01/12/2015 06:34 GMT+7 | Âm nhạc
(Thethaovanhoa.vn) - Liên hoan âm nhạc châu Âu 2015 đã kết thúc vào tối Chủ nhật vừa qua, khép lại gần 20 buổi biểu diễn của các nghệ sỹ châu Âu trong lần liên hoan thứ 14 tại Việt Nam.
“Đại chúng” không còn là thước đo
Có một câu hỏi suốt nhiều năm qua cứ được lặp đi lặp lại “Sao toàn những tên tuổi chẳng ai biết thế?”. Và cũng đã nhiều lần, nghệ sỹ Trần Mạnh Tuấn đã nói rằng “Liên hoan này là do cộng đồng Châu Âu tổ chức và họ có cách giới thiệu âm nhạc của họ theo cách riêng mà họ muốn”. Việc “muốn” ở đây hiểu theo nghĩa không phải làm cho có, cứ có ai thì lắp ghép vào.
Đại diện phía ban tổ chức từng cho biết, nếu muốn những tên tuổi đại chúng xuất hiện thì việc đấy là phần của bầu show. Có nghĩa là muốn xem phim bom tấn châu Âu hay những gương mặt âm nhạc đình đám thì cái đấy để thị trường biểu diễn quyết định.
Cái mà liên hoan này đặt ra, là không phải vấn đề lợi nhuận. Liên hoan âm nhạc châu Âu muốn đem đến Việt Nam những nghệ sỹ có những nét đặc biệt, những nét đặc trưng của châu Âu.
Họ kiên trì theo đuổi tiêu chí ấy suốt gần 15 năm qua, chỉ một lần duy nhất thỏa hiệp, là mở rộng âm nhạc Jazz theo tiêu chí ban đầu, sang nhiều thể loại âm nhạc khác để thu hút thêm công chúng.
Và suốt quãng thời gian ấy, với những người đã từng đi dự sẽ thấy một thực tế ảm đảm. Không thiếu những câu hỏi đại loại “Sao buồn ngủ thế?”, “nhạc gì mà chán thế”… được liên tục đưa ra. Khán giả thì thưa thớt, đến mươi phút lại đứng dậy ra về một cách công khai trong khi người nước ngoài thì đứng dậy vỗ tay và quay cuồng theo tiếng đàn của nghệ sỹ trên sân khấu…
Vậy mà chỉ vài năm lại đây, tình hình đã khác.
Trong 9 buổi biểu diễn tại Nhạc viện TP.HCM, liên hoan âm nhạc châu Âu chứng kiến một sự thay đổi rõ ràng. Đêm nào cũng kín phòng, khán giả Việt chiếm đa số và họ không… bỏ về.
Hơn 10 năm qua, âm nhạc mà liên hoan này mang đến Việt Nam không khác nhưng công chúng của nó thì đã khác xưa. Trong đêm mở màn của nhóm nhạc Brandt Brauer Frick đến từ Đức, khán giả Việt tràn lên gần khu vực sân khấu để… nhảy. Họ vỗ tay, hòa nhịp và lắc lư theo âm nhạc.
Họ cũng đã vỗ tay tán thưởng nhiệt tình cho màn biểu diễn trống đến từ đại diện của Pháp, Anne Paceo. Nhiều người còn bảo nhau “nữ đánh trống còn giỏi hơn khối ông khác!”. Khi nhận xét điều ấy, nhiều người còn chưa biết lai lịch rõ ràng của tài năng âm nhạc này. Nhưng chỉ cần thế, điều quan trọng là âm nhạc đã bắt đầu tìm được cầu nối.
Trong đêm diễn cuối cùng của liên hoan với sự xuất hiện của bộ đôi Ferenc Snetberger (guitar, Hungary) & Paolo Vinaccia (bộ gõ, Na Uy), khán giả đi hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi chỉ cần hai người, họ đã biến cả sân khấu Nhạc viện TPHCM thành cả một dàn nhạc sôi động. Lối chơi đầy ma lực, sáng tạo, cuốn hút… của bộ đôi này đã khiến khán giả đứng lên vỗ tay liên tục và cặp nghệ sỹ lại phải tiếp tục biểu diễn.
Năm nay, sự xuất hiện của những “bộ đôi” như thế là một nét mới và nó làm nhiều người thích thú.
Vì sao?
Gần 15 năm qua âm nhạc của châu Âu xuất hiện tại Việt Nam, nó không thổi thành bão và nó đứng trước những thực tế ảm đạm về sự thưởng thức của công chúng. Câu hỏi đặt ra là vì sao cũng vẫn thứ âm nhạc ấy, thị trường ấy mà giờ công chúng lại đông như vậy?
Câu trả lời đơn giản là công chúng của ngày hôm nay chính là lớp công chúng ít ỏi của ngày trước, giờ đã trưởng thành và hiểu biết nhiều hơn. Rất nhiều người đi xem liên hoan năm nay thổ lộ rằng họ chính là khán giả của rất nhiều liên hoan trước. Chính lớp công chúng này sẽ kéo thêm nhiều khán giả khác đến với liên hoan âm nhạc châu Âu.
Nhiều khán giả cho rằng cơ hội để biết thêm những điều mới mẻ của âm nhạc xung quanh là một thái độ nghe văn minh. Được xem những nghệ sỹ không phải lúc nào cũng được biết đến là một trải nghiệm không dễ nhưng nếu hấp thụ được, đó sẽ là cơ sở cho phát triển.
Chính vì thế, mà có nhiều khán giả đã mang cả con mình đi xem và sau chương trình cả hai cha con cùng nán lại để giao lưu với nghệ sỹ. Có nghĩa là sau khi đã có một lớp khán giả trung thành giờ thì có hy vọng vào một lớp khán giả mới đang bắt đầu hình thành.
Tất nhiên không thể nói trước được điều gì về xu thế thị trường, đặc biệt là ở những liên hoan kén chọn người nghe như thế này bởi đại chúng thay đổi rất nhanh. Nhưng thà bổ ngang hay bổ dọc còn hơn ngồi một chỗ và không làm gì cả.
TP.HCM đang thiếu hẳn những sân chơi như vậy. Hoặc nói thẳng ra, những show thương mại bây giờ không còn ăn thua như trước. Vậy có cách thức nào khác đưa các nghệ sỹ quốc tế đến đây? Chỉ còn đường qua ngả của các festival âm nhạc, hay liên hoan âm nhạc mà thôi.
Thực tế cho thấy, rất nhiều ngôi sao đến Việt Nam dưới sự tài trợ của nhãn hàng và khách thì thưa thớt, thậm chí phải hoãn show. Chính vì thế, sự bền bỉ của những liên hoan âm nhạc như liên hoan châu Âu chính là một cầu nối rất cần thiết, vào thời điểm hiện tại.
Liên hoan âm nhạc châu Âu đang dần định rõ giá trị của mình tại đây. Nhưng có một thực tế là nó đang có tất cả, từ khán giả nước ngoài đến công chúng Việt, chỉ ngoại trừ… nghệ sỹ.
Tất nhiên không thể áp đặt rằng đây là nơi mà những giá trị của châu Âu mà chúng ta cần phải học hỏi nhưng thật sự có những chương trình biểu diễn rất tuyệt vời, về nhạc cụ, về biểu diễn và nó rất gần với lối chơi của nhiều nhạc công Việt Nam. Nhưng chẳng ai tới, để giao lưu, để nhìn thấy, để mở rộng hiểu biết của mình. Thể thao & Văn hóa đã đặt một số câu hỏi cho một vài nhạc công về chuyện này. Và cũng chẳng lạ lùng, tất cả đều từ chối trả lời.
Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất