(TT&VH Online) - Khi thời điểm diễn ra cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đang tới gần, Laporta đã kịp đi một nước cờ mà ông cho là rất quan trọng: Mua ngôi sao Daniel Alves từ Sevilla. Nhưng ông đã không thể ngờ rằng, phe đối lập Rosell-Giralt lại đang dùng chính vụ mua bán ấy để làm vũ khí tấn công lại mình.
Với cái giá có thể lên tới 36 triệu euro, vụ Alves nâng tổng số tiền mà Laporta đổ vào chuyển nhượng trong 5 năm qua lên xấp xỉ 300 triệu euro. Đồng thời với vụ mua Alves, Barca cũng chấp nhận bán một ngôi sao cũ của sân Nou Camp là Deco cho gã nhà giàu Chelsea với cái giá bèo bọt 10 triệu euro, biến tiền vệ này thành bản hợp đồng rẻ mạt nhất mà sân Stamford Bridge chào đón, trong khi giá trị của anh thì không thua kém bất kỳ ai ở đó. Alves-Deco chính là những trường hợp phản ánh rõ nét nhất phong cách shopping của Barca thời Laporta: Mua đắt, bán rẻ.
Theo thống kê, dưới thời Laporta, Barca đã thực hiện tổng cộng 30 vụ mua bán, tiêu tốn hết 273,4 triệu euro. Trung bình, cứ mỗi một tân binh xuất hiện là ngân quỹ của Barca lại hao hụt đi khoảng 9,1 triệu euro. Vụ chuyển nhượng đình đám đầu tiên thời Laporta, mua Ronaldinho từ PSG với giá 27 triệu euro, cũng chính là vụ chuyển nhượng tốn kém nhất cho tới khi có sự xuất hiện của Alves. Nhìn chung, Barca mua bán không đến nỗi tồi. Họ từng gây bất ngờ khi "cuỗm" được Deco từ Porto ngay trước mắt Chelsea với số tiền chỉ 12 triệu euro (các thêm tài năng trẻ Quaresma), từng khiến Real tức "nổ đom đóm" mắt với vụ mua kép Eto'o: 12 triệu euro cho Mallorca và 12 triệu euro cho Real. Yaya Toure, 10 triệu euro, cũng có thể được xem là một bản hợp đồng thành công. Barca tất nhiên cũng bị "hớ", mà rõ nhất là vụ Henry, nhưng khách quan mà nói, đó là rủi ro không thể tránh khỏi.
Vấn đề ở đây là, Barca bán quá tệ. Cũng trong 5 năm ấy, Laporta đã cho ra đường tổng cộng 44 cầu thủ, nhưng số tiền thu về chỉ vỏn vẹn 54 triệu euro, tức chỉ khoảng 1,2 triệu euro cho mỗi cầu thủ. Lý do là rất dễ nhận ra: Các cầu thủ thường rời Barca bằng lối cửa hậu, mà những cầu thủ đi theo lối đó thì không thể có giá cao được. Ví dụ như vụ Deco. Sau hàng loạt những "um xùm", Barca khẳng định Deco không có trong kế hoạch của họ nữa, tức là tự họ đã hạ thấp giá trị của ngôi sao này trước khi mang đi bán. Hay vụ Saviola, mua với giá kỷ lục 36 triệu euro, nhưng hầu như không dùng được ngày nào trước khi để anh ta sang Real Madrid theo dạng... CNTD. Zambrotta, mua 14 bán 9 chỉ sau 2 năm, hay Riquelme, mua 11 bán 8 mà hầu như không sử dụng, cũng là những minh chứng tiêu biểu cho sự ngây ngô của đội bóng thành Catalan.
Nhưng chuyện "vui nhất" vẫn chưa xuất hiện, một khi Ronaldinho và Eto'o còn chưa xác định được tương lai. Cũng như Deco, bộ đôi này thuộc diện "không còn tương lai" và được tự do tiếp xúc với các đội bóng khác. Tuy nhiên, giờ đã là đầu tháng 7 mà Txiki Begiristain vẫn chưa nhận được bất kỳ lời đề nghị chính thức nào liên quan đến 2 ngôi sao này, và ông ta đã bắt đầu để sự sốt ruột lộ ra mặt. Thực ra, không thiếu kẻ thèm muốn những ngôi sao này, nhưng họ chẳng mất gì nếu cứ kéo dài thời gian và chơi trò cân não. Chờ đến lúc Barca không chịu được nữa họ mới nhảy vào, tất nhiên là với một lời đề nghị rẻ mạt hơn nhiều so với giá trị thật của Eto'o hay Ronaldinho. Đó chính là cách Chelsea đã "chơi" Barca. Txiki nói rằng ông ta buộc phải bán Deco cho Chelsea với giá rẻ vì "đó là lời đề nghị duy nhất", nhưng thực ra, đó chỉ là lời đề nghị đầu tiên.
Với những đội bóng lớn như Real Madrid, Barca, Inter Milan hay Manchester United, xu thế "nhập siêu" là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, những Real Madrid, M.U sẽ không đời nào chấp nhận để những cầu thủ tốt nhất của mình ra đi với những cái giá bèo bọt như Barca. Càng muốn bán, thì họ lại càng tạo điều kiện cho cầu thủ ấy tỏa sáng để bán cho được giá. Cứ nhìn cách M.U cư xử trong vụ Ronaldo thì rõ. Tiền vệ này chắc chắn là không còn cảm thấy hạnh phúc ở Old Trafford, mà Old Trafford cũng chán anh ta lắm rồi, nhưng M.U vẫn đang làm mọi cách để Real Madrid có mua được cũng phải trả những cái giá kỷ lục thế giới. Đó là lý do tại sao M.U vẫn là CLB giàu mạnh bậc nhất thế giới, với lãi năm sau luôn cao hơn năm trước, trong khi ở Barca, sau 5 năm triều đại Laporta, khoản nợ có từ thời Gaspart vẫn còn nguyên.
Lam Giang