Tiến sĩ thần học Frei Betto: 'Fidel, người bạn của tôi'

03/12/2016 19:03 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - "Thế là tôi đã mất đi một người bạn lớn. Tôi vừa gặp ông lần cuối cùng ngày 13/8 trong buổi mừng sinh nhật ông tròn 90 tuổi. Ông tiếp tôi ở nhà riêng và buồi chiều hôm ấy chúng tôi cùng ra Nhà Hát Karl Marx ở khu Miramar, dự buổi hòa nhạc mừng thọ Người"... Đó là lời mởi đầu bài viết mới nhất của Tiến sĩ Frei Betto ngay sau khi nghe tin lãnh tụ Cuba, người bạn thân thiết của ông đã rời bỏ cuộc sống trần gian.

Lời người dịch: Sự ra đi của lãnh tụ Cuba Fidel Castro Ruz ở tuổi 90 đã để lại niềm tiếc thương vô hạn. Nhiều nước, trong đó có Việt Nam tổ chức Quốc tang để tưởng nhớ Người.

Giờ đây, những ký ức lịch sử hào hùng về những ngày "Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình" lại dội về, cùng với đó là những kỷ niệm son sắt, thủy chung vô bờ bến giữa hai nước. Và đặc biệt, trong những ngày này, chủ nghĩa anh hùng cách mạng lại được thổi bùng xung quanh hình tượng Fidel Castro – người anh hùng của Mỹ Linh, biểu tượng của cách mạng thế giới.

Thầy dòng Frei Betto, Tiến sĩ thần học người Brazil, một nhà văn cánh tả theo thuyết thần học giải phóng, một người bạn thân thiết của lãnh tụ Cuba Fidel Castro. Ông là tác giả của trên 50 đầu sách về văn học, tôn giáo, chính trị, xã hội, trong đó tác phẩm “Fidel Castro và Tôn giáo”, là kết quả của 23 tiếng đồng hồ phỏng vấn, chuyện trò và thảo luận cùng “Huyền thoại sống” Fidel castro.

Dưới đây là bài viết mới nhất của Tiến sĩ Frei Betto ngay sau khi nghe tin lãnh tụ Cuba, người bạn thân thiết của ông đã rời bỏ cuộc sống trần gian…

Phạm Đình Lợi

(dịch từ tiếng Tây Ban Nha)


"Thế là tôi đã mất đi một người bạn lớn. Tôi vừa gặp ông lần cuối cùng ngày 13/8 trong buổi mừng sinh nhật ông tròn 90 tuổi. Ông tiếp tôi ở nhà riêng và buồi chiều hôm ấy chúng tôi cùng ra Nhà Hát Karl Marx ở khu Miramar, dự buổi hòa nhạc mừng thọ Người.

Mặc dù ông đi lại đã yếu nhiều, nhưng ông vẫn tự mình đi từ ngoài cửa chính vào tận chỗ ngồi của mình.


Tác giả Frei Betto (trái) và lãnh tụ Fidel Castro

Fidel mất, vậy là nhân vật ví đại cuối cùng của thế kỷ 20 đã ra đi và ông cũng là người duy nhất trải qua hơn 50 năm với chính sự nghiệp cách mạng của Cuba. Nhờ có cuộc cách mạng ấy, một hòn đảo nhỏ bé đã không còn là chốn ăn chơi của vùng Caribe do các nhóm Mafia độc quyền khai thác, để trở thành một đất nước được tôn trọng, có chủ quyền và giàu tinh thần đoàn kết.

Đất nước ấy từng hào hiệp gửi những người con ưu tú của mình là những thầy thuốc, thầy giáo đến hơn một trăm quốc gia trên thế giới, trong đó có cả Tổ quốc Brazil yêu mến của tôi.

Tôi có dịp làm quen với Fidel năm 1980 ở Managua (Nicaragua). Điều đầu tiên tôi chú ý khi thoạt nhìn thấy ông là tầm vóc đồ sộ khác thường. Có vẻ như ông cao lớn hơn trong cái nhìn của tôi, mà dường như là vì bộ quân phục màu xanh ô liu ông mặc, nó  toát lên cái gì đó như là biểu tượng của uy quyền và sự quyết đoán.

Khi ông bước vào, tôi có cảm tưởng hình như tất cả những chiếc ghế trong phòng đều quá nhỏ bé, và hình bóng của ông như bao trùm khắp cả khán phòng im phăng phắc.

Mọi người hướng về ông như chờ đợi một cử chỉ, một lời nói, một sự mở đầu, một sáng kiến hay một ý tưởng nào đó, trong khi ông lại cứ tưởng như mình cũng chỉ là một người giống bao người khác vừa xuất hiện và cũng phải được đối xử bình thường, không nghi thức lễ tân gì hết.

Giống như lời một bài hát của Cole Porter, lẽ ra ông nên tự hỏi xem phải chăng là người ta sẽ cảm thấy sung sướng hơn khi chỉ đơn giản là một con người của đồng quê thuần phác, chứ không phải khoác lên mình ánh hào quang của một vĩ nhân.

Văn hào Gabriel García Márquez, một người bạn thân thiết của Fidel, viết ở đâu đó rằng có lần ông đã hỏi: anh cảm thấy thiếu thốn gì chăng? Và Fidel đã trả lời ngay như không cần suy nghĩ: Tôi chỉ muốn được đứng im lặng một mình dưới góc đường kia!

Một chi tiết rất đáng ngạc nhiên nữa mà tôi nhận thấy đó là âm hưởng giọng nói của Fidel. Giọng nói khàn khàn, mỏng manh ấy như trái ngược với thân hình cường tráng của ông... Đôi lúc ông nói nhỏ nhẹ đến mức người đối thoại phải thật chú ý mới nghe rõ.

Và khi đang nói ông không thích bị ngắt lời. Nhưng ông lại không phải là người chỉ biết nói lấy được. Tôi chưa từng thấy có ai thích đối thoại, chuyện trò như ông. Fidel hiếm khi tiếp ai mà mà lại chỉ nói dăm câu ba điều trong mười hay hai mươi phút hoàn toàn theo nghi thức lễ tân cứng nhắc..

Theo lời mời của các Cha bề trên ở Cuba và của chính Fidel, tôi đã có những buổi thuyết trình về vấn đề tự do tín ngưỡng ở Cuba, nhờ vào việc đã phỏng vấn Người trong nhiều giờ và soạn thành tác phẩm “Fidel và Tôn giáo”, trong đó cho thấy nhà lãnh đạo cộng sản Cuba đã đánh giá một cách tích cực đối với hiện tượng tôn giáo.

Tôi không thể nhớ được là mình đã có bao nhiêu cuộc nói chuyện riêng với Fidel. Có  điều lạ là một người luôn say sưa và có thể nói hàng ba bốn tiếng đồng hồ trước đám đông như ông lại cũng có thói quen giống tôi, tức là rất ghét nói chuyện bằng điện thoại. Trong những lần ít ỏi tôi nhìn thấy ông cầm điện thoại trên tay thì gần như chỉ là trong giây lát.

Những cuộc đi lại thường xuyên của tôi từ Brazil tới Cuba đã giúp cho quan hệ bạn bè giữa tôi và ông ngày càng thân thiết.

Lãnh tụ Cuba Fidel Castro: 'Kỳ tích là vẫn còn sống'

Lãnh tụ Cuba Fidel Castro: 'Kỳ tích là vẫn còn sống'

Sự ra đi của lãnh tụ Cuba Fidel Castro đã để lại niềm tiếc thương lớn đối với nhiều người Việt Nam cũng như nhân dân các nước trên thế giới.


Trong "Lời tựa" mà ông đã hào phóng dành thì giờ viết cho một quyển sách của tôi vừa được Nhà sách “Văn Minh Brazil” ấn hành vài tuần trước đây, Fidel đã nhấn mạnh rằng ông luôn luôn bảo vệ Cuba mà không từ bỏ việc ủng hộ những quan điểm khác biệt hoặc thậm chí bất đồng với suy nghĩ của mình. Vào thời kỳ những năm 80 thế kỷ trước, khi tôi từng bày tỏ những ý kiến phê phán, chỉ trích đối với Cách mạng, Fidel đã nói “Đấy là quyền của anh, hơn thế nữa, đó là nghĩa vụ anh phải làm”.

Tất cả những lần tôi đến thăm ông ở nhà riêng khi Fidel không còn đảm nhiệm các chức vụ nhà nước, tôi thường mang đến loại sôcôla đắng và hạnh nhân, những món giản dị mà ông thích, cùng với những quyển sách mới xuất bản về vũ trụ luận và vật lý thiên văn bằng tiếng Tây Ban Nha.

Chúng tôi nói chuyện về tình hình quốc tế, về việc ông rất khâm phục  Giáo Hoàng Francis, và đặc biệt là các đề tài liên quan đến lý thuyết về vũ trụ học.

Tôi kể cho Fidel nghe việc đến thăm Oscar Niemeyer, trước khi kiến trúc sư trên trăm tuổi này mất ít lâu và nghe ông ấy nói rằng hàng tuần vẫn tụ tập một số bạn bè ở văn phòng để nghe giảng về vũ trụ luận.

Rồi tôi nói với Fidel rằng việc hai người cộng sản nổi tiếng (Niemeyer và Fidel - ND) cúng say sưa với lý thuyết về vũ trụ như thế làm tôi nhớ đến một cảnh trong phim “Lý thuyết về chỉnh thể”, trong đó nhân vật chính đóng vai nhà vật lý lừng danh người Anh Stephen Hawking, khi còn học ở Đại hoc Cambridge, đã hỏi cô bạn người trong mộng của mình: "Em học môn gì?". Nàng trả lời: "Em học Sử". "Thế anh học gì?" - nàng họi lại. "Vũ trụ luận" - chàng đáp. "Vũ trụ luận là cái gì"? Chàng trai trẻ Hawking bèn trả lời: "Đấy là tôn giáo của những kẻ vô thần thông minh"!

Tôi hiểu rằng Fidel, một cậu học trò nội trú ở trường Dòng trong mười năm, đã rời bỏ đức tin Thiên chúa giáo để chuyển sang say mê chủ nghĩa Marx. Trong những năm gần đây tôi lại có ấn tượng rõ ràng rằng ông dường như trở về với Bất khả tri luận.

Nhiều lần khi tạm biệt nhau, Fidel hay dùng câu: Hãy cầu chúa cho chúng ta! Tôi tin rằng Fidel đã có những trải nghiệm thú vị trong quan niệm nhất quán nhưng không bất biến về đời sống của mình.

Frei Betto (Brazil)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm