Lễ hội Xuân 2018: Nỗi ám ảnh của đồng tiền

01/02/2018 07:27 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Đầu tuần qua, trong chuyến thị sát trước mùa lễ hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam một lần nữa nhắc tới việc tuyệt đối tránh tư tưởng vụ lợi tại các sự kiện truyền thống này. Ông nói: đừng để đồng tiền làm lu mờ, cuốn đi những điều tốt đẹp (Báo Văn hóa, ngày 31/1).

Còn nhớ, mươi ngày trước đó, chính Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo: ngành văn hóa cần không để xảy ra những hành vi khơi dậy lòng tham vật chất của người dân tham gia lễ hội, bởi đó là những việc làm sai với bản chất của lễ hội truyền thống.

Trong cả 2 lần, những thông điệp từ Phó Thủ tướng đều gắn với một thực trạng mà nhiều chuyên gia đã khẳng định: một phần lớn lễ hội của chúng ta đang biến tướng trước sức hút của đồng tiền.

Đồng tiền ấy có thể hiểu ngay theo nghĩa đen, khi mà sau mỗi mùa lễ hội, dư luận lại đều đặn lên tiếng về cảnh tượng tiền lẻ tràn ngập và phủ đầy lên mọi tượng Phật, gốc cây, bàn thờ.

Chú thích ảnh
Tiền lẻ tràn ngập và phủ đầy lên mọi tượng Phật. Ảnh: Internet

Ở câu chuyện ấy, có năm chùa Hương phải gánh đến... 1200 bao tiền lẻ của du khách, được rải đều từ chùa Trình, suối Yến, suối Giải Oan cho tới chùa Trong. Đền Trần Nam Định trong đêm khai ấn, kiệu rước phải đi giữa cơn mưa tiền lẻ được ném rào rào từ du khách. Thậm chí, suốt tháng Giêng, từ con ngựa gỗ trong đền cho tới con nghê đá ngoài sân cũng liên tục được tiền lẻ găm vào.

Rồi, tại đền Hùng, phía quản lý đã từng phải bố trí cả một tấm lưới sắt ở giếng Ngọc, nhưng người dân vẫn cố gắng vo nhỏ tiền, ném qua mắt lưới xuống giềng để cầu may. Rồi, chỉ mới dựng lên được chục năm, những tấm đồng ở mặt trước, mặt sau và bên vách chùa Đồng (tại Yên Tử) cũng trở nên bóng láng, khi được du khách liên tục lấy tiền lẻ xoa vào.

Thậm chí, như lời một chuyên gia, "bệnh" đã trở nên quá nặng – khi tại mái nhà Thái học và dãy rùa đá ở Văn Miếu, tiền lẻ vào dịp Tết cũng thường xuyên được ném lên. Cho dù, những kiến trúc ấy vốn chỉ được xem là biểu trưng của tinh thần hiếu học – chứ không liên quan gì đến chuyện cầu mua may, bán đắt...

***

Xa hơn, đồng tiền không chỉ xuất hiện tại lễ hội theo nghĩa đen. Đó còn là câu chuyện về cách mà người ta đang đem lễ hội ra để trục lợi, hoặc ứng xử với lễ hội theo những tính toán vật chất của mình.

Bởi, như lời nhà nghiên cứu, GS Ngô Đức Thịnh, ở bối cảnh bây giờ, đa phần du khách đến với lễ hội không để tham gia thực hành thụ hưởng văn hoá mà chỉ muốn xin xỏ, cầu cạnh, mua thần bán thánh. Từ đó, những người tổ chức lễ hội cũng bắt buộc đẻ ra các “loại dịch vụ tín ngưỡng” để thoả mãn nhu cầu của khách hành hương.

Rồi, đôi khi, chính cách tổ chức của phía quản lý cũng đẩy người dân vào sự tính toán khi tham gia lễ hội. Như lời kể của GS Thịnh, vài năm trước, ông từng tìm tới một lễ hội cổ vừa được khôi phục tại miền Trung. Tới nơi, hóa ra lễ hội ấy được chính quyền địa phương tổ chức như một hoạt động cần có để đạt danh hiệu làng văn hóa. Kết quả: người dân bản địa chỉ đồng ý tham dự lễ hội khi được “hỗ trợ” mỗi người 30 ngàn đồng – cho dù trong quá khứ, họ chính là chủ thể bỏ công, bỏ của ra tự tổ chức lễ hội ấy.

Bởi thế, câu chuyện về sự ám ảnh của đồng tiền trong lễ hội đang cần những liều thuốc đắng, dù nó khó có thể giải quyết trong một sớm một chiều. Vì, đó lại là bài toán đối với toàn xã hội, chứ không chỉ phụ thuộc vào lễ hội, khách hành hương hay nhà tổ chức.

Giống như câu hỏi mà người ta từng đặt ra: Nếu đền bà Chúa Kho cho vay văn hóa thay vì vay tiền, nếu ấn đền Trần giúp người ta có thêm văn hóa thay vì giấc mơ thăng tiến, liệu những lễ hội này có đông khách hành hương đến thế?

Lễ hội 2014 bị 'tấn công' bởi... tiền lẻ!

Lễ hội 2014 bị 'tấn công' bởi... tiền lẻ!

Việc tiền lẻ tràn ngập và phủ lên mọi tượng Phật, gốc cây, bàn thờ... trong các di tích là điều khiến ngành quản lý đau đầu nhất khi sơ kết mùa lễ hội 2014.

Cúc Đường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm