Đầu tháng Chín nhiều biến động, làng cờ vua thế giới đứng ngồi không yên khi đại kiện tướng Magnus Carlsen thua cuộc trước Hans Niemann. Thất bại chấm dứt chuỗi 53 trận thắng liên tiếp của Carlsen lập tức thu hút sự chú ý của giới chuyên môn và những người đam mê cờ vua.
Magnus Carlsen tuyên bố rời giải đấu Sinquefield Cup, kèm theo một bài đăng Twitter nhiều ẩn ý. Carlsen chia sẻ đoạn video với nội dung huấn luyện viên José Mourinho trả lời phỏng vấn, rằng: "Tôi không muốn nói gì cả. Nếu mở miệng, tôi sẽ gặp rắc rối lớn".
Chẳng lâu sau sự kiện gây chấn động, lại một sự cố xảy ra tại giải cờ vua Julius Baer Generation Cup; lần này thông điệp ẩn gửi tới toàn thể cộng đồng đam mê môn thể thao trí tuệ rõ thêm đôi phần. Ngày 19/9, đương kim vô địch Giải Cờ vua Thế giới Magnus Carlsen bất ngờ xin thua chỉ sau một nước đi.
Trước sự ngỡ ngàng của bình luận viên, kỳ thủ Magnus Carlsen xin thua, ngắt camera và biến mất khỏi ván cờ đang được đánh trực tuyến. Đối thủ của anh, kỳ thủ 19 tuổi người Mỹ có được một chiến thắng dễ dàng.
Đại kiện tướng Hans Moke Niemann tới từ Hoa Kỳ hai lần liên tiếp giành chiến thắng trước Magnus Carlsen. Ván đấu đầu tiên Niemann đã làm bất ngờ cả làng cờ, nhưng trong trận tái đấu với kết quả tương tự, Carlsen mới là kỳ thủ khiến mọi người ngỡ ngàng.
Giây phút đại kiện tướng Magnus Carlsen xin thua, rời ván đấu trong im lặng. Nguồn: Twitter.
Dường như thông điệp Carlsen muốn gửi đi đã rõ ràng: anh không muốn ngồi chung bàn với một kỳ thủ được cho gian lận và đã từng "nhúng chàm" trong quá khứ.
Bộ môn cờ vua đã tồn tại hàng ngàn năm, thu hút những bộ óc sáng giá nhất hành tinh tham gia tranh tài. Theo thời gian, bản chất gian xảo của con người đã tồn tại từ thuở hồng hoang lại càng bộc lộ rõ khi yếu tố giải thưởng và danh vọng được đặt lên bàn cân. Để giành chiến thắng, các kỳ thủ từ cổ chí kim đã áp dụng vô vàn mánh khóe để có thể chiếm thế thượng phong.
Tuy nhiên, bài viết này sẽ tạm bỏ qua những cách gian lận mười mươi, như cố tình đi sai nước, chạm quân cờ nhưng không thực hiện nước đi hay thay đổi thứ hạng của mình bằng cách cố tình thua. Những chiêu trò trên đều đã xuất hiện tại các giải đấu lớn nhỏ, nhưng hiện chúng đã quá hiển nhiên và dễ phát hiện nên không còn nhiều kỳ thủ phạm phải, dù vô tình hay cố ý.
Các chiêu trò gian lận nay đã tiên tiến hơn nhiều, khi công nghệ ngày một phát triển.
Kể từ ngày các cỗ máy chơi cờ bắt đầu làm khuynh đảo giới cờ vua, người ta đã nghĩ tới chuyện sử dụng sức mạnh tính toán nhân tạo để vượt mặt những đại kiện tướng.
Tại giải đấu Thế giới Mở rộng diễn ra năm 1993, lịch sử cờ vua thế giới ghi nhận một trong những trường hợp gian lận bằng công nghệ đầu tiên. Một kỳ thủ không có thứ hạng đã thắng 4½ trong tổng số 9 ván cờ, thậm chí cầm hòa được một đại kiện tướng. Tuy nhiên, kỳ thủ này sử dụng tai nghe trong khi chơi và giấu trong túi áo một vật thể đáng nghi - thứ đã rung lên vài lần trong suốt quá trình thi đấu. Khi phát hiện ra người chơi này không hề biết những luật cơ bản nhất của cờ vua, ban tổ chức mới hay "kỳ thủ" này đã gian lận.
Khi những thiết bị gian lận nhỏ tương đương những chiếc smartphone thông dụng hay chỉ còn là những phần mềm chạy trên điện thoại, các kỳ thủ gian lận có thêm một nước đi mới, đó là đi vệ sinh. Đã nhiều lần ban tổ chức phát hiện kỳ thủ lén sử dụng điện thoại trong toa-lét để tìm ra nước đi tối ưu nhất, bằng cách gọi điện thoại cho đồng phạm hay tham khảo những hệ thống máy tính chơi cờ cao cấp.
Tiên tiến hơn một bậc, sẽ có kỳ thủ sử dụng máy rung để nhờ người theo dõi trận đấu mách nước cho mình. Đồng phạm hoặc là những kiện tướng cờ vua khác, hoặc là những người thạo sử dụng các hệ thống chơi cờ tân tiến, mà người trong cuộc gọi là các "chess engine".
Ba thập kỷ trở lại đây, các "chess engine", tạm dịch là "máy chơi cờ", ngày một hiện đại. Những cỗ máy phức tạp, to lớn vốn được dùng trong thử sức người nay đã có thể hoạt động từ xa nhờ Internet. Các phân tích của máy có thể tiên đoán trước 18 nước cờ, dự đoán được lối chơi của các đại kiện tướng để có thể cho ra nước đi tối ưu nhất giúp kẻ gian lận nắm phần hơn.
Theo thông tin do The Atlantic đăng tải, hiện máy chơi cờ đã sở hữu sức mạnh não bộ của một siêu nhân khi đạt được số điểm Elo cao tới trên 3000. Một hệ thống máy chơi cờ mạnh nhất thế giới có tên Stockfish, vốn được sử dụng bởi các bình luận viên cờ vua để phân tích các nước đi khả thi của kỳ thủ, có số điểm Elo lên tới 3500.
Vấn nạn gian lận trong cờ vua được đẩy lên một tầm cao mới trong đại dịch COVID-19, khi hành động gian lận đơn giản vô cùng. Chỉ với một hệ thống máy chơi cờ sơ đẳng, một người chơi đã có thể đạt điểm Elo thuộc mức khá. Ở những giải đấu trình độ thấp, việc "bắt thóp" một kỳ thủ gian lận không quá khó khăn: chỉ cần nhìn cách kỳ thủ sử dụng những nước đi quá tinh tế và hiệu quả so với mức Elo, kỳ thủ này chắc chắn đang có sự trợ giúp từ bên ngoài.
Theo thống kê của nền tảng chơi cờ vua nổi tiếng thế giới Chess.com, nội trong tháng 11/2020 họ đã khóa 18.000 tài khoản do phạm luật, nhiều hơn bất cứ tháng nào trước đó. Danh sách những tài khoản bị cấm vĩnh viễn bao gồm cả người mới chơi và cả những đại kiện tướng có điểm Elo cao.
Nhưng tại những giải đấu danh giá, các đại kiện tướng đã biết hầu hết những nước đi tối ưu cho mình, và sẽ chỉ cần được nhắc nước 1-2 lần là họ đã có thể xoay chuyển thế cờ. Đó là lý do việc bắt tận tay hành vi gian lận tại các giải đấu lớn vô cùng khó khăn.
Đại kiện tướng cờ vua Sutovsky gọi hành vi phi thể thao này là "gian lận thông minh", khi các kỳ thủ chỉ cần nhắc nước ở những thời điểm mấu chốt, thường là giữa ván đấu (thuật ngữ gọi là giai đoạn "mid-game"). Một người chơi không còn phải xin đi vệ sinh để tham vấn ý kiến phần mềm, mà một máy rung đặt trong người sẽ nhắc nước đi bằng những tín hiệu đã định trước. Thay vì dí tốt, một con mã được đưa về vị trí hiểm sẽ có thể giúp kỳ thủ gian lận chiếm thế thượng phong.
Magnus Carlsen, đại kiện tướng đang được cho là kỳ thủ vĩ đại nhất lịch sử, không có bằng chứng buộc tội Hans Niemann gian lận. Cộng đồng cờ vua tan đàn xẻ nghé để rồi chia thành hai luồng ý kiến: một bên là những người ủng hộ Niemann, khi nhận thấy không có bằng chứng rõ ràng cho thấy anh này gian lận. Dữ liệu lấy từ trận thắng Carlsen của anh cũng không cho thấy dấu hiệu gian lận, khi được thử bằng một số công cụ phát hiện gian lận có tiếng.
Mặt khác, nhiều kỳ thủ tên tuổi tin lời cáo buộc của đại kiện tướng số một thế giới, và rằng Carlsen có lý lẽ riêng của mình để dám đưa ra lời buộc tội như vậy. Carlsen thổ lộ một phần lý do trong một bài đăng Twitter hôm 27/9:
Nghi vấn tiếp tục đổ dồn khi cộng đồng nghe Niemann trả lời phỏng vấn sau trận đấu lịch sử. Anh nói rằng trong quá khứ, Carlsen đã có lần sử dụng thế cờ này, cụ thể là tại giải London Chess Classic 2018 khi đối đầu với Wesley So. Tuy nhiên, cả Magnus Carlsen và Wesley So đều đã không tham gia giải cờ vua nói trên. Chưa hết, Hans Niemann cũng thừa nhận anh đã từng hai lần gian lận trong quá khứ, khi vẫn còn là kỳ thủ trẻ người non dạ.
Ở thời điểm hiện tại, tổ chức FIDE đã vào cuộc, cử những chuyên gia giỏi nhất điều tra cáo buộc gian lận đang làm rúng động làng cờ vua thế giới. FIDE mong cộng đồng người chơi hãy dừng các cáo buộc lại, chờ tới khi sự thật được phơi bày và khi quá trình điều tra kết thúc.
*Cập nhật: Ngày 4/10/2022, đơn vị tổ chức điều tra Chess.com công bố báo cáo dài 72 trang cho thấy kỳ thủy người Mỹ Hans Niemann đã gian lận trong hơn 100 ván cờ. Cùng lúc đó, họ phát hiện ra ít nhất 10 đại kiện tướng trong top 100 đã gian lận, có 4 kỳ thủ đã thừa nhận hành vi phi thể thao của mình.
Trong khi đó, FIDE vẫn đang tiếp tục với những điều tra của mình với 3 chuyên gia cờ vua.
*Cập nhật: Ngày 9/11, ban tổ chức giải đấu Sinquefield Cup đã hoàn thành quá trình điều tra và khẳng định: không phát hiện thấy dấu hiệu gian lận của bất cứ kỳ thủ nào trong thời gian giải đấu diễn ra.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất