07/08/2011 18:48 GMT+7 | Bóng đá Đức
(TT&VH Cuối tuần)- Ngày 10/11/1989, Bức tường Berlin - “Tường thành bảo vệ chống phát xít” - đã chính thức sụp đổ, mở đường cho việc thống nhất Đông - Tây, lập nên nước Cộng hòa Liên bang Đức ngày nay. Cùng với sự thống nhất đất nước, giải vô địch bóng đá ở Đông Đức và Tây Đức cũng có sự hợp nhất, vào mùa giải đặc biệt 1991-1992. TT&VH Cuối tuần xin giới thiệu đến độc giả về mùa giải đặc biệt này qua bài viết của tác giả Die Mannschaft trên diễn đàn http://diemannschaft.wordpress.com.
Đông Tây hợp nhất
Ngày 10/11/1989, Bức tường Berlin chia đôi nước Đức bị sụp đổ, mở đường cho sự thống nhất hai miền Đông - Tây nước Đức một năm sau đó. Đến tháng 11/1990, bóng đá Đức cũng chứng kiến một sự hợp nhất khi Liên đoàn bóng đá Đông Đức (DFV) và Liên đoàn bóng đá Tây Đức (DFB) sát nhập thành một liên đoàn thống nhất cho đến ngày nay với tên gọi Deutscher Fußball-Bund (DFB). Và kể từ đó hệ thống các giải thi đấu các cấp câu lạc bộ của bóng đá Đông Đức và Tây Đức đều được đưa chung vào hệ thống thi đấu của DFB. Sự thống nhất này đã mở ra một chương hoàn toàn mới trong lịch sử của Bundesliga, giải đấu mà trước đó chỉ là sự cạnh tranh của các CLB Tây Đức. Đó là, kể từ năm 1991, lần đầu tiên giải vô địch quốc gia Đức Bundesliga chính thức có thêm sự tham gia của các đội bóng đến từ miền Đông.
Thành phần tham dự
Khác với nhiều giải vô địch hàng đầu châu Âu khác như ở Anh, Italia hay Tây Ban Nha vốn đều có 20 đội tranh nhau chức vô địch, Bundesliga của Đức thường chỉ có 18 đội (2 mùa giải đầu 1963-1964 và 1964-1965 thậm chí chỉ có 16 đội), và cho đến bây giờ cũng giữ truyền thống 18 đội như thế. Nhưng mùa giải Bundesliga 1991-1992 là một sự khác biệt và cũng là duy nhất trong lịch sử của giải khi có đến 20 đội tham dự. Vì có thêm các đội từ Đông Đức góp mặt nên số đội tham dự Bundesliga được nâng lên: 18 CLB từ giải Bundesliga của Tây Đức và 2 đội từ giải DDR-Oberliga của Đông Đức. Và để cho mùa giải sau đó còn lại 18 đội như thông lệ của Bundesliga, mùa giải 1991-1992 có đến 4 đội phải xuống hạng trực tiếp vào cuối mùa, đồng thời chỉ có 2 đội lên hạng từ giải hạng nhì 2.Bundesliga.
Trở ngược về mùa giải 1990-91 trước đó, ở giải DDR-Oberliga của Đông Đức, Hansa Rostock đã giành chức vô địch giải này đồng thời trở thành đội bóng vô địch cuối cùng trong lịch sử ngắn ngủi của bóng đá Đông Đức. Hansa Rostock cùng với Dynamo Dresden (đứng thứ 2 mùa bóng 1990-1991) đã vinh dự trở thành 2 CLB Đông Đức đầu tiên góp mặt tại Bundesliga. Trong khi 6 đội xếp sau đó chỉ được tham dự giải hạng nhì 2.Bundesliga mùa giải 1991-1992.
Sự thống nhất giữa hai liên đoàn bóng đá Đông-Tây Đức đã mở ra một chương mới cho giải bóng đá Bundesliga- Ảnh Getty
Những tên tuổi đáng chú ý
Bước vào mùa giải mới, Kaiserslautern là nhà đương kim vô địch giải Tây Đức cũ trước đó. Sang mùa này, Lautern đã để mất một trong những cầu thủ xuất sắc nhất của họ ở mùa giải trước đó là Bruno Labbadia. Tiền đạo hiện đang là huấn luyện viên của Stuttgart này đã chuyển sang thi đấu cho Bayern, đội bóng á quân của mùa giải 1990-1991. Chính điều này đã làm suy giảm đi sức mạnh của nhà đương kim vô địch. Nhưng dù sao thì Kaiserlautern vẫn còn đó chân sút cự phách mùa trước là Stefan Kuntz cùng với những nhân tố bổ sung đầu mùa như Wolfgang Funkel, Marcel Witeczek (cùng đến từ FC Uerdingen), Oliver Schäfer (SC Freiburg) nên vẫn còn đó chút uy của nhà đương kim vô địch.
Không như Kaiserslautern phần nào còn giữ được sức mạnh, hai đội hạng 2 và hạng 3 mùa giải 1990-1991 là Bayern và Bremen thì có một mùa giải đáng thất vọng. Bayern dù được bổ sung thêm Labbadia nhưng lại bán trung vệ Jürgen Kohler, và tiền vệ Stenfan Reuter, đồng thời cũng mất luôn thủ lĩnh tinh thần Klaus Augenthaler (giải nghệ). Bremen thì khá lặng lẽ trong các thương vụ chuyển nhượng. Cho nên xuyên suốt cả mùa giải, 2 CLB này chỉ làm bạn với nhóm giữa bảng xếp hạng. Vị trí cao nhất họ kiếm được chỉ là hạng 4 (Bayern, vòng 5) và hạng 6 (Bremen, vòng 20).
Sự thất bại của 3 đội đầu bảng Bundesliga mùa trước ở giải này cho thấy sự cạnh tranh rất gay gắt ở Bundesliga và chiếc đĩa bạc danh giá luôn luôn giành cho nhiều đội khác nhau chứ không phải giới hạn ở một vài CLB. Sự hấp dẫn và kịch tính của mùa giải này được tạo ra từ sự trỗi dậy lật đổ nhóm Lautern, Bayern, Bremen của 3 cái tên: Eintracht Frankfurt, Dortmund và Stuttgart. Cuộc chạy đua chức vô địch giữa 3 đội trên căng thẳng cho đến tận những phút cuối cùng mới xác định được chức vô địch thuộc về tay ai.
Với Frankfurt, đây có thể là giai đoạn cực thịnh nhất của họ kể từ khi Frankfurt giành chức vô địch giải bóng đá Đức năm 1959, vài năm trước khi giải này đổi tên thành Bundesliga năm 1963. Ở mùa giải 1991-1992, đội bóng của HLV Stepanovic sở hữu một đội hình đang ở thời kì đỉnh cao của sự nghiệp. Đội bóng chủ sân Waldstadion (từ năm 2005 đã đổi sang tên Commerzbank-Arena) có thủ môn kỳ cựu Uli Stein chắc chắn trước khung thành. Hàng thủ được chỉ huy bởi Manfred Binz, hậu vệ thuộc loại xuất sắc nhất Bundesliga vào lúc ấy.
Tuyến giữa của Frankfurt có các tuyển thủ Đức Ralf Falkenmayer, Andreas Möller, và đặc biệt là Uwe Bein - một trong những tiền vệ rất khéo léo của Đức với những đường kiến tạo chết người. Đảm nhận trọng trách ghi bàn cho đội là chân sút người Ghana Tony Yeboah, người mà sau này đã giành danh hiệu vua phá lưới Bundesliga trong 2 mùa liên tiếp 1992-1993 và 1993-1994. Chính vì thế, trong mùa giải này, Frankfurt liên tục dẫn đầu bảng xếp hạng trong suốt lượt đi (từ vòng 11 đến 20) và những vòng cuối cùng của mùa giải.
Còn với Dortmund, đội bóng vùng công nghiệp Ruhr, họ bước vào mùa bóng rất chạm chạp ở giai đoạn đầu mùa với những trận thắng - thua thất thường. Tuy nhiên càng thi đấu thì các cầu thủ của HLV Ottmar Hitzfeld (mới vừa chuyển về dẫn dắt đội) càng chơi càng hay hơn. Những trụ cột của đội bóng Vàng-Đen như hậu vệ Michael Schulz, Thomas Helmer; tiền vệ Michael Rummenigge và đặc biệt là tay săn bàn Stéphane Chapuisat mà họ mới có được từ đội bóng vừa xuống hạng Uerdingen, đã đưa Dortmund liên tiếp 10 vòng từ vòng 21 đến 30 ngự trị trên BXH với chuỗi 19 trận bất bại (kéo dài từ vòng 12).
Không có những chuỗi ngày ngự trị trên bảng xếp hạng của mùa giải như Frankfurt và Dortmund nhưng Stuttgart lại sở hữu sự chắc chắn ổn định và sự chiến đấu kiên cường đến phút chót. Ở mùa này, dưới sự huấn luyện của Christoph Daum, một HLV luôn cháy hết mình ngoài đường biên để chỉ đạo và rất giỏi trong việc khích lệ tinh thần thi đấu của các cầu thủ, đội bóng “Thiên nga trắng” luôn ở trong top 4 kể từ vòng thứ 5 của mùa giải.
Phải nói thêm rằng, sự kiện Bức tường Berlin sụp đổ đã phần nào giúp cho vài CLB Tây Đức thêm mạnh hơn khi một số cầu thủ xuất sắc của tuyển Đông Đức có điều kiện gia nhập vào những CLB phía Tây. Những tuyển thủ Đông Đức như Ulf Kirsten, Andreas Thom, Dariuz Wosz... sau ngày Đức thống nhất đều chuyển sang các CLB phía Tây Đức để thi đấu và đều để lại những thành công nhất định.
Stuttgart là một trong các CLB hưởng lợi nhất từ sự thống nhất này bởi vì ngay trong mùa 1990-1991 họ đã nhanh chóng có được sự phục vụ của cầu thủ xuất sắc nhất, người đội trưởng cuối cùng của tuyển Đông Đức: Matthias Sammer. Ở mùa giải 1991-1992, Stuttgart còn sở hữu trung vệ đội trưởng Guido Buchwald, người mới năm trước đó đã làm câm lặng “Cậu bé vàng” Diego Maradona trong trận chung kết World Cup 1990 để giúp tuyển Đức lần thứ ba bước lên đỉnh thế giới. Có Buchwald lẫn Sammer, đồng thời dưới tay HLV Daum có cả tiền đạo đang có phong độ cao Fritz Walter nên Stuttgart có sự cân bằng ở cả 3 tuyến.
Sự sung sức của Frankfurt, cú bức tốc của Dortmund, sự chắc chắn và tinh thần chiến đấu đến cùng của Stuttgart đã làm cho mùa giải Bundesliga 1991-1992 trở thành một trong những mùa giải kịch tính nhất trong lịch sử Bundesliga khi 3 CLB cùng cạnh tranh chức vô địch cho đến những phút cuối cùng của vòng 38 của mùa giải này.
Mùa giải kịch tính
Mùa giải 1991-1992 là một mùa giải đáng nhớ không chỉ vì đó là mùa giải đầu tiên đánh dấu sự thống nhất của bóng đá Đức mà còn là một mùa bóng rất hấp dẫn. Thật vậy, mùa giải này xứng đáng được xếp những mùa giải kịch tính nhất trong lịch sử Bundesliga khi mà cuộc cạnh tranh chức vô địch chỉ được quyết định ở những phút cuối cùng của mùa giải.
Kể từ vòng 11 cho đến vòng áp chót, Frankfurt cùng Dortmund liên tục nắm giữ vị trí đầu bảng. Còn Stuttgart thì lặng lẽ bám đuổi trong tốp đầu. Kết thúc vòng 36, Bầy Thiên Nga đã leo lên vị trí nhì bảng, xếp sau Frankfurt. Tuy nhiên ở vòng 37, tận dụng việc cả Frankfurt và Stuttgart đều bị cầm hòa trên sân nhà (Frankfurt 2-2 Bremen, Stuttgart 1-1 Wattenscheid), Dortmund với trận thắng tưng bừng Leverkusen 3-1 đã kịp san bằng điểm số với 2 đội trên. Như vậy sau vòng 37, cả ba đội Frankfurt, Stuttgart và Dortmund cùng có 50 điểm, bỏ xa đội thứ 4 là Kaiserslautern đến 6 điểm. Cuộc cạnh tranh chức vô địch bây giờ chỉ là cuộc đua tam mã mà Frankfurt đang nắm giữ lợi thế với hiệu thắng thua áp đảo so với Stuttgart và Dortmund (+36 so với +29, +18). Chính vì thế, ở vòng cuối cùng, chỉ cần một chiến thắng tối thiểu cũng giúp Frankfurt bước lên ngôi vô địch.
Bước vào vòng 38, cả ba đội đầu bảng đều hành quân đến sân khách. Xét về độ khó khăn thì thầy trò HLV Daum là gặp nhiều trắc trở hơn cả vì họ buộc phải thắng chủ nhà Leverkusen, đội bóng cũng đang cần điểm để kiếm một suất đá cúp Châu Âu. Trong khi Frankfurt và Dortmund gặp nhóm cuối bảng đang vật lộn với cuộc chiến trụ hạng. Tất cả các trận đấu vòng 38 đều diễn ra cùng giờ. Do vậy, các đội buộc phải tự mình giành lấy chiến thắng hơn là chờ đợi sự sơ sẩy từ chân đối thủ.
Dortmund là đội nhanh chóng bức tốp khi Chapuisat mở tỷ số sớm cho Dortmund ngay phút thứ 9. Đây là bàn thắng thứ 20 của anh , bám đuổi quyết liệt với tiền đạo Fritz Walter của Stuttgart (đang có 21 bàn). Chức vô địch đến phút này đang nằm trong tay Dortmund. 11 phút sau, các cổ động viên BVB càng mừng hơn khi tại sân Ulrich-Haberland-Stadion (sân BayArena bây giờ) Leverkusen vươn lên dẫn trước Stuttgart 1-0 sau khi họ hưởng được 1 quả penalty do hậu vệ Stuttgart để bóng chạm tay.
Trong khi đó Frankfurt vẫn chưa thể thắng được Rostock cùng thời điểm. Khi Dortmund vẫn tạo được thế trận khá an toàn trước Duisburg thì chỉ có chiến thắng mới giúp Stuttgart có hy vọng vô địch. Stuttgart miệt mài tìm kiếm bàn thắng và nỗ lực ấy được đền đáp khi họ kiếm được quả penalty ở phút 41. Fritz Walter không bỏ qua cơ hội này để san bằng tỷ số 1-1. Bàn thắng thứ 22 này cũng giúp tiền đạo Walter đoạt luôn danh hiệu vua phá lưới của mùa giải. Kết thúc hiệp 1, Dortmund đang thắng nên vươn lên xếp trên Stuttgart và Frankfurt khi 2 đội này đang bị cầm hòa.
Nhắc lại, do hiệu số bàn thắng thua khá cao nên với Frankfurt, chỉ cần thắng trong trận gặp Rostock thì sẽ vô địch. Tuy nhiên, với tinh thần không còn gì để mất, đội bóng mùa trước mới vô địch giải Đông Đức đã gây rất nhiều khó khăn cho Frankfurt bởi lẽ để có hy vọng trụ hạng, Rostock buộc phải thắng và mong chờ các đội cạnh tranh khác thất baị. Có lẽ đứng trước cơ hội vô địch, các cầu thủ Frankfurt bị tâm lý nên trong trận này họ phung phí nhiều cơ hội ghi bàn. Không những thế đến phút 65 họ bất ngờ bị Rostock dẫn trước sau một pha phản công nhanh. Tuy nhiên chỉ 2 phút sau Axel Kruse đánh đầu sang bằng tỷ số cho Frankfurt để nuôi lại hy vọng vô địch.
Với Dortmund thì họ vẫn kiểm soát tốt thế trận trong hiệp hai khi tạo ra khá nhiều tình huống đe dọa khung thành Duisburg. Khả năng vô địch với họ còn sáng sủa hơn khi mà Stuttgart đang gặp khó khăn trên sân của Leverkusen. Không những vậy phút 79, Stuttgart chỉ còn chơi với 10 người khi Sammer phải nhận thẻ đỏ trực tiếp buộc phải rời sân. Tình thế bây giờ với Stuttgart khó khăn hơn bao giờ hết. Tuy nhiên Stuttgart vẫn kiên cường chiến đấu đến phút chót, điều mà họ đã thể hiện xuyên suốt mùa giải này. Phút 86, trong một pha dâng cao tấn công, đón đường chuyền từ cánh trái vào khu vực 5m50, đội trưởng của Stuttgart, Guido Buchwald bật cao đánh đầu tung lưới Leverkusen đem về bàn thắng quí báu cho “Thiên nga trắng”.
2-1, chức vô địch lúc này rời tay Dortmund để về với Stuttgart vì Stuttgart đang hơn hiệu số bàn thắng thua so với Dortmund. Và nó cũng rời xa Frankfurt khi đội này để thua 1-2 trước Rostock ở phút 89 của trận đấu. Với đội bóng Đông Đức, mặc dù đã chiến thắng trước Frankfurt nhưng những nỗ lực tuyệt vời ấy của họ đã không thể giúp đội bóng trụ hạng thành công vì Wattenscheid đã ngược dòng giành thắng lợi 3-2 trước Gladbach. Stuttgarter Kickers cũng thắng 2-0 trước Bochum nhưng cũng phải cùng Hansa Rostock, Duisburg và Fortuna Düsseldorf xuống hạng.
Frankfurt và Dortmund đã có một mùa giải khá thành công khi liên tục thay nhau dẫn đầu BXH. Với Stuttgart, mặc dù trước đó chỉ vỏn vẹn 2 lần lên đứng thứ 1 (vòng 10,32) nhưng sự chắc chắn và tinh thần chiến đấu không ngừng của thầy trò Daum đã giúp họ cán đích nhanh nhất đúng vào thời điểm quyết định. Stuttgart giành chức vô địch Bundesliga đầu tiên trong thời khi Bundesliga thống nhất. Đó là chức vô địch thứ 4 trong lịch sử CLB Stuttgart.
Mùa bóng 1991-1992 kết thúc còn đẹp hơn với Stuttgart khi họ còn giành thêm Siêu cúp Đức. Ở trận tranh siêu cúp 2 tháng sau đó, Stuttgart đã đánh bại Hannover 3-1. Quả là một mùa giải thành công với Stuttgart! Với bóng đá Đức, việc Bremen giành chức vô địch C2 cùng mùa (Bremen thắng Monaco 2-0 ở trận chung kết) đã để lại một kết thúc vô cùng tốt đẹp cho mùa giải thống nhất đặc biệt này.
Thất vọng Bayern
Trong suốt chiều dài lịch sử bóng đá Đức, Bayern luôn hiện thân như một biểu tượng tiêu biểu cho nền bóng đá nước này. Do đó, sự thể hiện của Bayern, dù ở bất kì thời điểm nào cũng luôn dành được sự quan tâm nhất định. Và đặc biệt hơn khi mà mùa giải 2011-2012 sắp diễn ra, mùa bóng 1991-1992 cũng là cột mốc 20 năm đánh dấu sự quay trở lại cho vị trí HLV chính thức ở Bayern, đó là Jupp Heynckes.
Jupp Heynckes đến với Bayern lần đầu từ mùa giải 1987-88. Ông nhanh chóng thành công cùng Bayern khi giúp đội vô địch liên tiếp ở 2 mùa 1988-89 và 1989-1990. Sau mùa 1990-91 bị Kaiserslautern qua mặt, Bayern quyết tâm cho một sự trở lại. Mùa trước đó, Bayern đầu tư nhiều khi lần lượt có tài năng mới nổi Stefan Effenberg (từ Gladbach), Brian Laudrup (Bayer Uerdingen) hay Christian Ziege ( một phát hiện từ đội trẻ Bayern). Tuy vậy họ chỉ cán đích thứ nhì sau Lautern. Bới thế ở mùa giải 1991-1992, Bayern quyết tâm hơn bằng sự tăng cường thêm cặp trung vệ Thomas Berthold (một nhà vô địch World Cup 1990, chuyển đến từ Roma), Oliver Kreuzer (Karlsruher SC) và đặc biệt là tiền đạo Bruno Labbadia đến từ chính Kaiserslautern cũng như Mazinho đến từ Brazil.
Tuy không còn sự phục vụ của Jürgen Kohler, Stenfan Reuter và Klaus Augenthaler mùa này nhưng bộ khung còn lại của Bayern cũng đủ mạnh để chinh phục Bundesliga. Những Stefan Effenberg, Christian Ziege, Olaf Thon sau một mùa giải đã trưởng thành. Hàng công với những Roland Wohlfarth, Bruno Labbadia, Mazinho, Brian Laudrup đủ để làm cho các đội khác khiếp sợ. Vậy mà sau lượt đi Bayern chỉ có được 6 trận thắng, thua đến 6 trận, trong đó có những trận thua muối mặt trước Stuttgarter Kickers và Dortmund ngay trên sân nhà. Chính vì trận thua S.Kickers 1-4 đã làm cho ban lãnh đạo Bayern hết kiên nhẫn với Jupp Heynckes và họ sa thải ông ngay lập tức.
Cuộc tình đầu tiên giữa Bayern và Jupp Heynckes kéo dài hơn 3 năm, kết thúc ngày 8/10/1991. Sau khi sa thải Heynckes, Bayern mời cựu cầu thủ Søren Lerby về thay thế. Tuy nhiên Lerby cũng không giúp Bayern chơi khá hơn và Lerby cũng phải rời Bayern vào đầu tháng 3 năm 1992. Erich Ribbeck được đưa về cứu con tàu đắm Bayern. Nhưng rồi Bayern cũng chỉ kết thúc mùa bóng ở vị trí thứ 10 mà thôi. Một trong những vị trí thấp nhất mà họ từng có. Trước đó chỉ có mùa 1977-1978 (thứ 15) là thấp hơn mà thôi. Như vậy trong mùa giải đặc biệt 1991-1992, Bayern đã để lại một nỗi thất vọng rất lớn, trái với hình ảnh một Bayern vĩ đại trước đó.
20 mùa bóng về trước, Jupp Heynckes đã phải ra đi trong sự thất vọng cùng cực, dù có trong tay một đội quân hùng hậu. Giờ đây, ông quay lại mái nhà xưa của mình, không phải với tư cách của một kẻ cứu rỗi, tạm bợ, một người chữa cháy như 3 năm trước, mà là danh chính ngôn thuận ở vị trí HLV trưởng. Trước thềm mùa giải 2011-12 sắp diễn ra, cũng với nhiều chiến binh tinh nhuệ, Jupp Heynckes không chỉ được nhiều người kì vọng sẽ giúp Bayern lấy lại sức mạnh sau một năm sa sút, mang những danh hiệu về sân Allianz Arena, mà còn là cơ hội, có lẽ là cuối cùng, cho chính ông đế xóa đi cái vết đen thảm bại của 20 năm về trước.
Die Mannschaft
Kết quả mùa 1991-1992 Vô địch: Stuttgart Á quân: Dortmund Thứ ba: Frankfurt Xuống hạng: Stuttgart Kickers, Hansa Rostock, Duisburg và Fortuna Duesseldorf. Vua phá lưới: Fritz Walter (Stuttgart, 22 bàn) |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất