08/07/2019 19:19 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Tiếp theo bài “Vệ sinh môi trường - bài toán ngàn năm” (Thể thao & Văn hóa, 1/7), nhà Hà Nội học Nguyễn Ngọc Tiến lược khảo về 2 con sông ở Hà Nội, trong đó sông Thiên Phù đã đi vào ký ức, còn sông Nhuệ cũng có một lịch sử khó tin.
Xem chuyên đề "Mọt sách, mọt sử, mọt phim tại đây"
1. Thiên Phù là dòng sông cổ ở phía Tây Bắc Kinh thành Thăng Long. Thiên Phù là chi lưu của sông Hồng vì bắt nguồn từ sông Hồng ở đoạn giữa hai làng Phú Xá (nay thuộc phường Phú Thượng) và làng Nhật Tân (nay thuộc phường Nhật Tân) chảy xuôi qua làng Xuân Đỉnh, Xuân La thì một nhánh chảy vào phía Tây qua Cổ Nhuế hòa dòng với sông Nhuệ, một nhánh chảy xuống phía nam, qua Bái Ân đến vùng Nghĩa Đô hợp lưu với Tô Lịch ở Yên Thái. Khu vực hai con sông gặp nhau nay chính là Chợ Bưởi.
Ở phía sau đình Quán La (nay thuộc phường Xuân La) có một cái động gọi là động Thông Thiền ăn ra sông Thiên Phù. Theo dân gian, vào mùa nước thả quả bưởi từ động Thông Thiền khi nước rút sẽ thấy quả bưởi trôi ra sông Thiên Phù.
Vào những năm lũ lớn, cùng với sông Hồng, sông Tô Lịch, nước sông Thiên Phù cũng gây ra lũ lụt trong kinh thành. Đại Việt sử ký chép: “Năm 1078 nước sông tràn vào cửa Đại Hưng, năm 1128 kinh thành bị lụt lớn, năm 1243 kinh thành nhiều chỗ bị ngập, năm 1265 nước ngập phường Cơ Xá (tương ứng với Phú Thượng, Nhật Tân, Tứ Liên hiện nay), năm 1270, nước to đi lại trong kinh thành phải dùng thuyền”. Đại Việt sử ký cũng chép: “Năm 1108 vua Lý Nhân Tông cho đắp lại đê Cơ Xá; năm 1248 vua Trần Thái Tông đắp đê Quai Vạc”.
Tuy nhiên, trong bản đồ vẽ thành Trung Đô thời Hồng Đức (nửa cuối thế kỷ 15) và một số bản đồ thời Lê Trung hưng vẫn còn thấy sông Thiên Phù. Trong bài minh khắc trên tấm bia đá Vĩnh Tộ ngũ niên (1623) tại làng Võng Thị cũng có câu: Tích hồ khâm giang (Mặt hồ là chiếu, dòng sông là dải áo) để nói lên hình thế hồ Tây và sông Thiên Phù ở vùng này.
Như vậy dầu thế kỷ 17 sông Thiên Phù vẫn tồn tại nhưng không rõ nó còn rộng như thời Lý không. Vào năm Cảnh Hưng (1747), Chúa Trịnh đã ra lệnh chỉ cho làng Bái Ân được canh tác trên các khoảng ao và ruộng trũng vốn là sông Thiên Phù lấy hoa lợi dùng vào việc thờ cúng thành hoàng. Điều đó có nghĩa dòng sông Thiên Phù bị lấp. Nguyên nhân do sông Hồng đổi dòng nên cát bồi lấp cửa sông khiến sông trở thành sông chết. Theo thời gian, dân lấp hồ lấp đất canh tác. Sau này một vài hồ còn sót lại ở Xuân La, Bái Ân chính là dấu tích của Thiên Phù xưa.
Thiên Phù là con sông quan trọng cuộc chiến đấu chống ngoại xâm. Hồi đầu Công Nguyên, các tướng lĩnh của Hai Bà Trưng cho luyện thủy binh ở cửa sông Thiên Phù. Và cũng tại cửa sông này đã diễn ra các trận chiến của Hai Bà Trưng với quân nhà Hán. Thiên Phù cũng là đường giao thông thủy thuận tiện cho chuyên chở hàng hóa. Cây dó để dân làng Yên Thái làm giấy là từ vùng trung du đưa về, nó được vận chuyển từ sông Hồng vào Thiên Phù sau đó tập kết ở bến của làng, rất thuận tiện cho các hộ làm giấy.
2. Khi Thiên Phù không còn, để có nước phục vụ nông nghiệp, năm 1935, chính phủ thuộc địa đã phải cho đào sông Nhuệ bắt đầu Liên Mạc nối với sông Nhuệ (thời kỳ này sông Nhuệ là sông chết vì không còn nguồn cung cấp nước) ở Cổ Nhuế. Đây là một chuyện ít biết trong lịch sử sông Nhuệ.
Chúng ta đều biết, sông Nhuệ ngày nay dài khoảng 76km bắt đầu từ cống Liên Mạc (thuộc phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) và điểm cuối cùng là cống Phủ Lý (thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) khi hợp lưu với sông Đáy. Rất nhiều đoạn trên địa phận Hà Nội được đào mới nên người ta gọi sông Nhuệ là sông đào.
Theo sách Đại Nam nhất thống chí, sông Nhuệ là chi lưu của sông Đáy lấy nước từ đầm Bát Long ở làng Hạ Mỗ (xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng), chảy ngược lên phía Tây Bắc qua Tây Tựu, Phú Diễn… của huyện Từ Liêm đến Thôn Trù 2 lại quặt xuống hướng Đông Nam. Sông đã mang lại sự thịnh vượng cho những nơi nó chảy qua và làm giàu thêm văn hóa dân gian các địa phương này. Cũng từ bến sông làng, lụa Vạn Phúc (phường Vạn Phúc) theo thuyền buôn tỏa đi khắp nơi để rồi thiên hạ biết đến một làng lụa ven sông thơ mộng.
Thế nhưng, khi cửa sông Đáy với sông Hồng là Hát Môn bị cát bồi lấp thì sông Đáy bị mất một nguồn cấp nước từ sông Hồng. Sông này chỉ còn nguồn nước từ các nhánh ở phía hữu ngạn từ Hòa Bình, vì thế sông Nhuệ cũng không còn nguồn cung nước đã trở thành “con sông chết” từ thế kỷ 19.
Vì sông Nhuệ là “sông chết” và sông Thiên Phù lấy nước sông Hồng ở cửa Nhật Tân chảy qua Xuân La, Xuân Đỉnh gặp sông Nhuệ ở Thôn Trù 2 (nay thuộc phường Cổ Nhuế 2) cũng không còn khiến cả vùng Tây Bắc Hà Nội không có nước để sản xuất nông nghiệp. Khi đê Liên Mạc vỡ, nước lũ không có đường tiêu thoát khiến cả vùng rộng lớn từ Chèm, Vẽ kéo xuống tới Phú Diễn bị úng nước gần một tháng.
Để có sông cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và tiêu úng, năm 1935, Chính phủ Bảo hộ đã cho đào sông bắt đầu từ Liên Mạc chạy thẳng xuống Thôn Trù 2 và gọi là sông Nhuệ mới.
Chiều rộng của sông Nhuệ mới rộng hơn 100m, hai bên bờ có đê bao. Tại Liên Mạc có hệ thống cống. Mùa khô người ta mở cửa cống cho nước sông Hồng chảy vào và đóng cống khi mùa mưa. Công trình hoàn thành sau 4 năm đào đắp chủ yếu bằng sức người. Cùng với đào mới, dự án cũng cho mở rộng hai bên sông Nhuệ cũ từ Thôn Trù 2 kéo dài xuống tận Phủ Lý đã làm hồi sinh “con sông chết” trong nhiều năm.
Ngày nay, sông Nhuệ bị ô nhiễm nặng, cho nên hình ảnh con sông quê thơ mộng của Hà Nội chỉ thi thoảng mới gặp trong mùa mưa khi nước dâng lên “thau rửa” sạch sẽ lòng sông bẩn thỉu.
Chiến dịch “diệt chuột” tại Hà Nội hơn 100 năm trước Một sự kiện khác liên quan đến môi trường và bệnh tật ở Hà Nội chấn động tới cả nước Pháp thời bấy giờ, đó là thông tin trong những kiện hàng của Ấn Độ chở bằng tàu biển đến Hà Nội dự triển lãm Kinh tế Đông Dương năm 1902 có chuột. Những con chuột này đã chui vào các thùng hàng và được tàu biển đưa sang Hà Nội. Khi người ta dỡ hàng, chuột bò ra ngoài, gặp điều kiện thời tiết thuận lợi chúng sinh sôi nẩy nở thành đàn. Nước Pháp chấn động vì họ sợ những con chuột đó sẽ gây bệnh cho người Pháp sống ở Việt Nam, bởi lẽ trước đó loài chuột này đã gây ra dịch bệnh trên diện rộng ở Ấn Độ. Để ngăn chặn, ngày 23/4/1902 tức là 6 tháng trước khi khai mạc triển lãm, chính quyền Hà Nội đã trả 4 xu cho ai giết và bắt được 1t con chuột mang nộp cho cảnh sát. Sự “láu cá” của người Việt khiến chính quyền phải hạ giá xuống 1 xu 1 con. Hạ giá vì nhiều người coi đây là cơ hội kiếm tiền đã đi ra các vùng xa săn chuột mang về. Lại có người tổ chức nuôi chuột cấp tốc. Số chuột nộp cho cảnh sát tăng lên vù vù và chính quyền lại tiếp tục hạ xuống 1 xu 5 con. Giá cả bèo bọt nên dân chúng không nộp chuột nữa. Năm 1903 dịch bệnh xuất hiện. Lo sợ dịch lan ra khắp thành phố, 15 ngày sau họ lại tăng lên 1 xu 2 con rồi 1 xu 1 con nhưng dân làm ngơ. Hoảng hốt trước thái độ của dân chúng, ngày 4/2/1904 chính quyền tăng lên 3 xu 1 con. Đến ngày 22/2/1904 họ tăng lên 4 xu 1 con, lúc này dân mới nộp số chuột họ nuôi trong nhà. Để ngăn chặn việc vận chuyển chuột từ những vùng không được thưởng vào Hà Nội để trục lợi, chính quyền ra lệnh phạt nặng và bỏ tù nếu bắt được. Kết quả là chấm dứt được tình trạng buôn chuột lậu. cùng nhờ sự cố gắng của các bác sĩ dịch tễ, dịch lắng xuống, chính quyền thở phào vì không phải mất tiền mua chuột. Khi Pháp chiếm Bắc Kỳ, họ vận chuyển hàng hóa từ Pháp qua cảng Hải Phòng, những chú chuột giống châu Âu to tướng đang kiếm ăn trong các thùng hàng bị cẩu xuống tàu. Một chuyến du lịch miễn phí đưa chúng đến một vùng đất mới lạ. Khi lên bờ, chúng buộc phải thích nghi với khí hậu, thời tiết và cả thức ăn ở Việt Nam. Nhờ sức sống mãnh liệt, loài chuột này nhanh chóng phát triển. Do không có khả năng đào hang như chuột nhà và chuột đồng, chúng chui xuống cống rãnh và sống ở đó. Vì thế dân đặt tên cho loài chuột châu Âu này là chuột cống. |
(Còn nữa)
Nguyễn Ngọc Tiến
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất