờ hài lòng cả, mà tôi cũng không có ý nghĩ trốn chạy sự cô đơn, với tôi sự cô đơn rất đáng quý với người nghệ sỹ sáng tác.

Nhạc sỹ Phạm Duy đã gần 90 tuổi, nhưng ông trông vẫn giữ được nét hào hoa của người Hà Nội xưa

* Giờ đây âm nhạc Việt Nam đã thay đổi rất nhiều, cảm nhận của nhạc sỹ thế nào về thị trường âm nhạc hiện nay?

Chắc chắn là phải hơn trước kia rồi, khi tôi ra đi, ca sỹ ở Việt Nam chỉ có vài người, và giờ đây là cả một lực lượng hùng hậu. Đời sống âm nhạc cũng rất phát triển, ca sỹ hát ngày càng hay, mà không chỉ ca sỹ, cả những người vô danh, họ hát nhạc của tôi hay không thua gì ngôi sao cả. Tôi không bao giờ quan niệm mình đã ra khỏi nước Việt Nam, có chăng chỉ là hành động của một con người ra đi. Trong những năm xa xứ, 300 bài hát là tôi viết cho quê hương của mình. Dù thân xác tôi ra đi, nhưng tâm hồn tôi thì luôn ở lại.

* Nhịp đập của thời gian có làm nhạc sỹ thôi sáng tác không?

Tôi muốn mình giống như Mô - li - e, chết trên sân khấu, tôi muốn lao động nghệ thuật đến giây phút cuối cùng, hàng ngày tôi vẫn sáng tác đều, không phải bây giờ mà ngày xưa tôi đã nổi tiếng làm việc rất khoa học. Những tác phẩm đã được công bố, chỉ là một phần rất nhỏ trong kho tàng tác phẩm của tôi. Giờ đây, hơn 1000 sáng tác đều được tôi cất cẩn thận vào computer, tôi biết có nhiều nhạc sỹ đã không lưu giữ được sản phẩm âm nhạc của chính mình, đó là điều hết sức lãng phí cho dân tộc, cho đất nước, bởi ca sỹ chỉ có thời, còn bản nhạc thì có sức sống muôn đời, 300 năm nữa người ta vẫn còn hát nhạc của tôi. Trong tác phẩm của tôi, khi nào cũng có tình yêu, khi tinh thần, lúc xác thịt; khi nào cũng có một hình bóng nào đó, trái tim tôi không có tuổi!

* Thời gian có làm sự rung động trong con tim nhạc sỹ khác xưa không?

Tôi có một tâm hồn trẻ trung trong hình hài già nua bởi thời gian.Trái tim tôi như một đứa bé ngây thơ, người ta gọi tôi là lão hoàn đồng, tôi cũng thấy ít người như vậy. Khi trải qua bao thăng trầm của cuộc sống mà vẫn giữ được sự thơ trẻ trong tâm hồn mình, đó là cái mà ông trời thương người nào thì người đó mới có được điều đáng quý đó. Phải rộng lượng, phải bao dung, phải sống hết mình, tôi là một người yêu một người như một vạn người và yêu một vạn người như yêu một người. Sự rung động trong con tim tôi vẫn như cách đây 30 năm. Ông Văn Cao thì tôi biết chắc chỉ có vợ chứ không có người tình, còn tôi thì nhiều đến mức giờ ngồi đây tôi cũng không nhớ hết. Nhưng có điều chắc chắn là không ai có thể oán trách được tôi là kẻ bạc tình. Ở tuổi này, tôi vẫn biết yêu phụ nữ, dù biết là mình đã già, đó chính là điều tôi buồn vì không thể thay đổi được.
 
Theo Nông Nghiệp

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm