Takafumi Ota làm phim về Nhà máy điện Fukushima: Không 'ngán' đề tài cấm kỵ

29/11/2013 14:05 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Sau vụ rò rỉ phóng xạ ở Nhà máy điện Fukushima hồi tháng 3/2011, đạo diễn điện ảnh Nhật Bản Takafumi Ota (52 tuổi) muốn triển khai một dự án điện ảnh chỉ trích nền công nghiệp hạt nhân. Khi không nhận được sự tài trợ, ông đã có động thái đặc biệt là nhờ công chúng giúp đỡ.

Nhiều hãng phim lớn trong nền công nghiệp điện ảnh Nhật Bản không muốn đề cập tới vấn đề Nhà máy điện Fukushima. Các nhà bảo trợ có ảnh hưởng thì không muốn liên quan đến bất cứ dự án điện ảnh nào chỉ trích nền công nghiệp hạt nhân trong nước. Đó là lý do để Ota không có ai ủng hộ mình.

“Không chỉ các công ty phát hành phim lớn, mà các công ty phát hành DVD cũng không hề quan tâm tới dự án của tôi. Thậm chí, một nhà làm phim có thâm niên cũng nói với tôi: ‘Đừng làm về đề tài đó. Phim sẽ không thể gặt hái thành công thương mại’” - đạo diễn Ota kể.


Đạo diễn Takafumi Ota giới thiệu bộ phim mới nhất của mình, The House Of Rising Sun, ở Tokyo

Huy động vốn từ công chúng

Không kiếm được nguồn đầu tư theo cách “truyền thống”, Ota đã quay sang huy động vốn trong công chúng và dự án của ông là một ví dụ nữa cho thấy cách gây quỹ này đang làm thay đối diện mạo của hoạt động xin tài trợ truyền thống.

Qua Internet, nhiều cá  nhân và công ty đã nhận được nhiều sự ủng hộ từ các nhà đầu tư nhỏ. Mặc dù còn bé nhưng thị trường này đang phát triển và nhiều công ty như KickStarter đã sẵn sàng lập quỹ ủng hộ cho những dự án nhỏ nhưng mang tính sáng tạo.

Theo thống kê của công ty Massolution, năm 2012 thị trường gây quỹ quần chúng trên toàn cầu đạt 81% và nhiều khả năng năm nay huy động được 5,1 tỷ USD, với các khoản đầu tư ở mọi lĩnh vực, từ các dự án kinh doanh tới từ thiện, điện ảnh và âm nhạc. 

Yamamoto vừa gửi một bức thư tới Nhật Hoàng Akihito để ông trực tiếp biết được hoàn cảnh của những cá nhân bị ảnh hưởng bởi thảm họa Fukushima. Hành động của Yamamoto đã bị Chính phủ Nhật Bản khiển trách, coi là “không thích hợp”.

Còn đạo diễn Ota, thông qua trang blog của mình, ông đã nhận được 10 triệu yên (100.000 USD) số tiền ủng hộ cần thiết để làm bộ phim mang tựa đề The House Of Rising Sun. Phim kể về cuộc sống của một gia đình nông dân bị đảo lộn hoàn toàn sau một tai nạn hạt nhân, giống như thảm họa Fukushima. Mỗi nhà hảo tâm đều sẽ thấy tên mình hiện lên trong phần giới thiệu phim.

Bị tẩy chay vì đóng phim

“Làm phim nhựa với kinh phí 10 triệu yên là quá thấp, song các diễn viên và ê-kíp làm phim vẫn sẵn sàng tham gia dù thù lao ít ỏi” - đạo diễn Ota cho biết. Trong số đó có nam diễn viên Taro Yamamoto (39 tuổi), một gương mặt nổi tiếng ở Nhật Bản từng tham gia nhiều phim nhựa, phim truyền hình và chương trình tạp kỹ.

Yamamoto đã bắt đầu chiến dịch phản đối nền công nghiệp hạt nhân, sau vụ rò rỉ hồi tháng 3/2011. Anh hy vọng có thể dùng danh tiếng của mình để công chúng quan tâm hơn nữa tới vấn đề này.

Nhưng sau khi tham gia dự án điện ảnh trên, Yamamoto đã bị nhiều nhà đầu tư tẩy chay và mức thù lao của anh cũng bị giảm mạnh. “Lời mời đóng phim dành cho tôi giảm hẳn. Bất cứ khi nào tên tôi được nhắc tới, các nhà đầu tư lại gây sức ép. Do vậy, các nhà sản xuất phải loại tên tôi ra khỏi danh sách đóng phim” - Yamamoto cho biết.

Trong phim, nhân vật của Yamamoto cố gắng thuyết phục gia đình chuyển tới Okinawa ở phía Nam Nhật Bản, khi mọi nỗ lực khử nhiễm xạ cánh đồng trồng dâu tây của gia đình đều trở nên vô ích. Phim hiện đang được chiếu tại 10 rạp chiếu độc lập ở Nhật Bản.


Cảnh trong phim The House Of Rising Sun

Chung quan điểm với nhiều nhà phê bình

Hồi năm 2006, đạo diễn Ota đã gây tiếng vang với Strawberry Fields, bộ phim được trình chiếu tại LHP Quốc tế Cannes. Phim mới của ông thể hiện chung quan điểm với nhiều nhà phê bình, khi họ từng chỉ trích Chính phủ Nhật Bản và nền công nghiệp nguyên tử đã khiến thảm họa Fukushima gây hậu quả nặng nề hơn.

Giống như hầu hết người dân Nhật Bản, đạo diễn Ota đã kinh hoàng theo dõi vụ rò rỉ phóng xạ, vốn xảy ra sau trận động đất sóng thần tàn phá tỉnh Fukushima và nhiều nơi khác ở Nhật Bản.

3 lò phản ứng của nhà máy đã tan chảy, phát ra lượng lớn phóng xạ gây ô nhiễm đất, biển và không khí. Hàng chục ngàn người sống ở khu vực này buộc phải rời đi nơi khác. Hiện vẫn có nhiều người không thể, hoặc miễn cưỡng trở về nhà.  

“Hồi tháng 3/2011, khi xem tin tức về thảm họa sóng thần và những hậu quả liên quan, tôi thấy cần phải làm gì đó cho người dân ở Nhật Bản. Những gì chính quyền tuyên bố ban đầu, rằng không có ngay bất cứ rủi ro nào tới sức khỏe con người, là không đáng tin cậy” - đạo diễn Ota nói. 

VIỆT LÂM (theo AFP)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm