19/12/2022 19:14 GMT+7 | World Cup 2022
Ký sự World Cup: Có một đội tuyển không hề có mặt ở World Cup này. Palestine đứng thứ 94 trong bảng xếp hạng của FIFA và không lọt tới vòng loại thứ 3 của World Cup này. Nhưng theo một cách thật đặc biệt, họ đã thắng ở World Cup này, và World Cup ở một quốc gia Arab đã đưa cuộc đấu tranh của người Palestine lên trang nhất.
Có một lá cờ đã hiện diện ở khắp nơi trên đất Qatar trong những ngày World Cup.
Nó xuất hiện với cỡ lớn trên các khán đài khi các khán giả truyền tay nhau với hy vọng các phóng viên ảnh sẽ chụp nó (và họ đã chụp nó), xuất hiện với hình thức những lá cờ nhỏ mà các cổ động viên đã phất lên ở ngoài sân bóng trong những cuộc ăn mừng chiến thắng, trong các quán ăn, trên đường phố của Doha và nhiều nơi khác nữa ở các nước Arab. Chưa bao giờ trong lịch sử World Cup, vận mệnh của một vùng lãnh thổ không dự World Cup lại được quan tâm đến thế, nhất là từ toàn bộ thế giới Arab.
Khi Abdel nói với tôi rằng, World Cup này là của người Palestine, tôi chưa hẳn tin vào những gì anh thanh niên Palestine đang làm việc ở Qatar này nói. Đó là khi trận đấu giữa Saudi Arabia và Argentina kết thúc và những lá cờ của Palestine bắt đầu xuất hiện trong hàng nghìn người ăn mừng ngoài sân Lusail khi trận đấu vừa kết thúc.
Nhưng tôi phải tin, bởi những lá cờ xuất hiện nhiều hơn sau đó, trong các trận đấu của Qatar, của Saudi Arabia, thậm chí cả ở phía các cổ động Anh, Argentina và Nam Mỹ. Một lá cờ Palestine lớn với dòng chữ "Free Palestine" (Palestine tự do) xuất hiện trên khán đài ở trận Tunisia-Australia; trước chiến thắng lịch sử của Maroc với Bỉ, các cổ động viên Maroc hát vang, "Tất cả vì Palestine yêu dấu của chúng ta, đất nước đẹp nhất". Sau trận Maroc thắng Canada và Tây Ban Nha, các cầu thủ Maroc ăn mừng với lá cờ Palestine phấp phới trên lưng họ. Ở trận Tunisia thắng Pháp, khi trận đấu đang diễn ra, một cổ động viên Tunisia đã lao vào sân với một lá cờ Palestine trong tay. Khi an ninh của sân túm được anh này, các khán đài hát vang "Palestine", trong khi các cầu thủ Tunisia thì đề nghị an ninh đừng làm anh này "bị đau". Sự thù ghét với Israel được thể hiện bằng hành động từ chối trả lời phỏng vấn các phóng viên truyền hình Israel đang tác nghiệp ở Qatar. Trong buổi ghi hình trực tiếp của một kênh truyền hình Israel trên phố ở Doha, một khán giả Ai Cập đi ngang qua đã hô vang "Palestine muôn năm".
Qatar chỉ cách dải Gaza chừng 1.800 km, nhưng ở World Cup này, cuộc đấu tranh của người Palestine bỗng hiện hữu mạnh mẽ trên các khán đài và ở ngoài sân bóng. +972, một tạp chí trên mạng của các phóng viên độc lập Israel và Palestine, đã gọi đây là "World Cup đầu tiên của Palestine", khi sự ủng hộ của các cổ động viên các nước Arab và nhiều nước khác ở World Cup này đã đưa các vấn đề của người Palestine thành một câu chuyện thời sự. Đấy là sự đoàn kết của người Arab đối với người Palestine trong cuộc đấu tranh của họ nhằm có một nhà nước Palestine độc lập hoàn toàn và không chịu sự kiểm soát của Israel.
Ngay cả khi Israel và 4 quốc gia Arab là UAE, Bahrain, Maroc và Sudan ký thoả thuận Abraham năm 2020, hướng tới việc bình thường hóa quan hệ với nhau, người Arab không hề hài lòng vì Palestine chưa có một nhà nước độc lập. Những lá cờ Palestine ở World Cup thể hiện điều đó.
Một nhật báo lớn của Israel đã viết như thế về World Cup này, cho thấy có một cảm giác cay đắng và bị phủ nhận trong cuộc vui của thế giới Arab và của những các fan trung lập chẳng quan tâm gì đến chính trị. Bài báo trích dẫn lời của một cổ động viên Tunisia rằng, sau các hành động đàn áp mà binh lính Israel đã làm ở lãnh thổ Palestine, "người Israel đừng hòng hy vọng chúng tôi sẽ ôm hôn các phóng viên Israel ở World Cup này".
Chiến tranh đã từng bùng nổ giữa các quốc gia Arab và Israel vào năm 1948 sau khi nhà nước Do thái Israel ra đời ở Trung Đông, khiến người Palestine mất đất và phải li tán. Nhiều cuộc chiến tranh và các xung đột khác đã diễn ra từ đó đến giờ ở vùng đất nhỏ bé ấy, khi vấn đề về đất đai giữa Israel và người Palestine đã luôn căng thẳng, bất chấp nhiều thỏa thuận được ký và những sáng kiến hòa bình được đưa ra. Nhiều triệu người Palestine đang sống trong những vùng đất bị chiếm đóng. Họ đòi hỏi sự ra đời của một nhà nước Palestine tự do, điều mà Israel không muốn, trong khi cánh hữu Israel đang muốn xây dựng các khu định cư mới của người Do thái ở các vùng lãnh thổ Palestine và sáp nhập lãnh thổ Palestine ở Bờ Tây sông Jordan vào Israel.
Waleed, một phóng viên người Oman nói với tôi rằng, dù thỏa thuận Abraham đã có hiệu lực được 2 năm, nhưng trong thế giới Arab, người ta chưa quên và có lẽ chẳng bao giờ quên những mâu thuẫn, bất đồng và thù hận hàng thập kỷ qua với nhà nước Do thái. "World Cup này là một cơ hội tuyệt vời để chúng tôi ủng hộ Palestine và biến vấn đề về một nhà nước Palestine độc lập thành chủ đề quan trọng", anh nói. "Việc ủng hộ này sẽ khiến thế giới chú ý hơn đến cuộc sống cùng khổ của hàng triệu người Palestine trong vòng kiểm soát của Israel".
"Sự bình thường hóa thật sự chỉ xảy ra khi có một nhà nước Palestine độc lập", đồng nghiệp người Oman nói thêm. "Các quốc gia Arab chỉ đồng ý sống chung với người Do thái nếu một quốc gia Palestine được thiết lập". Anh và có lẽ nhiều người Arab khác đều có chung một suy nghĩ: Thế giới Trung Đông và vùng Vịnh không thể bình thường được khi hàng triệu người có chung nguồn gốc và tôn giáo với họ đang sống trong cảnh bị chiếm đóng, trong khi ở cả hai thế giới ấy, của người Do thái và người Arab, vẫn có những thế lực phá hoại mọi tiến trình hòa bình. "World Cup sẽ đưa cuộc đấu tranh này đi khắp thế giới", anh kết luận
Một nền hòa bình giữa những người Arab và Israel như thế là hành trình dài và vất vả lắm. World Cup với những hình ảnh cờ Palestine là một nỗ lực không phải của các chính phủ, mà từ trái tim của những người Arab với những người Palestine anh em trong vùng chiếm đóng. Nó cho thấy một điều rất cơ bản của cuộc sống hiện tại đang diễn ra này, là dù trái bóng có lăn hay không lăn ở một giải như World Cup thì những xung đột của một góc thế giới này, nơi người ta sống trong những căng thẳng rình rập, trong nước mắt và tiếng súng vẫn diễn ra hàng ngày. Bạo lực vẫn xảy ra trên các vùng lãnh thổ Palestine và bom đạn vẫn rơi trên đất Ukraine.
Ở đó, trên mảnh đất Palestine, cũng có những sân bóng, những đứa trẻ nghèo chơi bóng hàng ngày và mơ một ngày nào đó đá bóng dưới ánh đèn World Cup. Ở đó và trên mảnh đất Arab này, có những người Israel mơ ước đi đến bất cứ đâu mà không bị người Arab quay lưng và sỉ nhục. Con đường đến đó còn xa lắm, và tất cả vẫn chỉ đang ước mơ, như bọn trẻ, như những người yêu hòa bình luôn thế, như Michael Jackson đã kêu gọi tình yêu để hàn gắn thế giới trong bài "Heal the world".
"There's a place in your heart
And I know that it is love
And this place it was brighter than tomorrow
And if you really try
You'll find there's no need to cry In this place you'll feel there's no hurt or sorrow"…
Có một hình ảnh rất đáng chú ý trong hành trình World Cup này của đội tuyển Maroc.
Không phải là những hình ảnh quen thuộc như những điệu nhảy của Soufiane Boufal và mẹ sau một chiến thắng, cũng không phải việc họ cùng quỳ xuống cầu nguyện đấng Allah sau những thắng lợi, mà là những lá cờ Palestine mà các cầu thủ Maroc đã mang trên lưng sau mỗi lần họ tiến xa hơn trong giải. Trong khi đó, trên khán đài, nhiều cổ động viên Maroc cũng phất cờ Palestine, ủng hộ cuộc đấu tranh độc lập của người Palestine. Qatar và FIFA hoàn toàn làm ngơ khi cờ của Palestine xuất hiện trên các khán đài, dù có một quy định rằng, chỉ có cờ các nước dự World Cup mới được xuất hiện. Một nhà báo Maroc nói đùa với tôi rằng, Palestine là đội tuyển thứ 33 có mặt ở World Cup này.
Khi đội tuyển Maroc đi sâu vào giải và trở thành đội tuyển châu Phi và thuộc thế giới Arab đầu tiên vào bán kết World Cup, những lá cờ Palestine càng xuất hiện nhiều hơn nữa. Đối với người Palestine, đó là một dấu hiệu cho thấy người dân các quốc gia Arab khác đứng về phía họ trong cuộc đấu tranh giành độc lập. Abdel, nột người Palestine sống ở Doha, nói với tôi rằng, người Palestine cảm thấy bị bỏ rơi sau khi 4 nước Arab ký thoả thuận Abraham nhằm bình thường hóa quan hệ với Israel, trong khi một số nước Arab khác là Ai Cập và Jordan đã im lặng trong vấn đề độc lập của Palestine để đổi lấy hợp tác thương mại với Tel Aviv. Trong khi ấy, tiến trình đối thoại với Israel của Palestine đã bị cắt đứt, một chính phủ thân hữu theo đường lối cứng rắn chuẩn bị lên nắm quyền ở Israel khiến tương lai của Palestine trở nên mờ mịt hơn. "Những lá cờ Palestine được phất lên ở khắp nơi tại World Cup và trong thế giới Arab cho thấy công cuộc của chúng tôi không hề bị lãng quên", Abdel, cũng là một fan của Messi và Argentina nói. "Ủng hộ Palestine không chỉ là vấn đề chính trị, mà vì giá trị con người. Hàng triệu đồng bào của tôi đang sống quá khổ sở ở Bờ Tây và dải Gaza bao năm rồi".
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất