Lê Cát Trọng Lý: Thấy dzậy không biết có phải dzậy…!

13/03/2012 06:56 GMT+7 | Giải Âm nhạc Cống hiến


(TT&VH Cuối tuần) - Người bất ngờ trở thành Nhạc sĩ của năm tại Lễ trao giải thưởng âm nhạc Cống hiến năm ngoái, giờ lại tiếp tục gây bất ngờ khi có mặt ở 3 ba hạng mục đề cử giải thưởng này trong năm nay (*): một album mang tên chính cô, một live show xuyên Việt mang tên cảm xúc cô muốn âm nhạc của mình mang tới cho khán giả (Vui) và một lần nữa trên đường đua danh hiệu Nhạc sĩ của năm.

Trong một năm mà giới nhạc sĩ đua nhau đi làm giám khảo trong các chương trình giải trí, thì một người trong số đó ôm đàn lên đường, hát những bài hát do mình viết và làm nguyên một abum những bài hát của mình… Trong một năm mà các live show đua nhau phô diễn sự hoành tráng, thì một người trong số đó bước lên sân khấu không đồ hiệu, không vũ điệu minh họa hay dàn nhạc giao hưởng phụ họa, vẫn lôi cuốn đám đông bằng âm nhạc và phong cách giản dị của mình… Thì có bất ngờ không?

Nhưng sự thực thì Lê Cát Trọng Lý sẽ luôn khiến bạn bất ngờ. Bởi vì ở “cô bé nghệ sĩ” này, nhiều thứ, nói như anh Hai Sài Gòn là “thấy dzậy không biết có phải dzậy”.

Lê Cát Trọng Lý và cây đàn 3.000USD. Ảnh: V.C

Cái tên

Ai tiếp xúc vài lần với Lê Cát Trọng Lý cũng nhận xét “cô bé” này dễ gần, dễ thương, dễ mến. Vài người thật thân thì nói rằng Lý sống đúng như cái tên của mình, “trọng lý” hơn tất thảy. Lý có sự ham thích, mến mộ và tu tập theo tinh thần “kim cang” (cứng cỏi, lý trí, khổ luyện…), trì chú của Phật giáo Tây Tạng, nên rất quyết liệt trong công việc lẫn đời sống.

Tự nói về mình, một cách dễ thương, nhưng thành thật: “Lý có tật xấu là thích… oai”.

Có người diễn giải câu này theo một nghĩa “trần tục”: Trong bộ ba Danh-Lợi-Tình thì Lý có vẻ ít chú tâm với hai cái sau, nhiều khi để nó ơ hờ đi qua, chẳng níu kéo hay luyến tiếc. Chẳng rõ “thấy dzậy có phải dzậy không?”.

Các chữ số…

- 13: Là số tuổi mà gia đình và bạn bè còn nhớ được về cái năm Lý viết những ca khúc đầu tiên. Đôi lúc người quen của cha đến nhà chơi, nghe Lý hát những ca từ rất lạ và hồn nhiên, họ khá bất ngờ. Năm đó, Lý cũng lén gia đình đi học chơi guitar, nghe đồn phải gửi đàn ở nhà thầy, về nhà, những lúc không có ai thì lấy đàn của cha tập tành.

Phần lớn những ca khúc mà Lý viết lúc nhỏ chỉ được ký âm bằng miệng, hát vài ngày hoặc vài tuần rồi quên; có khi nó chỉ là những giai điệu hoặc âm điệu trong cổ, chưa thể hát thành lời.

Cha của Lý là ca sĩ Lê Băng Thanh, được xem là có tài nhưng không gặp thời, nên rất ngại con cái đi theo nghiệp của mình. Mẹ của Lý dạy văn; chị của Lý là Lê Cát Tiên, cũng một thời ca hát tại Đà Nẵng, có nhiều thành tích.

Con số 13 như vận vào người, Lý thuộc kiểu người lận đận hoặc dễ thay đổi. Từ 13 tuổi đến nay, đường học hành luôn bị rẽ ngang. Từng ở trong đội tuyển thi Sử, rồi lại đăng ký học khoa Tiếng Nga, rồi dự định học về tài chính, rồi thi vào khoa Violon, chuyển qua khoa Viola… Cái nào cũng dang dở.

Nhóm Du mục của Lý ngày xưa (2006). Lý chơi violin, chị của Lý,
Lê Cát Tiên là người thứ hai từ phải sang

- Khoảng 45: Là số ca khúc mà Lý còn giữ lại được cho đến ngày hôm nay, một số viết năm 19 tuổi, một số năm 21, phần nhiều là năm 23. Nhất là khi chuẩn bị làm chuyến du ca xuyên Việt, Lý đã viết liên tục, đổi mới và kết hợp nhiều phong cách khác nhau.

Người ta nói Lý hát thơ cũng đúng, vì cái lối chơi ngẫu hứng, dễ thay đổi tiết tấu, nhịp điệu… đã làm cho phần lớn ca khúc gần như không có ký âm ổn định được. Nó chỉ giống như một bài thơ trên giấy, chẳng có kẻ nhạc, Lý ôm đàn tự hát, tự phân và tự phiêu, đôi khi mỗi đêm mỗi khác. Khi đi biểu diễn với ban nhạc, các nhạc công cũng phải nghe theo cách “hòa âm, phối khí” này, khi nào tập ổn định tương đối, phần ai nấy ghi chú theo cách của mình, chẳng thể theo tổng phổ được.

Nếu nhìn ở góc độ văn học, cái cách mà Lý đặt tên cho ca khúc của mình cũng phần nào cho thấy sự ưu tư và tâm sự của tác giả. Nào Chênh vênh, Trời ơi, Lẩn thẩn, Thu lu, Nghèo, Độc đạo, Hương lạc, Như là, Thương, Chưa ai… Có nhiều khi nó vận vào người.

- Khoảng 7: Được cho là số cây đàn guitar mà Lý từng sở hữu. Tại chuyến du ca Vui vừa rồi, Lý cũng có chơi hai cây guitar mới, một cây tự mua ở Singapore với giá hơn 3.000 USD, một cây do bạn tặng, cũng có giá tương tự. Lý còn một số nhạc cụ khác như viola, violon, piano...

Lý thích mua và sở hữu các nhạc cụ với lý do khi mình làm bạn với nó đủ lâu, mình sẽ chơi tự tin hơn.

Cái lãi vật chất lớn nhất của Lý trong chuyến du ca Vui vừa qua là đã sắm được một số dụng cụ âm nhạc; đã quay được vô số phim tư liệu để sau này có thể làm DVD; đã thu âm được nhiều ca khúc; đã chụp vô số hình tư liệu... Tất cả đều do cái ý thích quán xuyến và “sở hữu” công việc đến từng chi tiết của Lý.

- Khoảng 2.000: Là số tin bài được in và dẫn lại, theo số liệu mà bộ phần truyền thông của chuyến du ca Vui tổng hợp được. Con số này thuộc diện kỷ lục, nếu so với nhiều chương trình khác, được đầu tư nhiều tỷ hơn.

Phải công bằng mà nói, dù Lý hết sức thân thiện với báo giới và chuyến du ca được một kẻ thạo nghề PR giúp sức về mặt truyền thông, nhưng tinh thần chính của nó vẫn là “hữu xạ tư nhiên hương”, phần lớn tin bài được viết trong tinh thần “vui vẻ và tự nguyện là trên hết”.

Lý chọn con đường hẹp và độc đạo để đi, nếu không có sự yêu thích, ủng hộ của báo giới thì khó mà có được như ngày hôm nay.

- Khoảng 12.000: Là con số người hâm mộ mà có lúc Lý đã tập họp được trên một mạng xã hội. Điều này giải thích tại sao album Lê Cát Trọng Lý đã bán khá chạy khi ra mắt, chính thức gần 6.000 đĩa (số liệu vào tháng 10/2011) và đĩa lậu thì tối thiểu 20 ngàn đĩa. Có được con số về đĩa lậu này là từ hai nguồn, thứ nhất, số đĩa lậu lúc nào cũng nhiều gấp 4-5 lần số đĩa thật, có như vậy giới làm lậu mới “đầu tư”; thứ hai, một nhà “dập đĩa” lậu ở Hóc Môn vui vẻ cho biết, chỉ yêu cầu giấu tên.

- 3: Là số tối thiểu về những người ghét Lý ra mặt, ở đây có một nữ nhà thơ tại Đà Nẵng, một đạo diễn sự kiện nổi tiếng tại TP.HCM và một cây guitar phiêu lãng - cả 3 đều có dịp cộng tác, “chơi cùng” Lý trong một thời gian, dài ngắn khác nhau. Còn người bực mình vì cách mà Lý “trọng lý hơn” thì rất nhiều...

Chất du ca của Lý vẫn giữ nguyên như thuở ban đầu trong live show Vui 2011

Những con người…

- Gia đình: Khi Lý ra mắt album tại một quán bar ở TP.HCM cách đây khoảng 2 năm, cha của Lý (ca sĩ Lê Băng Thanh) từ Đà Nẵng vào dự, ông đã rất xúc động và vui vì thấy con mình có được ngày hôm nay. Ông đã hát góp vui, một bài khá khác phong cách và “gu” âm nhạc mà Lý chọn lựa, nhưng Lý vẫn thoáng chút bối rối. Hôm đó, vì nhiều lý do, cha của Lý hát không hay lắm, đôi lúc còn mất nhịp, lạc tông, nên Lý thêm phần ngượng ngùng. Buổi ra mắt hôm đó có phần lạc điệu và lạc đề khoảng 20 phút là vì vậy.

Khi chuyến du ca bắt đầu, Lý nhờ chị mình là (ca sĩ) Lê Cát Tiên để làm người phát ngôn trong suốt hành trình. Tiên quả là người lanh lợi, thông minh trong chuyện ăn nói, pha trộn đủ sự dễ gần, lạnh lùng và có đôi chút trịch thượng, nên không phải ai nghe cũng dễ cảm thông và thích thú. Giữa nghe Tiên và Lý nói chuyện, phần đông vẫn thích Lý hơn, dù có thể Lý chưa đủ sự sắc sảo như chị của mình, nhưng cái cách Lý nói tỏ ra hồn nhiên hơn.

Chỉ qua hai trường hợp này, đủ biết Lý muốn thật sự là mình, thì lực cản và sức ì của gia đình không phải là nhỏ. Ngay cả muốn bỏ khoa Tiếng Nga để vào TP.HCM học nhạc viện, Lý cũng phải thuyết phục và xin cha nhiều lần mới được.

- Hoàng Minh Triết: Đây là người có những ảnh hưởng căn bản và sâu sắc đến Lý, cả về âm nhạc và tâm linh. Người mà Lý thường gọi “chú Triết”, ông sống tại Đà Nẵng, gần đây có vào TP.HCM mở lớp dạy guitar, chủ yếu là dạy nâng cao và đi vào nhạc cảm của tiếng đàn. Ông sống khá lặng lẽ, đôi lúc cũng đến cùng Lý trong một vài sự kiện quy mô nhỏ, nhưng thường im lặng hoặc cười nhẹ, chẳng nói gì. Giới “giang hồ” đồn rằng ông tu theo mật tông Tây Tạng, chịu ảnh hưởng tinh thần kim cang, điều này ít nhiều đã truyền cảm hứng sang cho Lý. Trên mạng, nếu gõ cụm từ “thầy của Lê Cát Trọng Lý”, có thể thấy vài clip quay lén cảnh ông đang chơi flamenco.

- Hồ Công Khanh: Nhà thư pháp ảnh hưởng nhiều tới việc đọc của Lý. Có thể nói, Lý thuộc nhóm đọc sách nhiều của giới trẻ (7X, 8X) làm âm nhạc ở Việt Nam. Khi còn ở Đà Nẵng, ngoài những sách để nuôi dưỡng tinh thần và tâm linh, qua nhà thư pháp Hồ Công Khanh, Lý còn tìm đọc một số sách văn chương và triết học mà trước 1975 coi là kinh điển của giới trí thức. Hồ Công Khanh, khi Lý còn đi hát ở quán Nếp hay hát kiểu du mục tại Đà Nẵng, anh đã luôn ủng hộ và động viên Lý rất nhiều. Những bài báo viết về Lý đầu tiên, phần nhiều qua “cửa ngõ” của nhà thư pháp này, anh chẳng PR gì, chỉ rủ họ đi xem cùng, thấy thích thì viết.

Lý biểu diễn cùng hai người bạn: Ca sĩ Mai Khôi và guitarist Nguyễn Nho Trường Sa

- Nguyễn Nho Trường Sa: Nếu tìm một nhạc công - đúng hơn, một nghệ sĩ chơi đàn guitar - phiêu với Lý nhất, tính tới thời điểm này, thì không ai qua được Nho Trường Sa. Thế nhưng, trong chuyến du ca Vui vừa rồi, Sa không có mặt, vì cãi lộn với Lý trong việc tập luyện trước đó. Sa lãng đãng, thường đến tập trễ hoặc về sớm, Lý bực nên nói “thôi”. Từ đó đến nay, cả hai chẳng còn gặp nhau, nghe đâu, Sa còn viết một ca khúc để trách cứ Lý về chuyện “trọng lý mà không trọng tình”. Sa sống ở Đà Nẵng, chơi với Lý từ lâu, thuộc dòng dõi Nguyễn Nho danh giá của làng La Qua, tỉnh Quảng Nam.

- Sa Huỳnh: Một trong hai ca khúc của người khác mà Lý hát trong chuyến du ca Vui là bài Lúng ta lúng túng của Sa Huỳnh. Ca khúc này từng giúp Lý tạo ấn tượng ban đầu khi đi ca hát, cùng với bài Chênh vênh. Cách tư duy về ca từ của Sa Huỳnh rõ ràng đã tạo cho Lý ấn tượng mạnh, thậm chí, cùng với Phạm Duy, đây là người để lại ảnh hưởng trong việc sáng tác, cách chơi chữ của Lý. Sa Huỳnh có vẻ là người kín đáo, ít khi thấy xuất hiện cùng Lý ở đây đó.

- Nguyễn Tiến Chỉnh: Tại Sài Gòn trước 1975, Tiến Chỉnh là một trong những người mày mò tập chơi guitar bass đầu tiên, cuộc đời ông “thiết thân” hoặc “chơi chung” với nhiều tên tuổi trong làng nhạc, từ Trịnh Công Sơn, Thanh Tùng, Phạm Trọng Cầu, Tuấn Ngọc, Đức Huy… cho tới Mai Khôi, Lê Cát Trọng Lý. Ngay lần đầu tiên, khi Lý đến quán bar của Tiến Chỉnh (Chu bar ở quận 1) và có hát chơi một hai bài, Tiến Chỉnh đã đánh giá cô bé này có thể đi xa. Vì có “mắt xanh” như vậy, nên ông đã chủ động thân thiết và động viên Lý rất nhiều, ông hay nói với bạn bè trong giới âm nhạc và nghiên cứu rằng, về tinh thần âm nhạc, Lý có nhiều nét của Joan Baez và Trịnh Công Sơn… Ngay chuyến du ca Vui vừa rồi, ông cũng chấp nhận tái xuất giang hồ để chơi bass sau gần 25 năm “gác kiếm”. Khi tái xuất, ông mới biết mình quá già, chẳng còn theo kịp lớp trẻ nữa, nên chơi khá vất vả, đôi lúc bị Lý cự. Sau chuyến xuyên Việt này, ông vẫn thường quan tâm tới Lý, nhưng hình như Lý có điều gì đó thay đổi, nên chưa một lần trở lại quán Chu để thăm ông.


Lê Cát Trọng Lý trong chương trình Vui tại Hà Nội

- Mai Khôi: Lý gọi Mai Khôi là chị, cả hai từng kè kè bên nhau và đi hát chung nhiều lần. Thế nhưng, sau khi Mai Khôi ra album hát nhạc của Lý, với một vài thay đổi về ca từ, cả hai đã không còn thân thiết như trước.

- Nguyễn Tường Bách: Nhà nghiên cứu và dịch giả sách Phật giáo này là người mà Lý khá mến mộ. Lý đã từng cùng ông và những người khác hành hương về Tây Tạng, để đến vùng núi thiêng đảnh lễ. Một phần về cách nghĩ, cách hành xử và cách dùng ngôn ngữ của Lý sau này có nguồn gốc từ mối quan hệ (chủ yếu thông qua sách vở, kinh sách). Lý có mấy ca khúc dùng đến thơ hoặc chú của Tây Tạng.

Về sự ưu tư này, với cách kết hợp ý tưởng bản thân với một tư tưởng có tính nguồn cội, cách viết ca khúc của Lý gợi ta nghĩ đến cách hát của một ngôi sao nhạc pop của Mông Cổ, sống chủ yếu ở Bắc Kinh là Sa Ding Ding (Tát Đỉnh Đỉnh), người đã hát lên những tư tưởng cổ xưa bằng giọng điệu mới.

- Lê Anh Đức: Để có chuyến du ca xuyên Việt, Lý tình cờ gặp Lê Anh Đức (kinh doanh trứng cá tầm và bất động sản với thương hiệu Caviar de Duc), được hứa cho 6 tỷ đồng để thực hiện. Nói là làm, doanh nhân này đã đưa trước 4 tỷ, nhưng sau đó thì không đưa thêm vì trong thâm tâm, anh này muốn Việt Tú làm tổng đạo diễn, thế nhưng Lý không chịu. Ban đầu, để chiều “người có tài”, Lê Anh Đức phải nghe theo Lý trong việc chọn Lê Quý Dương làm đạo diễn. Thế nhưng trong quá trình thực hiện, đã có xích mích gì đó khiến chuyến du ca đến Đà Nẵng phải dừng lại vì thiếu tiền. Lê Quý Dương trở về TP.HCM, nhưng bằng ý chí, Lý và ban nhạc vẫn xuyên Việt, và có nhiều đêm thành công bất ngờ.

- Cao Thụy Phương Trang: Không biết đến nay Trang “tóc trắng” có còn cặp kè bên Lý như một quản/trợ lý hay không, chứ suốt một thời gian dài, đi đâu họ cũng như cặp bài trùng. Một số người ác miệng còn nghi ngờ về giới tính của họ?! Có nhiều lý do để hai người có thể thân nhau và đó là chọn lựa hoàn toàn riêng tư, người ngoài không thể và không nên can thiệp. Thế nhưng, xét trong tư cách quản lý hoặc trợ lý của người hoạt động ngoài công chúng thì Trang chưa thể làm được, vì tiếp xúc với ai Trang cũng tỏ ra khó khăn, khinh khỉnh. Những người ghét Lý vì đôi lúc liên hệ thì gặp bạn này, thấy cách nói chuyện hoặc ứng xử, đâm ra bực mình, ghét lây. Nói chung, Cao Thụy Phương Trang có thể là bạn thân của Lý, nhưng chưa thể là nhịp cầu của Lý với báo giới hoặc công chúng, vì không phù hợp.

Vài nét “ký họa” Lê Cát Trọng Lý, không biết có đủ ra chân dung một người, vì như đã nói, ở Lý, nhiều thứ “thấy dzậy không biết có phải dzậy” không.

(*) Giải thưởng âm nhạc Cống hiến do báo TT&VH khởi xướng và tổ chức từ năm 2005. Lễ công bố và trao giải Cống hiến 2011 do báo TT&VH phối hợp cùng công ty Smart sẽ được tổ chức vào ngày 22/4/2012 tại TP.HCM, truyền hình trực tiếp trên VTV1 lúc 21 giờ.

Thu Hải Đường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm