“Rắn hổ mang Thụy Điển” – khắc tinh của hỏa tặc

02/08/2009 15:51 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Lính cứu hỏa, một trong những nghề nguy hiểm nhất trên thế giới, nay có cơ hội được an toàn hơn nhiều nhờ một công nghệ vừa được triển khai ở Thụy Điển. Đó là thiết bị mang tên Cobra (Rắn hổ mang) rất gọn nhẹ, an toàn và đem lại hiệu quả cao hơn hẳn so với kiểu chữa cháy bằng vòi rồng truyền thống.

Cobra được thiết kế trông giống như một súng phun nước, được đeo quàng qua vai, nặng từ 10-15kg và phun ra dòng nước chỉ nhỏ bằng con rắn bình thường. Để chữa cháy, Cobra phun ra một hỗn hợp nước và ion oxide với tốc độ siêu nhanh, có thể “cắt đứt” những cánh cửa thép hay tường đá. Nó có thể sử dụng được ở mọi địa hình, tình huống như trên mái nhà hay trên máy bay...


Dùng Cobra để chữa cháy trên mái nhà

Hãy tưởng tượng một tòa nhà đang bốc cháy với đầy khí độc bên trong với nhiệt độ lên tới 600 độ C. Liệu lính cứu hỏa có thể bước vào không? Với Cobra, người lính cứu hỏa chỉ việc chĩa thiết bị này lên tường hay cửa của tòa nhà đang cháy, khoét thủng một lỗ nhỏ, và cứ thế tấn công “hỏa tặc” từ vị trí bên ngoài tòa nhà. Làm vậy cũng có thể giảm được đáng kể lượng ôxy trong đám cháy. “Cobra chỉ mất 5 - 6 giây để xuyên thủng một bức tường bê tông dày 5cm”, Krister Palmkvist, người phụ trách chính các khóa huấn luyện sử dụng Cobra ở Boraas, nói.

Boraas, một thị trấn nhỏ ở phía Tây Nam Thụy Điển, đang là nơi đi đầu trong việc thay đổi phương pháp chữa cháy truyền thống với Cobra. Sau khi được một công ty ở địa phương triển khai, đã có khoảng 7.000 lính cứu hỏa từ khắp năm châu tới trạm cứu hỏa của Palmkvist để “làm quen” với thiết bị mới này. Vào nghề được 38 năm, nay đã ở tuổi 50, Palmkvist trở thành giáo viên của lính cứu hỏa. Ông đã đào tạo cho rất nhiều đồng nghiệp Pháp, Đức, Trung Quốc… về cách sử dụng “rắn hổ mang”, đem lại danh tiếng cho đất nước hết sức yên bình trên bán đảo Scandinavi. Hiện nay, thiết bị tiên tiến này đã có mặt tại hơn 30 nước trên thế giới.


Cobra dập lửa trên máy bay

Về sự ra đời của cái tên Cobra, nhà sáng chế Lars Larsson nhớ lại lần đầu tiên giới thiệu trước cánh báo chí tại một triển lãm quốc tế về thiết bị phòng cháy chữa cháy ở Đức 9 năm trước. Một nữ nhà báo Mỹ đã ví phiên bản ban đầu đó như một con rắn có nọc độc. Larsson kể: “Cô ấy nói với tôi: 'Cái thiết bị này quả thật phun phì phì và cắt ngọt như một con rắn hổ mang. Tôi sẽ gọi nó là Rắn hổ mang Thụy Điển'”.

Palmkvist cho biết hình thức tấn công “giặc lửa” kiểu này rất tiết kiệm nhân lực vì chỉ cần hai lính cứu hỏa, thay cho 5 người theo kiểu truyền thống. Ngoài ra cũng loại bỏ được độ rủi ro từ “hiệu quả ngược” là làm ngọn lửa đột ngột bùng phát trở lại. Về nguyên tắc, lửa cần cả nhiên liệu và ô-xy, do vậy nếu ngọn lửa đột ngột bị dập tắt trong một không gian kín thì toàn bộ nguồn ô-xy trong đó sẽ dồn lại thành nhiên liệu để ngọn lửa phát lên dữ dội cho đến khi thiêu hết những gì có thể cháy được, giống như “ngọn đèn bùng lên trước khi tắt”. Còn nếu chúng ta dập lửa bằng cách chặn nguồn cung cấp ô-xy, ngọn lửa đói ô-xy sẽ bằng mọi cách lan rộng để tìm nguồn cung cấp mới và hơi bốc lên trong phòng hay tòa nhà đang cháy sẽ tăng nhiệt nhanh chóng. Kết quả là sẽ có một vụ nổ lớn.


Mô hình cứu hỏa bằng Cobra trong không gian kín

Với Cobra, lính cứu hỏa bơm nước nén (áp lực cao) vào khu vực nguy hiểm, tạo một màn sương mù lạnh để hạ nhiệt độ ở khu vực lửa cháy. “Ban đầu, chúng tôi chỉ có ý định chế tạo Cobra như một cách để hạn chế ngọn lửa, song đã nhanh chóng nhận ra rằng có thể dùng như một phương tiện chữa cháy hiệu quả”, Bo Andersson, một chuyên gia chữa cháy cấp cao ở Thụy Điển cho biết.

Phần lớn các đơn vị cứu hỏa hiện nay vẫn sử dụng phương pháp vòi rồng và kiểu phun nước truyền thống, vốn là thiết bị tiêu chuẩn được lựa chọn trong gần 90 năm qua. Một ống vòi rồng bơm ra khoảng 435 lít nước/phút, song luồng nước lại không tập trung, trong khi Cobra chỉ tiêu tốn 60 lít/phút. Palmkvist tự hỏi: “Tại sao chúng ta vẫn cứ dùng hệ thống cũ nhỉ? Chỉ 10% lượng nước bơm ra có tác dụng dập lửa. Rất tốn nước mà lại ít hiệu quả”.

Không chỉ đỡ tốn nước, mà nhờ lượng nước ít, Cobra còn giúp giảm đáng kể những thiệt hại, hỏng hóc do nước gây ra, mà đôi khi còn lớn hơn nhiều so với thiệt hại do lửa.

Khi lần đầu tiên thử Cobra, không phải ai cũng hài lòng, song sau đó, tất cả những người từng được huấn luyện sử dụng thiết bị mới này đều phải thừa nhận công dụng cũng như tính năng của Cobra. Có người còn đùa rằng Cobra đã lấy hết của họ “vẻ đẹp anh dũng, tính chất nguy hiểm nhưng cũng rất vinh quang” của nghề cứu hỏa.

Nguyễn Khánh Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm