27/11/2018 14:35 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Báo giới Italy đưa tin hôm 26/11, đạo diễn Italy từng đoạt giải Oscar Bernardo Bertolucci đã qua đời vì bệnh ung thư ở tuổi 77. Ông sẽ được giới phê bình nhớ đến với nhiều kiệt tác điện ảnh, như The Last Emperor, phim đã đoạt 9 giải Oscar, trong đó có giải Đạo diễn xuất sắc nhất và Kịch bản chuyển thể hay nhất.
Tuy nhiên, trong thập kỷ qua, danh tiếng của anh đã bị lu mờ bởi những gì xảy ra trong quá trình quay cảnh nổi tiếng nhất trong phim nổi tiếng nhất của ông, Last Tango In Paris.
Liệu tham vọng đến tàn nhẫn và nghệ thuật của Bertolucci có nằm trong ranh giới đạo đức và pháp lý được chấp nhận trong cảnh đó? Liệu Maria Schneider, bạn đồng diễn tuổi vị thành viên của nam diễn viên chính Marlon Brando, có ưng thuận khi anh tấn công cô?
Câu trả lời của cả hai câu hỏi này đều là “không”.
45 năm trước khi phong trào #MeToo trở thành một sự “phanh phui” của bí mật lớn đầy bẩn thỉu ở Hollywood, cụ thể là nạn lạm dụng tình dục các nữ diễn viên trẻ của những người đàn ông đầy thế lực trong nền điện ảnh, thì phim Last Tango đã thể hiện điều đó một cách hiển nhiên và rõ ràng trên màn bạc.
Đương nhiên, khi xem phim khán giả không hề biết nữ diễn viên chính 19 tuổi trong phim đã bị lạm dụng tình dục trước camera khi quay cảnh hiếp dâm khét tiếng trong phim.
Song nước mắt, nỗi sợ hãi và cảm thấy bị sỉ nhục của Schneider là thật. Sau này, Schneider cho biết, trước khi quay cảnh này cô không hề biết về cảnh cưỡng hiếp trong phim và cũng không hề biết nhân vật của Brando sẽ sử dụng bơ như một chất bôi trơn trong vụ tấn công. Phản ứng thật của cô trong cảnh phim đó đã giúp 2 người đàn ông tạo ra cảnh đó được đề cử Oscar Đạo diễn xuất sắc nhất và Nam diễn viên chính xuất sắc nhất.
Bertolucci ra năm 1941 ở Parma, Italy. Ông là con trai của một nhà thơ và bắt đầu làm phim từ năm 16 tuổi. Bertolucci tung ra tác phẩm điện ảnh đầu tay La Commare Secca ở tuổi 20, mô tả vụ giết một gái mại dâm. Sau đó, ông là một trong những tác giả kịch bản của bộ phim cao bồi Italy (spaghetti western) Once Upon A Time In The West (Miền Tây ngày ấy - 1968) của Sergio Leone.
Năm 1972, Bertolucci tạo bước đột phá quốc tế với Last Tango, phim được dàn dựng một phần theo những tưởng tượng về tình dục của riêng ông. Đây là một bộ phim quan trọng ở nhiều khía cạnh, đặc biệt là đối với các diễn viên chính.
Trong những năm 1950, Bradon là một ngôi sao trẻ, đã được 2 đề cử giải Oscar Nam diễn viên chính xuất sắc nhất trước khi đoạt giải với vai chính trong phim On The Waterfront (1954). Sau đó, sự nghiệp của ông xuống dốc và trong thập kỷ 1960 cái tên của ông trở thành “liều thuốc độc” phá hại phòng vé.
Nhưng năm 48 tuổi, Brando “hồi sinh” ngoạn mục với vai bố già Don Corleone trong phim The Godfather (Bố Già). Last Tango là phim kế tiếp của ông.
Phim xoay quanh Paul (Brando), một người Mỹ trung niên, phát triển mối quan hệ tình dục ngày càng mãnh liệt với cô gái Paris trẻ tên là Jeanne (Schneider) nhằm vượt qua được khoảng trống và nỗi buồn sau khi vợ tự vẫn.
Trong phim có nhiều "cảnh nóng" nhưng cảnh phim “khét tiếng” nhất là cảnh Paul dùng bơ để cưỡng bức Jeanne.
Cảnh phim gây sốc này đã khiến phim bị cấm chiếu ở nhiều nước và nhiều vùng ở Anh khi bị coi là “khiêu dâm”. Nhiều khán giả còn tự hỏi Brando và Schneider chỉ mô phỏng khi quay cảnh này hay “thao tác” thực.
Nhiều nhà phê bình lại “tung hô” phim. “Sự đột phá trong điện ảnh cuối cùng đã xuất hiện. Bertolucci và Brando đã làm thay đổi bộ mặt của một hình thức nghệ thuật” - tờ New Yorker nhận định.
Nhưng Schneider nói rằng quá trình quay phim đã “hủy hoại” cô. Hollywood tranh thủ khai thác sự nổi tiếng của Schneider sau vai diễn trong Last Tango.
Nhưng Schneider đã bị sa thải khỏi dàn diễn viên của phim Roman epic Caligula do từ chối khỏa thân (Schneider không bao giờ chấp nhận “nude’ kể từ sau phim Last Tango) và tuyên bố: “Tôi là một diễn viên chứ không phải là một gái điếm”.
Schneider từng cố gắng tự vẫn, có thời gian phải nhập viện tâm thần và từng tuyên bố là người lưỡng tính.
Đến năm 2007, trong một cuộc phỏng vấn của tờ Daily Mail, Schneider mô tả chi tiết thử thách tình dục mà bà đã phải chịu đựng trong thời gian làm việc cùng Bertolucci và Brando (huyền thoại điện ảnh đã qua đời hồi năm 2015).
Nói về đạo diễn Bertolucci, Schneider cho biết: “Ông là người rất thích lôi kéo và sẽ làm mọi thứ để nhận được phản ứng từ tôi. Lúc đó tôi còn quá trẻ để hiểu những chuyện như vậy”.
Về vụ “cưỡng hiếp’ trong phim Last Tango, Schneider nói: “Cảnh đó không có trong kịch bản gốc. Sự thực là Brandon đã nảy sinh ý tưởng đó. Họ chỉ nói với tôi về cảnh đó ngay trước khi chúng tôi quay và tôi đã rất tức giận. Đáng lẽ ra tôi phải có luật sư đi theo mình tới trường quay bởi bạn không thể bắt buộc ai đó làm việc gì không có trong kịch bản, nhưng tôi không biết điều đó.
Brando nói với tôi: “Maria, đừng lo lắng, đây chỉ là phim thôi mà”. Nhưng trong cảnh đó mặc dù những gì mà Brando thể hiện không phải là thực nhưng nước mắt của tôi là thực. Tôi cảm thấy bị sỉ nhục và thành thực mà nói, tôi cảm thấy mình bị cả Brandon và Bertolucci cưỡng hiếp”.
Schneider qua đời hồi năm 2011 do bệnh ung thư vú. 2 năm sau, Bertolucci thừa nhận ông muốn gây bất ngờ cho Schneider bởi muốn “cô ấy có phản ứng của một cô gái chứ không phải của một diễn viên”.
“Tôi nghĩ Schneider căm thù mình và Brando bởi chúng tôi không nói với cô ấy chi tiết việc dùng bơ” – Bertolucci nói và thừa nhận việc làm này là “điều rùng rợn” nhưng ông không ân hận mặc dù “Schneider căm thù tôi cả đời”.
Nhưng khi video cuộc phỏng vấn này lan truyền trên mạng hồi năm 2016 nhiều người đã rất tức giận. Nhiều người kêu gọi hành xử Bertolucci và Brando đồng thời hủy các giải thưởng đã trao cho bộ phim.
Nhưng đạo diễn cho rằng mọi người đã hiểu nhầm và tuyên bố: “Maria biết mọi chuyện vì cô đã đọc kịch bản chỉ có điều mới là ý tưởng dùng bơ. Mọi người nghĩ cô bị bạo hành là không đúng”.
Giờ Bertolucci đã rời xa dương thế. Nhiều người muốn nhớ tới The Last Emperor (Hoàng đế cuối cùng - 1987) hơn là Last Tango in Paris, cuộc “tấn công” thay đổi cuộc đời mà ông đã gây ra cho một cô gái ngây thơ, dễ bị tổn thương và khiến ông phải ngồi tù 4 tháng vì tính khiêu dâm trong phim.
Nhưng trên tất thảy, Bertolucci từng được coi là một trong những "người khổng lồ còn sống cuối cùng của nền điện ảnh Italy".
Việt Lâm
Tổng hợp
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất