Từ Hoàng Xuân Vinh đến Lê Văn Công

09/09/2016 14:30 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Đúng một tháng sau chiến công ngoạn mục của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, quốc thiều Việt Nam lại bay cao và quốc ca Việt Nam lại vang vọng trên đỉnh cao nhất thế giới, với kỳ tích của đô cử Lê Văn Công tại Paralympic Rio. Đô cử liệt chân với ý chí, nỗ lực phi thường của mình đã thổi bùng lên niềm tự hào dân tộc và cảm hứng nhân văn mãnh liệt.

1.Nếu không có thể thao, có lẽ giờ chàng trai quê Hà Tĩnh bị liệt chân bẩm sinh vẫn đang là chàng thợ sửa chữa điện tử dạo, đầy mặc cảm và khốn khó trên hành trình mưu sinh trên đất Sài thành. Cuộc sống tưởng như bế tắc, nặng nề trôi từng ngày của anh chỉ thực sự có một ngã rẽ khi gắn bó với nghiệp cử tạ một cách ngẫu nhiên, từ một lời giới thiệu, nhờ đôi tay to khỏe lạ thường.

Thể thao đã trở thành một “cầu nối” đặc biệt để Công không chỉ hòa nhập tốt với cộng động mà còn có cơ hội chứng tỏ khả năng, sức vươn của mình. Ở đó, nghịch cảnh về hình thể, những cơn đau thường trực cả về thể xác lẫn tinh thần đã được bỏ lại sau lưng, và chỉ còn niềm vui của việc tập luyện, thi đấu và khát vọng. Bởi thế, ngay cả khi chưa có thành tích, chưa nhận được một đồng trợ cấp, thì chuyện Công đều đặn đến nơi tập vào buổi sáng hay mỗi buổi chiều tối để chiến đấu với những quả tạ, bên những người đồng đội cùng cảnh ngộ đã giống như một nhu cầu tự thân.


Vượt lên nghịch ảnh, Lê Văn Công đã lập nên kỳ tích, mang vinh quang về cho Thể thao Việt Nam

Lực sĩ từng trải qua một quãng thời thơ ấu ra đường không dám nhìn ai vì tự ti đã mừng đến phát khóc khi lần đầu giành chiến thắng rồi bước lên bục nhận huy chương tại giải thể thao người khuyết tật toàn quốc năm 2005. Rồi lần đầu được xuất ngoại và ăm ngay HCV tại ASEAN Para Games 2007. Phía sau tất cả, với công, đó là niềm sung sướng tự hào vô bờ khi đã vượt lên tật nguyền, đã có đóng góp cho thể thao, cho xã hội, điều mà trước đó anh chưa bao giờ “dám” nghĩ tới. Thể thao đã tạo ra một động lực mạnh mẽ, toàn diện, phần nào đó là cả “phao cứu sinh” cho những người khuyết tật như Công.

Không phải đến lúc chinh phục đỉnh cao nhất tại Paralympic, cuộc sống của một người khuyết tật Văn Công đã thay đổi hoàn toàn khi là một đô cử thể thao Văn Công, từ sự tự tin, niềm vui sống, cho đến thu nhập, gia đình.

2. Ở chiều ngược lại, chính những con người như nhà vô địch và kỷ lục gia Paralympic với hành trình vượt khó phi thường của mình, đã đưa thể thao vượt xa địa hạt của một lĩnh vực chuyên môn. Giờ đây anh đã là một mẫu hình mang tính xã hội- nhân văn, một người hùng mang đến niềm cảm hứng lớn lao, cho không chỉ mấy triệu người khuyết tật Việt Nam đang phải đối diện với muôn vàn khó khăn.


Giây phút vỡ òa hạnh phúc của Lê Văn Công sau khi giành HCV, phá kỷ lục Paralympic, kỷ lục thế giới tại Rio 2016

Qua “cầu nối” thể thao, Công đã chứng minh thành quả mà con người Việt Nam, cụ thể là những người gánh chịu nghịch cảnh như mình có thể vươn tới là không giới hạn, nếu như có có quyết tâm, có niềm tin và sự phấn đấu bền bỉ . Chính Công, chỉ sau đúng 6 tháng tập luyện, đã đạt tới trình độ của một đô cử có thâm niên 2-3 năm.

Chính Công, từng có cuộc tái xuất khó tin sau 3 năm tưởng như phải giải nghệ vì chấn thương khớp vai sau một tai nạn giao thông. Chính Công, đã vươn tới đẳng cấp quốc tế hàng đầu, thậm chí liên tiếp phá kỷ lục thế giới, sau một thời gian dài thất bại theo cách không thể đỡ nổi, trước nhiều đối thủ.

Nửa tỷ đồng tiền thưởng cho nhà vô địch Paralympic Lê Văn Công

Nửa tỷ đồng tiền thưởng cho nhà vô địch Paralympic Lê Văn Công

Lực sĩ Lê Văn Công sẽ nhận ít nhất khoảng nửa tỷ đồng tiền thưởng với thành tích giành HCV tại Paralympic 2016.

Sau mỗi lần thua, niềm khát khao của Công lại càng cháy bỏng, được dồn cả vào những quả tạ được đẩy lên trọng lượng cao hơn hẳn. Như lời của ông thầy “ruột” Nguyễn Hồng Phúc, với Công, không có khái niệm “sợ hãi” hay “hài lòng”. Đó mới chính là bí quyết cho thành công của Công, chứ không phải năng lực và sự phù hợp hiếm có với môn cử tạ.

Và tấm HCV cùng kỷ lục lịch sử của Lê Văn Công tại Paralympic Rio là sự song hành, kết đọng của hai giá trị có phần khác với thể thao thành tích cao thuần túy: chuyên môn và nhân văn.

Tường Nhi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm