Thiện Nhân đã phẫu thuật thành công!

23/08/2008 09:43 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Vào lúc 6h30 ngày 21/8 (giờ Mỹ) Thiện Nhân tiến hành làm thủ tục phẫu thuật. 7h cùng ngày, em vào phòng trong một ca mổ kéo dài 90 phút. Sau khi chuyển sang phòng hậu phẫu, Nhân tỉnh ngay. Vừa mở mắt, cậu đã la toáng lên: “Bố em! Bố em!”. Khi bố đến bên, Nhân ôm chặt ngay lấy. Đã thành công!

Trước ca phẫu thuật

Bố Nghinh còn luống cuống, lo hơn cả con trai. Bố Nghinh dặn dò mẹ Mai Anh hết điều này sang điều khác. Còn mẹ Mai Anh phải ký hàng đống giấy tờ trong khi cố gắng lắm cũng khó có thể hiểu trong đó viết gì vì tâm trạng rối bời. Khi vào phòng thay đồ, bác sĩ cho phép bố Nghinh và mẹ Mai Anh thay quần áo mổ cho em. Rất ngộ nghĩnh, Thiện Nhân đòi tự mặc áo một mình, em loay hoay mãi với cái dây buộc áo vì đây là lần đầu tiên em thấy kiểu mặc áo buộc dây như vậy. Trông Nhân thật xinh trong bộ đồ mổ màu tím, nhìn qua tưởng là bé gái. Trong phòng thay đồ, trước giây phút lên bàn mổ, một cậu bé hai tuổi mà bắt chước cách cư xử của người lớn, mọi người lại càng thấy thương em hơn. Cảm giác được sự nghiêm túc và điều quan trọng sắp xảy ra, Thiện Nhân tỏ ra rất ngoan ngoãn. Lần đầu tiên, em tự kéo áo cho bác sĩ khám và há to miệng khi bác sĩ yêu cầu. Bác sĩ và em trò chuyện với nhau với thứ tiếng Anh bập bẹ kiểu của Nhân, thế mà, hai người có vẻ hiểu nhau, tỏ ra hết sức ăn ý.
 
Thiện Nhân chơi đùa với bác sĩ Daniel Herz trước khi phẫu thuật

Đón chào Thiện Nhân với nụ cười rạng rỡ trên môi khi làm thủ tục và thay quần áo là bác sĩ Daniel Herz và Levi Deters, bác sĩ gây mê Jennifer O'Flarhety và Christopher Rinaud, y tá Jennifer Ames (người trực tiếp chăm sóc và đón Nhân từ ngày nhập viện nên tạo cho Nhân cảm giác an toàn vì có thêm người quen bên cạnh) và y tá Diane Beattie.

Trước khi mổ, bác sĩ gây mê Jennifer O'Flarhety gặp mẹ Mai Anh để hỏi chi tiết về Thiện Nhân trong 24 giờ vừa qua để thêm thông tin cho việc gây mê được đảm bảo chính xác. Đồng thời, bác sĩ giải thích cặn kẽ với gia đình về việc Thiện Nhân sẽ qua từng bước gây mê như thế nào và sẽ tỉnh sau bao lâu để gia đình có mặt bên Thiện Nhân đúng lúc, tránh trường hợp khi em tỉnh dậy, không thấy bố mẹ sẽ có tâm lý sợ hãi.

Bác sĩ trực tiếp mổ cho Thiện Nhân - Daniel Herz - cũng đến động viên, nói những câu chuyện vui vẻ để tạo bầu không khí thoải mái, giảm bớt căng thẳng cho cả gia đình Thiện Nhân và những người đi cùng đoàn. Thiện Nhân được đưa vào phòng mổ trên chiếc xe ô tô xinh xắn. Các bác sĩ y tá còn đẩy ô tô chạy vòng quanh phòng, làm trò hài để Thiện Nhân cười. Mặc dù cậu bé nở nụ cười, nhưng vẫn không giấu được sự căng thẳng trong ánh mắt.
 
Thông thường chỉ có một người nhà được vào phòng gây mê và giúp đỡ bệnh nhân yên tâm cho đến khi ngủ. Bố mẹ nuôi của Thiện Nhân đã trao đổi cùng nhau suốt đêm trước buổi sáng Nhân mổ vì ai cũng muốn ở bên em. Sau đó, cả hai đều thống nhất để bố Nghinh vào vì bố to, khỏe, là chỗ dựa cho em tốt hơn mẹ. Khi Thiện Nhân vào phòng mổ, thấy mẹ Mai Anh bật khóc vì quá lo âu, các bác sĩ hỏi ý kiến nhau và quyết định: “Thiện Nhân là trường hợp ngoại lệ, mẹ Nhân cũng được vào trong.”

Mừng quá, mẹ Mai Anh luýnh quýnh mặc vội bộ quần áo mổ to đùng, theo chân chồng và con trai vào phòng gây mê. Bác sĩ còn trêu: “Áo này to lắm, chị chui vào nuốt người chị luôn, không ai thấy được chị đâu, chị sẽ được thoải mái ở cạnh con”.

Trong và sau ca phẫu thuật

Khi ôm chặt Thiện Nhân trong tay, càng cảm nhận được những phần cơ thể của em bị thiếu hụt, trông Nhân nhỏ đi như vừa mới lọt lòng. Để vào trong khu mổ, phải đi qua hành lang dài, như lạc vào trong mê cung. Khi vào phòng gây mê, Nhân hốt hoảng. Em dáo dác nhìn xung quanh và bám chặt tay vào bố. Do chuẩn bị kĩ càng từ trước, nên chỉ sau vài giây, mắt Nhân mờ dần rồi ngủ thiếp đi.
 
Cả bố và mẹ Thiện Nhân đều được theo con vào phòng mổ

Ca mổ kéo dài 90 phút. Khi mở đường tiết niệu và xử lý xong, bác sĩ Herz ấn nhẹ vào bụng Nhân, thấy một dòng nước vọt mạnh ra như cầu vồng. Vậy là Nhân có thể đi tè “đúng kiểu”. Vui hơn nữa, Nhân có thể hoàn toàn có khả năng kiểm soát việc vệ sinh của mình. Trước khi phẫu thuật, bác sĩ đã hướng dẫn Nhân cách tè và kiểm soát nó thì sau khi mổ, gia đình cần tạo tâm lý thoải mái để em làm quen dần với việc mới mẻ này.

Sau khi mổ và xem xét bên trong, bác sĩ Herz và Deters cho biết các cấu trúc cốt lõi của bộ phận sinh dục phần bên trong cơ thể của Nhân không bị phá hủy nhiều, chỉ bị ảnh hưởng ít. Đây là tin vui và là cơ sở tốt để giúp cho việc cấy ghép phục hồi sau này. Nhân vẫn còn một phần da và một phần của bộ phận sinh dục tụt vào trong cơ thể. Khi Nhân lớn, nó sẽ có cơ sở để phát triển ra ngoài. Việc này rất quan trọng cho việc cấy ghép cũng như các chức năng được hồi phục dễ dàng hơn.

Ngày 19/8, sau khi khám cho Thiện Nhân, bác sĩ có nói đến một tinh hoàn có thể còn sót lại nhưng khi mổ không tìm thấy. Tuy nhiên vẫn con chút ít hy vọng vì còn một xét nghiệm chuyên khoa nữa giúp có thể tìm và xác định chính xác hơn. Lúc đó sẽ biết trị liệu hormon có cần không và nếu cần sẽ tiến hành thế nào.
 

Bệnh án của Thiện Nhân đầu năm 2007:

NGÀY SINH: 15 tháng 7 năm 2006: 17 tháng tuổi quê ở Núi Thành, Tỉnh Quang Nam, Việt Nam. Bé bị mẹ bỏ rơi sau khi sinh và bị bỏ sau vườn và bị chó vồ cắn dẫn đến bị cụt chân phải và mất bộ phận sinh dục. Bé đã được đưa đến bệnh viện tỉnh để thực hiện phẫu thuật, và xuất viện sau 2 tháng. Cân nặng: 8.4kg (khá nhẹ so với độ tuổi của bé), chiều cao: 74cm (chỉ có 1% trẻ ở độ tuổi của bé có chiều cao như vậy). Sự thiếu dinh dưỡng biểu hiện từ cân nặng, chiều cao, và sự thiếu máu loại thiểu huyết cầu tố của bé. Bé đã được bổ sung chất sắt với hy vọng có thể điều trị bệnh. Xét nghiệm máu "complete blood count" (CBC) phải được tiến hành ít nhất sau 1 tháng để xác định bé có mặc bệnh thiếu máu thiểu huyết cầu tố hay không. Nếu không bị, thì sẽ tiến hành thêm những cuộc xét nghiệm khác. Những cơn đau bụng và tiêu chảy thường xuyên là dấu hiệu bị suy dinh dưỡng và có thể bị nhiễm trùng đường ruột, nguyên nhân là do điều kiện vệ sinh kém. Kỹ năng xã hội đối với độ tuổi của bé là bình thường, nhưng bé cần sự cổ vũ và tiếp xúc nhiều hơn với nhiều người trong môi trường tốt. Phần chân phải bị cụt còn lại chuyển động khá tốt. Việc điều trị chỉnh hình nên được tiến hành ngay khi bé có thể đứng được. Cơ quan sinh dục của bé phải luôn luôn được giữ sạch sẽ kể từ khi bộ phận sinh dục của bé phát triển 1 lỗ nhỏ, điều này cũng dễ dẫn đến sự tắt nghẽn và nhiễm trùng. Do đó việc tái tạo cơ quan sinh dục và tinh hoàn rất có thể thực hiện được khi bé đến tuổi dậy thì. Điều quan trong nhất đối với bé là được sống ở một nơi có nhiều sự quan tâm, dễ dàng nhận được sự chăm sóc y khoa và một môi trường cổ vũ và nhiều tình thương yêu để bé có thể bộc lộ tốt hơn những nhu cầu y tế, thể chất, xã hội và cảm xúc của bé.

Bác sĩ Jocelyn P. Nava

Đà Nẵng, Vietnam

(*): Thông tin và hình ảnh do chị Mai Anh - mẹ nuôi bé Thiện Nhân - gửi từ Mỹ, ngay sau khi ca mổ thành công.
 
Việt Quỳnh

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm