06/10/2023 06:47 GMT+7 | ASIAD 2023
Từ Hàng Châu, Trung Quốc, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Lãnh đội Điền kinh dự ASIAD 19, Tổng thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam đã lý giải nguyên nhân khiến các tuyển thủ trắng tay tại kỳ Á vận hội này.
* Thưa ông Nguyễn Mạnh Hùng, ông đánh giá thế nào về kết quả thi đấu của đội tuyển điền kinh Việt Nam tại ASIAD 19. Góp mặt thi đấu ở 12 nội dung song không có tuyển thủ nào giành được huy chương và chỉ có 2 điểm sáng vượt qua chính mình về thành tích chuyên môn?
- ĐTQG Điền kinh dự ASIAD với 12 tuyển thủ và thi đấu ở 12 nội dung. Kết quả như tất cả đã biết, đội tuyển điền kinh không hoàn thành chỉ tiêu giành huy chương đại hội và không đáp ứng được kỳ vọng của người hâm mộ. Đáng tiếc nhất là việc không giành được huy chương ở nội dung tiếp sức 4x400m nữ dù Việt Nam vừa giành HCV châu Á và cải thiện được thành tích ở ASIAD.
Khi chúng tôi nhận chỉ tiêu giành huy chương cũng chỉ tập trung vào 1-2 trọng điểm, các VĐV còn lại đặt mục tiêu vào chung kết hoặc vượt qua chính mình và hoàn thành. Ví dụ như trường hợp Nguyễn Thị Thu Hà đạt thành tích tốt nhất (2:08.06) ở nội dung 800m nữ, Trần Thị Nhi Yến nội dung 100m nữ (11.58) và 200m nữ (23.85), rồi Hoàng Thị Ánh Thục (55.61) và Hoàng Thị Minh Hạnh (55.53.91) ở nội dung 400m nữ, Lương Đức Phước (3:51.65) ở nội dung 1.500m nam.
Các VĐV không đạt thành tích như kỳ vọng có Nguyễn Thị Oanh (1.500m, 3.000m vượt chướng ngại vật nữ), Nguyễn Thị Hường (nhảy 3 bước nữ), Bùi Thị Thu Thảo (nhảy xa nữ), Nguyễn Thị Huyền (400m rào), Nguyễn Trung Cường (3.000m vượt chướng ngại vật nam). Nhóm này có sự sa sút về thành tích do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan.
* Ông có thể nêu cụ thể về các nguyên nhân dẫn đến sự sa sút về thành tích. Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng việc Nguyễn Thị Oanh gần như bị vắt sức với nhiều giải đấu quốc tế liên tiếp khiến thành tích trồi sụt, thiếu ổn định?
- Chuẩn bị cho ASIAD 19, đội tuyển điền kinh chia làm 2 nhóm. Nhóm 1 là tổ 400m tập huấn tại Thượng Hải trong 38 ngày, được làm quen sớm nên thành tích được cải thiện. Nhóm còn lại, gồm tổ chạy dài và nhảy thì có ít thời gian làm quen điều kiện thời tiết, sân bãi và phải di chuyển cũng ảnh hưởng một phần tới thành tích thi đấu. Ngoài ra, cơ bản các VĐV Việt Nam chỉ có thể tranh tài ở SEA Games chứ ra ASIAD rất ít hi vọng khi trình độ các đối thủ đều mạnh hơn nhiều lần.
Với trường hợp của Nguyễn Thị Oanh, đây là VĐV rất xuất sắc ở SEA Games nhưng thực tế chưa tiếp cận được với thông số tranh chấp huy chương ở ASIAD hay châu Á. Thời gian qua, Oanh tham dự nhiều giải đấu nhưng thực tế là với phương pháp huấn luyện hiện tại, mật độ như thế không phải quá dày, vì mỗi giải đấu đều giống như kiểm tra trong tập luyện.
Tôi chỉ nêu ví dụ, nếu chúng tôi không cho Oanh dự giải vô địch thế giới thì liệu dư luận có "để yên" không? Vấn đề tác động lớn nhất là phải di chuyển nhiều, ảnh hưởng tới thể lực. Oanh cũng bị viêm xoang nên cần điều trị dứt điểm. Chúng tôi không đặt hi vọng Oanh giành huy chương ở ASIAD vì quá nhiều đối thủ mạnh và được dự báo trước.
* Điền kinh Việt Nam từng có 2 HCV, 3 HCĐ ở ASIAD 18 nhưng trắng tay ở kỳ đại hội này? Xét về thành tích thì là bước thụt lùi, ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
- Nguyên nhân sâu xa vẫn là điền kinh Việt Nam không có lứa kế cận. Đến ASIAD 18 chúng ta có nhiều hơn về hi vọng và thành tích của VĐV rất khả quan như Quách Thị Lan (400m rào nữ), Bùi Thị Thu Thảo (nhảy xa nữ), Vũ Thị Mến (nhảy 3 bước nữ), ngay cả Nguyễn Thị Oanh (3.000m vượt CNV). 5 năm trôi qua, dù vẫn còn lại Thảo, Oanh, rồi tổ tiếp sức 4x400m nữ nhưng thành tích suy giảm vì yếu tố tuổi tác, chấn thương và phong độ chưa nói đến sự vươn lên của đối thủ. Thực tế ở ASIAD 19, điền kinh Việt Nam có duy nhất 1 hi vọng sáng sủa có thể tranh huy chương là nội dung 4x400m nữ. Lâu nay, hầu như không xuất hiện gương mặt trẻ nào thực sự sáng giá, có tiềm năng cạnh tranh ở châu lục.
* Như ông đánh giá thì có lẽ ngoài việc trắng tay ở ASIAD 19, điền kinh Việt Nam cũng không có hi vọng giành vé chính thức dự Olympic 2024?
- Chuẩn A dự Olympic 2024 đã được nâng lên rất cao so với kỳ đại hội gần nhất. Cách thức lựa chọn VĐV dự Olympic cũng thay đổi và theo tính toán của tôi, chỉ có 1/4 số VĐV có thể giành vé bằng chuẩn A nếu so với kỳ Olympic 2020. Số còn lại, các VĐV sẽ tranh vé vừa bằng thành tích, vừa bằng điểm tích lũy qua các giải đấu trong hệ thống quốc tế. Ở châu Âu và Mỹ, trung bình khoảng 10 ngày có 1 giải như vậy.
VĐV Việt Nam thành tích thấp, lại không có điều kiện dự giải nên gần như không có cơ hội giành vé dự Olympic 2024. Sau ASIAD, những người làm chuyên môn sẽ đánh giá, phân tích và sàng lọc lại lực lượng đội tuyển theo hướng chọn lựa ra trọng tâm để đầu tư và ưu tiên cho VĐV trẻ, thay thế VĐV lớn tuổi. Nếu có kinh phí và làm quyết liệt, trong vòng 5-6 năm tới mới có hi vọng tranh chấp HCV châu Á hoặc có VĐV đạt chuẩn Olympic.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất