25/10/2012 09:50 GMT+7 | Âm nhạc
(TT&VH) - Bất chấp những né tránh đã thành hợp đồng giữa BTC với các nghệ sĩ, cuộc trò chuyện “kín đáo” sau đây với đạo diễn Phạm Hoàng Nam có thể được xem là những tiết lộ hiếm hoi về chương trình Bằng Kiều In Concert 2012, sẽ diễn ra tại CLB Lan Anh (TP.HCM) vào đêm 26/10.
“Chương trình sẽ có những phần được chia theo sự nghiệp âm nhạc, cảm xúc và sự xuất hiện của những khách mời đặc biệt, những người không chỉ gắn bó với Bằng Kiều như bè bạn hay đồng nghiệp thông thường”, đây là lời khẳng định của Phạm Hoàng Nam - đạo diễn chương trình.
|
- Thực ra thì sân khấu Lan Anh không rộng để đáp ứng số lượng khán giả muốn xem Bằng Kiều, quan trọng hơn nữa, địa điểm này không phù hợp với tính chất của chương trình, nhưng ê-kíp vẫn đành phải chọn vì không còn phương án nào khác.
Vấn đề lớn nhất phải giải quyết là trang âm, tức là phần nghe chứ không phải nhìn. Đối phó với những bức vách và mái tôn dội âm ở Lan Anh và kiểu ngồi sân vận động nhìn lệch và chéo như vậy chỉ hợp với những chương trình tạp kỹ, rất khó làm cho dạng “concert”. Vì thế ê-kíp phải làm sao để khán giả hài lòng nhất, để nghe Bằng Kiều đúng như họ tưởng tượng, phần nhìn chỉ tô điểm cho sự tưởng tượng đó. Họ có thể bay bổng thêm cảm xúc nhờ ánh sáng và chỉ có ánh sáng, chứ không có bất kỳ một hiệu ứng thời thượng nào khác. Chúng tôi đặt cho mình nhiệm vụ tránh tả thực và làm phiền cảm xúc của khán giả bằng những trò không cần thiết. Khán giả của Bằng Kiều gồm nhiều tầng lớp và lứa tuổi nhưng không phải khán giả của những chương trình tạp kỹ.
* Với rất nhiều kinh nghiệm trên sân khấu âm nhạc, cá nhân anh nhìn giọng ca Bằng Kiều như thế nào?
- Bằng Kiều sở hữu một giọng ca với âm vực rộng hiếm có ở Việt Nam, anh là người xử lý bài hát rất thông minh và đầy cảm xúc. Nghe Bằng Kiều bây giờ “sướng” hơn trước nhiều, mặc dù bài hát vẫn thế.
* “Sướng” ở những điểm nào cụ thể? Anh có khai thác những điểm đó vào khía cạnh dàn dựng?
- Cách xử lý trong biểu diễn của Bằng Kiều vẫn là chọn những bài hát nhẹ nhàng, ru ngủ khán giả vào những cảm xúc êm ái để rồi có những quãng cao trào hay chuyển tông tung chiêu với chất giọng cao; hay những đoạn ngân dài khiến người nghe bùng nổ cảm xúc. Cách xử lý đương nhiên phù hợp với âm nhạc kiểu thì quá khứ và chinh phục khán giả Việt yêu thích sự lãng mạn, bay bổng nhiều hơn là đi theo những trào lưu âm nhạc đương thời, với những khán giả trung thành của anh thì như thế là quá đủ. Chắc là làm khác đi còn khiến họ thất vọng hơn.
Vì vậy việc của tôi là trả lại cho khán giả một không khí đêm diễn từ 10 năm trước, khi chúng ta còn chưa biết thế nào là màn hình LED và những trang thiết bị sân khấu hiện đại, người nghe chưa bị phân tâm với những đạo cụ biểu diễn và ca sĩ chưa thấy trống trải khi không có dàn múa minh họa. Tất cả những cái hiện đại đó sẽ không có trong chương trình này. Sân khấu sẽ “mộc” một cách có chủ ý với những biểu tượng mà khán giả sẽ thấy trong chương trình và ngẫm nghĩ về nó sau khi chương trình kết thúc. Ánh sáng sẽ không phô diễn mà cùng thổn thức hay bùng nổ tùy vào tâm trạng của bài hát và độ “phiêu” của các ca sĩ.
Như Hà (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất