Lính bắn tỉa có phải những kẻ hèn nhát?

10/02/2015 06:41 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Khi Mỹ chuẩn bị xét xử kẻ sát hại huyền thoại bắn tỉa Chris Kyle, người được đất nước này tôn vinh như anh hùng, một bộ phận dư luận đã đặt câu hỏi rằng liệu lính bắn tỉa có thực sự dũng cảm hay chỉ là những kẻ hèn nhát và phải nhận lấy cái kết bi thảm.

Câu hỏi này từng được nêu ra khi bộ phim tiểu sử về Kyle mang tên Lính bắn tỉa Mỹ (American Sniper) ra rạp hồi tháng trước. Nhà làm phim tài liệu nổi tiếng Michael Moore đã lên án lính bắn tỉa, gọi họ là những kẻ hèn nhát, thích giết nạn nhân từ khoảng cách xa.

Không dễ như trong phim

Cụ thể, sau khi mô tả chú mình bị lính bắn tỉa Nhật Bản giết ra sao trong Thế chiến thứ 2, Moore tuyên bố: “Cha tôi luôn nói rằng lính bắn tỉa là những kẻ hèn nhát. Họ không tin vào một cuộc chiến công bằng”. Tại nước Mỹ, nơi các quân nhân được tôn thờ, bình luận như thế này hiển nhiên đã gây sự phẫn nộ lớn. Cựu Thống đốc Alaska, bà Sarah Palin, đã chỉ trích Moore, nói ông “không xứng để đánh giày cho Kyle”.

Kyle, người bị bắn chết cách đây 2 năm, không thể chống lại các chỉ trích như của Moore. Vì thế những đồng nghiệp như Jim Gilliland đã lên tiếng bảo vệ anh. Giống Kyle, Gilliland cũng là một người hùng bắn tỉa. Anh đã tham chiến ở Iraq, tại các điểm nóng như Ramadi, tiêu diệt hơn 60 tay súng đối phương, với 1 kẻ bị bắn chết ở cự ly 1.250 mét.


Hình ảnh trích ra từ một đoạn video tuyên truyền của Juba

Anh cho biết phim có chứa những chi tiết đúng, như lính bắn tỉa Mỹ ở Iraq thường sát hại đối phương khi họ ít đề phòng nhất. Nhưng đây cũng không phải điều gì quá lạ lùng. Chúng ta không còn ở thời của những cuộc đọ súng tay đôi vì danh dự và trong chiến tranh, một bên không có nghĩa vụ phải bắn cảnh cáo lính của đối phương.

Ngoài điều này ra, anh cho biết tác chiến ngoài đời thực không hề dễ dàng và an toàn như trong phim. Lính bắn tỉa không phải lúc nào cũng ở trong một tháp canh hay căn cứ quân sự với đồng đội vây quanh. Thực tế họ giống như những người lính đặc nhiệm, phải luồn sâu vào vùng đất của địch, ẩn náu trong một tòa nhà hoang phế hoặc một vạt rừng nào đó.

Khi bị lộ vị trí do bắn ai đó, họ phải hy vọng rằng lực lượng phản ứng nhanh (QRF) sẽ tới cứu mình trước khi chuyện trở nên quá muộn. Ở các vùng đất nguy hiểm như tại Iraq, không phải lúc nào QRF cũng tới kịp.

Lính bắn tỉa không chỉ biết ngắm bắn

Kịch bản bị bao vây đã được mô tả ở cuối phim American Sniper. Đó là khi Kyle và đồng đội bị những người lính thuộc quân đội Medhi tấn công, lúc lẩn tới một khu ổ chuột ở thành phố Sadr để giết tay lính bắn tỉa đối phương. Phải may mắn lắm họ mới có thể trốn thoát và giữ được mạng sống.

Gilliland nói rằng việc bị bao vây thường xảy ra trong thời gian anh hoạt động ở Ramadi, cũng là nơi Kyle từng chiến đấu. “Một lần chúng tôi nổ súng và trước khi QRF có thể giải cứu, khoảng 150 tay súng đã bao vây tòa nhà chúng tôi đang ẩn náu. Cuối cùng một số chiếc xe bọc thép Bradley đã dẹp được những kẻ này, nhưng lần đó chúng tôi cũng suýt chết” – anh nói.


Bradley Cooper đã được đề cử giải Oscar thứ 3 khi thủ vai Chris Kyle trong American Sniper

Các đồng đội của Gilliland không được may mắn như thế. Anh nói rằng 2 đội bắn tỉa khác cùng hoạt động trong thành phố đã bị lính đối phương tràn vào vị trí. Khi được tìm thấy, thi thể của họ có dấu hiệu bị tra tấn, băm vằm.

"Nếu họ tóm được anh, họ sẽ coi anh như chiến lợi phẩm” – Gilliland kể - "Tất nhiên một người lính bắn tỉa cần phải là nhà thiện xạ. Nhưng bóp cò chỉ là một phần nhỏ của công việc. Anh phải có khả năng đọc thông tin tình báo, lẩn vào một nơi nào đó rồi rút ra an toàn”.

Vậy Gilliland nghĩ gì về bình luận “hèn nhát” mà Moore đã dành cho những người như anh? “Chà, nếu các bạn cân nhắc việc tôi cùng 3 người khác trong đội chỉ mang theo súng trường cá nhân, súng ngắn, 1 máy bộ đàm và giáp nhẹ bảo vệ thân rồi tiến vào thành phố có thái độ thù địch nhất với người Mỹ... trong khi đội QRF gần nhất ở cách đó 15 phút, là hèn nhát thì hãy nghĩ lại” – anh nói.

Mối đe dọa bắn tỉa từ phía kẻ thù

Người ta cần biết một điều rằng đối thủ của Mỹ ở Iraq cũng có lính bắn tỉa. Người lính bắn tỉa có tên Mustapha trong phim American Sniper được tạo hình dựa trên các câu chuyện kể của lính Mỹ về một huyền thoại bắn tỉa của phiến quân Iraq có tên Juba. Nhân vật này đã giết hàng chục lính Mỹ và còn ghi hình các màn bắn giết để làm phim.

Giống như Kyle, Juba tự hào vì có thể giết người từ khoảng cách xa. Khả năng thiện xạ của Juba khiến ngay cả kẻ thù cũng ngưỡng mộ anh ta. "Đó là một cú bắn hoàn hảo” – Thiếu tá Kevin Farrell, kể lại với tờ Telegraph về một vụ bắn tỉa do Juba thực hiện tại Nam Baghdad – “Xương sống của nạn nhân bị thổi bay. Chúng tôi đã thử vài kỹ thuật để dụ hắn ta chường mặt. Nhưng hắn ta được huấn luyện kỹ và rất kiên nhẫn. Hắn ta không bao giờ bắn phát đạn thứ hai.

Giống Kyle, Juba là con người với nhiều huyền thoại vây quanh. Các chỉ huy quân đội Mỹ tin rằng Juba không phải một cá nhân mà là một nhóm lính bắn tỉa. Có điều ít người nghi ngờ là tới cuối năm 2006, số lính Mỹ thiệt mạng vì bị bắn tỉa đã tăng vọt so với giai đoạn trước.

Điều đáng ngại hơn là trong nhiều đoạn video tuyên truyền, Juba nói rằng các tay súng chống đối đã học được kỹ thuật bắn tỉa từ một cuốn sách do cựu chuyên gia bắn tỉa Mỹ John Plaster chấp bút. Được mô tả là “cẩm nang huấn luyện hiện đại dành cho lính bắn tỉa của cảnh sát và quân sự”, sách thậm chí còn có một chương dành cho hoạt động chống bắn tỉa ở Iraq và Afghanistan.

Điều trớ trêu là một trong các nội dung của sách có nói tới việc người ta phải giữ kín các bài học, không để chúng lọt vào tay kẻ thù?!

Tường Linh (Theo Telegraph)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm