Tiến sĩ Võ Danh Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Võ thuật thế giới: Triết lý cây tre và khát khao lan tỏa Vovinam ra thế giới

29/03/2019 09:39 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - “Họ Võ, học Văn, cả đời gắn với nghiệp Võ”, đó là 10 chữ ngắn gọn nói về sự nghiệp của ông, tiến sĩ Võ Danh Hải, đại diện của làng thể thao Việt sẽ tham dự Diễn đàn những nhà lãnh đạo người Việt có ảnh hưởng toàn cầu (Vietnam Global Leaders Forum 2019) sẽ diễn ra tại Paris (Pháp) vào cuối tháng Ba này.

 

Tiến sĩ Võ Danh Hải tái đắc cử Phó Chủ tịch Hiệp hội Võ thuật thế giới

Tiến sĩ Võ Danh Hải tái đắc cử Phó Chủ tịch Hiệp hội Võ thuật thế giới

Tiến sĩ Võ Danh Hải – Tổng thư ký Liên đoàn Vovinam thế giới đã được 40 các quốc gia thành viên bầu tiếp tục nắm giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hiệp hội Võ thuật thế giới nhiệm kỳ 2015-2018.

 

Sinh ra và lớn lên trên vùng đất Lệ Thuỷ, như bao chàng trai chí lớn khác của Quảng Bình, vùng đất hẹp nhất mảnh đất hình chữ S này không thể là “nơi sống để yêu thương” mà là “quê hương đi xa để nhớ”. Chọn ngành Ngữ Văn tại Đại học Tổng hợp TP.HCM khởi đầu cho những tháng ngày “văn ôn” trên ghế giảng đường đại học. “Tôi chọn ngữ văn không chỉ vì tuổi thơ yêu thích thi ca mà bởi tôi muốn dùng văn học để tạo nền tảng kiến thức vững chắc cho sự nghiệp sau này. Văn học là khởi nguồn của mọi tư tưởng”, ông chia sẻ.

Và giai đoạn “văn ôn” đó đã giúp chàng sinh viên Võ Danh Hải đầy hoài bão hôm nào có được một nền tảng kiến thức – tư duy logic vững vàng để bước vào sự nghiệp “võ luyện”. Từ những năm 1990, khi là HLV quận Phú Nhuận (TP.HCM) và sau này là HLV trưởng của Vovinam Quân Đội ở tuổi 26, ông không chỉ được biết đến với vai trò là 1 người thầy trẻ, năng nổ, giàu nhiệt huyết, tận tâm với nghề, giỏi chuyên môn, mà còn là một vị HLV “tân thời”, luôn tìm tòi và cập nhật cho môn sinh những kiến thức mới.

Chú thích ảnh
Tiến sĩ Võ Danh Hải (bên phải) tại buổi làm việc với Phó Tổng thống Cộng hòa Hồi giáo Iran, Alibadi về việc thành lập Liên đoàn Vovinam châu Á và đặt trụ sở tại Iran năm 2008

Khởi sự con đường võ thuật với việc tập luyện Taekwondo, nhưng tại sao lại gắn bó với là Vovinam? Với ông, đó cũng không phải là một sự lựa chọn ngẫu nhiên. “Bởi Vovinam là võ Việt, là linh hồn dân tộc Việt Nam”, ông khẳng định vững chắc về quyết định của mình. “Tôi thẩm thấu và bị hấp dẫn ngay từ triết lý cây tre. Tính chất nổi bật nhất trong cây tre tương ứng với kỹ thuật võ học là càng bị uốn cong và kéo sát bao nhiêu thì sức bật lại càng mãnh liệt, dữ dội bấy nhiêu. Vovinam cũng thể hiện cho tinh thần cương nhu phối triển trong nghệ thuật giữ nước của dân tộc Việt Nam”, ông nói.

Từ những ngày ấy, ông đã dấn bước cho sự nghiệp quảng bá Vovinam của mình. Tham gia huấn luyện, giảng huấn, cùng các đoàn biểu diễn trên nhiều nước như Liên hoan Văn hóa Thể thao Truyền thống thế giới (năm 1996, Thái Lan), biễu diễn Vovinam tại Expo châu Âu (2000, Hannouver, Đức), Festival Võ thuật truyền thống thế giới tại Hàn Quốc (2000-2011), là HLV trưởng của đội tuyển Vovinam quốc gia tham gia giải Vovinam đỉnh cao Pháp – Việt tại Paris 2010, Giải vô địch Vovinam châu Á 2011…

Chú thích ảnh
TS Võ Danh Hải phát biểu tại Đại hội Hiệp hội Võ thuật thế giới WoMAU

Nhưng nói đến ông còn phải nói đến vai trò của một nhà báo võ thuật. Chính với vai trò này, ông càng đưa võ thuật đi sâu – đi rộng đến mọi tầng lớp những người yêu võ. Trong thập niên 1990-2000, với vai trò là Trưởng văn phòng đại diện báo Thể Thao Việt Nam tại TP.HCM, nhanh chóng thích ứng thời đại kỹ thuật số, ông sáng lập website vothuat.vn và đến nay đã trở thành tờ báo điện tử võ thuật đầu tiên và lớn nhất ở Việt Nam.Với ông, đây là một câu chuyện thú vị về vai trò truyền thông trong việc quảng bá giá trị võ học đến với cộng đồng.

* Ông nói, đó là một phép cộng tuyệt vời?

- Đúng, một phép cộng giữa truyền thông và (võ thuật) truyền thống. Để mang những giá trị võ học tiếp cận nhanh hơn, xa hơn với cộng đồng, đòi hỏi những người hiểu về võ thuật phải hiểu về truyền thông.

Theo khảo sát từ vothuat.vn, có đến 50% bạn trẻ được hỏi đã tiếp cận võ thuật thông qua truyền thông. Cần nhấn mạnh, đây là truyền thông đa phương tiện, thời đại tối ưu hóa khả năng của các giác quan khi khán giả sẽ được nhìn, được nghe, được tương tác nhiều hơn với các sản phẩm. Sẽ không hề quá khi nói phép cộng với truyền thông đã tạo ra cộng đồng võ thuật liên kết mạnh mẽ nhất từ trước đến nay.

* Nhưng dù công nghệ có phát triển đến mức nào thì yếu tố con người vẫn mang tính quyết định. Bản thân ông cũng vậy, có mặt tại rất nhiều nơi trên thế giới để quảng bá võ thuật Việt Nam...

- Tôi tự nhận mình có một lợi thế lớn là vừa được làm báo, vừa theo đuổi sự nghiệp quảng bá võ học. Đó cũng là một phép cộng tuyệt vời nữa.

Tôi khao khát được lan toả Vovinam ra khắp thế giới, như một công cụ quảng bá văn hoá dân tộc với bạn bè năm châu, đồng thời thông qua võ thuật để giữ gìn bản sắc dân tộc, hình thành những tính cách cao đẹp được rèn giũa thông qua môn thể thao tuyệt vời này. Đó là: Sự trung thành; Lễ nghĩa trong đối nhân xử thế; Sự kiên nhẫn, nghiêm cẩn tuân thủ nguyên tắc và nỗ lực hoàn thiện bản thân.

Tiến sĩ Võ Danh Hải là Phó Chủ tịch Hiệp hội Võ thuật thế giới (World Martial Arts Union – WoMAU). Trước đó, ông từng là Tổng thư ký Liên đoàn Vovinam Việt Nam trong giai đoạn 2007-2012, Tổng thư ký Liên đoàn Vovinam Thế giới trong giai đoạn 2008-2016.

Ngoài ra ông còn đảm nhiệm chức vụ Trưởng Chi nhánh phía Nam báo Thể thao Việt Nam (Tổng cục TDTT), Trưởng Ban biên tập chuyên trang báo điện tử VõThuật (VoThuat.vn), Xe và Thể Thao (XevaTheThao.vn)...

Tiến sĩ Võ Danh Hải đã có nhiều đóng góp trong việc giới thiệu, quảng bá và thuyết phục để Hội đồng thể thao châu Á (OCA) đồng ý đưa Vovinam – môn võ thuật dân tộc Việt Nam vào chương trình thi đấu chính thức của Đại hội Thể thao châu Á trong nhà ASIAN Indoor Games III (2009), SEA Games 26 tại Indonesia và 27 tại Myanmar.

Ông là một trong những người có tầm ảnh hưởng và đóng góp vào việc quảng bá văn hoá Việt Nam thông qua môn võ thuật truyền thống Vovinam – Việt Võ đạo với số lượng môn sinh hàng triệu người với hơn 60 quốc gia trên toàn thế giới.

Tiến sĩ Võ Danh Hải hiện còn là cố vấn cao cấp của nhiều liên đoàn võ thuật tại Việt Nam như Liên đoàn Taekwondo Việt Nam, Liên đoàn quyền Anh Việt Nam, Liên đoàn Võ thuật Quân đội… Ông cũng là thành viên Hội đồng Khoa học Khoa Khoa học Thể thao của Trường Đại học Tôn Đức Thắng, TP.HCM.

-------------------

Diễn đàn Người Việt có tầm ảnh hưởng toàn cầu (VGLF) Trong thời đại toàn cầu hóa, khi các quốc gia và nền kinh tế trên thế giới ngày càng được kết nối mạnh mẽ, việc tạo giá trị thông qua xây dựng, sử dụng và duy trì các mạng lưới kết nối đang dần được công nhận là yếu tố then chốt để tăng tính cạnh tranh.

Nhiều quốc gia, như Trung Quốc, Israel, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, đã thành công trong việc sử dụng nền tảng văn hóa chung để thiết lập mạng lưới nhân tài toàn cầu, tạo chất xúc tác để tăng trưởng đột phát cho nền kinh tế.

Diễn đàn người Việt có tầm ảnh hưởng (Vietnam Global Leaders Forum - VGLF) dưới sự bảo trợ của Bộ Ngoại giao Việt Nam, lần đầu tiên được tổ chức vào ngày 30, 31/3/2019 với mục đích thành lập một nền tảng kết nối cộng đồng tinh hoa dân tộc Việt trên khắp 5 châu để từ đó nâng hạng vị thế Việt Nam trên biểu đồ kinh tế thế giới.

Diễn đàn quy tụ nhiều diễn giả nổi tiếng quốc tế như Cựu Thủ Tướng Pháp Jean-Pierre Raffarin, Sir Christopher Pissarides (đoạt giải Nobel kinh tế) và hơn 70 khách mời là những người Việt có tầm ảnh hưởng trong nhiều lĩnh vực như nhạc sĩ Nguyễn Quốc Trung, doanh nhân (Shark) Phạm Thành Hưng, đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Thiệp…

Nguyễn Hiếu Dân (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm