05/08/2019 11:30 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - “Đường Cổ Ngư xưa” trong bài hát Hà Nội mùa vắng những cơn mưa của Trương Quý Hải chính là đường Thanh Niên ngày nay. Con đường thơ mộng nổi tiếng với chùa Trấn Quốc, đền Thủy Trung Tiên, nhà hàng bánh tôm Hồ Tây, với một bên là Hồ Tây bao la sóng vỗ, một bên là hồ Trúc Bạch thơ mộng. Đây cũng là không gian thấm đẫm lịch sử Hà Nội.
Xem chuyên đề "Mọt sách, mọt sử, mọt phim tại đây"
Đường Thanh Niên xưa gọi là Cổ Ngư có nghĩa là giữ vững. Sách Long thành dật sử cho rằng Cổ Ngư là do Cổ Ngự mà ra. Đường bắt đầu từ đầu ô Yên Hoa kéo xuống đến đền Quán Thánh.
Thân phận cung nữ và hồ Trúc Bạch
Trước hết nói về Hồ Trúc Bạch. Hồ này xưa thuộc địa phận làng Trúc Yên, một làng có nghề biên mành trúc. Thời Lê - Trịnh, chúa Trịnh Giang (1711-1762) đã xây một khu để nghỉ ngơi bên hồ nhưng sau biến nó thành lãnh cung gọi là Trúc Tầm viện. Những cung nữ thất sủng bị đưa ra đây tự lao động để sinh sống bằng nghề chăn tằm dệt lụa, ôm đau đớn, tủi hổ làm lụng chờ ngày được chúa tha về.
Lạ thay các tấm lụa do cung nữ dệt ra rất đẹp, trở nên nổi tiếng.
Lụa làng Trúc vừa thanh vừa bóng
May áo chàng cùng sóng áo em
Chữ tình gắn với chữ duyên
Xin đừng thay áo mà quên lời nguyền
Cái tên Trúc Bạch từ Trúc Tầm viện mà ra.
Cạnh hồ Trúc Bạch, có làng Ngũ Xã là nơi nổi tiếng về nghề đúc đồng, thờ tổ nghề. Xưa có lò đúc tiền của các triều đại quân chủ. Hương cống Đoàn Nguyễn Tuấn (1750-?), hiệu Hải Ông, đỗ Hương cống đời Lê, làm quan thời Tây Sơn. Đoàn Nguyễn Tuấn để lại một tập thơ chữ Hán Hải Ông thi tập trong đó có nhiều bài thơ ca ngợi cảnh vật đất Thăng Long. Bài thơ Trúc Bạch tiền lô bằng chữ Hán của ông như sau:
Cửu trùng cận niệm dụ dân đồ,
Tiền hóa lưu thông Trúc Bạch lô.
Nhân tại kiều đầu hô tống thán,
Hỏa tòng sa thượng xuất phi phù.
Tằng tằng yên trảo Long Châu tự,
Hạo hạo tuyền lưu Mã Cảnh hồ.
Tuế nguyệt phương viên công khóa túc,
Yêu chiền hà tất thướng Dương Châu.
Tạm dịch: Trên cửu trùng (nhà vua) tính kế cho dân đầy đủ. Đồng tiền lưu thông trong nước từ lò Trúc Bạch. Người trên đầu cầu gọi than đưa tới. Lửa từ trên cát tung đàn ve bay. Lớp lớp khói phủ lên chùa Châu Long (gần chợ Châu Long ngày nay). Mênh mông suối chảy vào hồ Cổ Ngựa (khu vực phố Hàng Than ngày nay). Năm tháng vuông tròn, thuế công nạp đủ. Lưng đeo tiền hà tất phải lên Dương Châu. (Phan Trọng Chánh dịch và chú giải).
Có lẽ là hồ phụ và cũng vì Hà Nội có quá nhiều hồ nên Trúc Bạch gần như không được để ý. Hiếm thấy thơ ca về hồ này. Trong các lần quy hoạch mở rộng Hà Nội chính quyền cũng không quan tâm. Chỉ đến quy hoạch năm 1943, hồ mới được đưa vào quy hoạch trong đó có kè bờ và làm đường vòng quanh. Vì quy hoạch cần phải có một cái tên nên các kiến trúc sư đặt tên tạm thời là phố Hai Bà. Thế nhưng quy hoạch này không được thực hiện.
Năm 1936, Hội Thể thao Bắc Kỳ tổ chức chợ phiên ở đầu đường Cổ Ngư phía hồ Trúc Bạch thu hút rất đông người tới mua bán và tham gia các trò giải trí trong đó có thi bơi dành riêng cho phụ nữ. Có lẽ những người tổ chức được sự khích lệ của phong trào “vui vẻ trẻ trung”, song sự kiện như thách thức dư luận xã hội lúc bấy giờ vì quan niệm của Nho giáo coi nhẹ vai trò phụ nữ vẫn bao trùm xã hội.
Thế nhưng vượt lên định kiến cuộc thi vẫn thu hút các cô gái có tư tưởng tiến bộ tham gia. Về nhất cuộc thi bơi này là Vũ Thị Quang nhà ở 54bis phố Trúc Bạch. Thấy kết quả hội chợ rất tốt, Hội Thể thao Bắc Kỳ đã lập chi nhánh bơi lội ở hồ Trúc Bạch. Tuy nhiên vì hồ nông, nước cũng không sạch, lại thêm quanh năm nhà máy điện Yên Phụ xả nước nóng ra đây nên mùa Hè nước đã nóng lại nóng hơn nên đã không thu hút được người ham thích.
Thêm nữa chuyện cô Nghĩa, người phố Trúc Lạc được báo chí gọi là “nữ lưu tân tiến” trong nhóm “Tiểu thư đi bộ Hà Nội - Chùa Trầm” bị chết đuối do lật thuyền thoi, do vậy chỉ tồn tại một thời gian, câu lạc bộ này phải đóng cửa.
Sau Giải phóng Thủ đô, người ta lên kế hoạch sửa sang lại đường Cổ Ngư và bờ hồ Trúc Bạch đồng thời cũng dự kiến xây nhà hát ngoài trời mang tên Nhà hát Nhân dân ở cuối phố Phó Đức Chính. Sân khấu của nhà hát nằm trên mặt hồ Trúc Bạch.
Tuy nhiên, mới chỉ làm được một việc là mở rộng đường Cổ Ngư. Và cũng từ năm này, bán đảo Ngũ Xã trở thành nơi đổ xỉ than của Nhà máy điện Yên Phụ. Khi Mỹ đánh bom miền Bắc và Hà Nội, phía Nam hồ có trận địa phòng không bảo vệ nhà máy điện. Trong bản quy hoạch Hà Nội năm 1943, hồ có diện tích 29,6 ha. Sau khi kè hồ năm 2000, diện tích hồ hiện chỉ còn còn 22ha mất gần 1/4 diện tích.
Từ Cổ Ngư đến đường Thanh Niên
Về sự hình thành Cổ Ngư, Đại Việt sử ký chép: “Năm 1427 Bình Định Vương Lê Lợi sai đắp đường từ Yên Hoa xuống Cửa Bắc thành Đông Quan để tấn công quân Minh bị vây trong thành”.
Năm 1514 vua Lê Tương Dực sai mở rộng thành Thăng Long trong đó đắp tường bao quanh cả quán Trấn Vũ. Sử cũ cũng chép năm 1640, dân mấy làng ven hồ cùng nhau đắp thêm tạo ra một cái đập để thuận tiện cho việc bắt cá ở Hồ Tây và Trúc Bạch.
Khi chính phủ Pháp tổ chức đấu thầu phá tường thành Hà Nội sau đó xây dinh toàn quyền thì Cổ Ngư lại được chú ý. Khi đắp đê Yên Phụ họ cũng mở rộng Cổ Ngư, cho trồng phượng dọc hai bên đường, cho lắp hàng đèn đốt bằng khí đất đèn thắp sáng vào ban đêm.
Tối tối, người của Sở Lục lộ đi mở van dẫn khí từ dưới chân cột lên đèn rồi châm lửa. Trước đó, khi màn đêm buông xuống, thành phố bị bóng đen bao phủ nay có đèn đường đã tạo ra các hoạt động đô thị buổi tối là bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển Hà Nội. Ánh sáng khiến hồ Tây và Trúc Bạch lung linh và huyền ảo hơn.
Thời Pháp thuộc Cổ Ngư mang tên thống chế Lyoutey nhưng người Hà Nội vẫn gọi là Cổ Ngư.
Năm 1957, thành phố quyết định mở rộng Cổ Ngư thành đường đôi. Tham gia xây dựng là hàng vạn thanh niên các cơ quan nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn Hà Nội, họ thực hiện nghĩa vụ lao động với tinh thần xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ngày Chủ nhật, nghìn nghịt trai gái, kẻ gánh người đẩy xe cải tiến chở đất từ bãi sông Hồng vào đắp đường. Giờ nghỉ giải lao, có nghệ sĩ kéo đàn động viên. Vì đất bãi là cát và phù sa nên người ta cho vật đất dưới hồ đắp hai mép. Vì đường có công sức của hàng vạn thanh niên, nên đã đặt tên là đường Thanh Niên.
Thời bao cấp, đường Thanh Niên là nơi tình tự của giới trẻ. Thập niên 1970, 1980, tối mùa Hè nóng bức hay mùa Đông lạnh giá, gió hồ thổi thấu da, dù “áo chăn chưa ấm thân mình” họ vẫn ở đây bên nhau. Trải tấm áo mưa, đôi nọ sát đôi kia ngồi ghì nhau. Thời bao cấp, vào những ngày trời đẹp đứng ở đường Thanh Niên có thể nhìn thấy núi Ba Vì mờ mờ.
Cuối đường Thanh Niên, gần đền Quán Thánh có ngôi biệt thự với kiến trúc gô-tíc rất đẹp. Chủ nhân ban đầu của biệt thự này là chủ nhà máy gạch Quán Thánh. Sau 1954, biệt thự được phân cho nhiều cán bộ và trở thành khu tập thể. Đầu những năm 2000 còn nhìn thấy mái biệt thự nhưng đến năm 2011 thì không nhìn thấy nữa vì mặt tiền bị cơi nới, xây mới.
(Còn nữa)
Nguyễn Ngọc Tiến
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất