Trông về đâu khi trời băng giá, đất nhiễm mặn?

09/03/2016 07:32 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Trông lên trời, trời không mưa. Trông đất, đất hạn hán. Trông về hướng biển trên bản đồ ngập mặn, thấy một quầng đỏ đọc rộng hàng chục km bao bọc bờ biển Đồng bằng sông Cửu Long.

Đó là diện tích bị đánh dấu nhiễm mặn trên bản đồ, trông giống như một căn bệnh đang làm “sưng phù” cả vựa lúa miền Tây. Trông về thượng nguồn, thì đập sông Mekong vẫn “chặn” nước ngọt về hạ nguồn.

Năm nào người dân miền Tây Nam Bộ cũng phải chống mặn, nhưng năm nay, câu chuyện hoàn toàn khác. Mùa mưa năm 2015 đến muộn và kết thúc sớm, dòng chảy thượng nguồn sông Mêkong bị thiếu hụt, mực nước thấp nhất trong vòng 90 năm qua nên xâm nhập mặn xuất hiện sớm hơn thường lệ 2 tháng và chưa từng xuất hiện trong lịch sử quan trắc.

Ca dao có câu: “Người ta đi cấy lấy công. Tôi đây đi cấy còn trông nhiều bề. Trông trời, trông đất trông mây...” Có lẽ đây là lúc mà không chỉ người nông dân Đồng bằng sông Cửu Long “trông trời, trông đất, trông mây” để chống hạn hán, ngập mặn theo kinh nghiệm của mình mà toàn thể hệ thống chính trị cần vào cuộc một cách rốt ráo, đồng thời các nhà khoa học chống biến đổi khí hậu phải đi những bước tiên phong.


Cần phải có biện pháp hiệu quả giải quyết việc xâm ngập mặn

Mực nước thấp nhất trong vòng 90 năm qua và hiện tượng xâm nhập mặn chưa từng thấy trong lịch sử quan trắc hiện nay có lẽ chưa phải là tai họa cuối cùng.

Đã từ lâu, chúng ta nghe về hậu quả biến đổi khí hậu với những thông tin sốc là 39% diện tích ĐBSCL, trên 10% diện tích đồng bằng sông Hồng bị ngập vào cuối thế kỷ này. Những tưởng rằng đó là câu chuyện của.... một trăm năm sau.

Nhưng không, nó đã là câu chuyện nhãn tiền. Nếu không bắt tay ngay từ bây giờ, thì thảm cảnh tương lai sẽ ngày càng rõ rệt.

Kết quả Nghiên cứu của Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu do PGS Trần Hồng Thái làm chủ nhiệm đã nêu những dự báo: Dòng chảy trung bình một tháng nhỏ nhất tổng cộng vào ĐBSCL có thể giảm tới 3,5 tỷ m3 nước; dòng chảy trung bình mùa cạn tổng cộng vào ĐBSCL có thể giảm tới 30 tỷ m3 nước.

Nguồn nước thiếu trầm trọng. Lưu lượng nước thượng nguồn về bị giảm sút sẽ không đủ lưu lượng đẩy mặn, nước mặn sẽ xâm nhập sâu vào nội địa.

“Trông trời, trông đất, trông mây” hay trông ra biển, ra sông, trông về thượng nguồn thôi chưa đủ. Các nhà khoa học đề ra giải pháp trông vào... chính mình. Cụ thể là xây dựng đê biển nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của nước biển trong điều kiện nước biển dâng cao.

Hay tổng thể các biện pháp chuyển đổi sử dụng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi như: Bố trí lại mùa vụ để né mặn, Nghiên cứu chọn giống kháng mặn, Thay đổi hệ thống canh tác, Trồng loại cây có nhu cầu nước ít...

Tiếp theo là nhiễm mặn chưa từng thấy ở Đồng bằng sông Cửu Long, là băng tuyết phủ trắng miền núi phía Bắc, lan tới tận Thủ đô Hà Nội và miền núi Nghệ An hồi đầu năm gây nhiều thiệt hại về nông nghiệp. Tất cả cho thấy thiên tai do biến đổi khí hậu đã là một loại “giặc dữ” mà chúng ta phải liên tục mở các mặt trận lớn để đối phó.

Nhưng không chỉ ở mặt trận lớn, từng người có thể mở các mặt trận nhỏ trong từng hành vi của mình như trồng thêm cây xanh, bảo vệ rừng, biển, tiết kiệm tài nguyên, sử dụng năng lượng sạch, hạn chế sử dụng túi ni-lông, thay đổi khẩu phần ăn hàng ngày... Phải bắt đầu từ chính mỗi người mới là cái gốc của việc chống biến đổi khí hậu.

Đông Kinh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm