Gặp “cây cà phê cổ thụ” ở Hội chợ triển lãm cà phê

09/03/2013 21:03 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Một cụ già lặng lẽ rảo bước qua các gian hàng cà phê, thi thoảng lại bốc nhón, nhấp môi, hít hà ra chiều sảng khoái. Chúng tôi ví ông như những cây long não cổ thụ trùm bóng cả Hội chợ triển lãm cà phê trong không gian bảo tàng biệt điện tỉnh Đak Lak sáng nay.

Ông là Hồ Hoàng Yến (tự gọi Tư Yến), người mà giới cà phê Buôn Ma Thuột phải nghiêng mình bái vọng.

1. 81 tuổi, ông Hoàng Yến còn mẫn tiệp, khỏe lắm. Cứ nhìn dáng đi cũng như cái cách mà ông nói chuyện về cà phê đủ biết. Chơi chán ở Hội chợ, ông rủ chúng tôi lên trang trại cà phê của mình rộng bát ngát cách thành phố hơn chục km. Tự tay rang, xay, chế cà phê ra mời khách. Những hạt cà phê nóng hổi, thơm ngát. Ly cà phê đen tuyền, chóng chánh nhưng tuyệt không bết vào ly. Dù đang đói bụng nhưng nhấm vào không thấy chuếch choáng say. Ông bảo cà phê sạch là phải thế.


Hai bố con ông Hồ Hoàng Yến tại Hội chợ cà phê

Trang trại cà phê của ông Tư Yến không phải là rộng nhất ở Ban Mê Thuột. Gia sản về vật chất của ông cũng không phải là “đỉnh”. Nhưng, những báu vật về tinh thần, gia tộc ông xứng đáng để dân thuộc lĩnh vực “vàng đen” ở Buôn Mê Thuột gọi là bậc trưởng lão.

Bởi ông là con trai của Hồ Hoàng (sinh năm 1903), một phu cà phê cách đây gần một thế kỷ đã tiên phong trong việc không muốn làm thuê cho Pháp, tự lập ra đồn điền cà phê để làm chủ, thúc đẩy tinh thần tự cường, tự tôn của người dân nơi đây. Năm 1929, Hồ Hoàng rời quê hương Non nước Ngũ Hành Sơn Quảng Nam - Đà Nẵng lên Dak Lak làm phu cho một đồn điền cà phê của người Pháp tên Meercurio, tại khu đồn điền Ca Da.

Đến năm 1953, ông đã có trong tay hơn 30 ha đất, trong đó 20 ha ông dùng trồng cà phê. Ông phải tự vào rừng nhổ những cây cà phê do chồn, chim thải ra, tự về gây giống. Đơn giản bởi người Pháp không chịu bán giống. Những phu cà phê không thể nhặt hạt về ươm, bởi như thế đồng nghĩa với trọng tội, bị sa thải phải  “húp cháo” là còn nhẹ. Tham vọng tự lập đồn điền với người xuất thân là phu cà phê càng là chuyện lạ.


Tấm ảnh ông Hồ Hoàng, thân sinh ông Hồ Hoàng Yến với chùm cà phê trĩu trịt trên tay

Quá trình tự lực tự cường trần ai quá. Có lúc, Hồ Hoàng Yến cũng phẫn chí, bỏ xuống Sài Gòn học kỹ thuật, với ý tưởng lập nghiệp ở chốn phồn hoa. Ấp trong ngực tấm ảnh người cha, hai tay hai cành cà phê quả trĩu trịt, Hồ Yến bảo rằng đây là báu vật đã gắn bó với ông 60 năm. Sau mặt bức ảnh là mấy dòng của phụ thân, thời gian không làm nhòe đi: “Con yêu quý của ba là Hồ Yến, đây là 2 cành cà phê nơi đồn điền của bà chủ ở Buôn Ma Thuột, con có cảm tưởng về nền kinh tế khai khẩn kinh doanh thổ sản miền cao nguyên không? Ba của con, Hồ Hoàng!”.


Mặt sau tấm ảnh là những dòng chữ “doạ” từ con nếu không quay lại Buôn Mê Thuột kết duyên với cà phê

Bức thư đi kèm cha ông khẩn thiết: “Ba có 5 người con trai, nếu con không nghe lời ba, coi như ba mất đi một giọt máu”. Thế là ông Yến phải xách ba lô về lại Buôn Mê Thuột để tái duyên với cà phê. Không thua phụ thân, ông cũng tự lập cho mình một khu đồn điền trồng cà phê 30 ha. Nếu biết rằng 30 ha cà phê đó ông tự nguyện hiến tất cho Nhà nước để thành lập nông trường quốc doanh cà phê Cư Pul, mới hiểu hết tấm lòng của Tư Yến. Với cương vị Giám đốc Nông trường cà phê Cư Pul, ông Hoàng Yến đã biến nông trường thành điểm sáng.


81 tuổi nhưng hàng ngày ông Tư Yến vẫn “đắm đuối” với cà phê

Cư Pul vốn đại ngàn rừng xanh, đã trồng được 350 ha cà phê và vận động người dân 3 buôn đồng bào quanh đó vào làm công nhân. Năm 1992, trong lần Tổng Bí thư Đỗ Mười vào Dak Lak, đến thăm nông trường đã rất vui mừng và khen rằng: Các đồng chí đừng học tập đâu xa cả, hãy về nông trường Cư Pul mà học tập! Bức ảnh đó được ông Tư Yến treo trang trọng trong phòng khách.

Hội chợ - Triển lãm về chuyên ngành cà phê và thương hiệu Việt có hơn 500 gian hàng của 150 doanh nghiệp kinh doanh kinh doanh trong lĩnh vực cà phê và các sản phẩm liên quan. Hội chợ là một trong những hoạt động đầu tiên và không gian chính của Lễ hội cà phê 2013, nơi giới thiệu và quảng bá các thương hiệu cà phê Việt với người dân trong nước và bạn bè quốc tế. Hội chợ diễn ra trong 5 ngày, từ ngày 9/3 đến 13/3.

2. Lễ Hội lần thứ nhất, ông Hoàng Yến được lãnh đạo tỉnh mời dự như một khách VIP. Ba lần gần đây, hình như họ đã quên ông. Nhưng điều đó không làm bậc trưởng lão này phật ý. Ông vẫn đến dự, lang thang ở các tụ điểm và nhiều người nhận ra ông, như gặp người tri kỷ.

Ông Hoàng Yến bảo vui lắm, cuối cùng thì ông cũng có thể nhắm mắt mà không ân hận khi Buôn Mê Thuột đã trở thành thủ phủ của cà phê Việt Nam, là điểm đáng chú ý đối với các tập đoàn cà phê thế giới. “Tôi rất quý Đặng Lê Nguyên Vũ. Thời mới lập nghiệp, cậu ấy cũng đã tiếp kiến tôi mấy lần, vì con tôi là bạn Vũ. Giới trẻ giờ tài quá, họ đã biết làm sao để cà phê Việt bay xa, bay cao. Còn thế hệ chúng tôi dù có tinh thần tự tôn dân tộc, nhưng tư duy vẫn chỉ là tự cung tự cấp”.

Bây giờ, gia tộc cà phê của ông Hồ Hoàng Yến đã có nhiều tham vọng nhưng nếu có kinh doanh, ông Tư Yến nói rằng vẫn tuân thủ nguyên tắc chỉ kinh doanh cà phê sạch, nguyên chất, như lâu nay họ đã từng cung cấp cho những khách hàng, bạn bè tri kỷ.

Như thế có lẽ phù hợp hơn với gia tộc họ Hồ. Chợt nghĩ, đất nước sẽ mạnh lên với những con người có những tư tưởng vượt thời đại, dám hy sinh vì tình yêu mình đã chọn, như bố con ông Hồ Hoàng Yến.

Hữu Quý - Hồng Thúy

“Cao nguyên Dak Lak ngày 27-2-1972. Tôi không rõ tôi đã đóng góp bằng cách nào vào công cuộc kiến thiết nước nhà, ngoại trừ tôi nỗ lực trở thành một công dân tốt bằng cách quanh năm cần cù làm việc ngoài đồng, lội trong ruộng rẫy. Tôi thích trồng trọt, nhìn cây cà phê và các hoa màu xanh tươi lớn mạnh, gặt hái và bán lấy tiền. Tôi là một nông dân cuộc sống không vui lắm, và cũng không buồn nhiều, da tôi sậm vì dầm mưa dãi nắng, các con tôi hiện đang theo học, tôi hy vọng chúng nó sẽ có một tương lai tốt đẹp, trở nên người có học thức. Tôi canh tác để tự nuôi mình và gia đình thân quyến, tôi cần cù làm việc vì không muốn xin tiền của người khác. Tôi tự mưu sinh bằng chính công lao khó nhọc của tôi. Suốt đời tôi chỉ là một canh điền, tôi thích nghề nông nghiệp hơn bất cứ nghề nào khác”

(Trích nhật ký ông Hồ Hoàng Yến)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm