Phật đản - Đại Lễ linh thiêng ngày trăng tròn tháng Vesak

26/05/2021 09:18 GMT+7 | Bạn cần biết

(Thethaovanhoa.vn) - Phật đản là ngày lễ trọng đại được tổ chức hằng năm bởi cả hai hệ phái Phật giáo Nam Tông - Tiểu thừa và Bắc Tông - Đại thừa.

Văn khấn rằm gia tiên, bài cúng rằm thổ công ngày rằm tháng 4 Âm lịch

Văn khấn rằm gia tiên, bài cúng rằm thổ công ngày rằm tháng 4 Âm lịch

Theo phong tục lâu đời, nhân dân ta đều cúng vào ngày rằm hàng tháng.Theo quan niệm của người Việt Nam, ngày Rằm gọi là ngày vọng. Vọng có nghĩa là nhìn xa trông rộng, ngày mặt trăng, mặt trời đối xứng nhau ở hai cực xa nhất trong tháng.

Đối với Phật giáo theo truyền thống Nam Tông, Đại lễ Phật đản còn được gọi là Đại lễ Tam hợp Đức Phật hay Đại lễ Vesak. Đại lễ Tam hợp Đức Phật bắt nguồn từ tín ngưỡng Phật giáo ấn Độ. Người ấn Độ có tín ngưỡng Phật giáo xem tháng Vesak tên gọi tháng thứ 4 của năm theo lịch ấn Độ, là tháng linh thiêng, bởi vào ngày trăng tròn của tháng này đã diễn ra 3 sự kiện trùng lặp gắn với thân thế, sự nghiệp của Đức Phật: Phật đản sinh, Phật thành Đạo, Phật nhập Niết bàn. Đại lễ Phật đản diễn ra vào ngày trăng tròn tháng Vesak.

Đối với Phật giáo theo truyền thống Bắc Tông, trong đó có Việt Nam, Đại lễ Phật đản là Đại lễ kỷ niệm ngày sinh của Đức Phật. Vì vậy, tại Việt Nam ngày rằm tháng tư 15/4 Âm lịch, Phật giáo tổ chức Đại lễ Đức Phật đản sinh hay còn gọi là Đại lễ Phật đản.

Phật đản, Đại lễ Phật đản, Lễ Phật đản, Phật đản là gì, Lễ Phật đản là gì, khấn lễ phật đản, cúng phật đản, nguồn gốc Lễ Phật đản, lịch sử Lễ Phật đản, Lễ Phật đản 2021
Vườn Lâm Tỳ Ni khi Phật đản sinh

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tên thật là Tất Đạt Đa, họ Cồ Đàm, là thái tử con vua nước Tịnh Phạn, một vương quốc ở miền bắc ấn Độ. Thân mẫu của ngài là Ma Gia phu nhân, sinh ra ngài tại khu vườn Lam Tì Ni trên đường bà về thăm quê lúc dừng chân nghỉ ngơi ở khu vườn này. Khi ngài đản sinh, các thiên thần trên cao như Phạn Vương, Đế Thích đều giáng mưa hoa và nhạc sáo để chúc mừng.

Các Phật tử tin vào huyền thoại về ngài; theo đó ngài đã vì nỗi khổ của chúng sinh mà bỏ cả gia đình, bỏ cả cung vàng điện ngọc đầy quyền uy để khoác mảnh vải thô niệm cho người đã chết, đến với mọi chúng dân không một nghi thức cách biệt. Đối với họ, đức Phật là người thầy, là người gần gũi, là vị thánh cứu khổ cứu nạn, gần gũi trong tâm linh. Vì vậy, mặc dù người Việt Nam thường chỉ có thói quen kỷ niệm ngày mất của các vị tổ tiên, nhưng riêng đối với Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, họ lại nhiệt thành kỷ niệm ngày sinh của ngài.

Nguồn gốc và ý nghĩa của Đại lễ Phật đản

Theo Phật sử, Hoàng hậu Ma Da trở về quê ngoại an dưỡng khi bà mang thai gần đến ngày sinh nở. Vua Tịnh Phạn sai quan quân sửa sang con đường từ thành Ca Tỳ La đến thành Đề Bà Đà Ha để đưa Hoàng hậu Ma Da trở về cố hương.

Sau khi sửa sang xong con đường, Hoàng hậu Ma Da và đoàn tùy tùng vui vẻ trở về quê ngoại. Trên đường trở về, Hoàng hậu Ma Da ghé vào vườn Lâm Tỳ Ni để nghỉ ngơi và ngắm cảnh.

Trong vườn Lâm Tỳ Ni có cây Vô Ưu xòe tán rộng, hương hoa thoang thoảng, khiến hoàng hậu và đoàn tùy tùng vô cùng thích thú. Sau khi thưởng hoa, Hoàng hậu chậm rãi bước đến gốc cây Vô Ưu. Bấy giờ, dưới ánh sáng rực rỡ chan hòa, Hoàng hậu Ma Da đản sinh Thái tử. Trời Đế Thích đem hoa sen trải xuống. Thái tử nhẹ nhàng đặt chân lên cánh hoa sen và đi bảy bước rồi một tay chỉ trời, một tay chỉ đất mà nói rằng: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”.

Lúc này, từ hư không, Long Vương phun hai dòng nước ấm và mát để tắm gội cho Thái tử. Vua Tịnh Phạn nghe tin Hoàng hậu Ma Da đản sinh Thái tử, lập tức đến vườn Lâm Tỳ Ni. Nhìn dung mạo Thái tử, vua rất đỗi vui mừng. Tuy nhiên, bảy ngày sau khi sinh Thái tử, Hoàng hậu Ma Da lìa trần. Vua Tịnh Phạn đưa Thái tử về thành Ca Tỳ La và đặt tên là Tất Đạt Đa.

Trong ngôn ngữ Pali, ngày Đức Phật đản sinh gọi là Vesak, tiếng Phạn là Vaisakha. Theo truyền thống Phật giáo Nguyên Thủy, ngày lễ Phật đản cũng là ngày Đức Phật thành đạo và ngày Đức Phật nhập Niết bàn. Do vậy, tín đồ Phật tử theo Phật giáo Nguyên Thủy tổ chức ba lễ gọi là Đại lễ Tam hợp. 

Theo truyền thống Phật giáo Đại Thừa, ngày Đức Phật đản sinh theo lịch cổ của người Ấn Độ chuyển sang lịch Trung Quốc vào ngày 8 tháng Tư âm lịch. Do đó, một số quốc gia theo truyền thống Phật giáo Đại Thừa như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam thường tổ chức Đại lễ Phật đản vào ngày này. Vào năm 1950, tại Colombo, Srilanka, các đại biểu tham dự Đại hội Phật giáo thế giới đã thống nhất ngày Phật đản là ngày 15 tháng 4 âm lịch hàng năm.

Nghi lễ tắm Phật có nguồn gốc từ sự kiện Đức Phật đản sinh, Long Vương phun hai dòng nước ấm và mát tắm cho Thái tử. Theo quan niệm, thực hành nghi lễ tắm Phật chính là cơ hội để mỗi người tự quán chiếu nội tâm, để từng gáo nước gột rửa đi những tham lam, sân hận, si mê mà quay về với nếp sống chính niệm, quay về Phật tính trong mỗi người.

Phật giáo Việt Nam

Đạo Phật truyền vào Việt Nam từ những năm đầu Công nguyên. Thời kỳ đầu, Phật giáo được truyền bá vào Việt Nam chủ yếu trực tiếp từ ấn Độ qua đường biển cùng với các thương nhân, một số tăng sỹ ấn Độ và vùng Trung á sang truyền giáo ở Việt Nam.

Từ thế kỷ V đến thế kỷ X, do hoàn cảnh lịch sử, Phật giáo Việt Nam dần dần chịu ảnh hưởng của Phật giáo Trung Quốc. Từ thế kỷ X đến thế kỷ XV, Phật giáo Việt Nam có bước phát triển mới cùng với nền độc lập của dân tộc. Dưới thời vua Đinh - Lê (từ cuối thế kỷ X đến đầu thế kỷ XI), một số nhà sư được tham dự việc triều chính.

Thời Lý - Trần (từ đầu thế kỷ XI đến cuối thế kỷ XIV) là thời kỳ cực thịnh của Phật giáo Việt Nam, nhiều nhà sư đã phò vua giúp nước. Phật giáo được coi là quốc đạo, ngay cả một số vị vua cũng xuất gia tu hành. Vua Trần Nhân Tông là người sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử mang bản sắc Việt Nam với tinh thần sáng tạo, dung hợp và nhập thế. Từ thế kỷ XV, vị trí của Phật giáo dần dần nhường chỗ cho Nho giáo. Tuy nhiên, Phật giáo vẫn là một tôn giáo quan trọng trong Tam giáo đồng nguyên...

Năm 1951, Tổng hội Phật giáo Việt Nam được thành lập. Đây được coi là sự kiện quan trọng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam về mặt tổ chức.

Năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời trên cơ sở hợp nhất 9 tổ chức hệ phái Phật giáo với đường hướng hoạt động "Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội".

Phật giáo trong đời sống dân tộc Việt Nam

Đạo Phật được truyền vào Việt Nam đến nay đã 20 thế kỷ, vốn có tư tưởng truyền thống gắn liền với sinh hoạt văn hóa ''nông nghiệp lúa nước'' - một nền văn hóa nhân bản, bao dung, trí tuệ, khai phóng, đượm sắc thái hiếu sinh, hiếu hòa và giải thoát. Chính vì thế, đạo Phật đã được nhân dân Việt Nam đón nhận một cách trân trọng có chọn lọc và đã trở thành tôn giáo của dân tộc trên cơ sở đạo đời không thể phân ly, có những đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước ngay từ những buổi đầu.

1- Dân tộc Việt Nam đã từng trải qua các giai đoạn lịch sử khác nhau, song dù ở giai đoạn nào thì những hình ảnh của các vị thiền sư, pháp sư, quốc sư, phật tử đứng ra hộ trì đất nước đã trở nên gần gũi, thân quen đối với người dân. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc, nhiều cơ sở tu viện của Phật giáo đã trở thành những căn cứ nuôi giấu cán bộ cách mạng. Nhiều tăng ni, phật tử trực tiếp tham gia hoạt động cách mạng, như cố Hòa thượng Thiện Chiếu, cố Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, cố Hòa thượng Thích Thiện Hào, cố Hòa thượng Thích Thế Long… và còn nhiều vị trực tiếp tòng quân cầm súng chiến đấu ngoài mặt trận.

Trong lao động sản xuất, thực hiện nếp sống đạo đức văn hóa, nhiều vị tăng ni, phật tử trở thành những người tiêu biểu, gương mẫu, là chỗ dựa đáng tin cậy trong khối đại đoàn kết toàn dân. Đó là những minh chứng cho tinh thần yêu nước chân chính của đạo Phật Việt Nam hòa mình trong dòng chảy của lịch sử dân tộc.

2- Trong các lĩnh vực xã hội, văn hóa đặc biệt là xét trên khía cạnh hệ thống tư tưởng, Đạo Phật đã trực tiếp hoặc gián tiếp góp phần hình thành một quan niệm sống và sinh hoạt của con người Việt Nam.

Đạo lý ảnh hưởng nhất là giáo lý Từ bi, tinh thần hiếu hòa, hiếu sinh của Phật giáo đã ảnh hưởng và thấm nhuần sâu sắc trong tâm hồn của người Việt. Điều này ta thấy rõ qua con người và tư tưởng của Nguyễn Trãi (1380-1442) - nhà văn, nhà chính trị, nhà tư tưởng Việt Nam kiệt xuất, ông đã khéo vận dụng đạo lý Từ bi và biến nó thành đường lối chính trị nhân bản, đem lại thành công và rất nổi tiếng trong lịch sử: “Lấy đạo nghĩa để thắng hung tàn/ Đem chí nhân để thay cường bạo”.

Ngoài đạo lý từ bi, người Việt còn chịu ảnh hưởng sâu sắc một đạo lý khác của đạo Phật là đạo lý Tứ ân, gồm ân cha mẹ, ân sư trưởng, ân quốc gia và ân chúng sinh. Đạo lý này được xây dựng theo một trình tự phù hợp với bước phát triển của tâm lý về tình cảm của dân tộc Việt Nam. Tình thương ở mọi người bắt đầu từ thân đến xa, từ tình thương cha mẹ, họ hàng lan dần đến tình thương trong các mối quan hệ xã hội với thầy bạn, đồng bào, quê hương đất nước và mở rộng đến cuộc sống của nhân loại trên vũ trụ này...

3- Phật giáo vào Việt Nam cũng tạo ra nền văn học, nghệ thuật Phật giáo. Vào thời Ngô - Đinh - Lê và Lý - Trần (gần 500 năm), lực lượng sáng tác văn học dân tộc chủ yếu là các nhà sư. Nổi bật là Ngô Chân Lưu được phong là Khuông Việt đại sư có bài từ nổi tiếng “Vương lang quy”. Nhà sư Mãn Giác (1032-1096) có bài “Cáo tật thị chúng” nói lên niềm lạc quan, nhập thế của bộ phận phật tử. Thiền phái trúc lâm thời Trần với các vị sư tổ Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang đã để lại nhiều văn thơ Hán Nôm, thành tựu của lịch sử văn học và lịch sử tư tưởng đương thời.

Trong thời nhà Lê - Nguyễn, văn học Phật giáo vẫn tiếp tục duy trì, đồng thời lại hòa nhập vào làng xã tạo thành thành tố quan trọng trong văn học dân gian Việt Nam. Chính dân gian Việt Nam có ảnh hưởng của phật giáo Trung Quốc đã chuyển hóa giới tính của Đức phật Quan thế âm Bồ Tát từ nam tính ấn Độ sang nữ tính, tạo ra truyện Quan âm thị kính, tượng trưng cho tấm lòng vị tha, cứu nhân độ thế. Phật giáo đã được dân gian tiếp nhận tạo thành Phật giáo dân gian và nhờ dân gian mà Phật giáo có sức sống trường tồn mạnh mẽ. Đồng thời văn học nghệ thuật dân gian có thêm Phật giáo cũng trở nên phong phú hơn.

4- ảnh hưởng Phật giáo với nghệ thuật tạo hình, tạo thành một khuynh hướng thẩm mỹ độc đáo. Trong lịch sử kiến trúc và điêu khắc Việt Nam không thể không nhắc đến các ngôi chùa như: Phật Tích, Bút Tháp, Thiên Mụ, Vĩnh Nghiêm…; những tác phẩm như: Tượng Phật nghìn tay, nghìn mắt ( chùa Bút tháp), các pho tượng các vị La Hán - Bồ Tát (chùa Tây Phương)… là những công trình nghệ thuật tiêu biểu cho sức sáng tạo của người xưa, là đỉnh cao của giá trị thẩm mỹ. Trong chùa còn có câu đối, hoành phi và bia đá tăng thêm dáng vẻ trang trọng, cổ kính, tĩnh lặng, huyền hư - khuynh hướng thẩm mỹ của kiến trúc Phật giáo.

5- Không chỉ ảnh hưởng trong văn chương, trong nghệ thuật tạo hình mà Phật giáo còn có mặt trong nhiều phong tục tập quán ở Việt Nam; đặc biệt trong đời sống hằng ngày như tục: Ăn chay, thờ Phật, đi lễ, cúng rằm, phóng sinh và làm phúc...

Từ tính chất nhân văn của giáo lý nhà Phật, qua việc khuyến khích con người sống và hành động theo điều thiện, cổ vũ con người xa lánh và ngăn chặn cái ác, biết dừng lại trước "tham - sân - si", không để bị mê hoặc bởi các tham vọng thái quá..., Phật giáo Việt Nam có ý nghĩa trong xây dựng đạo đức con người, làm cho đời sống tinh thần của xã hội ngày càng thêm lành mạnh.

Từ quan điểm coi tín ngưỡng - tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận quần chúng nhân dân, với quan niệm nghiêm túc về tự do tôn giáo, với chính sách tôn giáo đúng đắn của Nhà nước, trực tiếp là sự quan tâm của chính quyền các cấp,... cùng với các tôn giáo khác, Phật giáo đã được tạo điều kiện để hoạt động ngày càng hiệu quả. Vì thế, trên mọi miền đất nước, các ngôi chùa đã được tôn tạo, nhiều ngôi chùa, nhiều trung tâm đào tạo tăng sĩ được xây dựng mới, một số ngày lễ của Phật giáo trở thành ngày hội văn hóa thu hút sự tham gia của đông đảo nhân dân.

Thảo Nhi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm