Mỹ cảnh báo Ebola là nguy cơ toàn cầu

17/09/2014 09:33 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 16/9, Tổng thống Mỹ Barack Obama xác định dịch Ebola đang trở thành một nguy cơ đe dọa toàn cầu, cam kết cùng cộng đồng quốc tế ngăn chặn nạn dịch đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người này.

Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn phát biểu của Tổng thống Barack Obama tại Trung tâm Kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh liên bang (CDC) ở thành phố Atlanta, thủ phủ bang Georgia nói rằng dịch Ebola lan tràn tại khu vực Tây Phi trong những tháng qua không chỉ là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Mỹ mà còn là một nguy cơ đe dọa mang tính toàn cầu.

Ông cảnh báo nếu đại dịch Ebola không được cộng đồng quốc tế cùng nhau ngăn chặn ngay lúc này thì hàng trăm nghìn người có thể bị lây nhiễm, gây ra những tác động to lớn về cả kinh tế, chính trị lẫn an ninh quốc gia của tất cả các nước. Theo Tổng thống Obama, Ebola đã trở thành một mối nguy toàn cầu, do vậy cần phải có một nỗ lực đối phó và ngăn chặn chung của toàn cầu.


Nhân viên Hội Chữ thập đỏ phun thuốc khử trùng tại khu vực tìm thấy xác một nạn nhân Ebola ở Monrovia, Liberia ngày 10/9. Ảnh: AFP - TTXVN

Người đứng đầu Nhà Trắng cam kết Mỹ sẽ nỗ lực hết mình nhằm hỗ trợ cho các chính phủ và các hệ thống chăm sóc y tế của các nước Tây Phi, nhất là các nước bị tác động mạnh bởi dịch bệnh chết người này như Liberia, Sierra Leone và Guinea. Hai lĩnh vực chính mà Mỹ sẽ tập trung hỗ trợ các quốc gia Tây Phi là giúp huấn luyện hàng nghìn nhân viên y tế và xây dựng các trung tâm chữa trị. Ông Obama bày tỏ tin tưởng cộng đồng thế giới có đủ kiến thức khoa học, lưc lượng và kinh nghiệm để ngăn chặn và đối phó thành công với căn bệnh chết người này.

Để thực thi cam kết này, trước đó Nhà Trắng ra thông báo cho biết Tổng thống Obama sẽ điều động 3.000 nhân viên quân sự sang giúp các quốc gia Tây Phi ngăn chặn và đối phó với dịch Ebola đã cướp đi sinh mạng của hơn 2.460 người trong tổng số gần 5.000 người bị nhiễm bệnh. Với quyết định này, quân đội Mỹ sẽ đứng đầu chiến dịch mang tên "Operation United Asssistance" kéo dài trong 6 tháng hỗ trợ thuốc men, hậu cần, huấn luyện về chăm sóc sức khỏe và vệ sinh tại những quốc gia đã và đang bị dịch Ebola hoành hành.

Chương trình này chủ yếu sẽ được triển khai tại Liberia bao gồm việc thiết lập thêm bệnh viện lưu động, cử thêm bác sĩ và các chuyên gia về chăm sóc sức khỏe cũng như cung cấp thiết bị y tế và huấn luyện cho các nhân viên y tế địa phương. Trong khuôn khổ chương trình trên, Bộ Chỉ huy châu Phi của Mỹ sẽ thiết lập thêm một sở chỉ huy tại thủ đô Monrovia của Liberia để điều phối các chương trình cứu trợ của quân đội và quốc tế.

Để thực hiện chương trình này, Tổng thống Obama đề nghị Quốc hội thông qua khoản tiền tài trợ 88 triệu USD bổ sung cho khoản viện trợ 100 triệu USD Mỹ đã chi cho cuộc chiến chống dịch Ebola. Bộ Quốc phòng Mỹ, cơ quan liên bang chịu trách nhiệm điều phối nỗ lực hỗ trợ trên đây, đã đề nghị chuẩn chi khoản tiền 500 triệu USD.

Chính quyền Obama dự kiến tổng chi phí cho chiến dịch chống dịch Ebola là 763 triệu USD trong vòng 6 tháng. Bốn mục tiêu lớn được Nhà Trắng đặt ra cho chiến dịch này là kiểm soát sự lây lan của dịch Ebola; ngăn chặn những hậu quả có thể dẫn tới những thảm họa nhân đạo và kinh tế; phối hợp nỗ lực chung của toàn cầu và tăng cường năng lực cho hệ thống y tế công của châu Phi.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm