Đạo diễn Lê Quý Dương: Dựng xưởng gốm khổng lồ trên sân khấu

31/08/2010 11:11 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Lễ khai mạc Festival gốm sứ Việt Nam - Bình Dương 2010 lần đầu tiên sẽ diễn ra từ lúc 19h cho đến 22h ngày 4/9/2010 tại sân vận động tỉnh Bình Dương, truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Bình Dương và các đài lân cận.

TT&VH đã có cuộc trò chuyện với Lê Quý Dương trong vai trò tổng đạo diễn chương trình.


Đạo diễn Lê Quý Dương

* Gốm Bình Dương (mà hẹp hơn là gốm Lái Thiêu) có một lịch sử đẹp nhưng lắm thăng trầm, nay thì hòa nhập vào thị trường tiêu thụ. Trong kịch bản và cách thể hiện của anh trong Festival gốm sứ Việt Nam sắp diễn ra, điểm nhấn nào được anh chú ý?

- Tôi sẽ mở màn Lễ khai mạc Festival gốm sứ Việt Nam - Bình Dương 2010 lần đầu tiên bằng một ý thơ giản dị mà tôi chắt lọc từ những chuyến khảo sát thực tế ở các lò gốm, như thế này: “Bàn tay mẹ gầy guộc/ Xoay từng thớ đất hiền/ Việt Nam ơi thương quá/ Nghìn năm gốm rồng tiên”.

Tiêu điểm của Festival gốm sứ Việt Nam - Bình Dương 2010 là tri ân và tôn vinh những người nghệ nhân gốm sứ từ khắp mọi miền đất nước. Họ thực sự xứng đáng được tri ân và tôn vinh.

* Mối tương quan giữa gốm sứ Bình Dương với gốm sứ các nơi khác ở Việt Nam là một câu chuyện dài và phức tạp, để sân khấu hóa, anh xử lý như thế nào?

- Tôi không sử dụng hình thức sân khấu hóa như một ngôn ngữ dàn dựng chủ đạo cho chương trình này mà tập trung vào hình thức nghi lễ mang tính tâm linh và nghệ thuật để thể hiện mục tiêu tôn vinh những người nghệ nhân gốm sứ của chương trình. Nghi lễ nhóm lửa sẽ được dàn dựng khá công phu trong tổng thể sân khấu.

Dù là nghệ nhân gốm sứ thuộc những truyền thống, địa danh và trường phái khác nhau thì ngọn lửa nung gốm vẫn là một trong những yếu tố chung, rất thiêng liêng... là sợi chỉ đỏ của những người làm nghề. Không có lửa thì không có gốm sứ. Mối quan hệ ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ) được thể hiện hài hòa và tinh tế nhất trong nghệ thuật gốm thông qua lăng kính sáng tạo của người nghệ nhân, trong đó ngọn lửa là yếu tố chủ đạo kết tinh tất cả thành sản phẩm cuối cùng. Và cũng chính sự thăng hoa của lửa trong nghệ thuật gốm làm nên “hỏa biến”, tạo ra những sản phẩm có một không hai, thật sự vô giá.

* Vốn có thế mạnh về sự hoành tráng trên sân khấu và các sự kiện ngoài trời, anh có thể tiết lộ một vài nét về sân khấu lần này?

- Sân khấu Festival gốm sứ Việt Nam - Bình Dương 2010 là một tổng thể nghệ thuật sắp đặt; hàng nghìn sản phẩm gốm, lớn nhất từ trước tới nay, được trưng bày và sử dụng. Tôi muốn tạo nên một xưởng gốm khổng lồ với tất cả những nét đẹp tự nhiên và mộc mạc mà hình tượng trung tâm là những người nghệ nhân.

Sân khấu chính rộng gần 700m2 sẽ được kết cấu với năm sân khấu quay đường kính 6m và 5m giống như năm bàn xoay của người thợ gốm, tượng trưng cho ngũ hành tương sinh trong nghệ thuật gốm sứ. Mặt sân vận động sẽ được sắp đặt các cụm gốm sứ mỹ thuật về hai mô hình rồng thời Lý, mỗi bên dài 27m, cao 8m sẽ là một điểm nhấn chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Văn Bảy(Thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm