Premier League đã “tiêu diệt” đội tuyển Anh?

27/07/2012 14:08 GMT+7 | Bóng đá Anh

(TT&VH) - Premier League được coi là giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh, với số tiền bản quyền truyền hình kỷ lục (giá trị bản quyền mùa bóng mới của giải đấu này lên đến 3 tỉ bảng Anh) và thu hút lượng công chúng lớn trong số các giải VĐQG trên khắp hành tinh, nhưng phong cách của nó có phải là một trở ngại cho sự thay đổi của đội tuyển Anh?



Premier League đã "tiêu diệt" tuyển Anh? - Ảnh Getty

Hãy thử tưởng tượng một đội bóng Anh có khả năng chơi bóng kiểu TBN, cầm bóng, chuyền qua lại và chờ đối phương sơ hở. Phần lớn các đám đông CĐV sẽ không chấp nhận điều đó quá 20 phút. Họ sẽ hét: “Tiến lên đi”. Các cầu thủ lại lật đật đưa quả bóng lên phía trước nhanh nhất có thể, và cách chơi thể lực của các cầu thủ Anh không có điều kiện được thay đổi, bất chấp việc LĐBĐ Anh đã thành lập một trung tâm huấn luyện quốc gia mới và thể hiện mong muốn “cấy ghép” một phong cách mới cho đội tuyển.

Andy Hilton, một nhân viên của trung tâm phát triển bóng đá tại Manchester, cho biết rằng người Anh đang nỗ lực để làm giảm tính “chiến binh” trong máu và đào tạo ra những lứa cầu thủ có khả năng thích ứng tốt với mọi loại tình huống phát sinh trong trận: “Với lứa tuổi từ 15 trở lên, phong cách “chiến binh” kiểu Anh vẫn là hình mẫu chủ đạo. Các cầu thủ ưa thích va chạm, các trận đấu diễn ra với nhịp độ luôn nhanh và giàu sức mạnh, đến mức bạo lực. Nhưng chúng ta cần phải đào tạo ra những cầu thủ biết tập trung vào các thao tác với quả bóng, thoải mái với nó, và không sợ hãi khi chuyền hoặc rê bóng khi điều kiện trận đấu đòi hỏi”.

Nhưng đòi hỏi đào tạo ra những hình mẫu cầu thủ như thế lại mâu thuẫn với phương châm phát triển của giải Premier League, vốn nhấn mạnh sự hết mình, phong cách hiệp sĩ, và sự sôi động trên các khán đài. Các cầu thủ nước ngoài đến đây chơi bóng sẽ hoàn thiện thêm nhờ tính va chạm, tốc độ và thể lực của bóng đá Anh, nhưng những cầu thủ bản địa vẫn không có một môi trường đủ “đằm” để phát triển các kỹ năng thiên về kỹ thuật và sự sáng tạo.

Chấp nhận một con đường phát triển mới có lợi cho ĐTQG cũng có nghĩa là các khán giả Anh phải chấp nhận rằng không phải lúc nào bóng đá cũng là một ngọn đuốc cháy phừng phừng, và lợi nhuận lẫn sự hào nhoáng của giải Premier League có thể sẽ ít hơn.

Nhưng đó là những sự hy sinh không tưởng vào thời điểm này, và vì thế, đừng ngạc nhiên khi thấy người Anh tiếp tục tụt lại phía sau dòng chảy thời đại, từ EURO, World Cup, và giờ, tất nhiên, sẽ là bóng đá ở Olympic.

PAN






Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm