Đoạn kết nào cho V-League 2015?

11/09/2015 18:37 GMT+7 | V-League

(Thethaovanhoa.vn) - B.Bình Dương lần thứ 2 liên tiếp vô địch (chức vô địch lần thứ 4 ở kỷ nguyên V-League) trước 2 lượt trận; XSKT Cần Thơ, HAGL coi như đã trụ hạng; Đồng Nai chấp nhận trở lại nơi bắt đầu, bởi nói như lão tướng Trần Bình Sự, phải có thất bại mới hy vọng thành công… Vậy, V-League 2015 đã hạ màn?

Sau những gì đã và đang xảy ra, chắc chắn lượng khán giả đến sân sẽ tiếp tục giảm mạnh, bởi họ không muốn xem kịch nữa. Cái sân khấu 4 mặt mà bầu Kiên của CLB bóng đá Hà Nội từng ví, quá nhiều sạn mà xem ra hồi kết vẫn còn bỏ ngỏ...

Mừng là lại lo

HAGL trụ hạng, xem như V-League tiếp tục được nhờ, bởi lượng CĐV mà đội bóng này đem lại cho giải đấu là điều không phải bàn cãi. Thắng, bại không biết, nhưng “những đứa trẻ của bầu Đức” có khả năng phủ kín phần lớn các khán đài ở bất cứ nơi đâu họ tới. Từ kinh đô bóng đá một thời như Lạch Tray, Hàng Đẫy, đến những vùng “heo hút” của làng túc cầu kiểu Cần Thơ, Đồng Tháp hay Đồng Nai.

Trận “chung kết ngược” giữa chủ nhà Đồng Nai và HAGL ở vòng 23, thực sự là bữa tiệc của bóng đá Việt Nam, dù các “món ăn” mà 2 đội mang tới đãi thượng đế không thực sự bắt mắt nếu không muốn nói là dở tệ. Với 25 ngàn khán giả phủ kín 4 khán đài sân bóng, có lẽ rất lâu nữa, một sân bóng cấp CLB ở Việt Nam mới đạt được cột mốc này, chứ đừng nói tỉnh lẻ như Đồng Nai đang xuôi về hạng Nhất.

Chưa và khó thể kết luận các trận đấu chịu sự can thiệp chủ quan về kết quả, nhưng không phủ nhận XSKT Cần Thơ và đặc biệt là HAGL đã vùng vẫy để tự cứu mình. Như đánh giá của giới chuyên môn, các cuộc đối đầu của 2 đối thủ này với SLNA chắc chắn không bình thường. Những đội bóng bị đánh giá là yếu hơn gần như chẳng phải làm gì cả nhưng chiến thắng vẫn đến, khi đối thủ tự "hiến dâng".


Nhiều trận đấu ở giai đoạn cuối mùa giải bị dư luận nghi ngờ về tính trung thực. Ảnh: Văn Lộc

V-League tưởng như được cứu, các giá trị thương mại (dù ảo) của giải đấu tưởng chừng sẽ được duy trì, nhưng rất có thể, đó lại là khởi thuỷ của cơn bạo bệnh. Việc nuôi dưỡng một thế hệ cầu thủ trẻ giàu tiềm năng như lứa U19 Học viện HAGL Arsenal JMG tại môi trường như V-League, rõ ràng là lợi bất cập hại. Những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường…, khó phát triển, khi họ gần như bất chiến mà thành.

Một cuộc chơi không tạo được sự công bằng cạnh tranh, tự thân sẽ phân huỷ. Như Thể thao và Văn hoá cuối tuần đã từng nhận định, cuộc đua đến chức vô địch V-League từ nhiều năm qua là chuyện riêng của B.Bình Dương và bầu Hiển, trong khi nhóm chống xuống hạng vừa đa, lại vừa tinh.

Con tàu không lái

Nhận lại quyền đang cai – tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia đã được 4 mùa giải, nhưng những kỳ vọng về một cuộc cách mạng đã không hề có hồi đáp. Các tồn tại như bạo lực sân cỏ, vấn nạn trọng tài, các trận đấu nặng ân tình kiểu “không xin như đây cứ cho” hay giá trị thương mại của các giải đấu…, không những không cải thiện, mà còn có chiều hướng xấu đi. Đó là lý do người hâm mộ tiếp tục quay lưng.

Không đâu trên thế giới, các giải đấu hạng thấp lại có số lượng đội ít hơn giải chuyên nghiệp, như ở Việt Nam. Rõ nhất là hạng Nhất 2015 chỉ có 8 đội, trong khi V-League tiếp tục phình lên với 14 đội. Ở các nền bóng đá khác, tham vọng thăng hạng và vô địch là tôn chỉ, thì ở Việt Nam, các đội bóng thay nhau từ chối và từ bỏ. Đến ngay Thái Sơn Nam của bầu Tú (chủ tịch HĐQT công ty LS, chủ tịch HFF) đã từ bỏ suất chơi hạng Nhì.

Song song với những tồn tại không hồi kết ở các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia, thì ở VPF cũng đang diễn ra một cuộc “chạy đua” khác mang tính thiên quyền. Những cam kết về 10 nhà bảo trợ bóng đá Việt Nam (10 tỷ đồng/nhà bảo trợ/năm) nhanh chóng phá sản, sau khi bầu Kiên vướng vòng lao lý. Ở thượng tầng VFF, người ta cũng không còn nhắc đến “gói” 18 triệu USD được hứa kéo về.

Thay vào đó, những tố cáo từ nội bộ Liên đoàn về việc nhận hối lộ, khiến người hâm mộ thêm hoang mang. Những thất bại liên hoàn ở đủ mọi cấp độ ĐTQG, từ AFF Cup 2014, đến SEA Games 2015 và kế đến có thể cả chiến dịch vòng loại World Cup 2018 (đồng thời là vòng loại Asian Cup 2019)…, khiến những kỳ vọng về chuyến du học đến xứ sở mặt trời Nhật Bản, không mang lại kết quả như mong đợi.

Rất nhiều những chuyên gia, từ trong nước đến ngoại quốc, đã hiến kế; truyền thông cũng chưa thôi lên tiếng về một cuộc "đại phẫu" nền bóng đá cần phải được tiến hành, nhưng vần chưa có hồi đáp. Chẳng phải đợi đến khi đội tuyển U19 Việt Nam để thua U19 Thái Lan với tỷ số 0-6 trong trận chung kết một giải bóng đá trẻ Đông Nam Á mới đây, chúng ta mới biết được người láng giềng đã bỏ mình khoảng cách quá xa rồi.

Trở lại với V-League, với giải hạng Nhất, hệ thống đào tạo trẻ và các giải đấu trẻ…, chắc chắn phải được xây dựng lại. Bởi, đây chính là những mắt xích quyết định năng lực chinh phục của nền bóng đá, với đầu ra là các ĐTQG. Đội tuyển không thể có một cơ thể tráng cường, nếu các giải đấu và đào tạo trẻ còn yểu mệnh, đó là điều chắc chắn. Chúng ta cứ mải miết đi sao chép, mà không chịu lắng nghe từ chính cơ thể nền bóng đá.

Trước khi đợi (thực sự là đã được) bác sỹ chẩn đoán bệnh, thì cơ thể con người vốn dĩ luôn đã có tiếng nói rồi. Các giải bóng đá cũng thế!

Đừng hỏi vì sao! “Sao giới phóng viên các anh không tuyên truyền về những cái hay, cái đẹp mà giải đấu đạt được, cũng như mang lại, ngược lại chỉ viết về những tồn tại nhỉ?

Cứ ngày này qua ngày khác, nhà đầu tư chỉ toàn đọc được điều tiếng xấu về giải đấu, cũng như các đội bóng, hỏi sao họ không ngoảnh mặt với bóng đá Việt Nam”, thắc mắc của ông Võ Quốc Thắng, chủ tịch HĐQT Đồng Tâm group và VPF, gửi đến báo chí.

Nhưng là một doanh nhân thành đạt, một ông bầu có thâm niên hơn 15 năm gắn bó với bóng đá Việt Nam, ông Thắng phải hiểu điều này hơn ai hết. Truyền thông chắc chắn không tuyên truyền những cái xấu.


CCKM
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm