Lê Uyên & Phương: Lau gương xưa lấy bóng duyên sầu

28/04/2016 13:13 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Sau nửa thế kỷ thì ước nguyện của họ cũng được toại nguyện khi những bài hát của Lê Uyên & Phương đã được xuất bản tại quê hương. Mới đây công ty Phương Nam Film vừa phát hành một boxset 2 CD đầu tiên tại Việt Nam với âm nhạc của bộ đôi được xem là đẹp nhất của tân nhạc Việt Nam - Lê Uyên & Phương.

Bộ đôi CD này có tên gọi Cho lần cuối & Dạ khúc cho tình nhân (trong đó có thêm 5 bài của nhạc sĩ Phạm Duy). Cùng với đó sẽ là đêm nhạc Dạ khúc tình nhân sẽ được tổ chức tại Đà Lạt vào ngày 1/5 tới. “Đây là đêm nhạc mà tôi mong chờ nhất bởi Đà Lạt chính là mảnh đất đã khai sinh ra Lê Uyên & Phương” - nữ danh ca Lê Uyên, giờ đã ở tuổi 65, chia sẻ.

50 năm tận hiến trong âm nhạc

“Cặp uyên ương âm nhạc” đã mất đi một chiếc cánh vào năm 1999 khi nhạc sĩ Lê Văn Lộc qua đời và lúc đó đã tưởng một mình Lê Uyên sẽ không thể nào bay tiếp. Nhưng bà vẫn tiếp tục con đường mà ông bỏ dở “Ngày xưa khi hát là chúng tôi đang nói về điều sẽ xảy ra cho bất kì cuộc tình nào. Còn bây giờ, tôi hát lại với tâm trạng hạnh phúc bởi đang sống với sự chia tay đó. Dù đau đớn thật nhưng tôi được sống lại quãng thời gian mà chúng tôi đã có với nhau” - Lê Uyên chia sẻ.


Cặp song ca Lê Uyên & Phương thời đẹp nhất (1973), lúc đó họ được ví như Sonny & Cher của Việt Nam 

Họ đã đi hát từ năm 1968 và chưa bao giờ ngưng nghỉ, dù bây giờ chỉ còn một người độc hành. “Tôi rất hạnh phúc khi âm nhạc Lê Uyên & Phương được xuất bản tại Việt Nam bởi đó cũng chính là tâm nguyện của anh Lộc trước khi qua đời” - Lê Uyên kể - “Lúc đó, trước khi nhắm mắt anh ấy nói rằng: Em phải mang đứa con tinh thần về cho anh”.

Bộ CD này phần nào có thể xem là những tuyệt phẩm của âm nhạc Lê Uyên & Phương với những bài tình ca đã làm nên tên tuổi của họ, từ Vũng lầy của chúng ta, Lời gọi chân mây cho đến Một ngày vui mùa Đông, Bài ca hạnh ngộ…

Bởi thứ âm nhạc họ làm ra, họ ca lên là một thứ âm nhạc tận hiến. Họ tận hiến mình trong âm nhạc như thể ngày mai không bao giờ đến. Nhạc sĩ Phạm Duy trong tập hồi ký của mình đã ca tụng Lê Uyên & Phương như một người sáng tác ra những bài hát mang tinh thần "ố nữ" (misogyne) rất cảm động, rất cay đắng, rất chua xót, chưa từng thấy trước đó trong lịch sử tân nhạc Việt Nam.

Nhưng đôi uyên ương Lê Uyên & Phương không có nhiều thời gian quan tâm đến vị trí của mình trong ngôi nhà tân nhạc Việt. Thời gian của họ dành cho Tình yêu - Hạnh phúc - Cái chết - Chia lìa - Khổ đau.

Âm nhạc của họ lộ nét hân hoan đến cực điểm, sự khổ đau đến cùng cực với cái chết treo lơ lửng và sự chia lìa lứa đôi có thể đến không báo trước.  Lê Uyên trở thành nàng thơ, là diệp lục tố phả xanh thế giới của Phương, nhuốm vào sáng tác anh những tự sự nhẹ nhàng, triết lý bàng bạc, những mân mê tình ái, khổ đau da diết, hạnh phúc hiển lộ… Cuộc đời của họ đi vào âm nhạc, giữa những bủa vây thách thức, giữa những đau khổ lụy tàn hay mê sảng sau những đam mê bùng cháy… được giải tỏa bằng những tình khúc, những tình khúc khi vừa thoát thai đã tìm được cho mình một chỗ đậu đẹp trong làng tân nhạc Việt.

Nhớ đến ngày còn gần nhau

Lê Uyên sau này nhớ lại cuộc sống của bà và nhạc sĩ Lê Văn Lộc cũng giống như nhiều người cùng thế hệ, đời sống âm nhạc và hoàn cảnh sáng tác đã khác đi rất nhiều. “Ngày đầu tiên đặt chân đến nước Mỹ là anh Lộc đã nhớ Việt Nam da diết, anh nhớ Đà Lạt vô cùng. Nước Mỹ có tất cả các cảnh nhưng quá chật chội với anh” - Lê Uyên kể lại - “Anh luôn muốn trở về, bọn tôi luôn muốn trở về”.

Nhưng cơn bạo bệnh vào năm 1999 đã làm ước mơ của họ tan vỡ. “Một mình tôi không thể trở về nơi ấy nếu không còn Lộc bởi đã quá nhiều thứ gắn liền nhau” - Lê Uyên nói tiếp.

Và giờ đây, khi những chiếc CD đầu tiên của họ có mặt tại Việt Nam sẽ làm những điều ấy gần lại. “Anh ấy không còn bên cạnh tôi, nhưng điều đó chẳng phải là điều quá quan trọng. Quan trọng là tôi vẫn hát và đem anh ấy trở về, bằng âm nhạc” - Lê Uyên kể thêm.

Bà cũng nói chẳng bao giờ quên được ngôi nhà nhỏ ở Đà Lạt hay ngôi nhà ở Chợ Lớn (TP.HCM) nơi từng gắn bó một khoảng thời gian không quen, bà nói: “Vẫn nhớ như in những con đường mà Lộc đèo tôi đi hát hàng đêm, sau đó về mệt nhoài rồi anh lại ngồi sáng tác và cứ sáng ra, trong căn nhà nhỏ lại ồn ào tiếng luyện thanh. Nhớ lắm chứ. Lộc mất tôi buồn một thời gian dài”.

Giờ thì người ca nữ ấy không còn buồn nhiều nữa. Niềm vui âm nhạc đang kéo Lê Uyên trẻ lại và quan trọng hơn, giúp bà “dồn” nhiều cảm xúc hơn để chuẩn bị bật ra tại đêm nhạc Dạ khúc tình nhân sắp diễn ra tới đây ở Đà Lạt, nơi trở thành chốn hẹn hò đầu tiên cho đôi uyên ương đẹp nhất của âm nhạc Việt Nam chính thức ra đời.  

Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm