Mặt sân và cái nhà vệ sinh

30/01/2015 19:15 GMT+7 | V-League

(Thethaovanhoa.vn) - V-League đã bước sang năm tuổi thứ 15, nhưng giải đấu mang danh chuyên nghiệp vẫn tồn tại những nghịch lý tưởng như chỉ thấy ở bóng đá nghiệp dư. Ở đây Thể thao & Văn hóa cuối tuần muốn đề cập tới vấn đề sân bãi, một trong những yếu tố quan trọng nhất để đánh giá mức độ chuyên nghiệp của một nền bóng đá.

Trong thời gian vừa qua, Hải Phòng được thi đấu liên tiếp 2 trận trên sân nhà Lạch Tray với HA.GL (vòng 4) và XSKT.Cần Thơ (vòng 5), và nhờ thế khán giả cả nước đã có cơ hội nhìn thấy hiện trạng mặt cỏ không thể tưởng tượng nổi ở Lạch Tray, nơi mà người ta khó tránh khỏi cảm giác liên tưởng tới lễ hội chọi trâu nổi tiếng ở Hải Phòng.

Sở dĩ nói thế là bởi mặt cỏ ở sân Lạch Tray đã bị yếu tố con người và cả yếu tố tự nhiên tàn phá tới mức không còn giống với một sân cỏ đủ chuẩn dành cho thi đấu bóng đá, và dĩ nhiên nó kém xa so với yêu cầu của VPF trong Điều lệ Toyota V-League 2015 về vấn đề sân bãi: “Cỏ tự nhiên, mọc phủ đều, được lu thẳng và mịn. Trước ngày thi đấu phải cắt cỏ, tưới nước trên mặt sân (nếu thời tiết nắng)”.

Giải thích cho lý do khiến mặt cỏ sân Lạch Tray xuống cấp như vậy, người trong cuộc cho rằng vì thời tiết miền Bắc hiện có sương muối và cách đây chưa lâu Hải Phòng đã tổ chức môn bắn cung của Đại hội TDTT toàn quốc 2014 tại Lạch Tray nên đã khiến mặt cỏ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.



Mặt sân xấu ảnh hưởng đến chất lượng chuyên môn các trận đấu. Ảnh: T.N

Đây cũng được xem là một trong những nguyên nhân khiến cho HA.GL phải nhận thất bại ở sân Lạch Tray trước chủ nhà Hải Phòng, và không có gì ngạc nhiên khi phía HA.GL tỏ ra vô cùng bức xúc. HLV Guillaume Graechen than phiền rằng sân Lạch Tray hiện tại không đủ điều kiện để tổ chức một trận đấu tại V-League và đề nghị VFF, VPF phải vào cuộc ngay.

Và ngay sau khi kết thúc vòng 4 Toyota V-League 2015, VPF đã có văn bản nhắc nhở BTC sân Lạch Tray phải đảm bảo chất lượng mặt sân và các tiêu chuẩn khác theo đúng quy định của AFC.

VPF đề nghị BTC sân Lạch Tray phải cải thiện chất lượng mặt cỏ trong thời gian V-League nghỉ thi đấu gần 2 tháng sau vòng 8 để đội tuyển Việt Nam và đội tuyển U23 Việt Nam tập trung làm nhiệm vụ quốc tế. Nếu sau thời gian này mà điều kiện mặt cỏ sân Lạch Tray vẫn không được cải thiện thì Hải Phòng sẽ phải thi đấu các trận sân nhà trên sân trung lập.

Động thái của VPF là rất mau chóng và kịp thời, nhưng vẫn khiến người ta phải đặt câu hỏi rằng trong các chuyến kiểm tra thị sát điều kiện sân bãi từ đầu mùa, VPF đã làm gì để rồi không phát hiện ra việc mặt cỏ sân Lạch Tray bị xuống cấp tới mức nghiêm trọng như hiện tại, nhất là khi tất cả chúng ta đều biết Hải Phòng cũng là một trong những địa điểm diễn ra các môn thi của Đại hội TDTT toàn quốc.

Tuy nhiên, sẽ là không công bằng nếu như trút bỏ toàn bộ trách nhiệm về vấn đề mặt sân xấu cho VPF hay CLB Hải Phòng, bởi tuyệt đại đa số các đội bóng chuyên nghiệp ở Việt Nam vẫn chưa được sở hữu riêng một SVĐ mà vẫn phải dùng chung hoặc chia sẻ với nhiều bộ môn thể thao khác.

Vì thế, trong nhiều trường hợp, giả sử đội bóng muốn bỏ tiền ra để tu sửa mặt sân thì cũng không phải chuyện dễ dàng, đấy còn chưa kể tới việc duy tu bảo dưỡng mặt cỏ cũng là một khâu vô cùng tốn kém với chi phí lên tới vài tỷ đồng mỗi năm.

Tình trạng này cũng giống như câu chuyện các sân bắt buộc phải có dàn đèn như trước đây, khi VPF liên tục thúc ép các đội bóng phải có dàn đèn, nhưng nhiều đội không thể đầu tư vì đây là hạng mục ngốn quá nhiều chi phí, buộc phải trông chờ vào ngân sách của địa phương.

Và dĩ nhiên, khi mặt sân, yếu tố quan trọng nhất của một trận thi đấu bóng đá, còn chưa được coi trọng đúng mức thì đương nhiên vấn đề nhà vệ sinh khó lòng được chăm chút cẩn thận. Chúng tôi đã nghiên cứu một lượt Điều lệ Toyota V-League 2015 và nhận thấy rằng không hề có điều khoản nào quy định ở các sân phải có nhà vệ sinh đầy đủ tiêu chuẩn dành cho khán giả.

Có lẽ vì thế nên mới xảy ra chuyện sân Ninh Bình dù được xây rất hoành tráng hiện đại nhưng lại không có nhà vệ sinh, ngay cả ở khu VIP, khiến cho những ai tới đây nếu muốn giải quyết nhu cầu tế nhị thì chỉ có cách “làm bậy” ở một nơi vắng người.

Hay ngay như sân Long An của ĐT.Long An, đội bóng thuộc sở hữu của ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT VPF, cũng chẳng khá khẩm gì hơn. Ở trận ĐT.Long An – HA.GL ở vòng 2 Toyota V-League 2015 diễn ra cách đây không lâu, người ta đã thấy HLV trưởng ĐTQG Toshiya Miura phải “hy sinh” một chai nước khoáng để rửa tay sau khi giải quyết nhu cầu thiết yếu trên sân.

Nghe nói từ thời HLV Henrique Calisto còn dẫn dắt ĐT.Long An cách đây hơn chục năm thì vấn đề nhà vệ sinh ở sân Long An đã trở thành nỗi nhức nhối, và ông Calisto từng than phiền rằng nếu như không phải vì  “hoàn cảnh xô đẩy” thì chẳng bao giờ ông muốn sử dụng nhà vệ sinh ở đây.

Đi khắp một vòng các sân trên cả nước thì chuyện như ở sân Long An là rất không hiếm. Cách đây hơn 20 năm, khi thế hệ Việt Hoàng, Huỳnh Đức còn thi đấu ở giải VĐQG, tình trạng nhà vệ sinh ở sân Hàng Đẫy cũng không kém ác mộng là bao, và bây giờ, khi Việt Hoàng và Huỳnh Đức đã trở thành HLV cầm quân thi đấu ở V-League thì nhà vệ sinh ở sân Hàng Đẫy tuy đã được cải thiện nhưng còn xa mới có thể coi là đạt chuẩn.

Bản thân ông Trần Duy Ly, GĐĐH VPF, cũng phải thừa nhận rằng khi tiến hành khảo sát điều kiện sân bãi ở các sân trước mùa giải mới, thông thường đoàn kiểm tra chỉ chú ý tới tình trạng mặt sân, còn các hạng mục khác hầu hết đều phải châm chước.

Thông tin của ông Ly cũng hoàn toàn trùng hợp với những quy định về điều kiện sân bãi được quy định trong Điều lệ Toyota V-League 2015 và có thể khẳng địn rằng nếu VPF thật sự làm mạnh tay để gò các sân theo đúng tiêu chuẩn của AFC thì có lẽ không một sân bóng nào hội tụ đầy đủ điều kiện để tổ chức thi đấu.

Thôi thì lại phải tự hài lòng với tuyên bố có thể coi là bất hủ của nguyên Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ trên báo Thể thao & Văn hóa  “Chuyên nghiệp ở Việt Nam khác các nước”!

Điều lệ Toyota V-League 2015

IV. Sân thi đấu và sân tập

4.1 Sân thi đấu

4.1.1 Tiêu chuẩn kỹ thuật ....

4.1.1.3 Mặt sân: - Cỏ tự nhiên, mọc phủ đều, được lu thẳng và mịn. Trước ngày thi đấu phải cắt cỏ, tưới nước trên mặt sân (nếu thời tiết nắng) ...

4.1.1. 5 Hệ thống phòng chức năng: - Bố trí đầy đủ hệ thống phòng chức năng theo quy định, bảo đảm vệ sinh. - Tối thiểu phải có phòng nghỉ dành riêng cho từng đội, cho giám sát, trọng tài; trong đó, có trang bị: Đèn chiếu sáng, phòng tắm, nhà vệ sinh, bàn, ghế, bảng trắng, tủ khóa hoặc móc treo, 2 giường mát-xa, bắt buộc phải có máy lạnh và quạt điện (đối với phòng thay đồ của các đội); đối với phòng giám sát, cần trang bị thêm đường truyền Internet.

- Phải có phòng (hoặc cabin) dành riêng cho truyền hình và cabin cho chỉ huy an ninh ở vị trí trên cao giữa khán đài A; trong đó, trang bị đầy đủ bàn ghế, TV, nguồn điện...


Hoàng Huy
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm