Vườn treo Babylon bị đe dọa

21/05/2012 07:02 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Vườn treo Babylon từng là 1 trong 7 kỳ quan của thế giới cổ đại. Thời gian này, các nhà chức trách của Iraq đang làm hồ sơ để trình lên UNESCO công nhận Babylon là Di sản thế giới. Song di chỉ này đang bị đe dọa nghiêm trọng do việc xây dựng một đường ống dẫn dầu.

Các nhà khảo cổ và giới dầu lửa Iraq đang tranh cãi kịch liệt về một đường ống dẫn dầu, cho rằng nó sẽ đe dọa  trực tiếp lên di chỉ này.


Di chỉ Babylon.

Đường ống dẫn dầu đe dọa di chỉ

Ông Qais Rashid, Bộ trưởng Cổ vật và Di sản Tối cao Iraq, cho biết Bộ Dầu khí đã tiến hành khoan để mở rộng một đường ống dài khoảng 1,5 km cắt qua di chỉ khảo cổ Babylon. Đường ống này đã chính thức được vận hành từ hồi tháng 3.

“Công trình này có thể gây hại tới các cổ vật vô giá ở Babylon, đặc biệt là việc khoan vào lòng đất” - ông Rashid khẳng định.

Còn bà Mariam Omran, Giám đốc Sở Cổ vật tỉnh Babil, nơi di chỉ Babylon tọa lạc, cho biết thêm phần lớn khu vực khảo cổ trong tỉnh vẫn chưa được khai quật và rất có thể dự án này sẽ gây hại tới nhiều cổ vật khi chúng chỉ nằm cách mặt đất vài cm.

Nhưng Assem Jihad, người phát ngôn của Bộ Dầu khí, lại cho rằng “Dự án này được thực hiện cách các di chỉ khảo cổ hàng trăm mét. Chúng tôi không hề tìm thấy bất cứ dấu vết hay chứng cứ nào về sự tồn tại của các cổ vật trong quá trình khoan thăm dò ở khu vực này”.

“Trong hơn 3 thập kỷ, đã có 2 đường ống vận chuyển các sản phẩm dầu trong khu vực này” – Jihad nói và cho biết, đường ống chiến lược mới này sẽ cung cấp các sản phẩm dầu từ các nhà máy lọc dầu tới phía Nam Baghdad”.

Nhưng ông Rashid đã trải một tờ bản đồ trên bàn làm việc trong văn phòng của mình tại Bảo tàng Quốc gia Iraq và nói: “Đường ống này đi qua cạnh phía Bắc và phía Nam của di chỉ. Nó để lại những nguy cơ lớn cho di chỉ như ô nhiễm môi trường và đặc biệt, di chỉ sẽ bị phá huỷ nếu đường ống dẫn dầu phát nổ”.



Một hình ảnh mô tả vườn treo Babylon.

 3 lần bị từ chối di sản thế giới vì quản lý kém

Babylon nằm cách thủ đô Baghdad 90 km về phía Nam và đây được coi là một trong những chiếc nôi của nền văn minh loài người. Babylon từng là kinh đô của 2 vị vua nổi tiếng là Hammurabi (1792-1750 trước Công nguyên) và Nebuchadnezzar (604-562 trước Công nguyên) - người xây dựng vườn treo Babylon.

Khu phố cổ ở Babylon có diện tích 2,99km2, còn các bức tường bên ngoài bao quanh phía Đông và Tây thành phố dài khoảng 9,56km. Từ năm 1935 đến nay, nơi này đã được khai quật một phần, nhưng phần lớn thành cổ vẫn chưa được phát lộ.

Theo bản báo cáo hồi năm 2009 của UNESCO: “Di chỉ khảo cổ này đã bị cướp phá trong cuộc chiến Iraq hồi năm 2003 do Mỹ phát động. Nhiều tư liệu trong các bảo tàng Nebuchadnezzar và Hammurabi cũng như trong Thư viện & Trung tâm tư liệu Babylon đã bị phá hủy. Thành phố này đã bị hư hại nặng nề do việc đập phá để xây dựng một căn cứ quân sự Mỹ, đóng ở đây từ tháng 4/2003 đến tháng 12/2004”.

Iraq là đất nước có bề dày lịch sử và nhiều di chỉ khảo cổ mang lại tiềm năng lớn cho ngành du lịch, nhưng hiện nay ngành dầu khí vẫn đem lại phần lớn doanh thu cho Chính phủ. Lượng dầu xuất khẩu tăng nhanh, trong tháng 4, trung bình mỗi ngày xuất khẩu 2,508 triệu thùng, thu về 8,8 triệu USD. Số lượng dầu bán ra đem về nguồn thu cần thiết góp phần tái xây dựng cơ sở hạ tầng đã đổ nát sau nhiều thập kỷ chiến tranh ở Iraq.

Trong thời Tổng thống Saddam Hussein, Iraq đã 3 lần trình hồ sơ lên UNESCO nhằm công nhận Babylon là Di sản thế giới, nhưng tất cả đều bị từ chối vì việc quản lý quá kém.

Giờ đây, nhiều khả năng hồ sơ xin công nhận Babylon là Di sản thế giới sẽ lại tiếp tục bị UNESCO từ chối khi tổ chức này đã nhấn mạnh rằng “không chỉ trong chế độ cũ, mà Chính phủ Iraq hiện thời cũng không quan tâm tới các cổ vật”.

Ông Rashid buồn rầu nói: “Việc xây dựng đường ống dẫn dầu ở đây chẳng khác gì bắn một viên đạn giết chết mọi nỗ lực của chúng tôi trong quá trình đề nghị UNESCO công nhận Babylon là Di sản thế giới”.

Theo những gì miêu tả, các khu vườn treo được xây dựng dành cho người vợ của Nebuchadnezzar là bà Amyitis nhằm khuây khỏa nỗi nhớ quê hương. Amyitis là con gái vua Uvaxshtra của Đế quốc Mada. Bà được gả cho Vua Nebuchadnezzar để tạo nên một liên minh giữa hai nước. Quê hương bà là một vùng đất xanh tươi với những núi non hùng vĩ, và bà cảm thấy buồn chán khi sống ở vùng đất Lưỡng Hà (một vùng ở phía Tây Nam châu Á) bằng phẳng bị mặt trời thiêu đốt. Nhà vua quyết định tái hiện hình ảnh quê hương hoàng hậu bằng cách xây dựng một vùng núi non nhân tạo bằng những vườn treo trên mái nhà.

Vườn treo có thể không thực sự là "treo" theo nghĩa là nó được treo lên bằng các loại dây, mà là "nhô ra ở trên," như trường hợp một sân thượng hay một ban công. Vào thế kỷ thứ 1 trước Công nguyên, nhà địa lý Hy Lạp Strabo miêu tả khu vườn này như sau: “Khu vườn gồm những ban công xây hình vòm, cái nọ chồng trên cái kia và tựa trên các cột hình khối, có những chỗ lõm vào và được đổ đất vào đó để trồng được những cây lớn. Các cột, vòm, và các sân thượng được xây dựng bằng gạch nung và nhựa đường”.


Việt Lâm (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm