11/09/2011 14:29 GMT+7 | Thế giới
(TT&VH) - Ngay sau khi giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương mở một chiến dịch chống nạn mù chữ. Vì thế Người đã ban hành 3 sắc lệnh quan trọng về bình dân học vụ. Điều đáng chú ý là cả 3 sắc lệnh này đều do đồng chí Võ Nguyên Giáp, khi đó là Bộ trưởng Bộ Nội vụ, thay mặt Chủ tịch Chính phủ lâm thời ký.
Nhân dịp khai giảng năm học mới, TT&VH xin giới thiệu bài viết của ThS Nguyễn Hồng Nhung - viết về những tài liệu quan trọng này.
1. Mục đích của nền giáo dục thuộc địa là duy trì vĩnh viễn ách thống trị của Pháp cho nên một trong những biện pháp cai trị của bọn thực dân là ngu dân về mặt giáo dục, đầu độc về mặt văn hóa. Thống sứ Bắc Kỳ từng khẳng định: “Kinh nghiệm của các dân tộc châu Âu khác đã chỉ rõ rằng việc truyền bá một nền học vấn đầy đủ cho người bản xứ là hết sức dại dột”. Chính sách thâm độc như vậy đã đem lại hậu quả là hơn 90% đồng bào ta mù chữ. Nhận thức rõ “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, ngay sau khi giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương mở một chiến dịch chống nạn mù chữ. Vì thế Người đã ban hành 3 sắc lệnh quan trọng về giáo dục. Nội dung các sắc lệnh này được đăng trên Việt Nam Dân quốc Công báo, 1945, tr. 7 - 8 hiện đang được lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I.
Lớp học Bình dân học vụ
Ba sắc lệnh ra đời đã có ý nghĩa hết sức quan trọng. Sắc lệnh số 17/SL thành lập Nha Bình dân học vụ trực thuộc Bộ Giáo dục với nhiệm vụ phụ trách việc chống nạn mù chữ; Sắc lệnh số 19/SL yêu cầu thiết lập cho nông dân và thợ thuyền những lớp học bình dân buổi tối. Điều này cho thấy Chính phủ đã rất quan tâm và tạo điều kiện học tập cho đội ngũ nông dân, công nhân - vốn là lực lượng nòng cốt trong cuộc cách mạng dân tộc dân chủ với số lượng đông đảo nhưng trình độ còn nhiều hạn chế do chịu hậu quả từ chính sách ngu dân của thực dân Pháp.
Sắc lệnh 19/SL còn quy định hạn trong 6 tháng, làng nào, đô thị nào cũng phải có lớp học ít nhất có 30 người theo học. Việc đưa ra một chỉ tiêu cụ thể như vậy tưởng có phần cứng nhắc nhưng lại thực sự đem lại hiệu quả khi trở thành mục tiêu để từng làng, từng đô thị phải nỗ lực để đạt được.
Sắc lệnh số 20/SL cưỡng bức học chữ quốc ngữ, không mất tiền. Hạn 1 năm tất cả mọi người dân Việt Nam từ 8 tuổi trở lên phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ, nếu không sẽ bị phạt tiền. Trong điều kiện nước ta lúc bấy giờ, quả thực không thể không dùng biện pháp “cưỡng bách” bởi vì bên cạnh những người ham học, muốn biết chữ thì cũng còn không ít người, trong đó đa số là người lớn tuổi có tâm lý e ngại, xấu hổ nên không muốn đi học. Có thể nói những chủ trương này táo bạo, quyết liệt nhưng cũng rất đúng đắn và sáng tạo.
Ký sắc lệnh bãi bỏ thuế thân Chống sưu cao thuế nặng trở thành mục tiêu và là khẩu hiệu trong nhiều cuộc đấu tranh của nông dân suốt thời kỳ thực dân phong kiến. Vì vậy ngay sau khi Cách mạng tháng Tám (1945) thành công, một trong những sắc luật đầu tiên được Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành là bãi bỏ thuế thân, sắc thuế trực thu tiêu biểu của chế độ cũ. Sắc lệnh do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp thay mặt Chủ tịch Chính phủ lâm thời ký ngày 7/9/1945. Toàn văn sắc lệnh này đăng trên Việt Nam Dân quốc Công báo, năm 1945, tr. 6-7 (hiện đang lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I).
2. Thực hiện chỉ thị và lời kêu gọi của Chính phủ, ngay từ những ngày đầu trong chiến dịch chống mù chữ, phong trào bình dân học vụ đã thu hút hàng triệu người theo học. Cán bộ kháng chiến phải huy động tìm nguồn ở các thôn xã, làng bản, tập hợp hết mọi người biết chữ dể dạy cho người chưa biết chữ. Phong trào học chữ quốc ngữ được nhân dân hưởng ứng sôi nổi, chữ được viết khắp nơi ở đình làng, ngõ chợ, bến sông, chữ viết trên vách nhà, công cụ lao động... Trình độ người dạy cao hơn người học không được bao nhiêu nhưng với nhiệt tình cách mạng vừa dạy vừa học, học lớp trên xuống dạy lớp dưới theo tinh thần người biết một chữ dạy người chưa biết chữ. Các đội tuyên truyền vận động có sáng kiến đặt ra những câu hò, vè, văn vần về chữ cái cho người học dễ nhớ như: O tròn như quả trứng gà/Ô thời đội nón, Ơ thời có râu...
Việc cổ động đôi khi còn phải áp dụng cả những biện pháp nghiêm khắc, đánh vào tâm lý e ngại của người dân như sáng kiến lập “cổng mù”, ai đi chợ mà không đọc được những chữ ghi trên tấm cót đặt bên đường thì phải chui qua “cổng mù” thậm chí không được đi qua cổng vào chợ mà phải lội xuống ruộng mà vào...
Từ đây, phong trào bình dân học vụ đã đem lại những kết quả khả quan. Tổng kết sau 1 năm thực hiện, chúng ta đã “mở được 75.805 lớp học, có 97.644 người tham gia dạy học và hơn 2,5 triệu học viên đã biết đọc, biết viết”.
Thành quả suốt 1 năm nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng chế độ mới đã tạo được nền móng vững chắc để nhân dân ta tiếp tục vượt qua khó khăn, chiến đấu và chiến thắng. Trong những thành công bước đầu ấy chắc chắn không thể không kể đến vai trò của một nền giáo dục khoa học dân chủ và đại chúng mà Đảng và Nhà nước ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dày công xây dựng nên.
ThS Nguyễn Hồng Nhung (Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất