28/10/2021 14:09 GMT+7 | Giải Bùi Xuân Phái
(Thethaovanhoa.vn) - Ông quê gốc Yên Thành, Nghệ An, cháu gọi nhà cách mạng Phan Đăng Lưu là bác ruột. Ngày kháng chiến, mới là học sinh ở vùng tự do khu IV, ông đã bắt đầu viết ca khúc.
Sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc, theo truyền thống cha ông, "ông đồ xứ Nghệ" Hồng Đăng ra Hà Nội và học khoa sáng tác Trường Âm nhạc Việt Nam khóa I năm 1956. Năm ấy, ông tròn đôi mươi. Và ông trở thành "người Tràng An" gốc Nghệ An cho đến tận hôm nay. Cũng giống như mọi người từ nơi khác tụ về kinh thành, thời gian và tâm hồn đã khiến ông "Hà Nội hóa" lúc nào không hay.
1. Tác phẩm mà ông trình làng sớm nhất với Thủ đô là thanh xướng kịch Sông Hồng ngàn năm (kịch bản Dương Viết Á) đã được Đoàn Ca múa Hà Nội trình diễn năm 1964- mười năm sau ngày tiếp quản Thủ đô - dưới đũa chỉ huy của nhà chỉ huy Nguyễn Hữu Hiếu.
Cũng là sông Hồng, bên cạnh tác phẩm vạm vỡ nói trên, lại là một ca khúc mảnh mai xinh xắn Người sông Hồng: "Tôi yêu con sông, yêu từ thủa nhỏ, sông dài uốn mình, vắt ngang thành phố, những chiều tháng năm, con sông nắng chói... người của sông Hồng dù đi đến đâu vẫn nhớ nhịp cầu Thăng Long yêu dấu..."
Ông đã ý nhị giải thích cho quá trình "Hà Nội hóa” của người bốn phương bằng ca khúc Duyên Hà Nội: "Dù từ xa về, hay ở quanh đây, một sớm một chiều, em đã thành người Hà Nội. Những bước đầu tiên, ngập ngừng bối rối".
Ông đã sống gắn bó cùng thành phố cả những ngày Hà Nội chống chiến tranh phá hoại của Mỹ. Ca khúc Tiếng hát trên pháo đài thành phố cũng được viết ra từ những tháng ngày khói lửa ấy:"Những bước đường hôm nay dù còn bao nhiêu gian khó/ Những khúc tình ca như vẫn còn ngân trên mỗi góc phố/ Hoa phượng vẫn nở đỏ trên những con đường quen/ Hoa sữa vẫn ngọt ngào ấm áp mỗi đêm đêm…”
2. Có lẽ Hoa sữa là ca khúc tình yêu đã được gạn chắt từ những giai điệu trên. Ca khúc này được ông viết trong nhạc phim Hà Nội mùa chim làm tổ nói về công cuộc xây dựng lại Hà Nội sau tháng Chạp “Điện Biên Phủ trên không".
Hoa sữa bắt đầu nổi tiếng khi nó được hát bởi tiết điệu này: "Em vẫn từng đợi anh, như hoa từng đợi nắng, như gió tìm rặng phi lao, như trời cao mang mây trắng".
Ca từ gợi lại một thời mà những người yêu thường hẹn nhau gặp gỡ dưới hàng phi lao đi vào phủ Tây Hồ mà bây giờ là đường Đặng Thai Mai. Cũng là một ông đồ xứ Nghệ đã "Hà Nội hóa".
Hai ngôi đại từ nhân xưng EM và ANH cứ xoay quanh cái tứ "đợi" mà làm nên sự da diết của giai điệu:"Anh vẫn từng đợi em, trên những chặng đường quen, tiếng hát ai xao động, thoảng mùi hoa êm đềm".
Cái làn hương đặc biệt Hà Nội này đã được nhạc sĩ lan tỏa vào một cách tinh tế đến tài tình, đúng lúc người ta cần đến một sự nồng nàn của tình yêu phút thăng hoa.
Và chính làn hương ấy chính là mùi của thương nhớ khi hai người yêu đã chỉ còn lại những kỷ niệm của mối tình cho riêng mình:"Kỷ niệm ngày xưa vẫn còn đâu đó/ Những bạn bè chung, những con đường nhỏ".
Day dứt quá, luyến tiếc quá. Đó là vẻ đẹp của cuộc sống đầy trắc ẩn, đầy truân chuyên và nếu không còn nó thì cuộc sống sẽ chẳng còn thi vị gì ngoài nhàm chán, đơn điệu.
Hồng Đăng thật thấu hiểu những thất lỡ như thế, nên mới có thể chấm vào nó mà viết ra những giai điệu đậm đặc tên phố:"Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm/ Có lẽ nào anh lại quên em/ Có lẽ nào anh lại quên em".
Lúc này cái tứ "đợi" đã nghiêng về chủ thể "Anh", đã đè nặng xuống tâm hồn của một người không biết quên. Thế nên, nó mới đội vương miện cho "Hoa sữa" đăng quang suốt một nửa thế kỷ qua. Và còn mãi, không thể quên vì giữa tình yêu là chiến tranh, là bom đạn, là lửa khói. Nó không hiện diện trong nhạc phẩm, nhưng cứ mờ ảo đâu đó trong hai chữ "kỷ niệm".
3. Hồng Đăng đích thực là một nhạc sĩ thường nặng lòng với kỷ niệm. Không chỉ ở Hoa sữa của một thế hệ thời chống Mỹ, nó còn ở trong mọi thế hệ như một nguồn dinh dưỡng cho những cuộc lên đường. Ở Hoa sữa là thiên nhiên ẩn hiện trong tình yêu đôi lứa. Còn ở Kỷ niệm thành phố tuổi thơ thì thiên nhiên đã ùa chật vào ba lô của người lên đường tới mặt trận biên giới.
Giai điệu Hồng Đăng làm thổn thức những con tim trai trẻ không cách gì kìm nổi - những người lính Hà Nội trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc: "Trưa nay qua đường phố quen, gặp những tiếng ve đầu tiên/ Chợt nghe tâm hồn xao xuyến/ Điệp khúc tiếng ve triền miên".Đây là tiếng ve của tuổi thơ thành phố, tuổi thơ Hà Nội.
Thời chống Mỹ, Hoàng Nhuận Cầm đã mang cả "một hai ba bốn chú ve kim" vào mặt trận Quảng Trị. Còn đến thời chiến tranh biên giới, thì tiếng ve đồng hành cùng lính Hà Nội trong đội hình lên mặt trận miền vòng cung núi cao: "Tiếng ve trên đường vắng, hát theo bước hành quân, mãi xa vẫn còn ngân, tiễn tôi ra mặt trận, đường hành quân gấp gáp, tiếng ve chào say sưa, thấy thêm yêu thành phố, trong sáng tuổi ngây thơ”.
Nhà điêu khắc Đinh Công Đạt thì thầm với tôi: “Anh ạ, ngày ấy cứ mỗi lần nghe ca khúc này, thấy nhớ Hà Nội đến nặng lòng nhớ muốn khóc. Chính vì nhớ mà tiếp tục vững bước lên đường”. Ca khúc Kỷ niệm thành phố tuổi thơ là một trong những ca khúc ấn tượng nhất cho “mùa chinh chiến ấy”.
4. Dâng hiến của Hồng Đăng với tình yêu Hà Nội không chỉ là để lại những sáng tác nổi tiếng cho Thủ đô mà ông còn đóng góp ở lĩnh vực đào tạo những thế hệ sau ở Trường Âm nhạc Việt Nam (sau đổi là Nhạc viện Hà Nội và bây giờ là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Với những người tự học, những cuốn sách của ông về các bài xướng âm, về những nhạc khí trong dàn nhạc giao hưởng đã giúp cho họ có thể vững vàng khi bước vào thế giới âm nhạc.
Khi là Phó Tổng thư ký thường trực Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa IV (1989 - 1995) ông đã cho mở lớp dạy sáng tác ca khúc ngay tại Hội Nhạc sĩ Việt Nam với sự giảng dạy của các nhạc sĩ gạo cội như Hoàng Vân, Tân Huyền… Lớp sáng tác ấy đã để lại thêm cho Hà Nội những ca khúc nổi tiếng như Hà Nội và tôi của Lê Vinh, Hà Nội mùa vắng những cơn mưa của Trương Quý Hải, Hà Nội đêm mùa đông và Truyền thuyết Hồ Gươm của Hoàng Phúc Thắng…Đặc biệt ông trở thành tổng chỉ huy của chương trình âm nhạc hoành tráng Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam một sự kiện âm nhạc lớn tại Nhà hát Lớn Hà Nội mà chưa biết bao giờ mới có thể lặp lại.
5. Tôi được quen Hồng Đăng khi ông làm nhạc cho phim hoạt hình Có một sớm gà trống không gáy do tôi viết kịch bản. Từ đấy, hai anh em rất hợp nhau trên mọi nẻo đường của cuộc sống, nhất là trong làng nhạc. Ở ông luôn toát lên vẻ đẹp thanh lịch của người Tràng An. Từ năm 1990, tôi về làm tạp chí Âm nhạc mà ông là Tổng biên tập. Tạp chí âm nhạc thời ông chỉ đạo đã không chỉ có tiếng vang với độc giả trong làng nhạc trong nước mà cả trên thế giới. Một thư viện của Anh đã lưu giữ những số tạp chí của thời kỳ này.
Hình như số phận đã rất gắn bó ông với sông Hồng từ thanh xướng kịch Sông Hồng ngàn năm nên bây giờ tư gia của ông ở gần kề ngay bên bờ hữu ngạn sông Hồng, tựa lưng vào con đê gần cửa Hàm Tử. Đã qua tuổi bát thập gần tới “cửu tuần”, ông tuy đã yếu dần theo quy luật nhưng vẫn ung dung tự tại như ngày nào viết Hành khúc bình minh dành cho buổi phát thanh nhạc thể dục của Đài Tiếng nói Việt Nam mỗi sớm của một thời xa lắc. Tâm hồn ông vẫn trẻ trung như Hà Nội ngàn năm.
Độc đáo “Hoa sữa” Như nhiều ca khúc nổi tiếng thế giới vốn là ca khúc trong phim, Hoa sữa đã bước ra khỏi khung hình điện ảnh trở thành một trong những ca khúc hay nhất về Hà Nội tuy không có một chữ Hà Nội hay Thủ đô nào trong ca từ - giống như những ca khúc viết về Huế của Trịnh Công Sơn cũng không hề có chữ Huế trong ca từ. Mà 2 ông cũng là đôi bạn tri kỷ từ ngay sau ngày thống nhất đất nước, sống cùng một thời đại mà tiết điệu slow rock của nhạc trẻ đã góp phần đưa những giai điệu mang dáng dấp cổ điển khoác lên mình một thời trang mới. |
Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất