Leonard Cohen tiếng ca vọng tuổi thanh xuân

01/01/2010 16:40 GMT+7 | Văn hoá

Cuốn theo chiều gió...

     Một năm đang qua đi, cuốn theo chiều gió biết bao sự kiện, bao niềm vui, sự phấn chấn, hân hoan và cả niềm khổ đau, hoang mang, thất vọng. 


Nghệ sĩ quyền lực nhất trong năm

     Một năm mới 2010 đang về với nhiều đợi chờ và hy vọng. Hãy cùng TT&VH Cuối tuần nhìn lại vài góc trong đời sống văn nghệ thế giới năm qua và lắng nghe những rạo rực đón năm mới ở khắp nơi trên thế giới...


Sự ra đi gây nhiều tiếc nuối nhất trong năm



(TT&VH Cuối tuần) - Cựu binh Lou Reed ở lần trả lời phỏng vấn mới đây đã miêu tả Leonard Cohenlà vị thần cao nhất trong ngôi đền âm nhạc với những vị thần còn sống. Tờ Rolling Stone ca tụng ông như một người đã tạo nên những linh hồn tuổi trẻ bất diệt, là bậc thầy vẫn ngự trị ở ngôi cao nhất trong cuộc chơi của mình. Còn trong lý lịch bản thân, Cohen được ghi là “văn sĩ/thi sĩ/nhạc sĩ/ca sĩ”, vậy phải nhìn nhận ông như thế nào?


Người gieo mầm tuổi trẻ

“Giờ tôi hiểu mình là ai, chẳng phải văn sĩ hay ngọn đèn dẫn đường cho thế hệ nào cả, cũng chẳng phải người phát ngôn cho những rung động mới mà đơn giản chỉ là một gã viết nhạc tầm thường sống ở LA mà thôi”, Leonard Cohen đã nói như thế trong phần mở đầu bộ phim tài liệu nói về ông mới được công bố gần đây. Phần mở đầu nhẹ nhàng như đối lại với những con số thống kê nhiều triệu bản album đã được bán ra, hàng tá giải thưởng, một loạt các nghệ sĩ tên tuổi gật đầu công nhận sự ám ảnh ca từ mang tên Cohen trong những sáng tác của họ và khá nhiều thế hệ đã đắm mình vào giai điệu của ông như tìm thấy cho mình một không gian sống tươi xanh ngập tràn hương yêu… Cohen là vậy, kiệm lời và khiêm tốn, ông dành thời gian để tận hưởng cuộc sống hơn là nói về mình.


Là một người trầm tính, Cohen sống ẩn dật, sáng tác những vần thơ nhục tính, hát các ca khúc như ru ngủ, vậy mà mỗi lần ông ra đĩa lại bán chạy như tôm tươi. Ở tuổi 75, ông là một biểu tượng sống ở Canada, niềm hãnh diện mà đất nước này giới thiệu với thế giới. Âm nhạc của Cohen đánh thức người nghe bởi ca từ lạ lùng và một giọng hát được “đục đẽo” bởi khói thuốc và whisky. Giọng nam trung trầm ấy như có ma lực khiến khi nghe, bạn không lắc lư cánh tay mà lắc lư những tâm tư đang bị dồn nén trong mình, một sức hút mà nếu đã bị cuốn vào, bạn không bao giờ rời ra được. Năng lượng phát tỏa của ông thật khủng khiếp, nó vừa nhẹ nhàng nhưng cũng đầy sự chiếm đoạt.

Những bài hát lâu năm của Cohen hiện vẫn được giới trẻ yêu mến. Hallelujah là một ví dụ, nó được các nghệ sĩ nhiều nước chơi lại với không dưới 200 phiên bản khác nhau, chỉ riêng năm 2008, hai trong số đó leo lên Top 10 tại Anh và còn được sử dụng ở cuộc thi American Idol.

Leonard Cohen được biết đến đầu tiên như một nhà thơ. Những vần thơ của ông được biết đến lần đầu vào năm 1956 khi Cohen 22 tuổi. Năm 1963, ông xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tay, đến 1967 thì Cohen chính thức lấn sân vào âm nhạc với ca khúc sáng tác cho Judy Collins (Suzanne) thành công rực rỡ. Cohen đi theo lối sáng tác dân ca mộc mạc nhưng dàn trải theo chiều sâu ca từ, phong cách hòa âm tưởng chừng đơn giản nhưng được nối với nhau bằng rất nhiều chất liệu phức tạp trên một tổng phổ chậm mà chắc, đầy, tạo cho không gian âm nhạc của ông có gì đó như một thứ nghi lễ, một sự thành kính hay vọng tưởng những điều đã cũ.
 
Tính đến nay, Cohen đã cho ra đời 11 album nhạc, 10 tập thơ/nhạc và 2 tiểu thuyết, giọng điệu của ông qua nhiều thời vẫn giữ được bản chất trầm lắng, tự sự nhưng “hương vị” tỏa ra của chúng luôn có một sự quyến rũ khác hẳn nhau.
 
Tuổi 75 ôm đàn lên đường

Có rất nhiều lời giải thích tại sao sau 15 năm không đi diễn, Cohen lại bất ngờ tái xuất. Có ý kiến cho rằng đó là do ông đã cai được rượu và thấm nhuần Thiền, cũng có người bảo rằng sau khi bị viên quản lý lừa gần hết tài sản, Cohen quyết định đi hát trở lại như một cách gầy dựng sự nghiệp âm nhạc của mình lần thứ hai. Chính xác thì năm 2009 này, Cohen chẳng có gì mới, album nhạc gần nhất của ông cũng đã xuất hiện 5 năm trước, tập thơ gần nhất thì ra đời cách đây hơn 3 năm. “Cái mới là ông ấy muốn hát, đơn giản thế thôi” - Rob Hallett, người tổ chức tour diễn thế giới cho Cohen, phát biểu.


“Chẳng nghi ngờ gì nữa, 2009 là năm mang tên Leonard Cohen, ông như được phục sinh và giọng hát của ông dường như không có tuổi”, Larry Rohter của tờ New York Times đã nhận xét như thế khi Cohen biểu diễn ở Mỹ sau 15 năm ẩn dật. Hành trình tour diễn bắt đầu từ Canada, vòng qua châu Âu rồi ngược về Mỹ kéo dài hơn một năm của Cohen đã khiến gần một triệu khán giả nô nức mua vé đi xem. “Một con số khổng lồ, tôi không tin là mình vẫn còn được yêu mến như vậy. Đôi lúc ở tuổi già, bạn luôn muốn có những thử thách. Tôi không còn ở tuổi 30 và đây như thể là một hành trình mới hoàn toàn của tôi”, Cohen phát biểu. Hành trình mới với những chất liệu cũ vẫn tạo được nhiều ngây ngất. Trên sân khấu ở Barcelona (Tây Ban Nha) là một “khứa lão” vừa tròn 75 liên tục nhấc chiếc mũ ra khỏi đầu để cảm ơn 14.000 thính giả đến nghe ông hát và sau đó Cohen cầm mic trình diễn bài Dance Me To The End Of Love, giọng ca vẫn thế, như thời những ngày còn tráng kiện ôm đàn hát Suzane ở Isle Of Wight hồi thập niên 1970. Người ta dường như quên mất 3 ngày trước, ông già đó đã bị ngã trên sân khấu vì trúng thực và các bác sĩ định kết thúc tour diễn châu Âu của Cohen vì sợ nghệ sĩ này không đủ sức khỏe.

Tour Live In London 2009 trong hành trình xuyên châu Âu của Cohen đã ra bản DVD. Giữa bao gương mặt tân thời và các dòng nhạc cuồn cuộn trào lưu mới mà giọng hát của “khứa lão” 75 tuổi chuyên mặc veston trên sân khấu vẫn còn được yêu mến thì quả là một tín hiệu quá lạc quan cho những người hoài cổ. Tờ New York Times gọi đây là một sự kiện văn hóa của năm 2009, sự trở lại thành công nhất đối với một nghệ sĩ âm nhạc cựu trào. Tờ Rolling Stone xếp chuyến lưu diễn của Cohen vào top 10 tour diễn hay nhất 2009. Sau tour diễn này, ông dự định sẽ tung ra album mới.

Ở tuổi 75, dường như Cohen vẫn chưa thôi thích trồng những khóm rau trong miếng vườn nhỏ trước nhà. Với ông, âm nhạc như một khu vườn lớn và công việc của Cohen là lặng lẽ trồng những khóm rau lưu lại cho đời. “Đời là chuỗi ngày và đêm nối tiếp nhau, ở giữa chúng là những thân phận, tâm tư, của đau khổ và sợ hãi, của hạnh phúc và nụ cười. Hành trình của tôi là tìm sự khám phá trong những nỗi hồ nghi, tự vấn và sau đó khi từng chặng hành trình khép lại, bạn sẽ thấy sự thống khổ không bao giờ chiến thắng được ở cuộc đời này”, Cohen đã nói như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn mới nhất với tờ Gurdian.

     2009 là năm mang tên Leonard Cohen, ông như được phục sinh và giọng hát của ông dường như không có tuổi.

Cuối tháng 1/2010, Leonard Cohen cùng Michael Jackson và một số tên tuổi khác sẽ được vinh danh với giải Thành tựu trọn đời tại đêm hội Grammy. Trước đó 2 năm, tên tuổi ông đã được đưa vào Nhà lưu danh rock and roll. Đã nhận được vô số giải thưởng, những lời khen nức nở nhưng với Cohen, cuộc đời phía trước mới là quan trọng “Khi nhận được giải thưởng có nghĩa bạn đã là quá khứ. Vậy bạn phải luôn tin rằng cuộc sống của mình nằm ở tương lai, tin vào những điều bạn không định trước được. Nghĩ như thế, bạn sẽ thanh thản và phát huy được hết nội lực của mình”, Cohen nói và nở một nụ cười nhỏ. Người ta biết rằng để có được nụ cười ấy, cả cuộc đời mình, Cohen đã phải vất vả đến thế nào.


Cung Tuy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm