Những chuyện tình kỳ quặc ở Cannes

16/05/2013 12:29 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Tình dục? Không có gì mới. Tình yêu đồng tính, không. Bi kịch gia đình, cũng không. Nhưng đây là Cannes, luôn có thể mong đợi cách khai thác bất ngờ từ các nhà làm phim có đầu óc khác người, và các nhân vật nữ chính thì đẹp đến nao lòng.

Trong mắt giới phê bình, LHP Cannes năm ngoái với chiến thắng thuộc về bộ phim rất được yêu mến Amour (Tình yêu) - tác phẩm về sau đoạt cả giải Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại Oscar - vẫn không phải là một kỳ liên hoan ấn tượng.

Nhiều người ra về với cảm giác không đạt được kỳ vọng, mặc dù, đó vẫn là Cannes - LHP danh giá nhất, phô trương nhất, quy tụ nhiều ngôi sao và người hâm mộ điện ảnh nhất trên thế giới. Điều đó không làm giảm sự mong đợi đối với Cannes 2013, nếu không muốn nói là càng khiến người ta kỳ vọng hơn, nhất là khi danh sách 20 phim tranh giải Cành cọ Vàng năm nay hứa hẹn sẽ hấp dẫn với nhiều tên tuổi lớn vốn là “người quen” của Cannes như anh em nhà Coen, Steven Soderbergh, Jim Jarmusch, James Gray, Arnaud Desplechinvà Paolo Sorrentino; bên cạnh đó là một số nhà làm phim dạn dày kinh nghiệm khác như Roman Polanski, FrançCois Ozon...

Một thay đổi rõ rệt ở các phim tranh giải năm nay là ít có xu hướng chính trị hơn các năm trước. Trước thềm Cannes, các nhà phê bình cũng chưa xem hết các phim tranh giải, nhưng theo nhà phê bình người Mỹ Jon Frosch viết trên trang France 24 thì Cannes năm nay nói về nhiều chủ đề đa dạng: tình dục, đồng tính, lãng mạn, gia đình, hiện sinh, siêu nhiên…



Nữ diễn viên Pháp Marine Vacth vào vai cô gái điếm tuổi teen trong bộ phim Young and Beautiful.

Tình dục, tình yêu và trò chơi tâm lý

Tình dục chưa bao giờ là chủ đề xa lạ ở Cannes, mà thực ra là chủ đề quen thuộc nhất. Liên tục giới thiệu những bộ phim khai thác tình dục ở các góc độ mạnh bạo nhất, đó là Cannes.

Đạo diễn Đan Mạch Lars Von Trier là một nhà làm phim được Cannes ưa thích, với các phim đậm đặc bạo lực và tình dục như Breaking The Waves, Dogville, Antichrist, cho đến khi ông gây scandal ca ngợi Hitler tại Cannes năm 2011 đến nỗi bị tước quyền tham dự LHP. Một bộ phim khét tiếng khác từng dự Cannes là The Brown Bunny của đạo diễn Mỹ Vincent Gallo, gây tranh cãi vì cảnh kích thích dương vật bằng miệng dài đến 10 phút, đến nỗi nhà phê bình quá cố Roger Ebert từng tuyên bố đây là một trong số những phim mà ông ghê tởm.

Ở Cannes thì những phim dạng như vậy không hiếm. Năm nay không phải là ngoại lệ. Nước chủ nhà giới thiệu Jeune Et jolie (Young And Beautiful) của đạo diễn Francois Ozon. Trong phim, nữ diễn viên 23 tuổi Marine Vacth vào vai một cô gái điếm 17 tuổi, người chấp nhận làm nghề này để thỏa mãn ham muốn tình dục của bản thân. Nội dung có vẻ không mới, nhất là với một bộ phim Pháp, nhưng giới phê bình trông chờ ở tài nghệ của Ozon, vị đạo diễn vốn rất giỏi trong việc lột tả cảm giác mơ hồ đầy quyến rũ của khoái cảm tình dục, trong những bộ phim trước của ông là Criminal Lovers, Under The Sand và Swimming Pool.

Một tên tuổi khét tiếng khác, đạo diễn Roman Polanski (dính bê bối tình dục ngoài đời thực), trở lại Cannes với phim mới Venus in Fur, tác phẩm được đánh giá là còn đậm chất nhục dục hơn những phim trước đây của ông như Knife in the Water hay Repulsion.PhimVenus in Fur là bản chuyển thể của Pháp từ vở kịch cùng tên của nhà soạn kịch Mỹ David Ives. Bản thân vở kịch cũng chuyển thể từ tiểu thuyết ngắn Venus in Fur của nhà văn Áo Leopold von Sacher-Masoch (tên ông này là nguồn gốc của từ “Masochism” – khổ dâm). Bộ phim kể về một nữ diễn viên chơi trò tâm lý tình dục với một đạo diễn để chứng tỏ với ông ta rằng cô xứng đáng có được vai diễn mà cô mơ ước. Trong phim, vợ của đạo diễn Polanski là nữ diễn viên Emmanuelle Seigner đóng vai chính, cùng bạn diễn Mathieu Amalric. Đây là tác phẩm có khả năng giành giải diễn xuất tại Cannes năm nay, cho cả nam chính và nữ chính.



Carey Mulligan chụp ảnh cho tạp chí Vogue trong tạo hình Daisy, nhân vật của cô trong The Great Gatsby, cô gái thượng lưu chỉ biết có tiền và như sống trong bộ phim cuộc đời của chính mình.

Hai phim đồng tính đáng chú ý

Trong khi đó, hai bộ phim về chủ đề đồng tính do Mỹ và Pháp sản xuất cũng được giới phê bình háo hức mong đợi, đều là phim của các đạo diễn tên tuổi.

Abdellatif Kechiche, nhà làm phim vốn gắn đề tài nước Pháp đa sắc tộc, lần này thay đổi chủ đề một chút với La vie d’Adèle (The Life of Adèle hay còn có tên tiếng Anh khác là Blue Is The Warmest Color). Phim kể về một cô bé tuổi teen (do Adèle Exarchopoulos đóng) bị một cô gái lạ có mái tóc màu xanh (Lea Seydoux đóng) quyến rũ.

Nhưng bộ phim đồng tính được mong đợi hơn là Behind the Candelabra do Steven Soderbergh, người được coi là “tắc kè hoa” của giới đạo diễn Mỹ vì tính khí thất thường, đạo diễn. Phim có sự tham gia của hai tài tử Michael Douglas và Matt Damon trong vai một cặp tình nhân có thật - nhạc sĩ Liberace và chàng người yêu trẻ tuổi - nên ngay từ đầu đã gây chú ý. Cả Douglas và Damon đều được cho là ứng cử viên của giải Nam diễn viên chính xuất sắc tại Cannes. Mối tình đồng tính trong Behind the Candelabra có một tình tiết kỳ quặc, dựa theo đời thực, đó là việc Liberace chi tiền cho người tình phẫu thuật thẩm mỹ để trông giống ông hồi trẻ, để hai người trông như một “cặp tình nhân sinh đôi”. Hành động này là một trong những nguyên nhân khiến đôi tình nhân ngoài đời tan vỡ tình cảm.

Mặc dù vậy, đó vẫn chưa phải là câu chuyện tình kỳ quặc nhất ở Cannes năm nay. Mà phải là bộ phim Mỹ Only Lovers Left Alive của đạo diễn Jim Jarmusch: một tình yêu kéo dài hàng thế kỷ giữa đôi tình nhân ma cà rồng qua diễn xuất của hai diễn viên Anh Tilda Swinton và Tom Hiddleston, cả hai đều có vẻ quyến rũ ma quái.



Bérénice Béjo, ngôi sao của phim câm The Artist, đóng vai một phụ nữ ly dị với tạo hình khác hẳn trong phim mới The Past.

Rối loạn trong gia đình: đề tài nóng

Đây là một chủ đề phổ biến khác trong các phim tranh giải: những xáo trộn, thậm chí đảo ngược và hỗn độn, trong các mối quan hệ gia đình.

Đạo diễn của Drive (2011), Nicolas Winding Refn trở lại với Only God Forgives, một phim hành động kinh dị lấy bối cảnh Bangkok, Thái Lan và vẫn là Ryan Gosling (ngôi sao của Drive) đóng vai chính. Gosling và nữ diễn viên Kristin Scott Thomas vào vai đứa con trai và người mẹ tìm cách trả thù cho một người thân đã chết. Phim hình sự của Mexico, Heli, do Amat Escalante đạo diễn, lại kể về một người đàn ông thâm nhập thế giới mafia, giao du với những kẻ buôn ma túy và gái điếm để tìm kiếm người cha mất tích. Còn Shield of Straw của đạo diễn Nhật Takashi Miikelại được kể theo kiểu “đô thị phương Tây”, về một nhà triệu phú tung ra cả đống tiền để tìm ra kẻ đã giết con gái mình. Đạo diễn Nhật Hirokazu Kore-eda mang đến Pháp bộ phim Like Father, Like Son kể về một đôi vợ chồng phát hiện ra đứa con trai 6 tuổi của họ không phải là con đẻ mà đã bị đánh tráo từ khi sinh ra. Đây là một phim nói tiếng Nhật.

Chị gái của cựu Đệ nhất phu nhân Pháp Carla Bruni-Sarkozy là Valeria Bruni-Tedeschi cũng là cái tên được để ý tại Cannes. Valeria là đạo diễn kiêm biên kịch và diễn viên chính của phim Un chateau en Italie (A Castle in Italy). Trong phim, Valeria đóng cặp với nam diễn viên Louis Garrel, cũng là người yêu ngoài đời. Phim kết hợp giữa hài hước và bi kịch, kể về một gia đình mang hai dòng máu Pháp - Ý đứng trước việc phải bỏ lại gia sản tổ tiên ở Ý - một tòa lâu đài.

Cũng trong chủ đề gia đình, nữ diễn viên chính của The Artist, Berenice Bejo, trở lại trong vai nữ chính - người vợ Pháp của một người đàn ông Iran - trong phim The Past. Đây được coi là bộ phim có hơi hướng phim Iran A Separation nhưng có bối cảnh Pháp. Bejo nhận đóng vai này sau khi Marion Cotillard từ chối, những diễn xuất của cô được chờ đợi là sẽ xứng đáng với một đề cử Nữ diễn viên chính xuất sắc.

LHP Cannes 2013 diễn ra từ 15 đến 26/5 tại thành phố biển miền Nam nước Pháp, sẽ mở màn với The Great Gatsby, siêu phẩm được mong chờ của điện ảnh Mỹ trong năm nay, nhưng không tranh giải.

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm