Kỷ niệm World Cup: Vẫn chưa hết tranh cãi vì bàn thắng “Bàn tay của Chúa”

04/11/2022 08:30 GMT+7 | World Cup 2022

(Thethaovanhoa.vn) - Diego Maradona đã qua đời, nhưng bàn thắng “Bàn tay của Chúa” của ông tại World Cup 1986 vẫn sẽ luôn được nhắc đến vì những tranh cãi và vì những liên quan.

Chiếc áo Maradona mặc để thực hiện ‘Bàn tay của Chúa’ giờ ở đâu?

Chiếc áo Maradona mặc để thực hiện ‘Bàn tay của Chúa’ giờ ở đâu?

Chủ nhân chiếc áo Diego Maradona từng mặc khi ghi bàn thắng nổi tiếng "Bàn tay của Chúa” khẳng định ông sẽ không bán lại chiếc áo này cho bất kỳ ai hay tổ chức nào.

 

Nhà đấu giá được giao nhiệm vụ bán trái bóng “Bàn tay của Chúa” của Maradona cho biết, “hầu như mọi thứ đều có thể xảy ra” khi kỉ vật này sẽ được gõ búa chỉ trong hơn hai tuần tới.

Từ đấu giá trái bóng…

Trái bóng này được ước tính có giá khoảng 2,5 - 3 triệu bảng và như đã nói ở trên, đây là trái bóng sử dụng trong trận đấu giữa Argentina và Anh tại World Cup 1986 mà Maradona đã ghi 2 bàn thắng.

Maradona đã gây tranh cãi trong bàn thắng mở tỉ số trước thủ môn Peter Shilton của “Tam sư” tại Estadio Azteca ở Mexico City, trước khi thực hiện một màn solo thứ hai tuyệt vời với bàn thắng sau đó được bầu chọn là “Bàn thắng của thế kỉ”.

Điều đáng nói là chiếc áo đấu của ngôi sao người Argentina trong trận đấu đó, thuộc về tiền vệ người Anh là Steve Hodge, đã được bán với giá kỉ lục 7,1 triệu bảng trong cuộc đấu giá vào tháng 5/2022, trong khi người ta dự đoán con số này sẽ chỉ khoảng 4 triệu bảng.

Còn quả bóng của trận đấu giữa Argentina và Anh thuộc sở hữu của trọng tài người Tunisia là Ali Bin Nasser, người bắt chính trận đấu và sẽ được nhà đấu giá Graham Budd Auctions gõ búa vào ngày 16/11 tới.

Đại diện của Budd cho biết: “Chiếc áo đấu của Maradona đã được bán với giá 7 triệu bảng, vì vậy chúng ta chỉ đơn giản là không bao giờ biết điều gì sẽ xảy ra trong cuộc đấu giá. Tất cả các mức giá tốt nhất mà chúng tôi từng chứng kiến trong phiên đấu giá đều đạt bội số so với ước tính”.

Thực tế thì trái bóng của trận đấu giữa Argentina và Anh trở nên đặc biệt hơn vì nó liên quan đến những tranh cãi xung quanh bàn thắng của Maradona. Qua đời ở tuổi 60 vào tháng 11/2020, Maradona nhiều lần khẳng định bàn thắng mở tỉ số của ông được ghi “một chút với cái đầu của Maradona và một chút với bàn tay của Chúa”.

Gary Lineker, người giành Chiếc giày vàng năm 1986, đã rút ngắn tỉ số vào cuối trận đấu với bàn thắng thứ 6 của ông tại giải đấu, nhưng Anh vẫn bị loại với tỷ số 1-2, còn Argentina sau đó trở thành nhà vô địch thế giới sau chiến thắng trước Tây Đức trong trận chung kết.

Chú thích ảnh
Cho đến bây giờ, sau 36 năm, bàn thắng “Bàn tay của Chúa” của Maradona vẫn gây tranh cãi

 

 

Theo nhà bán đấu giá Budd vốn chuyên về các kỉ vật thể thao, mức giá của trái bóng chắc chắn sẽ vượt quá mức bán kỉ lục của họ, 420.000 bảng cho ngọn đuốc Olympic từ Thế vận hội năm 1952 ở Helsinki. Đại diện của Budd, nhà đấu giá trụ sở tại Wellingborough, Northamptonshire, Anh, cho biết: “Đó là một điểm nổi bật trong sự nghiệp Maradona, không còn nghi ngờ gì nữa. Đó là một kỉ vật hoàn toàn đặc biệt, trên bất cứ thứ gì mà chúng tôi đã được ủy quyền bán trước đây”.

“Đó là một trận đấu quan trọng trong lịch sử bóng đá được công nhận trên toàn cầu với ba bàn thắng: Một bàn thắng gây tranh cãi, một bàn thắng thiên tài và một bàn thắng của cầu thủ Anh đầu tiên giành được Chiếc giày vàng tại một kì World Cup. Đó chỉ là một trong những trận đấu có tất cả mọi thứ. Để có một quả bóng phù hợp, đó là một điều tuyệt vời khi có thể đưa ra thị trường”.

… đến khoảnh khắc gây tranh cãi đặc biệt

Nếu bàn thắng của Maradona ghi trong trận đấu giữa Argentina và Anh được VAR quyết định ngày nay, kết quả của trận đấu đó và World Cup 1986 có thể đã khác. Thế nên, không có gì ngạc nhiên khi hàng triệu người hâm mộ vẫn còn bức xúc về “Bàn tay của Chúa” của Maradona, khi 43% số người được hỏi nói rằng họ sẽ "không bao giờ tha thứ cho anh ta". Một cuộc thăm dò với 2.000 người yêu bóng đá cho thấy bàn thắng gây tranh cãi của cầu thủ người Argentina dẫn đầu danh sách những khoảnh khắc gây tranh cãi nhất World Cup có thể sẽ khác đi nếu có VAR.

Ngoài bàn thắng này có những khoảnh khắc đáng nhớ khác mà người hâm mộ tin rằng sẽ được hưởng lợi từ VAR, trong đó có cú sút xa qua vạch gôn của Frank Lampard trong trận gặp Đức năm 2010, nhưng đã không được đưa ra hợp lí. Và ở các trận đấu vòng loại, pha để bóng chạm tay - nhưng không bị trừng phạt - của Thierry Henry trong trận gặp Ireland năm 2009 đã được 28% người chọn.

Tuy nhiên, chỉ dưới 1/5 (19%) số người được hỏi nghi ngờ bàn thắng thay đổi trận đấu của Geoff Hurst trong trận chung kết năm 1966 mà đội tuyển Anh đã giành chiến thắng, có thể đã không được công nhận nếu có VAR.

Chú thích ảnh
Trái bóng trong trận Argentina-Anh 2-1 ở World Cup 1986 có thể được bán với giá 3 triệu bảng

Chuyên gia phân tích VAR và cựu trọng tài chuyên nghiệp Dermot Gallagher cho biết: “Là một người Ireland kiêu hãnh, quyết định gây tranh cãi nhất đối với tôi phải là pha để bóng chạm tay của Thierry Henry trong trận đấu với Ireland ở vòng loại World Cup 2009. Với VAR và kĩ thuật tốt tại chỗ, lỗi sẽ được thổi, đưa trận đấu đang hòa đến loạt sút luân lưu 11m".

Những tình huống gây tranh cãi khác ở World Cup mà người hâm mộ bóng đá nhớ lại có 2 bàn thắng tuyệt đẹp không được công nhận của Tây Ban Nha trong trận gặp chủ nhà giải đấu Hàn Quốc năm 2002 (19%).

Và 21% vẫn còn cay đắng về tình huống Jurgen Klinsmann của Tây Đức ăn vạ trong trận chung kết năm 1990, trận đấu khiến Monzon của Argentina bị đuổi khỏi sân. Hơn 6/10 (63%) số người được hỏi tin rằng VAR sẽ xóa bỏ hầu hết những bất công ở World Cup đã diễn ra trong những năm qua.

Tuy nhiên, 48% người nói rằng, mặc dù VAR có lợi thế, nó còn lâu mới trở thành một công cụ thực sự hữu ích khi nói đến các trận đấu được quyết định bởi trọng tài. Hạn chế lớn nhất mà người hâm mộ bóng đá thấy với VAR là họ không biết liệu một bàn thắng có thể được ăn mừng hay không, trong trường hợp bàn thắng bị đánh dấu vì một số vi phạm không nhìn thấy (28%).

28% khác cho rằng nó đang được sử dụng vì những lý do “sai trái” - như cố gắng đánh giá xem một quả bóng ném có cố ý hay không, thay vì một quyết định đen trắng như một quả bóng đã vượt qua vạch vôi. Và 19% tin rằng không thể giải quyết bất kì cuộc tranh luận nào, VAR thực sự dẫn đến nhiều tranh luận hơn giữa các chuyên gia sau trận đấu.

Nghiên cứu cũng cho thấy trong một trận đấu World Cup điển hình, người hâm mộ sẽ không đồng ý với quyết định của trọng tài tới 4 lần. Và đáng kinh ngạc 36% người thậm chí tin rằng họ có thể làm trọng tài một trận đấu ở cấp độ cao nhất - vòng chung kết World Cup.

Mạnh Hào

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm