09/02/2022 19:00 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Vào tuần đầu tiên của mỗi năm học mới, học sinh lớp 7 chương trình hiện hành trên cả nước, cùng bình giảng bài Cổng trường mở ra của nhà văn Lý Lan và hát bài Mái trường mến yêu của nhạc sĩ Lê Quốc Thắng. Về bài hát của mình, nhạc sĩ kể: “Mái trường mến yêu là ca khúc viết vềthầy giáo dạy tôi môn toán khi tôi còn học cấp 3”.
Anh nói tiếp: “Thầy là người tận tình với học trò của mình, sau mỗi tiết học thầy thường nán lại để dạy thêm cho những trò chưa thật hiểu bài. Thầy là nguồn cảm hứng để tôi sống lại tuổi học trò và năm 1986 viết được Mái trường mến yêu. Người đầu tiên hát bài này là nữ sinh áo trắng Quỳnh Như Trường THPT Trưng Vương TP.HCM (sau này là ca sĩ Như Quỳnh) hát trên sóng truyền hình của chương trình Những bông hoa nhỏ. Thầy tôi như có, như không trong mỗi ca từ, trong từng nốt nhạc…
Bài hát “Mái trường mến yêu”:
Người thầy trong như giọt sương mai âm thầm
“Khi bình minh hé sáng phố phường còn ngủ yên/ Khi giọt sương long lanh vẫn còn đọng trên lá/ Thầy bước đến trường em mang một tình yêu ước mơ/ Cho từng ánh mắt trẻ thơ, cho từng khúc nhạc dịu êm// Như thời gian êm đềm theo tháng năm/ Như dòng sông gợn đều theo cơn gió/ Mang tình yêu của thầy đến với chúng em/ Để dựng xây quê hương tương lai sáng ngời”.
Văn và nhạc, giai điệu và hình ảnh đã hòa sắc, hòa âm để tạo thành hình tượng nghệ thuật hoàn chỉnh, ngợi ca sự hy sinh của những người thầy! Thầy nhòa trong những chấm sương tiền cảnh và dòng sông, dòng thời gian hậu cảnh. Cuộc sống thường nhật chuyển động từ “hé sáng” tới “bừng sáng” bằng sức mạnh khai trí kiên trì của những người thầy!
Có thể nói nhạc sĩ Lê Quốc Thắng là người mê viết về học đường, về giáo dục. Anh “lao tâm khổ tứ”, không chỉ với những dòng ca từ mà với từng chữ cái trong dòng ca từ ấy.
Anh kể: “Năm 1996, khi con gái được 2 tuổi, biết con gái mình thích chơi búp bê và cũng muốn viết bài hát về đề tài búp bê, nhưng thật khó vượt qua bài hát Tạm biệt búp bê quá hay và đang rất phổ biến của nhạc sĩ Hoàng Thông, tôi phải tìm cách của mình. Tôi tạo hình tượng âm nhạc, tôi kể câu chuyện, một bé gái không chỉ chơi với búp bê, mà còn cùng học nói với búp bê bằng trò chơi chữ điệp phụ âm đầu. Tôi có bài Búp bê bằng bông”.
“Búp bê bằng bông biết bay bay bay/ Búp bê biết bò biết bắt biết bơi/ Búp bê bằng bông bên bạn bươm bướm/ Bươm bướm bềnh bồng bỏ bạn bay bay/ Bươm bướm bay, bươm bướm bay/ Bỏ bạn bỏ bè bỏ búp bê/ Bươm bướm bay bươm bướm bay/ Búp bê buồn buồn biền biệt bay bay…”.
Sau giai điệu chữ B lãng mạn bay lên trời là giai điệu hài hước chữ C giúp một bầy cua, còng, cáy… chạy ra bãi biển:
“Con còng có cái cẳng còn co co/ Có con cua cái có cái càng cong cong/ Con cua cắn cần câu cá/ Cua cái cong cái càng, còn cẳng còng co co…”. (Bài hát Con còng, con cua).
Những “Mái trường mến yêu” những sân trường thênh thang là sân khấu trình diễn những tác phẩm đầu tiên của nhạc sĩ Lê Quốc Thắng, từ đây nhạc Lê Quốc Thắng đã ra trường, vào đời…
Những tình khúc không chỉ dành cho anh và em…
Nhạc sĩ Lê Quốc Thắng có những khán thính giả thật tri âm! Ông Đặng Hùng Võ, một trí thức tài hoa, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, từng viết trên VnExpress: “…tôi ở Đà Lạt non 1 tháng làm nhiệm vụ nghiên cứu chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên cuối năm 2004…Bước qua quán cà phê văng vẳng bài hát Phố xa, tôi đứng lại, nghe hết ca khúc rồi mới đi tiếp được. Lê Quốc Thắng viết Phố xa năm 1989 vì tình cờ gặp bóng dáng một cô gái trên dốc phố Đà Lạt. Đà Lạt có 2 điều rất đặc biệt: Hầu như không sử dụng điều hòa nhiệt độ và không đèn xanh, đèn đỏ. Đường phố không có dạng bàn cờ, lên xuống uốn lượn như đi xa mãi. Có lẽ vì thế, "phố xa, phố xa ngỡ như thật gần", chỉ một thoáng ngẫu nhiên đã làm nên ca khúc tuyệt vời”.
Phố xa là một tình khúc tác giả viết cho những lứa đôi, em và anh, những cũng là viết cho giao thoa mưa nắng, viết cho sự gắn bó giữa con người và 4 mùa thiên nhiên:
“Mưa về trên khúc hát, lắng u buồn đợi bóng hình ai/ Như tìm về giấc mơ xa, mây mờ giờ là kỷ niệm/ Mùa Thu lặng lẽ trôi đi, mùa Đông lạc giữa tình yêu/Xuân về như con nắng Hạ, bốn mùa mưa vẫn đợi ai” .
Ca khúc "Phố xa":
Chính tác giả Lê Quốc Thắng kể với người viết bài, một kỷ niệm gắn với tình khúc này: “Năm 1992, nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu và tôi được Nhà Thiếu nhi Quận 8 mời tham gia đoàn giao lưu với Nhà Thiếu nhi tỉnh Ninh Thuận. Trong đoàn đa số là các nam, nữ tổng phụ trách đội. Trên xe có mở nhạc, cứ đến bài hát Phố xa thì các em yêu cầu bác tài tua lại, mải tua như thế bác tài chạy lố điểm dừng chân ăn cơm trưa gần 20 cây số! Và xe phải quay đầu. Khi 2 thầy trò vừa ngồi xuống bàn ăn thì nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu nói với tôi: Mày may mắn đó Thắng à! Trong cuộc đời, không phải ai cũng có được những rung động thực sự, mà rung động đó lại trở thành hình tượng trong tác phẩm và được công chúng biết đến! Tao nói thật, sau này mày khó viết được bài tình ca nào hơn bài Phố xa đấy!”.
Khó nhưng Lê Quốc Thắng vẫn viết! Năm 2000 anh có bài Tình xanh dành cho tuổi mới lớn, như là phát triển cảm hứng âm nhạc sinh thái; như là làm trẻ lại, làm tươi mãi những bông hoa tình yêu đã nở từ ngày ấy, giữa đất trời “Phố xa”:
“Ngày trở lại tìm con phố ấm áp/ Em như bông hoa mai nở trong mùa Xuân, đã qua…/ Tìm lại từng kỷ niệm đã vắng xa rồi/ Thoáng trong giấc mộng, ngỡ như êm đềm/ Này em như bông hoa xinh, vẫn nở bên thềm/ Để ai âm thầm nhớ thương tình xanh!”.
Nhớ tình xanh là nhớ người trong hoa lá, mây gió…Ca khúc có tiết tấu ngày càng dồn dập với nhiều đảo phách và chùm móc đôi, rất nhộn nhịp mà vẫn đằm thắm, trong sáng mà thiết tha, thật hợp với tuổi ô mai phổ thông trung học.
Với ý thức cộng đồng và trách nhiệm công dân
Năm 1990, ca khúc Nụ cười hồng của Lê Quốc Thắng đoạt giải Nhất cuộc thi sáng tác nhạc sinh hoạt cho thanh niên, do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP.HCM tổ chức và được chọn làm bài hát chính thức của Hội này trong năm đó:
“Nụ cười hồng ta trao nhau như khúc hát cho bao lời thiết tha/ Nụ cười hồng ta trao nhau như ánh sáng muôn ngàn vì sao/ Trên môi, như hoa tươi nở từng ngày trong những yêu thương/ Trên môi, hoa xinh xinh nụ cười hồng mãi mãi trao nhau”.
Chính nhưng người hát ca khúc này thành đồng tác giả với nhạc sĩ Lê Quốc Thắng khi họ vừa hợp ca vừa múa tập thể theo ca từ và tiết tấu của bài hát. Nụ cười hồng của Lê Quốc Thắng xếp người hát thành những cặp múa đôi, thành luân vũ vòng tròn ngày càng rộng. Với sức lan tỏa ấy, một phần thưởng lớn hơn đến với nhạc sĩ - tên của ca khúc được dùng cho phong trào trao “Quỹ Nụ cười hồng” tới các các em học sinh nghèo, hiếu học trong các trường học tại TP.HCM.
Nhằm tạo môi trường âm nhạc thuận với thiện nguyện “Nụ cười hồng ta trao nhau”, nhạc sĩ Lê Quốc Thắng còn viết 62 bài nhạc Giáng sinh để hát trong dịp lễ hội truyền thống có hơn 2.000 năm tuổi. Anh viết trong bài Khúc nhạc Giáng sinh của mình:
“Đón mùa Đông/ Mùa Đông đến cho em khúc nhạc vui/ Khắp trời mây, ngàn sao sáng trên cao đón mùa Đông/ Đêm hôm nay em tung tăng ra phố/ Phố hát ca bao khúc nhạc hiền hòa/ Ngàn hoa tươi tỏa thơm ngát/ Vui đêm nay rộn ràng khúc nhạc Giáng sinh”.
Nhạc sĩ Lê Quốc Thắng nói về chủ đề âm nhạc này: “Tôi rất yêu thích tiết trời khi gần mùa Giáng sinh. Yêu thích những huyền thoại từ các thánh tích. Những ngày này trời như thương người đất phương Nam rực nắng, thường ban cho chút hơi hướng mùa Đông. Vì thế, ngoài những bài hát dành cho lứa tuổi học trò, cha mẹ, quê hương... tôi còn viết về đề tài mùa Đông. Thường các bài ở chủ đề tình yêu tôi chọn “ton” thứ, riêng đề tài này đa phần tôi viết “ton”trưởng để tạo sự trẻ trung, sôi động, ấm áp trong một mùa có thể gọi là mùa của đức tin, kính Chúa, yêu nước”.
Lao động nghệ thuật với ý thức cộng đồng và trách nhiệm công dân như thế, cuối năm 2021, sự nghiệp âm nhạc của nhạc sĩ Lê Quốc Thắng lại có thành tựu mới, anh được Hội Âm nhạc TP.HCM trao giải thường niên hạng A cho ca khúc Thành phố hát với nét nhạc vút cao cùng hình ảnh đôi cánh thanh xuân trong ca từ:
“Lấp lánh như ánh sao trời/Ta yêu sao những tòa nhà cao cao/ Sức sống trẻ đón thành phố bay lên/Ngân vang khúc са yêu đời…”.
Vài nét về Lê Quốc Thắng Nhạc sĩ Lê Quốc Thắng sinh 1962 tại Sài Gòn. Anh là cử nhân luật, nhưng cũng đã tốt nghiệp ngành sáng tác Nhạc viện TP.HCM. Anh từng giảng dạy âm nhạc tại TrườngHuấn luyện cán bộ thanh niên TP.HCM và là tác giả của hơn 300 ca khúc đã phổ biến. Anh từng là nhà sản xuất âm nhạc tại Saigon Audio, Trùng Dương Audio-Video. Hiện anh sống tại TP.HCM. |
(Còn tiếp)
Trần Quốc Toàn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất