Kỳ thi THPT quốc gia: Thí sinh hào hứng với đề thi Lịch sử về tinh thần dân tộc

04/07/2016 14:36 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 4/7, các thí sinh tiếp tục thi môn Lịch sử trong ngày thi cuối của kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2016. Thời gian làm bài thi kéo dài 180 phút và thí sinh làm theo hình thức tự luận.

Đề thi môn Lịch sử hay, thực tiễn cao là nhận xét chung của đại đa số thí sinh, nhất là phần liên hệ, có đề cập đến tinh thần đoàn kết toàn dân tộc.

Rất nhiều thí sinh cho rằng các câu hỏi đều hay, mang tính liên hệ, tính phân loại cao, đúng theo tinh thần mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra “trong Văn có Sử, trong Sử có Văn", không quá nặng nề số liệu, kiến thức học thuộc mà đòi hỏi học sinh phải tư duy, am hiểu được bản chất của các vấn đề, sự kiện lịch sử. Câu hỏi liên hệ đề cập đến chính sách đại đoàn kết dân tộc khiến thí sinh thích thú thể hiện vốn kiến thức, tư duy...

Thời tiết khá thuận lợi, trời mát mẻ cũng góp phần tạo tâm lý tốt cho các thí sinh. Kết thúc buổi thi, nhiều học sinh phấn khởi vì làm bài tốt.

Phấn khởi vì làm bài tốt

Môn Lịch sử là môn có lượng thí sinh đăng ký thấp nhất ở hai cụm thi của Nghệ An. Tại điểm thi Trường Trung học cơ sở Quang Trung, thành phố Vinh, thí sinh Lê Hồng Sơn khá hào hứng: Đề thi năm nay bám sát với chương trình lịch sử lớp 12 nên chúng em không gặp khó khăn lắm. Em làm bài được gần 80%, hy vọng sẽ có một điểm số tốt để xét tuyển vào khối C.

Về phần liên hệ, thí sinh Lê Tuấn Dũng ở điểm thi Trường Trung học phổ thông Đô Lương 3, huyện Đô Lương (Nghệ An) chia sẻ: Thế hệ trẻ hôm nay cần phát huy tinh thần của cha ông trong bảo vệ Tổ quốc và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Thời điểm nào thì đại đoàn kết dân tộc cũng là vấn đề sống còn của Việt Nam...


Các thí sinh tranh thủ ôn lại bài trước khi vào phòng tại Hội đồng thi trường Đại học An Giang. Ảnh: Công Mạo-TTXVN

Em Nông Thị Mỹ Linh, Trường Trung học phổ thông Bắc Kạn cho biết: Đề thi Lịch sử năm nay khá vừa sức và bám sát chương trình, có sự phân hóa cao. Đặc biệt câu số 4 đề cập đến vấn đề nóng hổi hiện nay mà bạn nào cũng biết nên rất nhiều bạn thích thú với câu hỏi này.

Em Ma Văn Anh, học sinh Trường Trung học phổ thông Bình Trung (Bắc Kạn) chia sẻ, đề thi có phần liên hệ thực tế khá thú vị, giúp em hiểu sâu sắc về tinh thần đại đoàn kết dân tộc, đồng thời giúp các bạn trẻ thể hiện chính kiến, lòng yêu nước qua bài viết. Em làm bài cũng khá tốt, được khoảng 80-90%.

Điểm thi trường Trung học phổ thông Trần Hưng Đạo – Thanh Xuân (Hà Nội) có 5 phòng thi, mỗi phòng 24 thí sinh. Thí sinh Nguyễn Quang Dũng ở quận Hai Bà Trưng cho biết em làm được cả 4 câu và hy vọng sẽ đạt được điểm cao. Riêng câu hỏi 4 em rất hứng thú.

Nhìn chung, các thí sinh cho rằng, nếu nắm chắc kiến thức học trên ghế nhà trường, có thể đạt từ 7 -8 điểm ở môn thi này.

Thí sinh Đàm Thị Lan dự thi tại điểm thi Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên rời phòng thi trước 20 phút so với quy định cho biết: Trước khi thi em đã ôn tập kỹ, nắm chắc kiến thức môn Lịch sử nên đề năm nay em thấy không khó, chỉ có câu hỏi về hiểu biết xã hội là tùy thuộc vào kiến thức của mỗi thí sinh.

Với tâm trạng phấn khởi, em Trần Duy Lâm, học sinh Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Quý Đôn, thành phố Điện Biên Phủ cho biết: Đề Lịch sử năm nay em thấy rất hay, ngoài câu hỏi về sự kiện còn có phần liên hệ qua nhiều vấn đề thời sự. Bản thân em làm bài khá tốt và em nghĩ các bạn cũng sẽ dễ đạt điểm cao đối với đề thi này.


Thí sinh làm bài thi tại điểm thi Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Điện Biên. Ảnh: Xuân Tư - TTXVN

Hầu hết các thí sinh nhận định, đề thi Lịch sử năm nay có tính phân loại rõ ràng. Đối với các thí sinh có học lực trung bình chỉ cần ôn tập đúng nội dung sách giáo khoa là có thể đạt điểm trung bình. Tuy nhiên vẫn có thí sinh cho rằng đề năm nay khó. Thí sinh Nguyễn Thị Nam (huyện Sóc Sơn) cho biết: Với em đề thi năm nay hơi khó, em chỉ làm được 3 câu. Nếu tính theo thang điểm, em được khoảng 5 điểm. Thí sinh này cho biết, các môn khác em làm bài khá tốt, khả năng cao sẽ đỗ tốt nghiệp.

Vẫn còn thí sinh vi phạm quy chế thi

Tại 31 điểm thi ở cụm thi do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chủ trì, chỉ có 31 phòng thi môn Lịch sử. Trong đó, nhiều điểm thi không có phòng thi môn học này như: Điểm thi Trường phổ thông năng khiếu Thể dục thể thao Hà Nội, Trung học phổ thông Bắc Thăng Long, Trung học phổ thông Đông Anh, Trung học phổ thông Đa Phúc, Trung học phổ thông Lý Tử Tấn...

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên, toàn tỉnh Điện Biên có 3.278 thí sinh đăng ký dự thi môn Lịch sử trong tổng số 5.723 thí sinh tham dự kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2016.

Đây là môn thi tự chọn có số lượng thí sinh đăng ký dự thi nhiều nhất trong số các môn tự chọn tại kỳ thi năm nay. Trong buổi sáng hôm nay, tại các cụm thi trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã phát hiện 2 thí sinh vi phạm quy chế thi, trong đó 1 thí sinh bị đình chỉ thi và 1 thí sinh bị khiển trách; 3 thí sinh bỏ thi. Đến thời điểm này, toàn tỉnh Điện Biên đã có gần 100 thí sinh bỏ thi...

Tại cụm thi Đại học Thái Nguyên chỉ có 16,8% thí sinh đăng ký dự thi môn Lịch sử trong tổng số 8.689 thí sinh đăng ký dự Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2016. Vì số thí sinh dự thi ít nên Đại học Thái Nguyên đã bố trí 2/4 điểm thi là Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên và Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Thái Nguyên. Đối với cụm thi của tỉnh (chỉ xét kết quả tốt nghiệp) có 488 thí sinh đăng ký dự thi tại hai điểm thi ở huyện Đại Từ và thị xã Phổ Yên...

Dự thi môn Lịch sử, tỉnh Bắc Ninh có 547 thí sinh đăng ký thi để xét tốt nghiệp do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh chủ trì và 504 thí sinh đăng ký thi xét vào Đại học do Trường Đại học Giao thông vận tải chủ trì.

Kết thúc buổi thi, cụm thi do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh chủ trì có 544/547 thí sinh dự thi, không có trường hợp thí sinh hoặc giám thị bị cảnh cáo, đình chỉ. Cụm thi do Trường Đại học Giao thông vận tải chủ trì có 481/504 thí sinh dự thi, 2 trường hợp bị đình chỉ do mang tài liệu vào phòng thi.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm