Lễ hội dừa Bến Tre: Làm lễ hội cho dân!

06/01/2010 14:32 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Sáng qua, 5/1, lãnh đạo tỉnh và đoàn cán bộ văn hóa, thông tin, du lịch tỉnh Bến Tre “lặn lội” về TP.HCM để chính thức công bố Lễ hội dừa lần thứ hai được tổ chức từ ngày 15 đến 21/1. Đây sẽ là lễ hội sớm nhất trong năm 2010 được dự báo là ngập tràn lễ hội.

Thoáng qua cũng không thấy có gì khác mấy so với những lễ hội đang có dấu hiệu “lạm phát truyền hình trực tiếp” hiện nay : có sân khấu hóa lễ khai mạc giới thiệu nét độc đáo địa phương và công cuộc khai hoang khẩn hóa, có hội chợ triển lãm, có hội thi thời trang, có đêm hoa đăng, có xác lập kỷ lục, có ca nhạc tổng hợp v.v.

Vậy mà có điều khác, và hơi lạ nữa. Ấy là trong khi hầu hết các lê hội tổ chức ra, ban tổ chức đều nhăm nhăm thu hút khách du lịch, thậm chí, có nơi lễ hội còn gắn với “chặt chém” du khách, nâng giá phòng khách sạn, thì ông Trưởng ban tổ chức Lễ hội dừa Bến Tre lại nhỏ nhẹ bảo rằng : Lễ hội này trước hết là để cho dân, mà gần gũi nhất là dân Bến Tre!

Nổi tiếng là xứ dừa xanh Nam Bộ, Lễ hội dừa ở Bến Tre, sẽ đậm hương vị của dừa, từ hội chợ triển lãm các sản phẩm làm từ dừa, ẩm thực dừa, thi tạo mẫu thời trang cũng bằng dừa luôn! Sống trên đất dừa, nhưng, như ông Phó Chủ tịch UNBD tỉnh Bến Tre thú nhận, chính mình cũng không biết hết tên các giống dừa. Lễ hội dừa là dịp để chính những người dân hiểu thêm để yêu thêm loài cây tận hiến cho con người toàn bộ thân thể nó, từ trái, đến lá, vỏ cây, rễ cây - tất cả đều có thể làm thành các loại vật dụng hữu ích, dùng trong nước và xuất khẩu. Lễ hội dừa cũng là dịp người dân được nghỉ ngơi, vui chơi trong các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch. Và đặc biệt, năm nay, trong Lễ hội dừa lần thứ hai đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm Đồng Khởi, sẽ có một nghi lễ xúc động được tổ chức trên sông Bến Tre để tri ân những anh hung liệt sĩ và nhân dân đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến. Hàng ngàn ngọn đèn sẽ được thả trên sông trong Đêm hoa đăng này.

Theo tiêu chí đó, lễ khai mạc, như tiết lộ của đạo diễn Lê Quý Dương, sẽ mộc mạc và tiết kiệm chi phí tối đa.

Tất nhiên Bến Tre không giấu tham vọng sẽ thu hút du khách trong và ngoài nước thông qua Lễ hội dừa để đến với thành phố được xem là “xanh nhất” của Đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng đó là chuyện của tương lai. Lãnh đạo tỉnh Bến Tre xác nhận, hiện tại cơ sở vật chất cho khách du lịch lưu trú ở tỉnh còn hạn chế (hiện tại mới chỉ có duy nhất 1 khách sạn 3 sao), dịch vụ du lịch của tỉnh còn nhiều hạn chế, và Lễ hội dừa cũng mới tổ chức năm thứ hai. Hãy để mọi thứ đi chậm chậm, đến từ từ.

Nếu Lễ hội dừa Bến Tre làm được đúng như thế, thì quả đáng mừng cho lễ hội và cho những thành phố tổ chức lễ hội.

     Lễ hội dừa Bến Tre dự kiến tổ chức 2 năm một lần. Tâm điểm của Lễ hội dừa Bến Tre 2010 là : Lễ khai mạc (diễn ra tối ngày 15/1), Đêm hội hoa đăng (tối 16/1) và Lễ kỷ niệm 50 năm Bến Tre Đồng khởi (tối 17/1). Ngoài ra có nhiều hoạt động thể thao, văn hóa diễn ra trong suốt thời gian lễ hội.


Phạm Thị Thu Thủy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm