"Phận làm thuê cho... Truyền hình thực tế"

19/09/2012 14:49 GMT+7 | Truyền hình thực tế


(TT&VH) - Truyền hình thực tế bùng nổ, nhu cầu về giám khảo, giám đốc âm nhạc ngày càng tăng, chương trình nào cũng cần những gương mặt “hot” của thị trường âm nhạc. Những người đảm nhận các vị trí này bên cạnh “vinh quang” và sự đãi ngộ khá hậu hĩnh của nhà tổ chức, lắm lúc cũng gặp những “đắng cay”. Chuyện “thay ngựa giữa dòng” có thể nói là đỉnh điểm…

Hiện nay, dường như trong làng nhạc chúng ta đang có những “nhập nhèm”. Vài nhạc sĩ, ca sĩ “đẳng cấp” (Thanh Lam, Bảo yến, Ngọc Đại) lên tiếng chê các giám khảo, huấn luyện viên của các chương trình truyền hình ca nhạc giải trí. Các giám khảo, huấn luyện viên của các chương trình này thì đao to búa lớn kiểu như: Tôi làm vì nền âm nhạc Việt Nam...

Thiết nghĩ, tất cả đều... trật lất. Không nên chê bai tài năng của giám khảo, huấn luyện viên nếu họ không có “đẳng cấp” cũng không nên huyễn hoặc việc làm của các chương trình giải trí hiện nay, rằng nó sẽ tìm kiếm những tài năng cho thị trường âm nhạc Việt. Bởi chúng ta không phải là Mỹ, Anh - nơi có nền nhạc nhẹ phát triển.

Họa hoằn lắm như Vietnam Idol nhiều năm qua mới có được một mùa với Uyên Linh, Văn Mai Hương - điều này cho thấy nó mang tính chất may rủi nhiều hơn là kết quả của một công nghệ.

Lịch sử “ngựa chiến” rời “trường đua”

Sao Mai - Điểm hẹn 2004 có thể xem là manh nha cho những chương trình truyền hình thực tế ca nhạc về sau này. Thực chất chương trình này lấy ý tưởng từ Pop Idol (sau này có phiên bản Việt là Vietnam Idol). Tuy nhiên, khi SM-ĐH xuất hiện, bản chất nó không phải là chương trình giải trí mà được xem như sự “cải cách” của những chương trình thi cử khá đơn điệu, nhàm chán trên truyền hình.

Nghịch lý là cũng tại chương trình này, số phận của thành viên hội đồng nghệ thuật Đỗ Trung Quân lại bị công luận “xét xử” như một giám khảo của các chương trình giải trí sau này. Đỗ Trung Quân đã nói: “...tôi thích cái điên điên của em” khi nhận xét về ca sĩ Ngọc Khuê. Câu nói này, nếu trong thời điểm hiện nay có lẽ cũng không có gì ghê gớm, nhưng lúc đó nó như một quả bom tấn phát nổ giữa sự yên ắng của sinh hoạt âm nhạc khá nề nếp và cũng quá “kinh hoàng” với nhiều người, khi truyền hình thực tế là điều còn khá lạ lẫm.

Các huấn luyện viên chương trình Giọng hát Việt

Đỗ Trung Quân bị mổ xẻ, “ném đá” tơi bời. Anh chia sẻ là tự xin rút lui, vì không muốn đưa BTC vào thế khó.

Trong Bước nhảy hoàn vũ 2011, “kẻ du ca” Trần Tiến cũng không chịu nổi búa rìu dư luận, nhan nhản nhiều ngày sau đêm thi của Vũ Thu Phương với vũ điệu cha cha cha. Nhạc sĩ Trần Tiến nói: “...Style của bài này là nóng bỏng cơ. Tôi đang chờ cái mông của cô ấy nóng bỏng mà mãi không có...”.

Phải nói là Trần Tiến nói rất văn hoa, trình độ, nhưng phán xét của công luận thì không ai cấm được. Cuối cùng, “ngựa chiến” Trần Tiến rời “trường đua” với lý do “bận cho chuyến du diễn châu Âu”.

Sau Trần Tiến có thể kể đến trường hợp Quốc Bảo trong Bước nhảy hoàn vũ 2012, với Quốc Bảo không có bom tấn như Đỗ Trung Quân hay Trần Tiến, công luận chỉ chê anh “nhạt”. Không biết có phải vì bị chê hoài mà anh sinh... đau mắt không thể tiếp tục?

Có thể nói, chúng ta chưa có đủ “trình”, nên việc sử dụng format các chương trình giải trí đình đám của thế giới như vô tình tự biến mình thành kẻ học đòi. Nó bộc lộ những nhố nhăng làm cho đời sống âm nhạc thêm xô bồ, hỗn loạn.

Trong những ngày gần đây, nguyên Giám đốc âm nhạc của Giọng hát Việt - Phương Uyên - lại trân mình chịu trận. Cho đến nay, công luận thì nói cô dàn xếp kết quả, BTC thì nói không, nghi vấn vẫn còn treo lơ lửng và cái video clip kia chỉ là trò mèo của kẻ xấu muốn hại Phương Uyên? Phương Uyên khóc lóc tại cuộc họp báo, Tổng giám đốc Nguyễn Quang Minh tuyên bố giữ cô lại, nhưng đùng một cái, vài ngày sau BTC chương trình quyết định “thay ngựa giữa dòng”.

Cũng hợp lý, vì chương trình là dành cho đông đảo khán giả, mà khán giả đang hừng hực khí thế đòi tẩy chay chương trình, Phương Uyên có trở thành “vật hy sinh” thì cũng không có gì lạ...

Nghệ sĩ – “công cụ”… kiếm tiền của nhà sản xuất

Khi nghe nói cát-sê của Đàm Vĩnh Hưng lên đến 500 triệu đồng cho cả mùa Giọng hát Việt, ai cũng giật mình. Nhưng bảng giá quảng cáo mới nhất trong chương trình Giọng hát Việt: 90 triệu đồng/10 giây, 108 triệu đồng/15 giây, 135 triệu đồng/20 giây và 180 triệu đồng/30 giây. Như vậy, tùy theo thời lượng của một “spot” quảng cáo, giá cao nhất 1 giây quảng cáo là 9 triệu đồng và giá thấp nhất là 6 triệu đồng. Mỗi chương trình được quảng cáo 20 phút (1.200 giây). Nói như thế để thấy rằng dù cát-sê Đàm Vĩnh Hưng 500 triệu đồng cũng không là bao so với số tiền khổng lồ thu được từ quảng cáo của toàn bộ chương trình.

Bên cạnh việc mua kịch bản “xịn” cả triệu USD, thiết kế sân khấu hoành tráng giống y chang The Voice nước ngoài... và cả con người đứng ra thực hiện (trong đó có các nghệ sĩ làm huấn luyện viên, giám đốc âm nhạc). Tất cả đều là “công cụ” trong guồng máy kiếm tiền của nhà sản xuất.

Tuy nhiên, trong cơ chế thị trường, “thuận mua vừa bán” nếu nhà sản xuất trả thù lao theo đúng yêu cầu của nghệ sĩ và họ đáp ứng được yêu cầu của nhà sản xuất thì hai bên cùng ký hợp đồng thực hiện.

Các nghệ sĩ cũng có những quyền lợi đáng kể, ngoài tiền cát-sê, họ được ngồi trên những chiếc ghế như một “ngai vàng” hiện đại và xuất hiện dày đặc trên sóng truyền hình, chưa kể những nghệ sĩ là “giám đốc” của công ty đào tạo ca sĩ, thì đây là việc làm “nhất cử lưỡng tiện”, một công đôi việc, đỡ phải nhọc công, tốn kém tiền bạc để tìm kiếm “gà” cho công ty của mình.

Chỉ có điều, các nghệ sĩ “bán mặt, bán danh” trên sóng truyền hình, lao tâm khổ tứ trong thời gian dài đôi lúc phải trả một giá quá đắt - mất đi hình ảnh đẹp mà họ đã có được trong lòng công chúng. Scandal ập đến có khi cuốn phăng những gì mà họ gây dựng nhiều năm qua.

Họ có thể được nhà sản xuất, BTC tâng bốc tận mây xanh, nhưng khi cần “thay ngựa giữa dòng” thì “ngựa chiến” cũng phải dừng chân, theo đúng phận làm thuê của mình, bởi suy cho cùng nghệ sĩ cũng chỉ là công cụ kiếm tiền của nhà sản xuất. Điều đó có tự hào lắm không? 

Hoàng Trang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm