02/11/2018 20:15 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) – Bài đánh giá nanh nọc của Vương Sóc sau khi được in trên tờ China Youth Daily hồi tháng 11/1999 đã gây ra ồn ào chưa từng có trong giới đọc sách. Lật lại sự kiện ầm ĩ này để thấy rằng, xung quanh các “danh tác” của Kim Dung cũng có những ý kiến trái chiều. Tuy vậy, không ai có thể phủ nhận được ảnh hưởng của Kim Dung trong văn hóa đại chúng.
Lỗ Tấn, nhà văn hiện đại được kính trọng bậc nhất của Trung Quốc, có lần đã bày tỏ sự ghê tởm trước một bài luận bằng cách ví nó như bàn chân bị bó của phụ nữ thời xưa: dài và bốc mùi.
Sự khinh miệt tương tự cũng nổi tiếng hay xuất hiện trong lịch sử phê bình văn học Trung Quốc. Tuy nhiên, cơ bản những bài phê bình đều vẫn rất nhẹ nhàng khi so sánh với miệng lưỡi của “gã côn đồ” Vương Sóc khi nói về các tác phẩm của “vua truyện kiếm hiệp” Kim Dung.
Kim Dung và “gã côn đồ” Vương Sóc
Bài đánh giá nanh nọc của Vương Sóc sau khi được in trên tờ China Youth Daily hồi tháng 11/1999 đã gây ra ồn ào chưa từng có trong giới đọc sách. Dường như tất cả mọi người ở thành thị Trung Quốc đều nêu ý kiến về nó, bởi vì dường như tất cả mọi người đều từng đọc ít nhất một trong số 14 cuốn tiểu thuyết kiếm hiệp khi đó của Kim Dung, hiện đã bán được hơn 100 triệu bản trên khắp thế giới.
Vương Sóc và Kim Dung chẳng mặn mà gì với nhau là điều không ai ngạc nhiên. Kim Dung là triệu phú đã lập nên tạp chí Ming Pao ở vùng lãnh thổ Hong Kong. Các tiểu thuyết của ông thời điểm đó, viết từ năm 1955 tới 1972, xuất bản theo kỳ trên chính tạp chí của ông. In tới 36 tập với mỗi tập hơn 400 trang, các câu chuyện của ông là mạng lưới đồ sộ những nhân vật như thành viên Hội Tam Hoàng với khả năng vung kiếm, quất roi và nhảy lên tới tận mây.
Các anh hùng của Kim Dung có thể giết hàng tá người trong một trang giấy, nhưng động cơ của họ lại luôn rất đáng kính, dù đó đơn thuần là một lời thề chống lại kẻ thù tới chết hay bị thôi thúc về lòng trung thành với tổ quốc, phải diệt nhà Minh hoặc sự khinh miệt của họ trước triều Thanh. Tùng xẻo, chọc mắt, chém tóe máu…, rất nhiều chi tiết đẫm máu thuộc về người Trung Quốc cổ đại với nhiều châm ngôn xưa.
Mặc dù sách của Kim Dung bị cấm ở vùng lãnh thổ Đài Loan tới năm 1979 và Trung Quốc đại lục tới năm 1984, hiện nay, nó rất phổ biến khi nhiều nhà lãnh đạo bày tỏ sự ngưỡng mộ, thậm chí tổ chức hội thảo về Kim Dung.
Trong khi đó, Vương Sóc là "vị vua" khó mà soán ngôi trong giới văn học “đen” của Trung Quốc những năm 1980 -1990. Được miêu tả như một “gã côn đồ”, Vương Sóc viết về tuổi trẻ hoài nghi ích kỷ theo thuyết khuyển nho ở Bắc Kinh.
Các anh hùng của Vương Sóc mặc đồ như cảnh sát để tống tiền các doanh nhân Hong Kong nhờ cấu kết với gái mại dâm ít giờ trước đó. Có hơn 10 triệu cuốn sách của Vương Sóc đã được bán ra và một số được dựng thành phim.
Cuộc đời của tác giả này cũng giống như những nhân vật trong sách của ông: thất học, lưu manh, tù tội… đến mức bố mẹ phải tống vào hải quân. Sau khi xuất ngũ, Vương Sóc đi buôn lậu và có thời gian làm ở công ty dược trước khi bắt đầu sự nghiệp viết lách. Ngoài tiểu thuyết, ông còn viết kịch bản phim truyền hình và phim nhựa.
Miệng lưỡi cay nghiệt của Vương Sóc
Vậy nhưng, dù không ai ngạc nhiên với lối ăn nói “đường phố” của Vương Sóc, hầu như tất cả mọi người đều kinh hãi khi tác giả này quá mức cay nghiệt khi bình luận về đại thụ làng văn Kim Dung. Vương Sóc chế giễu Kim Dung là nhà văn kinh tởm và rằng ông phải “bịt mũi” khi đọc bộ Thiên Long Bát Bộ của Kim Dung, rằng ông không thể đọc đến chương thứ hai.
“Cuốn tiếp theo của Kim Dung mà tôi đọc là Thiên Long Bát Bộ, lúc đó phim chuyển thể đang chiếu trên truyền hình với cả thiên đường và quả đất đều chìm trong tăm tối. Cuốn tiểu thuyết dài bảy tập, và tôi có thể qua nổi tập đầu là nhờ bịt mũi. Suốt cả đời tôi không bao giờ đọc tiếp nổi đến chương hai. Mọi người đâu cần ăn sạch cả đĩa để biết được thức ăn là ngon hay ươn thối”, Vương Sóc viết trong tiểu luận Góc nhìn của tôi về Kim Dung.
Lão Kim Dung này, theo Vương Sóc, làm mọi thứ có thể để đi sai đường trong việc viết một cuốn tiểu thuyết, với nhân vật là những biếm họa phi thực không bao giờ tiến hóa nổi. Vương Sóc than phiền “ngôn ngữ của Kim Dung mô phạm khoa trương” và tuyên bố rằng giọng điệu Bắc Kinh, ngôn ngữ trong sách của chính mình, là cao cấp hơn cả. “Nếu còn không đưa tiếng Chiết Giang hay Quảng Đông vào thì tất cả những gì ông ta viết chỉ có thể là ngôn ngữ chết. Nguồn ngôn ngữ của ông ta rất giới hạn”. Chưa hết, Vương Sóc còn chê cốt truyện của Kim Dung là cũ rỉn và nông cạn đầy thù hận.
Đặc biệt, Vương Sóc đả kích những trận đánh ác liệt nổ ra sau “mỗi ba từ” và “dùng đạo lý để giết người, dụ dỗ họ vào thói dâm ô và trộm cắp nhân danh công lý”. “Với tôi, cái khó ưa nhất là việc ông ta ngợi ca bạo lực và giết người dưới cái danh lòng yêu nước”, Vương Sóc không kiêng dè.
“Gã này không dùng não khi viết lách” là lời kết luận.
Bên cạnh đó, Vương Sóc cũng nhắm vào bản thân văn hóa Trung Quốc và những người tạo ra, tiêu thụ và kiểm soát nó. Vương Sóc cáo buộc Kim Dung giới thiệu với thế giới điều không phải là chân dung chân thực của người Trung Quốc. Điều này, Vương Sóc lưu ý, là giống như những gì các nhà phê bình nói về phim của Trương Nghệ Mưu.
Về lý do tại sao truyện Kim Dung được đọc nhiều ở Trung Quốc, Vương Sóc nói giải thích, lý do tử tế nhất ông có thể đưa ra là mọi người đều mệt mỏi, họ phải đối mặt với những phiền toái nhỏ mỗi ngày và đôi khi họ cần đọc thứ gì giúp xoa dịu đầu óc hơn là khai thác nó. Văn học đại chúng ở đại lục phát triển chưa đủ nên độc giả quay sang đọc Kim Dung.
Để lập luận thêm vững chãi, Vương Sóc gợi ý gộp Kim Dung với các diễn viên mì ăn liền, “tứ đại thiên vương Hong Kong”, tiểu thuyết gia diễm tình Quỳnh Dao hay siêu sao võ thuật Thành Long, mà Vương Sóc coi là “tứ đại bỉ ổi” nhằm mỉa mai “tứ đại ác nhân” của Kim Dung. Tất cả đều tới từ vùng lãnh thổ Đài Loan hoặc Hong Kong, theo Vương Sóc, để cho thấy sáng tạo ở đại lục đang bị tàn phá và xâm chiếm. “Trừ khi có lẽ bởi vì ở Trung Quốc, bất cứ cái gì cũ, ngây thơ hay có tính chất thần thoại đều mang sức mạnh lớn hơn nhiều những thứ khác”, Vương Sóc mỉa mai.
Phản ứng của dư luận và lời đáp của Kim Dung
Dư luận phản ứng cực kỳ gay gắt trước phê bình của Vương Sóc đến mức, ngay lập tức, tờ China Youth Daily phải mở diễn đàn đặc biệt trên trang điện tử của mình để độc giả, trong đó hầu hết đứng về phía Kim Dung, có thể tranh luận về vấn đề này. Như đã nói ở trên, dường như tất cả dân thành thị Trung Quốc đều nêu ý kiến về vụ việc.
Do tranh cãi quá nóng bỏng, Kim Dung cũng khó mà thờ ơ không lời đáp. Bốn ngày sau, ông đã gửi một bức thư ngắn tới báo Wenhui Daily ở Thượng Hải với lời lẽ khôn ngoan.
Tuyên bố rằng đây là lần đầu tiên có người công kích sách của ông, Kim Dung dẫn lời Mạnh Tử, giảng nghĩa các giới luật Phật giáo và tuyên bố mong muốn được gặp Vương Sóc vào lần tới khi đến Bắc Kinh. Bức thư trình bày đơn giản cũng nhắc tới một số danh hiệu, tôn vinh văn học mà Kim Dung nhận được và một lời buộc tội tinh tế rằng Vương Sóc đã mua bản lậu cuốn Thiên Long Bát Bộ.
“Anh Vương Sóc nói là mua bộ bảy tập Thiên Long Bát Bộ, nhưng sau khi mới đọc được một tập thì thấy không thể đọc tiếp. Tuy nhiên, bản ở Hong Kong, Đài Loan và đại lục cuốn này đều chỉ có năm tập; thế nên, tôi không biết bản bảy tập của anh ở đâu xuất bản”, Kim Dung viết.
Đấu khẩu giữa hai nhà văn, giống như bao cuộc đấu khẩu khác, không đi đến cái kết viên mãn nào. Tuy nhiên, không gì có thể phủ nhận tầm ảnh hưởng rộng khắp của Kim Dung. Riêng trong thập kỷ từ 1990-2000, một mình nhà phê bình đại lục Chen Mo đã xuất bản hơn tám nghiên cứu công phu về các tác phẩm của Kim Dung (mỗi nghiên cứu dài từ 300-600 trang).
Thư Vĩ (Tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất