30/11/2022 16:20 GMT+7 | World Cup 2022
Đám rước kỳ lạ ấy bắt đầu một cách náo nhiệt ở bên ngoài sân Lusail, khi trận đấu vừa kết thúc. Hệt như rước ảnh thánh, một cổ động viên người châu Phi giơ cao tấm ảnh Ronaldo rất lớn bằng bìa được cắt ra, và rồi hàng chục người mặc áo và giơ cờ Bồ Đào Nha vây quanh hô vang "Ronaldo Ronaldo". Họ bắt đầu diễu hành quanh sân bóng, trong tiếng cười nói và vỗ tay sung sướng của biết bao người hâm mộ.
Nhưng những tiếng reo vui ấy đã vang lên từ những khán đài của trận đầu tiên Bồ Đào Nha thi đấu ở World Cup này (với Ghana), và lại tiếp tục ầm ào vang vọng lâu và sâu hơn nữa trên những khán đài mênh mông của Lusail, sân lớn nhất, có sức chứa lớn nhất và cũng là đẹp nhất của World Cup, nơi để dành những gì tuyệt nhất cho trận chung kết.
Như một ngôi đền của bóng đá trên bán đảo Arab này, đêm trước, nó đã tôn vinh Lionel Messi khi những hàng ghế rung chuyển vì những tiếng dậm chân và tiếng hát của các cổ động viên khi siêu sao số 10 Argentina ghi bàn đưa đội tuyển Nam Mỹ ấy đến chiến thắng trước Mexico. Đêm thứ Hai vừa qua, nó lại trở thành sân khấu cho một cuộc tôn vinh lớn cho một người khổng lồ của bóng đá hiện đại.
Phát cuồng vì Ronaldo
Tôi chưa bao giờ là fan của Ronaldo cũng như Messi, nhưng tôi ngưỡng mộ họ và những gì họ đã làm được cho bóng đá trong một thập kỷ qua. Là người thỉnh thoảng cũng bỏ phiếu cho họ trong những cuộc bầu chọn Quả bóng Vàng, một lẽ đương nhiên, tôi muốn chứng kiến tận mắt những cơn cuồng si của người hâm mộ dành cho họ trên sân cỏ. Và ở Qatar này, tôi đã thấy Messi xuất hiện ở khắp nơi, trên lưng áo của các cổ động viên đi ngoài đường; trên những tấm áp phích liên quan đến PSG-đội bóng mà chính người Qatar sở hữu, và như một lẽ rất hiển nhiên, người Qatar yêu Messi; trên cả một tấm ảnh mà hãng AP đã chụp khi Ronaldo ăn mừng sau bàn thắng vào lưới Ghana để từ đó đi vào lịch sử World Cup.
Phải, Ronaldo, đối thủ gần và xa của Messi, người là động lực thúc đẩy anh tạo nên những con số kinh khủng và thực hiện những cuộc chinh phục. Và trên những khán đài Qatar này, tôi đã nhìn thấy một chứng cuồng Ronaldo dữ dội. Ronaldo xuất hiện cùng số 7 trên lưng của những cổ động viên Bồ Đào Nha đi bộ đến các sân bóng nơi anh chiến đấu; trên lưng của những đứa trẻ Arab mà bố mẹ chúng đã truyền cho chúng tình yêu bóng đá và sự tôn thờ Ronaldo; trong những tiếng reo hò ầm ỹ khi ảnh và tên anh xuất hiện trên bảng điện tử trước trận thông báo rằng anh sẽ đá chính; trong những tiếng hô "Ronaldo" khi rồi hàng loạt người ở sân Lusail đứng cả dậy, nhiều trong số họ dùng điện thoại để quay, lúc anh dẫn toàn đội Bồ Đào Nha ra sân chuẩn bị làm lễ chào cờ. Và cứ mỗi lần anh chạm bóng, chuyền bóng và dứt điểm, đám đông hô lên như thể chưa từng được hô trong một cơn cuồng si như điện giật chạy khắp sân vận động. Tất cả cùng chờ đợi một điều kì diệu anh có thể làm, một đường chuyền thành bàn và cao hơn tất thảy là một bàn thắng. Hình như siêu sao người Bồ Đào Nha đã "đào tạo" những người thần tượng anh một thói quen: Đó là sự khát khao chiến thắng, khát khao chinh phục. Họ thèm khát được sống cũng như được thấy anh ghi bàn.
Có hai phóng viên nữ người Trung Quốc khá xinh ngồi ở hàng ghế phía trước tôi. Họ ồ lên như điên dại sau một tình huống mà Ronaldo không ghi bàn. Họ xuýt xoa khi thấy anh bị phạm lỗi. Họ tỏ vẻ phẫn nộ khi thấy hai phóng viên người Nga ngồi trước họ cầm một cuốn sách về Messi đến sân và đọc. Họ đứng cả dậy gào thét khi lưới của Uruguay rung lên lần đầu trong một tình huống mà Ronaldo đã lao lên đánh đầu và ăn mừng như thể chính anh vừa lập công. Và rồi họ, cũng như cả cái sân ầm ào như thể một vạc dầu sôi, ồ lên thất vọng khi bảng điện thông báo người ghi bàn là Bruno Fernandes, không phải Ronaldo của họ.
CR7 không ghi bàn, không thành vấn đề
Có một sự xôn xao nhè nhẹ trên những khán đài khi nhiều người tranh cãi về việc ai đã ghi bàn. Nhiều người mở điện thoại tìm kiếm thông tin. Vài người lại ồ lên khi vài site và ứng dụng ghi tên Ronaldo là người lập công ở phút 54. Ronaldo, không thể khác được, chính anh, thần tượng của họ, mới là người ghi bàn, không phải anh chàng Bruno kia. Đây là World Cup cuối cùng của Ronaldo cơ mà. Anh ấy phải có tất cả và trận nào cũng phải ghi bàn, để rồi những ai chứng kiến những điều tuyệt diệu ấy sẽ mãi mãi không thể quên. Họ ở đây không phải vì Bồ Đào Nha, mà vì Ronaldo.
Thế rồi cơn ầm ào cũng kết thúc bằng việc người ta khẳng định người ghi bàn là Bruno Fernandes. Hai cô gái Trung Quốc tiếc nuối. Anh bạn phóng viên người Oman cạnh tôi cũng thế. Hai nhà báo châu Phi ngồi kế bên anh ta cũng tỏ vẻ chán nản. Hẳn họ đang nghĩ đến những bài báo tôn vinh Ronaldo ở giải đấu cuối cùng này, lồng ghép trong đó biết bao tình cảm đắm say. Khi Ronaldo rời sân ở phút 82, lúc HLV Fernando Santos cần những cầu thủ trẻ khỏe để đổ bê tông vào chiến thắng, họ đứng cả dậy vỗ tay và hô vang tên anh. Đêm trước, ở sân Lusail này, phía đối lập của Ronaldo, những người hâm mộ Messi, đã tung hô số 10 Argentina trong chiến thắng Mexico. Đêm nay, ở Lusail, những người yêu Ronaldo không được chứng kiến anh ghi bàn. Có một điều gì đấy gần như là hờn giận vì bóng không chạm đầu Ronaldo.
Những trận đấu lúc 10 giờ đêm như Bồ Đào Nha-Uruguay diễn ra khi tất cả đều đã mệt, nhưng không ai muốn ra về và lên giường ngủ với những nỗi thất vọng. Đêm Lusail, cuối cùng, họ không thất vọng, vì Ronaldo của họ đã làm hết sức có thể dù không ghi bàn. Người ta vẫn yêu anh, đã khao khát nhìn thấy anh bằng chính mắt mình và đã toại nguyện. Cuộc rước tấm ảnh Ronaldo ở ngoài sân đã diễn ra như thế, khi tình yêu thể hiện bằng tiếng hát, câu cười. Tôi đi lẫn vào dòng người đó và hiểu được tại sao họ yêu Ronaldo.
Tôi lái xe rời sân Lusail lúc hơn 1 giờ đêm. Trời mát lạnh và tiếng nhạc alternative trên kênh phát thanh QBS nghe thật náo nức. Một hàng xe phía trước cắm cờ Bồ Đào Nha đang phi như bay. Trên một chiếc xe có gắn ở kính phía sau một bức ảnh Ronaldo đang cười hạnh phúc. Trên đất nước của những ông chủ PSG, nơi mà người ta cũng rất hâm mộ Messi, Ronaldo đang ngự trị một cách sung sướng trong lòng biết bao người yêu bóng đá theo cách ấy. Họ chỉ mong những ngày World Cup không bao giờ kết thúc, và một đêm tháng 12, ở trận chung kết cũng ở sân Lusail đẹp đẽ lung linh ánh sáng này, thần tượng của họ sẽ lên đỉnh vinh quang. Ở World Cup cuối cùng...
Bài và ảnh: Trương Anh Ngọc, phóng viên TTXVN, từ Doha, Qatar
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất