Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018: Đề thi Khoa học Xã hội góp phần thay đổi cách dạy và học

27/06/2018 15:18 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 27/6, các thí sinh đã hoàn thành bài thi cuối cùng của kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 – bài thi Khoa học Xã hội (Lịch sử - Địa lý – Giáo dục công dân). Rời khỏi phòng thi, nhiều thí sinh “thở phào” nhẹ nhõm khi đã kết thúc những ngày thi căng thẳng, cùng chờ đợi điểm thi được công bố vào ngày 11/7. Dự kiến, trong ngày 27/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ công bố đáp án chính thức các môn thi.

Đề thi đòi hỏi học sinh tư duy

Kết thúc bài thi cuối, nhiều thí sinh cho biết, môn thi thành phần đầu tiên là môn Sử, đề khá khó, thí sinh cần tư duy mới có thể làm được chứ không đơn thuần là học thuộc lòng. Đến môn thi Địa lý, đề có phần “dễ thở” hơn khi nhiều câu có thể sử dụng Atlat là trả lời được.

Thí sinh Hoàng Nhung, điểm thi Trường Trung học Cơ sở Phan Đình Giót, Hà Nội chia sẻ: Bài thi Khoa học Xã hội chỉ là bài thi điều kiện để xét tốt nghiệp nên em thấy không quá áp lực. Với môn Lịch sử, đề thi năm nay chủ yếu là kiến thức của lớp 12, đặc biệt nói về các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, còn kiến lớp 11 chỉ có khoảng 7-8 câu hỏi. Đề Địa lý tương đối dễ, chỉ cần khai thác tốt Atlat thì có thể lấy được điểm cao.

Nhận xét chung về đề thi các môn của kỳ thi năm nay, Hoàng Nhung cho rằng: So với năm trước, đề  thi có khó hơn nhưng nếu chỉ xét tốt nghiệp thì các bạn có thể dễ dàng vượt qua. Còn để xét tuyển vào đại học, cao đẳng đòi hỏi phải ôn tập nhiều hơn, nội dung kiến thức ôn tập rộng hơn, vận dụng tư duy và sự hiểu biết xã hội mới có thể đạt điểm cao.

Chú thích ảnh
Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Thăng Long, Hai Bà Trưng (Hà Nội) trước giờ làm bài môn thi Tổ hợp Khoa học xã hội. Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN

Em Vũ Thùy Linh, điểm thi Trường Trung học Phổ thông Hà Nội - Amsterdam cho rằng: Đề thi môn Địa lý và Giáo dục công dân vừa sức, vận dụng nhiều tình huống trong thực tế nên học sinh có thể làm được bài mà không cần nhớ kiến thức máy móc. Sau khi hoàn thành các môn, em khá hài lòng với bài làm của mình.

Em Phạm Quốc Anh, điểm thi Trường Trung học phổ thông Hà Nội – Amsterdam cho biết: Môn Giáo dục công dân có một số câu khó, nhất là ở những câu hỏi về pháp luật và quyền công dân. Em không đầu tư nhiều thời gian để ôn tập môn này nên bài làm chỉ đạt mức trung bình. Với các môn thi khác, đặc biệt là những môn lấy điểm xét tuyển sinh vào đại học, việc ra đề có sự phân hóa cao như năm nay sẽ giúp các trường tốp trên dễ chọn lọc được thí sinh.

Học sinh phải hiểu bản chất mới có thể làm  bài tốt

Cô Lê Thị Mỹ Dung, giáo viên Trường Trung học Phổ thông Phan Đình Phùng (Hà Nội) nhận xét: Năm nay là năm đầu tiên học sinh phải thi cả phần kiến thức lớp 11 nên bắt buộc các em phải học thật sự, có thái độ nghiêm túc với môn học mới có thể làm tốt được bài. Đề thi năm nay, học sinh cần hiểu bản chất các sự kiện lịch sử, vấn đề lịch sử là có thể làm bài tốt mà không cần ghi nhớ máy móc các ngày tháng, mốc thời gian…Là giáo viên giảng dạy bộ môn, cô Mỹ Dung cho rằng, với cách thi hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang dần trả lại vị thế cho bộ môn Lịch sử.

Trong đề thi, từ câu 1-24 chủ yếu ở hai mức độ là nhận biết và thông hiểu, dành cho học sinh có học lực trung bình, trung bình khá, học sinh dễ dàng đạt từ 5-6 điểm. Từ câu 25-40, mức độ khó tăng dần, dành cho học sinh có học lực khá, giỏi; đặc biệt, 4 câu cuối dành cho học sinh giỏi, dùng xét tuyển đại học. Để đạt điểm tuyệt đối, đòi hỏi học sinh phải có kiến thức lịch sử sâu, rộng, biết vận dụng, liên hệ tốt.

Chú thích ảnh
Các thí sinh trao đổi bài sau khi đã hoàn thành phần thi cuối. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN

Với môn Địa lý, thầy Bùi Ngọc Phóng, giáo viên Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Văn Cừ (Hà Nội) cho rằng: Đề đã đảm bảo được bao quát kiến thức cả chương trình lớp 11, 12. Nhìn chung, khi học sinh vận dụng được các kĩ năng như đọc và khai thác Atlat địa lý, xử lí bảng số liệu, tìm các mối quan hệ nhân quả thì sẽ làm được bài thi rất tốt.

Phần liên hệ kiến thức thực tiễn, đề đã thể hiện được kiến thức diễn ra trong khu vực như việc làm, kết nối giữa các nền kinh tế trong khu vực, vấn đề môi trường. Học sinh cần phải nắm được tình hình thời sự hàng ngày, liên hệ kiến thức trong môn Địa lý để giải quyết các câu hỏi.

Thầy Bùi Ngọc Phóng đánh giá: Nếu so sánh với các đề lần trước thì đề lần này mang tính tư duy cao hơn. Phổ điểm từ 5 trở lên sẽ chiếm khoảng 80%, còn lại là mức độ phân hoá. Các trường đại học vẫn có thể lựa chọn được học sinh có chất lượng với khoảng 10%  đến 15% học sinh đạt từ 9-10 điểm.

Đề Giáo dục công dân có tính giáo dục cao

Đây là năm thứ hai, môn Giáo dục công dân xuất hiện trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia. Cô Nguyễn Thị Mai Anh, giáo viên môn Giáo dục công dân,  Trường Trung học Phổ thông Yên Viên (Hà Nội) nhận xét: Cấu trúc đề thi bám sát đề thi tham khảo của Bộ đã công bố về các mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao. Tuy nhiên đề thi năm nay so với năm 2017 có sự phân hóa cao hơn, mức độ vận dụng cao chiếm tỷ lệ nhiều (30%). Nội dung kiến thức đều nằm trong chương trình sách giáo khoa lớp 11 và 12.

Đề mang tính giáo dục cao và có liên hệ với thực tiễn đời sống, do đó học sinh không cần phải ghi nhớ máy móc mà cần có hiểu biết xã hội là có thể giải quyết được các câu hỏi trong đề. Cụ thể ở đây là giáo dục hiểu biết pháp luật, giúp cho học sinh điều chỉnh hành vi trong cuộc sống hàng ngày.

Theo cô Mai Anh, cách ra đề này sẽ tác động rất nhiều tới học sinh trong việc học và cách dạy của thầy cô, trước yêu cầu đổi mới nội dung chương trình. Học sinh sẽ phát huy tư duy cá nhân, không phải nhớ nhiều nội dung lý thuyết. Giáo viên cũng sẽ phải biến mỗi giờ lên lớp thực sự hấp dẫn học sinh bằng những trải nghiệm, sáng tạo.

Cô giáo Vũ Thị Thu Thuỷ, Tổ trưởng chuyên môn, Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội cho rằng: Nhìn chung, với đề này cơ bản học sinh sẽ đạt từ 5-6 điểm, để đạt 7-8 điểm đề đã có sự phân hoá cao. Còn điểm 9-10 đòi hỏi học sinh phải hiểu sâu, rộng kiến thức và có kiến thức thực tiễn. Cái hay của đề năm nay đã ra nhiều câu hỏi vận dụng, điều này giúp học sinh hiểu biết sâu hơn, rộng hơn về kiến thức pháp luật. Điều này cũng phù hợp với xu thế phát triển của thời đại ngày nay.

Theo nhận định chung của nhiều thầy cô giáo và học sinh, đề thi các môn năm nay khó hơn so với năm 2017. Song, với mục tiêu vừa xét công nhận tốt nghiệp Trung học Phổ thông vừa xét tuyển đại học, cao đẳng, độ khó của đề thi sẽ giúp các trường đại học, cao đẳng dễ dàng sử dụng kết quả này để tuyển sinh.

Thầy Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đặt ra mục tiêu dành tỷ lệ 60% câu hỏi trong đề thi cho việc xét tốt nghiệp và 40% cho xét tuyển đại học. Năm 2017 là năm đầu tiên thực hiện thi bài thi tổ hợp nên việc ra đề chưa đạt kết quả như mong muốn. Do đó, đề thi năm nay có sự điều chỉnh, được đánh giá là khó hơn cũng là phù hợp với mục tiêu đặt ra ban đầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thi THPT quốc gia năm 2018: Đề môn Khoa học Tự nhiên khó, thí sinh chủ yếu đạt 5-6 điểm

Thi THPT quốc gia năm 2018: Đề môn Khoa học Tự nhiên khó, thí sinh chủ yếu đạt 5-6 điểm

Sáng 26/6, các thí sinh tham dự kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 tiếp tục làm bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên với 3 môn Vật lý, Hóa học và Sinh học.

TTXVN/Việt Hà

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm