Lịch sử và điện hạt nhân, cái gì cần hơn?

20/07/2015 12:30 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Mấy hôm nay, để cười (cười theo lối chúng ta hay cười khi thấy người khác kém hiểu biết hơn mình!), hình như có mỗi chuyện bọn trẻ con chẳng hiểu gì về lịch sử. Chúng nó nhầm Nguyễn Huệ với Nguyễn Du và Quang Trung với Nguyễn Huệ hình như có họ hàng...

Thực ra bọn trẻ con hiểu về chúng hơn người lớn, bằng chứng là rất ít đứa chọn thi môn Lịch sử trong kỳ thi quốc gia tốt nghiệp THPT. Ít ra về việc ấy, chúng nó đỡ hơn những người tưởng đã trưởng thành, có bằng có cấp rõ to rõ kêu, lại đi chọn những việc không thể làm để làm (ví dụ như xây những tượng to, cầu to... để chúng bị đổ hoặc là viết sách giáo khoa để sai những lỗi ngớ ngẩn khiến người ta chê cười).

Tuy nhiên, cũng chẳng nên bênh vực bọn trẻ, vì những kiến thức sơ đẳng  nhất trong lịch sử, mà nếu đã là công dân một nước, thì không thể bỏ qua. Cần biết về cha ông cũng như cần hiểu về hiện tại. Nếu không, thỉnh thoảng lại có những lỗi to đùng trên báo hay truyền hình như người lớn hiện đang mắc bây giờ, chẳng hạn như khi người ta vẽ Thủ đô Hà Nội lạc đi tận đâu đâu, hoặc ai đó thêm một ngôi sao cho Quốc kỳ, rồi cũng được bỏ qua chỉ vì họ là người lớn.


Tượng vua Quang Trung tại gò Đống Đa, Hà Nội

Để bọn trẻ học và hiểu biết về lịch sử, cần một chiến dịch truyền thông to tát và bài bản, hẳn thế, nếu như độ tin cậy của sách giáo khoa không phải thật là cao như chúng ta thấy vừa rồi. Những sách khác dành cho trẻ em, lợi ích cho việc giáo dục, chẳng hạn truyện cổ tích, cũng đang có nhiều vấn đề đáng lo. Nhưng để cho các em hiểu và yêu lịch sử nhờ một chiến dịch truyền thông như thế, sẽ cần phải tốn kém kinh phí (đương nhiên cả tâm phí và tài phí của người lớn) - nhưng trước hết cứ nói về kinh phí đã. Cả một câu hỏi rất lớn được đặt ra là tiền bao nhiêu và nguồn nào?

Có Trời biết! Những câu hỏi như thế khó trả lời lắm! Tuy nhiên, cứ nhìn vào việc tiêu tiền hào phóng của Hà Nội trong một kế hoạch truyền thông khác, thì không phải là không hy vọng. Được biết TP.Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 136/KH-UBND, triển khai kế hoạch khung giai đoạn 2016-2020 thực hiện đề án thông tin tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam đến năm 2020. Tổng kinh phí để triển khai thực hiện kế hoạch này là gần 20 tỷ đồng, trong đó, thành phố đề nghị ngân sách trung ương bố trí kinh phí thực hiện năm 2016 là hơn 2,1 tỷ đồng, giai đoạn 2017-2020 là 12,5 tỷ đồng.

Việc thực hiện kế hoạch được tóm tắt như sau: Tùy nhiệm vụ cụ thể, các cơ quan chuyên môn được giao nhiệm vụ sẽ xây dựng, thiết kế, biên tập nội dung phương thức thông tin tuyên truyền phù hợp với các đối tượng trong xã hội, bao gồm cán bộ các cơ quan Đảng, Nhà nước; các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, tôn giáo, tầng lớp tri thức, các nhà khoa học, sinh viên, học sinh trong các cơ sở giáo dục đào tạo, nhân dân...

Nếu việc truyền thông cho học lịch sử cũng được tiến hành kiểu ấy, thay vì rất tốn kém viết sách và thuyết giảng mà các em không đọc không nghe, có phải đỡ không?

Nhưng cũng phải nghiên cứu để biết kiến thức lịch sử hay hiểu biết về điện hạt nhân cần hơn, trước khi bỏ tiền làm truyền thông, thật đấy!

Hà Phạm
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm