Gìn giữ Áo dài truyền thống: Làm sao để hết lai căng?

01/12/2020 08:53 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Câu hỏi một lần nữa được những người yêu mến giá trị và vẻ đẹp của tà áo dài Việt Nam đặt ra tại Hội thảo Trang phục Áo dài truyền thống: Vấn đề bảo tồn và phát triển trong xã hội hiện nay, do CLB Đình làng Việt phối hợp với Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội vừa tổ chức tại Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ.

Áo dài và di sản nhân loại: Đường hãy còn xa!

Áo dài và di sản nhân loại: Đường hãy còn xa!

Khi được hỏi bao giờ áo dài Việt Nam sẽ thành di sản văn hóa phi vật thể nhân loại, bà Huỳnh Ngọc Vân (GĐ Bảo tàng Áo dài) trả lời rằng: đường hãy còn xa.

Sự kiện một lần nữa trở thành ngày hội để những tà áo dài Việt cùng nhau hội tụ về đây, là tâm huyết của những người thực sự yêu mến và mong muốn lan tỏa hình ảnh áo dài trong đời sống cộng đồng.

Cách tân xa rời bản sắc

Họa sĩ Nguyễn Đức Bình, Chủ nhiệm CLB Đình làng Việt, Chủ nhiệm Trung tâm Hỗ trợ phát triển áo dài ngũ thân truyền thống liên tục cập nhật những hình ảnh của “show diễn” đặc biệt này với những gương mặt thân quen của Trung tâm Hỗ trợ phát triển áo dài ngũ thân truyền thống. Anh chia sẻ, CLB Đình làng Việt là một trong những tổ chức đầu tiên thực hiện việc vận động đưa trang phục áo dài ngũ thân của nam giới trở lại đời sống. Từ năm 2015 đến nay, CLB đã liên tục tổ chức các hoạt động nhằm quảng bá, tuyên truyền, giúp công chúng thêm hiểu và trân trọng giá trị của trang phục dân tộc này.

Trung tâm Hỗ trợ phát triển áo dài ngũ thân truyền thống trong thời gian qua cũng đã đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, hỗ trợ nghệ nhân, người tiêu dùng tiếp cận những sản phẩm may theo truyền thống nhưng phù hợp với đời sống hiện đại. “Qua một thời gian không quá dài, đến nay, việc may và mặc áo dài đã có những thay đổi tích cực. Số lượng người sử dụng ngày càng tăng và lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, đặc biệt là lớp trẻ...”, họa sĩ Nguyễn Đức Bình cho biết.

Chú thích ảnh
Chương trình biểu diễn đặc biệt của những người yêu áo dài Việt truyền thống

Cũng trong năm 2020, đã có hai cuộc hội thảo về áo dài được tổ chức tại Hà Nội (do Bộ VHTTDL phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức) và tại TP Huế (do tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức). Mục tiêu của những hội thảo này đều nhằm mục đích vinh danh áo dài là Di sản văn hóa phi vật thể.

Cũng theo họa sĩ Nguyễn Đức Bình, thời gian gần đây, có nhiều cơ quan, đơn vị và cá nhân thúc đẩy việc quảng bá, đưa áo dài vào đời sống. Tháng 9.2020, Sở VHTT Huế thực hiện vận động cán bộ, công chức mặc áo dài trong Lễ chào cờ đầu tháng; nghệ sĩ Kim Xuân lên tiếng ủng hộ nam sinh mặc áo dài mỗi sáng thứ Hai sinh hoạt dưới cờ và TS Hồ Minh Quang mặc áo dài đứng lớp… những động thái đó đều nhận được nhiều ý kiến đồng thuận, cho thấy các tầng lớp xã hội đã chú ý đến vấn đề liên quan tới di sản - trang phục áo dài truyền thống. Nhưng bên cạnh đó cũng không ít ý kiến phản đối khá gay gắt với áo dài nam, do đó, hiện vẫn có một số vấn đề cản trở để tà áo dài được lan tỏa trong đời sống cộng đồng.

Họa sĩ Nguyễn Đức Bình cho rằng, những rào cản đó là do nhiều người chưa hiểu hết về giá trị áo dài, đặc biệt là thế hệ lớn tuổi và giới trí thức. Nhiều người yêu áo dài nhưng mặc lại chưa đúng, chưa đẹp. Vì vậy, việc sử dụng trang phục này thường ngày chưa thực sự thuyết phục được mọi người. “Đáng chú ý là hiện nay, nhiều loại trang phục được cho là áo dài cách tân rất xa rời bản sắc văn hóa, ảnh hưởng đến lòng tin của những người chưa biết đến áo dài truyền thống...”, ông Bình nhấn mạnh.

Làm sao để hết lai căng?

Tại hội thảo, các thành viên Đình làng Việt cũng đưa ra nhiều lý do khiến áo dài chưa thực sự được lan tỏa rộng rãi, đó là: Giá thành cao, khó tiếp cận tầng lớp bình dân và các đối tượng học sinh, sinh viên; Chất liệu nguyên vật liệu chưa phù hợp với sinh hoạt hằng ngày; Đội ngũ nghệ nhân cắt may còn quá ít; Việc sử dụng kỹ thuật thủ công ở mức cao trong chuỗi sản xuất khiến năng suất lao động bị hạn chế... Bên cạnh đó, sự xuất hiện phổ biến của nhiều loại trang phục lai căng (giống trang phục của đàn ông Ấn Độ, Trung Quốc) cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc quảng bá, giáo dục di sản và văn hóa truyền thống.

Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu, nhà thiết kế và nghệ nhân đã bàn thảo về tiềm năng sử dụng áo dài trong xã hội; Ứng dụng trong đời sống; Những vấn đề cải tiến; Giáo dục và xây dựng không gian bảo tồn áo dài ở Hà Nội cũng như các địa phương... Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu đã tham quan trưng bày áo dài nam ngũ thân truyền thống cùng các chất liệu cổ truyền để may áo dài...

Nhà nghiên cứu văn hóa Hoàng Quốc Hải cho rằng, áo dài không đơn giản là trang phục mà còn là văn hóa, nếu không bảo tồn tốt thì sẽ có nguy cơ mai một, thất thoát. Rất may, áo dài truyền thống đang có xu hướng phát triển rộng rãi, trong đó có việc khôi phục áo dài nam. Nhưng để di sản áo dài trở thành quốc phục, còn cần sự quan tâm và vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý nhà nước.

Chú thích ảnh
Ngày hội để những tà áo dài dân tộc cùng nhau hội tụ

Vấn đề cách tân áo dài quá đà, dẫn đến lai căng, xa lạ đã khiến nhiều người bày tỏ sự lo lắng. Bởi trong đó, có cả những người mặc áo dài xa rời bản sắc tham dự các sự kiện văn hóa và ngoại giao. Trước thực tế này, giới nghiên cứu cùng các nhà thiết kế và nghệ nhân đã tập trung bàn luận về những vấn đề cần cải tiến trang phục áo dài truyền thống cũng như áp dụng trong việc quảng bá văn hóa, du lịch ở Việt Nam. Đồng thời, đưa ra công tác bảo tồn di sản này, xác định những yếu tố cơ sở, nhận diện và phân biệt áo dài truyền thống với các loại trang phục khác.

Câu chuyện cách tân dẫn đến lai căng, làm mai một bản sắc áo dài truyền thống không còn là mới. Tại hội thảo gần đây do Bộ VHTTDL và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức, vấn đề đó đã được nhiều nhà văn hóa đề cập. GS.TS Từ Thị Loan, nguyên Viện trưởng Viện VHNT quốc gia Việt Nam cho biết, rất nhiều trường hợp biến tấu trang phục áo dài thái quá dẫn đến mất gốc, kệch cỡm, thể hiện sự thiếu hiểu biết về lịch sử, văn hóa, bản sắc, tập quán sử dụng; đi ngược lại, thậm chí xúc phạm đến vẻ đẹp tinh tế của tà áo dài. Theo bà, trong bối cảnh nước ta chưa xác lập bản quyền thương hiệu và chưa có các chính sách bảo hộ tương thích, kiểu cách áo dài Việt Nam đã từng bị nhà thiết kế nước ngoài “nhận” là sáng tạo của họ. Điều này dẫn đến nguy cơ mất chủ quyền đối với di sản, nếu như không sớm có động thái tích cực và quyết liệt.

Họa sĩ Nguyễn Đức Bình nhấn mạnh, cần loại bỏ những biến tướng, lai căng bằng nhiều biện pháp, từ những việc làm cụ thể nhất để bảo vệ hình ảnh và bản quyền áo dài. Những hội thảo, tọa đàm, chương trình trình diễn mà hạt nhân quy tụ chính là tình yêu di sản là một giải pháp quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức và thay đổi cách ứng xử của cộng đồng đối với di sản áo dài Việt truyền thống. 

Theo Mộc Miên - Báo Văn hóa

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm