Giữ nét đẹp văn hóa truyền thống lễ Vu lan báo hiếu

19/08/2013 09:27 GMT+7 | Thế giới


Theo truyền thống Phật giáo Việt Nam, rằm tháng Bảy âm lịch hàng năm là một trong những ngày lễ quan trọng của Phật giáo, với ý nghĩa là ngày lễ Vu lan báo hiếu cha mẹ, thể hiện nét văn hóa đạo đức hiếu hạnh của đạo Phật, một trong “Tứ trọng ân” mà mỗi người con đều không thể nguôi quên.

Các Đại đức làm lễ tụng kinh - Ảnh: Văn Long/Vietnam+
Lễ Vu Lan xuất phát từ sự tích Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ (quỷ đói). Vu Lan trở thành ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ và tổ tiên nói chung, nhắc nhở mỗi người biết trân trọng những gì mình đang có, nhắc nhở bổn phận làm con phải luôn nhớ đến công ơn sinh dưỡng của cha mẹ mà làm những việc hiếu nghĩa để thể hiện tình cảm, lòng biết ơn.

Mỗi mùa Vu Lan đến, nhiều nơi lại tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho đồng bào nghèo, trẻ em mồ côi, người già neo đơn… Những việc làm ấy cũng xuất phát từ ý nghĩa đền đáp công ơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ, thể hiện nét đẹp truyền thống văn hóa đạo đức của dân tộc.

Đại đức Thích Thanh Tuấn, Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết: lễ Vu Lan là dịp để con cái báo đáp công ơn cha mẹ sinh thành ra mình, từ đời này sang đời khác và để đáp đền công ơn đó, con cái phải tích đức tu nhân, giúp đỡ người nghèo, làm những điều thiện, cầu siêu cho tiên tổ được siêu đăng Phật quốc. Theo tín ngưỡng truyền thống, rằm tháng Bảy âm lịch còn gọi là ngày "xá tội vong nhân". Người con muốn cha mẹ, cửu huyền thất tổ được xá tội, được giảm ác nghiệp phải chăm làm việc thiện, hồi hướng công đức cho cha mẹ sớm về nơi an lành.

Tuy nhiên, cùng với những nét đẹp văn hóa đó, ngày lễ Vu Lan đang bị yếu tố mê tín dị đoan, phi Phật giáo ảnh hưởng rất nhiều, đó là tục đốt vàng mã. Dịp này, nhà nhà lại sắm sửa lễ vật, vàng mã để cúng chúng sinh , nhà ít cũng đốt vài bộ quần áo, mấy xấp tiền vàng cho “người cõi âm” hết vài trăm ngàn, nhà nhiều, đốt cả ôtô, xe máy, nhà lầu, tốn đến tiền triệu. Ai cũng biết đốt vàng mã là tốn tiền của, là khói bụi, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, nhiều ngôi chùa đã đặt biển cấm đốt vàng mã trong chùa, song dường như ít ai nhận ra rằng đó là một sự lãng phí lớn và tục đốt vàng mã vẫn diễn ra phổ biến.

Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định: Trong Phật giáo không có tục lệ đốt vàng mã. Theo quan điểm của Phật giáo, chỉ dùng cái tâm, tâm niệm để tưởng nhớ, noi gương các bậc tiền bối, các bậc thần thánh để từ đó làm tốt trong đời sống của mình, không cần phô trương, hình thức, đó mới là điều cốt lõi. Đốt vàng mã nhiều như hiện nay là rất lãng phí.

Theo Đại đức Thích Thanh Tuấn, muốn cho cửu huyền thất tổ, cha mẹ nhiều đời, nhiều kiếp được siêu thoát, cần tích đức tu nhân, giúp người nghèo khó, lấy câu kinh, câu kệ để cầu cho các linh hồn được siêu thoát, không nên làm những điều phi lý như đốt vàng mã. Không phải đốt đồ mã xong là đã "xá tội vong nhân". Đốt vàng mã không những vừa hao tài tốn của, không giải quyết được việc gì mà còn làm ảnh hưởng đến môi trường; tiền vàng, quần áo đốt xong, than tro trở lại với người trần, người âm không được hưởng. Tích đức tu nhân, làm việc thiện là cách báo hiếu, cách để "xá tội vong nhân" tốt nhất.

Chu Thanh Vân - TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm