Lễ tế Xã Tắc năm 2014: Bỏ sân khấu hóa để hướng vào người dân

18/03/2014 16:00 GMT+7 | Di sản


(Thethaovanhoa.vn) - Bắt đầu từ 1h00 rạng sáng 18/3 (nhằm ngày 18/2/2013 Âm lịch) Lễ tế Xã Tắc năm 2014 chính thức diễn ra với sự chủ tế của ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên Huế.

Lễ tế Xã Tắc, là lẽ tế thần Đất và thần Lúa, một trong những lễ hội cung đình tiêu biểu của Nhà Nguyễn, cầu mong cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Đàn Xã Tắc tượng trưng cho đất đai quốc tổ. Lễ tế Xã Tắc được tổ chức mỗi năm hai lần vào mùa Xuân và mùa Thu, xếp vào hàng Đại tự, chỉ đứng sau Lễ tế Giao.

Năm 2008 tỉnh Thừa Thiên Huế đã khôi phục lại Đàn Xã Tắc cũng như nghiên cứu phục dựng lại lễ tế quan trọng này. Và cũng chính từ Festival Huế 2008, Lễ tế Xã Tắc lần đầu tiên được phục dựng. Từ đó đến nay, hàng năm tỉnh Thừa Thiên Huế đều tổ chức Lễ tế vào tháng 2 Âm lịch và các nghi thức lễ tế được phục dựng gần với nguyên bản.

Bỏ sân khấu hóa để hướng vào chiều sâu

Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, đơn vị chủ trì nghiên cứu và phục dựng lễ tế Xã Tắc cho biết, những năm qua, bên cạnh việc tổ chức một cách bài bản và có cả hình thức sân khấu hóa để giúp cho nhân dân, cộng đồng hiểu được ý nghĩa và cách thức tổ chức lễ tế ngày xưa đã tổ chức như thế nào và đến nay lễ tế đã dần trở thành truyền thống, là tâm nguyện của cộng động.


Tam sinh hiến tế

Theo ông Hải “Với những lần tổ chức lễ tế đầu tiên, chúng tôi tổ chức dưới dạng sân khấu hóa, nhưng qua thời gian nhận thấy các hình thức tái hiện sân khấu đó nó đã phổ biến và người ta đã hiểu được nó như thế nào rồi và đến này hình thức sân khấu hóa trở nên không cần thiết nữa và nghi lễ nên hướng vào chiều sâu, vào nhu cầu, nguyện vọng tâm linh của cộng đồng, chính vì thế chúng tôi đã tham mưu và nhận được sự chỉ đạo của Thường vụ Tỉnh ủy nghiên cứu phục hồi lễ tế Xã Tắc cũng như các nghi lễ cung đình nói chung dần dần đi vào đúng tính chân xác nguyên thủy của nó.

Lễ tế Xã Tắc năm nay tuy tổ chức đơn giản hơn nhưng nó lại được tiến hành đúng quy chuẩn, bài bản, được tổ chức vào đúng giờ, đúng ngày là giờ Sửu, ngày Mậu Tý, tháng hai Âm lịch và các trình tự nghi thức chân xác, đúng với tính chất của nghi lễ. Đây là hoạt động rất có ý nghĩa, giúp chúng ta giữ gìn được nghi lễ truyền thống mang đậm bản sắc nhân văn của người Việt Nam, thể hiện sự mong muốn cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu cho nhân dân no ấm, cầu cho nền nông nghiệp nước nhà phát triển".

Ông Hải cho rằng ngay cả trong xã hội hiện đại thì nghi thức này vẫn rất phù hợp với tâm nguyện, mong muốn của mọi người và bên cạnh đó lễ tế cũng là môi trường rất quan trọng để các hình thức diễn sướng truyền thống cung đình Huế, đặc biệt các giá trị văn hóa vật thể như nhã nhạc, múa cung đình gắn liền với lễ hội ngày xưa có môi trường sống để các di sản có thể tái hiện sinh động.

Gần hơn với cộng đồng

Trên tinh thần gần dân hơn, phục vụ nhân dân để người dân thật sự là chủ lễ nên lễ tế Xã Tắc, năm nay, lễ tế đã lược giảm những lễ tiết nghi thức không cần thiết mang tính cung đình hóa, sân khấu hóa mà hướng đến các nghi thức lễ tế chân xác, gần gũi để phục vụ mục đích chính là phục vụ cho nhu cầu tâm linh của quần chúng. Hình ảnh người chủ lễ tế là một vị vua đóng thế mà nhiều người cho rằng chưa thể hiện tính tôn nghiêm đã không còn nữa và thay vào đó vị chủ tế trong lễ tế năm nay chính là Bí thư Tỉnh ủy, các thành viên tham dự lễ tế là lãnh đạo tỉnh và các sở, ban ngành, địa phương cùng đại diện các tầng lớp nhân dân.

Mặc dù lễ tế tiến hành 1h00 rạng sáng nhưng đông đảo nhân dân và du khách đã đến dự và ngay sau Lễ tế đã tiến lên đàn thắp hương cầu nguyện. Bà Trần Thị Viên (78 tuổi) ở phường Thuận Hòa, Tp Huế cho biết “cứ hàng năm chiếu lệ cứ đến tháng hai Âm lịch là tỉnh tổ chức Lễ tế Xã Tắc, năm nào tui cũng lên thắp hương cầu nguyện cho bản thân và con cháu sức khỏe, ăn nên làm ra, cầu cho trời yên biển lặng, không có lụt bão cho vùng đất mình yên ổn mãi. Năm nay tổ chức tế một giờ sáng, nghe nói tế giờ này linh thiêng lắm, vua chúa ngày trước cũng tế giờ này nên tui tranh thủ ngủ sớm và đến nữa giờ là dậy cùng với mấy bà trong xóm lên đây thắp hương cầu nguyện".

Cầm trên tay một ít lộc của Lễ tế là 1 vắt xôi trắng và 1 quả thanh long, chị Dương Thị Hiền vui vẻ nói “Lễ tế năm nào mình cũng lên đây thắp hương cầu nguyện cả, cầu nguyện xong mình thấy an tâm lắm, nơi đây là đất linh thiêng mà ngày trước vua chúa lựa chọn nên ai đến cũng phải thành tâm. Năm ni do tổ chức từ một giờ sáng nên người dân đến không đông đúc chật cứng như những năm trước và có lẽ nhờ vậy năm nay mình được hưởng lộc (Lễ Phú tộ, tức lễ hưởng lộc).

Lịch sử lập quốc và phát triển dân tộc Việt Nam gắn liền với nền nông nghiệp và yêu cầu đoàn kết, chung sức trị thủy. Với khoảng 70% dân số sống ở vùng thôn, nông nghiệp là nền tảng của sự sống, là dòng chảy của nền văn hóa dân tộc. Việc tái hiện Lễ tế Xã Tắc không chỉ là việc phục dựng, bảo tồn một nghi lễ cung đình truyền thống mà còn là sự tôn vinh nền nông nghiệp nước nhà, tôn vinh văn hóa truyền thống của Việt Nam, thể hiện ước vọng chính đáng của người dân.

Trần Ngọc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm