Nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính: Tiến sĩ kinh doanh mê sử Việt

26/10/2016 19:39 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 25/10, dù trời mưa dầm hiếm thấy ở thành phố phương Nam lớn nhất nước, nhưng tại Thư viện Tổng hợp TP.HCM, NXB Văn hóa Văn nghệ tổ chức buổi gặp gỡ giao lưu với nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính nhân dịp ông về Việt Nam vẫn rất đông cử tọa.

Bạn đọc mê truyện “chưởng”, biết đến nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính với một số bài dịch, khảo luận về các yếu tố văn hóa Trung Hoa trong tác phẩm của Kim Dung được nhiều người đón đọc.

“Lý lịch trích ngang” của nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính là sinh năm 1948 tại Sơn Tây. Sau đó ông vào học trường Chu Văn An và trường Quốc gia Hành chánh tại Sài Gòn. Ông sang Mỹ học Cử nhân Khoa học Quản trị Kinh doanh, Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh, Thạc sĩ Quản lý Hệ thống Thông tin, Tiến sĩ Quản trị Kinh doanh, ngành Quản lý và Ứng dụng khoa học máy tính.


Từ trái qua: TS Trần Đức Anh Sơn, TS Nguyễn Duy Chính, TS Nguyễn Thị Hậu làm thành một cuộc giao lưu “toàn tiến sĩ”

Tuy là tiến sĩ Quản trị kinh doanh (hiện cư ngụ tại Mỹ). Song vốn yêu thích đọc sách và nghiên cứu, trong hơn 10 năm trở lại đây, Nguyễn Duy Chính đã vào nhiều thư viện ở Mỹ khai thác được nhiều tư liệu quý bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, đặc biệt là khối tư liệu đồ sộ từ kho tàng thư tịch Trung Hoa như: Thượng dụ, Tấu triệp, Đáng án, Thực lục… có liên quan đến Việt Nam.

Tiến sĩ Chính khai thác những tư liệu gốc này qua sự phân tích tỉ mỉ và đối chiếu cẩn trọng với các tài liệu Việt Nam, phương Tây và một số nước trong khu vực. Ông nói: “Với quan điểm mới lạ hơn không có nghĩa là có những chi tiết khác thường mà là soi sáng thêm cho vấn đề ở một khía cạnh khác”.

Chính vì thế ông đã thực hiện một nghiên cứu lớn về triều đại Quang Trung - triều đại mà nhiều tài liệu trong giai đoạn lịch sử này bị mất mát hoặc sai lệch làm cho một số vấn đề về triều đại Quang Trung và lịch sử Việt Nam cuối thế kỷ XVIII có nhiều điều chưa được sáng tỏ. Chính vì thế, những ai muốn tìm hiểu về giai đoạn lịch sử này của dân tộc, có thể tìm đọc Nguyễn Duy Chính.


Một số tác phẩm của TS Nguyễn Duy Chính

Các tác phẩm được in từ 2015 đến nay của tiến sĩ Quản trị kinh doanh Nguyễn Duy Chính, như: Thanh – Việt nghị hòa: Tiến trình công nhận triều đại Quang Trung, Việt – Thanh chiến dịch, Giở lại một nghi án lịch sử “Giả vương nhập cận - có thực người sang Trung Hoa là vua Quang Trung giả hay không?”, Phái đoàn Đại Việt và lễ Bát tuần khánh thọ của vua Thanh Cao Tông, Đại Việt quốc thư, Núi xanh nay vẫn đó, Vó ngựa và cánh cung… do NXB Văn hóa Văn nghệ ấn hành.

Ngoài ra, nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính còn thực hiện cho ra Lê mạt sự ký – Sự suy tàn của triều Lê cuối thế kỷ XVIII do DT Books và NXB Khoa học Xã hội và cuốn sách biên khảo nhiều tác giả Đàng trong thời chúa Nguyễn do NXB Hội Nhà văn và Công ty Phương Nam ấn hành.

Lật lại 'nghi án' Vua Quang Trung sang Trung Quốc

Lật lại 'nghi án' Vua Quang Trung sang Trung Quốc

Người dẫn đầu phái đoàn Đại Việt đi sang Trung Hoa năm Canh Tuất là vua Quang Trung đã đi ngược lại với các tài liệu và sách vở trước nay vẫn cho rằng người dẫn đầu phái đoàn sang Trung Quốc năm ấy là một “Quang Trung giả”.

Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, Viện phó Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Đà Nẵng và Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã tham gia chủ tọa với nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính nhân dịp ông về TP.HCM và giao lưu khi sách đã in rồi.

Tại buổi giao lưu nhiều độc giả tỏ ra băn khoăn với nội dung khác với lịch sử của tập sách Giả vương nhập cận. Bởi nếu theo nội dung của tập sách này đưa ra thì người dẫn đầu phái đoàn Đại Việt đi sang Trung Hoa năm Canh Tuất (1790) là vua Quang Trung đã đi ngược lại với các tài liệu và sách vở trước nay vẫn cho rằng người dẫn đầu phái đoàn sang Trung Quốc năm ấy là một “Quang Trung giả”.

Trả lời cho thắc mắc này, Tiến sĩ Nguyễn Duy Chính cho biết: "Cuốn sách này là cuốn sách mỏng nhất trong các cuốn tôi đã xuất bản nhưng tôi phải mất 15 năm để hoàn thành.

Đây là thời gian tôi đi thu nhập các tài liệu gốc trong sự kiện phái đoàn ngoại giao sang Trung Hoa năm 1790. Trong đó toàn là các tài liệu mật, những văn thư gốc, văn thư bản sảo, văn thư sao phê của nhà vua Trung Hoa… Tôi không viết theo hướng của người Trung Hoa mà đi vào tài liệu gốc để có cái nhìn khách quan nhất.

Đặc biệt, để biết Đại Việt nước ta khi đó đã phải đấu trí với triều đình nhà Thanh ra sao, biết được tình hình, chính sách ngoại giao giữa Đại Việt và Trung Hoa thời đó như thế nào”.

Theo Hoàng Tuyết (Báo Tin Tức)

Trạc Tuyền
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm