12/04/2023 14:16 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247
Trải nghiệm làm việc tại công ty gia đình khi sếp trên, sếp dưới đều là người nhà, hay phát sinh những quy định mới bất ngờ khiến nhiều người muốn “né vội”.
Trải nghiệm làm việc tại công ty “ai cũng là người thân”
Chia sẻ của một kỹ sư tên Lý Bình về trải nghiệm làm việc tại mô hình công ty gia đình thu hút nhiều sự chú ý trên nền tảng Toutiao (Trung Quốc). Lý Bình từng làm kỹ sư kỹ thuật tại một công ty ở Thâm Quyến với mức lương 20.000 NDT/tháng trong 5 năm. Môi trường lẫn sếp đều không có gì để chê, không cần tăng ca đi sớm về muộn nhưng mức lương này ở thành phố lớn như Thâm Quyến không phải cao, làm 5 năm chưa được tăng lương thăng tiến nên Lý Bình luôn nung nấu ý định “nhảy việc”.
Bước ngoặt đến khi anh được mời đến làm việc tại công ty khác ở vị trí quản lý bộ phận kỹ thuật với mức lương 30.000 NDT chưa kể thưởng cuối năm. Theo đại diện công ty này, thu nhập 1 năm của Lý Bình không dưới 450.000 NDT (~1,5 tỷ đồng). Sau một đêm cân nhắc, mặc cho lời khuyên can của vợ, Lý Bình vẫn cảm thấy đây là cơ hội phát triển tuyệt vời nên xin từ chức tại công ty cũ.
Thế nhưng “đời không như mơ”, khi bắt đầu làm việc tại công ty này, ngay trong buổi họp đầu tiên, anh đã nhận ra tất cả lãnh đạo đều là người nhà. Giám đốc tài chính là em gái sếp tổng, giám đốc nhân sự là em rể, các trưởng phòng khác đều là người thân của Chủ tịch công ty. Thậm chí mọi người trong cuộc họp còn nói chuyện bằng tiếng địa phương xen lẫn tiếng phổ thông khiến Lý Bình cảm thấy bản thân vô cùng lạc lõng.
Lý Bình được giao phụ trách dự án lớn về công nghệ cùng giám đốc kỹ thuật là ông Trần. Nhưng ông Trần lại nói Lý Bình sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm về dự án này, chỉ cần báo cáo với ông hàng ngày là đủ. Sau đó người đàn ông họ Lý phát hiện ra ông Trần chỉ có chuyên môn mua bán nguyên vật liệu, hoàn toàn không biết gì về công nghệ.
Làm việc một thời gian, Lý Bình nhận ra một cô gái trong bộ phận của mình ngày nào cũng làm việc “cưỡi ngựa xem hoa”, chỉ mải trang điểm và làm đẹp trong giờ làm việc. Khi bị Lý Bình nhắc nhở, cô gái đó đáp trả bằng thái độ không nghiêm túc nên anh đã đề xuất với ông Trần nên sa thải nhân viên này. Thế nhưng ông Trần chỉ nói anh hãy tập trung làm tròn trách nhiệm của bản thân thay vì để ý người khác. Chỉ đến khi một đồng nghiệp tiết lộ, Lý Bình mới biết cô gái kia là cháu gái ông Trần, tốt nhất là nên “nhắm mắt làm ngơ”, công ty này là như vậy.
Cấp trên giao việc xuống Lý Bình, cấp dưới lại lười biếng không có thực lực nhưng anh cũng chẳng thể nhắc nhở “đắc tội”, kết quả là Lý Bình hoàn toàn tự chịu trách nhiệm về dự án trên. Khối lượng công việc lớn, ngày nào cũng phải tăng ca, thậm chí thứ 7, CN còn phải đến công ty. Chưa kể còn phải hướng dẫn nhiều nhân viên mới trong công ty chiếm rất nhiều thời gian. Nhiều bạn bè khuyên Lý Bình nên nghỉ việc nhưng anh vẫn cố gắng để chứng tỏ bản thân xứng đáng với mức lương cao. Thế nhưng khi sản phẩm ra mắt thị trường thành công, người được khen ngợi lại là ông Trần chứ không phải Lý Bình.
Điều tồi tệ hơn là sau khi dự án hoàn thành, sếp tổng lại thông báo Lý Bình không vượt qua thời gian thử việc, không đáp ứng được yêu cầu của công ty. Nghe xong người đàn ông này cảm thấy như bị lừa, vừa đào tạo xong người mới vừa xong dự án đã bị sa thải, không phải mọi chuyện quá trùng hợp sao?
Lưu ý gì khi làm việc tại mô hình công ty gia đình?
Doanh nghiệp có mô hình gia đình trị vốn là một trụ cột trong tăng trưởng kinh tế Trung Quốc nên công ty gia đình vô cùng phổ biến tại đất nước tỷ dân. Nhiều cư dân mạng để lại bình luận đồng tình với trải nghiệm của Lý Bình, đồng thời chia sẻ câu chuyện của mình.
Chủ tài khoản An An, 30 tuổi, từng làm việc tại một công ty đã niêm yết tại Thượng Hải (Trung Quốc). Công ty này có phó chủ tịch là anh trai của chủ tịch, chị dâu chủ tịch là giám đốc, các con của sếp lớn đều nắm giữ vị trí quan trọng. Vậy nên theo An An, nếu bạn có thực lực vẫn có khả năng thăng tiến lên cấp độ quản lý nhưng các vị trí chủ chốt thì gần như đã cố định nên rất khó thăng tiến vượt bậc nếu làm việc lâu năm tại công ty gia đình. Mối quan hệ và sự tin tưởng lẫn nhau là điều kiện quan trọng để mô hình doanh nghiệp này vận hành trôi chảy, nhưng bản thân nhân viên như An An rất khó xử nếu gia đình sếp lớn có mâu thuẫn.
Còn cư dân mạng họ Ngô tại tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) cho rằng khi làm việc tại công ty gia đình, việc vận dụng cả IQ lẫn EQ mỗi ngày đều vô cùng quan trọng. Đặc biệt là cần khéo léo và thận trọng để không mất lòng đồng nghiệp, tuyệt đối tránh việc bàn tán về sếp và đồng nghiệp khác, nếu không sẽ kéo theo nhiều rắc rối. Cô đã gắn bó với công ty hiện tại được 4 năm, tuy cũng có lúc phải “nhìn trên nhìn dưới” nhưng nhìn chung đãi ngộ tốt, mức lương cô gái này nhận được khá hậu hĩnh, sếp hay tổ chức các hoạt động cho cả gia đình lẫn nhân viên.
Theo chủ tài khoản Hà Đông, 25 tuổi, doanh nghiệp gia đình vận hành có tốt hay không phụ thuộc rất lớn vào ông chủ. Anh từng làm tại 2 công ty như vậy tại Thâm Quyến (Trung Quốc), sếp tổng đều là những người rất giỏi nhưng một bên “cả nể” người nhà nên một số nhân viên vô cùng lười biếng, có tâm lý ỷ lại, nhân viên không phải người nhà thấy bất bình nên nhanh chóng rời đi.
Còn sếp hiện tại của anh khá rạch ròi trong việc “công tư phân minh” nên giữ chân được nhiều nhân tài làm việc lâu năm, hiệu quả công việc tốt hơn hẳn. Đặc điểm chung của 2 công ty Hà Đông từng làm là hay phát sinh những quy định mới, chỉ cần sếp cảm thấy hợp lý liền bổ sung vào nội quy khiến nhiều người “xoay sở” không kịp.
Mỗi môi trường sẽ có ưu nhược điểm riêng nhưng nhiều người vẫn khuyên nếu những ai rơi vào tình cảnh như Lý Bình đừng cảm thấy vì mức lương cao mà cố gắng ở lại môi trường không phù hợp với bản thân mình.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất