15/06/2018 07:30 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 14/6 tại TP.HCM, Phan Vũ đã có buổi ra mắt tập Ta còn em (Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn, 2018) - tập thơ cuối cùng. Ông chia sẻ nhiều điều, từ việc ngẫu nhiên làm biên kịch, đạo diễn, vẽ tranh, trong đó có sự ngẫu nhiên đến với thơ, rồi nhờ thơ mà ông sống được đến tận ngày nay.
Bài thơ Bình vỡ ra đời tháng 5/1956, chính nó khiến ông gặp nhiều rắc rối, rồi sau đó cũng chính nó tái xuất hiện, được ca ngợi, một nền tảng giúp ông trở thành nhà thơ nổi tiếng như đã thấy. Dù tập thơ đầu tiên được xuất bản khi ông đã tuổi gần đất xa trời - Phan Vũ sinh năm 1926 tại Hải Phòng, nay đã 92 tuổi - nhưng tình yêu, niềm tin của ông với thơ vẫn vẹn nguyên.
Thơ luôn là bộ môn nghệ thuật khó thành công và khó sống, theo cả nghĩa bóng và nghĩa đen. Bước sang thế kỷ 21, thơ càng mất vị thế trong lòng độc giả, vì họ đã có nhiều phương tiện và loại hình giải trí khác thay thế. Nhà thơ bây giờ - cũng như nhiều bộ môn nghệ thuật dân tộc và hàn lâm khác - gần như chỉ còn biết sáng tác, trình bày cho một bộ phận khán giả khá ít ỏi. Vì vậy, những người vẫn tận tâm, tận lực với các loại hình này thật đáng khâm phục.
Khi hỏi riêng vì sao thơ làm ông lận đận như vậy mà ông vẫn đeo đuổi suốt cuộc đời? Phan Vũ trả lời: “Câu hỏi này làm tôi nhớ đến Phùng Quán (1932-1995), một người bạn vong niên, cậu ấy viết chí tình: “Có những phút ngã lòng/ Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy”. Khi mới đến với thơ, nhiều người cũng có chút ảo tưởng này kia, rồi sớm bẽ bàng, rồi sẽ bỏ cuộc, vì làm thơ khó thành công, chẳng có gì vui. Tôi làm thơ không vì trở thành nhà thơ, mà đúng nghĩa là để bày tỏ cõi lòng, những lúc chẳng biết vịn vào đâu mà đứng dậy để đi tiếp. Tôi gắn bó với thơ hơn nửa cuộc đời, vì thơ là cứu cánh của tâm sự riêng”.
Câu trả lời này gợi nhớ lời chia sẻ của Hương Thanh, khi được hỏi vì sao chị gắn bó với âm nhạc truyền thống Việt Nam, vốn ít người nghe, trong khi khả năng để gần âm nhạc đại chúng thì sẵn có? Hương Thanh trả lời: “Tôi sống ở Pháp nhiều năm, việc tìm về với âm nhạc dân tộc cho tôi cảm giác như được sống lại một hương vị quê nhà, điều mà tôi khó tìm thấy ở các thể loại nhạc khác. Điều này có lẽ do tạng người và cá tính riêng, chứ chưa hẳn đúng với mọi người. Từ cảm xúc riêng đó, tôi muốn chia sẻ tình yêu này đến nhiều khán giả”.
Nghe lý do có vẻ đơn giản, nhưng hơn 20 năm qua, tiếng hát của Hương Thanh đã trở thành cầu nối để âm nhạc dân tộc ra thế giới, đặc biệt châu Âu. Tối 16/6 này, Hương Thanh có buổi trình diễn riêng tại TP.HCM.
Từ câu chuyện của Phan Vũ, của Hương Thanh, còn nhiều người nữa, có thể gợi hứng cho chúng ta - nhất là những người mới khởi nghiệp - về chọn lựa, về sự kiên định với đam mê. Nếu họ cũng lung lay với khó khăn, thách thức thì sẽ không thành công, chúng ta cũng không có cơ hội biết đến họ, tự hào về họ. Bởi rõ ràng nghệ thuật, giải trí vẫn luôn cần lĩnh vực tinh hoa, hàn lâm, bên cạnh đại chúng. Cho nên, khi có cơ hội, chúng ta cũng cần cổ vũ, động viên những người giống như họ, nhất là những người mới khởi nghiệp, để họ được “chân cứng đá mềm”.
Vô Ưu
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất