Lần hiếm hoi nhạc sĩ Phó Đức Phương ngồi hát ở 'Trên đỉnh Phù Vân"

30/12/2016 14:40 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Tối 29/12, trên sân khấu Trung tâm hội nghị Quốc gia, nhạc sĩ Phó Đức Phương đã có đêm diễn kỉ niệm 50 năm làm nghề. Với đêm diễn "để đời" này, ông đã không chỉ đưa khán giả lên "trên đỉnh Phù Vân" một lần nữa mà còn cùng khán giả đến với nhiều cung bậc cảm xúc, trên con đường sự nghiệp âm nhạc của mình.

Phải nói rằng, để có được một đêm nhạc mãn nhãn cả về hình ảnh và hấp dẫn về âm nhạc như Trên đỉnh Phù Vân tối 29/12, nhạc sĩ Phó Đức Phương đã "lao tâm khổ tứ" hàng tháng trời, ít nhất là kể từ khi ông quyết định làm show.

Không kể đến sự kỹ tính, cẩn thận, thậm chí là hơi cầu toàn của mình như nhạc sĩ Phó Đức Phương thì để có một đêm nhạc riêng đối với bất cứ nhạc sĩ nào cũng đều có những khó khăn.

Điều này, chính nhạc sĩ Phó Đức Phương hiểu hơn ai hết khi 15 năm qua, ông gắn bó với Trung tâm tác quyền, làm việc trực tiếp trong lĩnh vực này. Nhưng nhạc sĩ Phó Đức Phương chưa bao giờ rời xa tinh thần cầm bút của người sáng tác.

Ông bảo: "Tôi viết nhạc vì đam mê sáng tạo. Sống trong thế giới đó, tôi được là chính mình, sung sướng lắm. Nhưng mặt khác, tôi lại lo lắng, không biết "những đứa con tinh thần" của mình có xứng đáng với bản thân cũng như với khán giả không?. Nên làm show, tôi muốn mình phải làm hết sức, rút gan, rút ruột với chính mình".

Và ông đã "rút ruột" để khán giả thấy một chân dung nhạc sĩ Phó Đức Phương sau 50 năm làm nghề.

Hơn 20 ca khúc, cũ có, mới có, được viết ở nhiều thể loại, đã được giám đốc âm nhạc - nhạc sĩ Đỗ Bảo phối khí một cách ấn tượng. Điểm chung là các tác phẩm không có ranh giới của sự cũ và mới.

Điểm chung ở đây chính là sự trẻ trung, tươi mới và hiện đại trong cách thể hiện mà không làm mất đi "cốt lõi, bản thể" về một tâm hồn đậm màu dân gian mà lại rất đa dạng trong ngôn ngữ âm nhạc của nhạc sĩ Phó Đức Phương.

Với vai trò là tổng đạo diễn chương trình, nhạc sĩ Phó Đức Phương đã chủ động "vẽ" chân dung mình qua ba phần âm nhạc: Thủa ban đầu; Tiếng gọi bốn phương, nhập cuộc và đường đời rong ruổi; Trở về bản thể, cội nguồn và tâm linh.

Ông cũng chọn cho mình cách xuất hiện mang tính chất là điểm nhấn: ông tự sự bằng cách kể chuyện, hát nói để mở màn cho từng phần. Riêng tác phẩm kết, ông ngồi hát như một nghệ nhân dân gian, tự ông gõ nhịp sênh phách, tự ông ngân nga thay tiếng đàn và hát. Một hình ảnh không thể ấn tượng hơn về nhạc sĩ Phó Đức Phương từ trong âm nhạc đến chân dung.

Cả 3 chặng đường mà nhạc sĩ Phó Đức Phương dẫn dắt người nghe đến với những miền âm nhạc của ông, đều cho thấy, âm nhạc của nhạc sĩ Phó Đức Phương có một ngôn ngữ riêng: phong phú có, phức tạp cũng có.

Ngôn ngữ ấy, ngoài mặt chất liệu được bắt nguồn từ "phong vị" của âm nhạc dân gian vùng Bắc Bộ như tuồng, chèo, ca trù, xẩm... thì về ý tứ, nếu không phải chính nhạc sĩ tiết lộ, có khi người ta dễ nhầm.

Ví như người ta được nghe rất nhiều những điểm đến, những địa danh mà ông đặt hẳn tên cho ca khúc như: Ngũ hành Sơn, Nao nao thác Bà, Mộng mị Sa Pa, Bên dòng sông Cái, Huyền thoại hồ Núi Cốc hay đặc biệt là Trên đỉnh Phù Vân... chắc hẳn, sẽ không nghĩ rằng, nhạc sĩ Phó Đức Phương đang gửi gắm những thông điệp tình yêu trong đó.

Phải nghe ông kể mới hiểu: "Mọi người nghe Chảy đi sông ơi vẫn nghĩ tôi viết về thiên nhiên. Nhưng với tôi, đó lại là tác phẩm viết về một chuyện tình không có hậu. Tôi viết về một người thất tình, đau khổ vì tình đến mức định ra con sông tự vẫn. Nhưng trước con sông mênh mông, bình lặng đó, người ta được cảm hóa trước sự tuyệt vọng của bản thân. Vì thế, có câu "chuyện bao đời sông biết cả, mà sao vẫn trẻ mãi không già".

Song, cũng với bút pháp  đó mà âm nhạc của nhạc sĩ Phó Đức Phương đã tạo ra sức hút, sự mê hoặc đặc biệt với người nghe.

Không quá "dông dài", đêm nhạc kết thúc trước 23h, vừa đủ để khán giả ra về và giữ lại những cảm xúc cho đêm nhạc đến khi... về đến tận nhà.

Một số hình ảnh trong đêm diễn:


Nhóm 5 dòng kẻ với Vũ điệu con cò


Ca sĩ Tấn Minh


Bằng Kiều hát "Chảy đi sông ơi" một cách rất nhẹ nhàng, không "cao trò"


M4U với Ngũ hành Sơn được dàn dựng cầu kì về vũ đạo


Tấn Minh và Thu Phương sánh đôi trong Nha Trang thu - Mặt trời, biển cát và em


"Trên đỉnh Phù Vân" được thể hiện bởi Thu Phương. Tuy nhiên, Thu Phương chưa gây được ấn tượng với phần trình diễn này của mình


Tùng Dương thăng hoa với "Bài ca thần chim lạc". Tác phẩm được phối khí ấn tượng với phong cách pha rock, điểm xuyết là tiếng kèn sona


Tùng Dương và Thanh Lam song ca "Không thể và có thể"


Hai cha con Trần Mạnh Tuấn và An Trần đã đem "Về quê" đến từng khán giả


Chủ nhân đêm nhạc với màn trình diễn ấn tượng

Xem phần biểu diễn không lời nhưng để lại nhiều dấu ấn cho đêm nhạc của hai cha con Trần Mạnh Tuấn, An Trần:


Thanh Tú

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm